Mùa hè – mùa "tận thu"?
Nghỉ hè – học kỳ III
Ngay khi học kỳ II kết thúc, thay vì cho con trẻ nghỉ ngơi, xả hơi sau một năm học tập vất vả, nhiều bậc phụ huynh lại lên kế hoạch học tập “học kỳ 3” với một loạt các môn có khi còn dày hơn cả 2 học kỳ chính thức.
Với không ít trẻ, kỳ nghỉ hè trở thành học kỳ thứ 3 khi các em vẫn tiếp tục đèn sách, nhồi nhét kiến thức với đủ lý do xuất phát từ bố mẹ. Tâm lý chung, họ lo lắng con chơi hè quên kiến thức nên phải liên tục củng cố. Có phụ huynh lại đặt ra mục tiêu năm tới con phải giành được kết quả học nhất lớp hay thi vào trường này trường nọ.
Học hè còn hơn học chính |
Ở nhiều nhà thiếu nhi trong thành phố, nơi trẻ đến chủ yếu để vui chơi trong dịp hè thì một số trẻ được bố mẹ “nhét” vào các lớp học thêm như luyện chữ, học toán thông minh… Có em mặt rầu rĩ bước vào lớp học, nhìn các bạn vui chơi mà không khỏi thòm thèm.
Vừa vào hè, chị Nguyễn Mỹ Dung (Cầu Giấy, Hà Nội) đã “xông” đi tìm lớp học hè cho cậu con trai 6 tuổi, từ Văn, Toán, tiếng Anh đến các môn nghệ thuật như đàn, nhạc, bơi, võ thuật… và mời gia sư về tận nhà dạy thêm cho con. Chị muốn con trai vào được trường chuyên có tiếng nên thấy cần thiết phải luyện từ bây giờ, sợ vào học cháu không theo kịp các bạn trong lớp, thêm vào đó, chị cho biết trong năm co bận học chính khóa không có điều kiện học thêm nâng cao nên dịp anh, gia đình muốn con mình được học sâu, học toàn diện.
Vì thế, lịch học của cháu Khánh – con trai chị Dung kín mít từ sáng thứ 2 cho tới tối chủ nhật, mỗi lần nhìn thấy sách vở, bài tập là cháu ỉu xìu. Cháu nói: “Nếu cháu học chăm thì mẹ mới cho xem phim hoạt hình, các bạn cháu ai cũng thế cả”.
Thời gian nghỉ của hai cháu nhà anh Vinh trong cả ngày hè chỉ là mấy phút hiếm hoi chơi máy tính, xem ti vi vào lúc chiều tối, trong khi chờ… cô gia sư đến.
Anh Nguyễn Khánh Hòa (Hoàn Kiếm, Hà Nội) tuần nào cũng đều đặn đưa con đến trung tâm để học môn Toán thông minh. Anh chia sẻ: “Cháu có năng khiếu nên tôi muốn con được phát triển nhưng khi vào lớp cháu cũng vùng vằng lắm. Trẻ con mà, mấy đứa thích học thêm đâu nên mình cũng phải dỗ ngọt hoặc cứng rắn chúng mới chịu”.
Anh Hòa cho biết: “Cũng chỉ vì muốn cháu bằng bạn bằng bè, chứ bố mẹ nào lại muốn con học đến mức “hoa mắt chóng mặt” đâu. Cháu mà không học thì vào năm điểm kém, sau thi cử làm sao. Nhìn cháu học hành ngày đêm, bố mẹ cũng thương lắm nhưng tất cả là vì con cái, giờ chịu khó một tý, sau sẽ nhàn”.
Mỗi lần đi học, con trai anh Hòa phải “cõng” chiếc cặp nặng trịch với lịch học dày đặc không kém trong năm, khóc mếu, vùng vằng, bố mẹ thì lôi lôi kéo kéo, nhiều lúc cháu còn mếu máo: “Cho con nghỉ hôm nay thôi, con sợ đi học lắm, con muốn về quê chơi”… Nhiều phụ huynh than thở: “Con đi học hè mà bố mẹ cũng khổ không kém, nịnh nọt, quát nạt con cũng không ổn, bởi cháu phải đi học lúc bạn bè được chơi đùa đã là thiệt thòi cho cháu lắm rồi”.
Bên cạnh đó, nhiều gia đình bận rộn không thể trông con vào dịp hè nên coi các lớp học hè và các thầy cô giáo như “bảo mẫu” trông con cả ngày.
Mùa hè của học sinh trôi qua trong những lớp học thêm |
Chị Nguyễn Thị Liên (Xã Đàn, Hà Nội) cho biết: “Vợ chồng tôi đều làm ở ngân hàng, đi làm từ sớm đến tối mịt mới về nên chẳng có ai trông con. Nghỉ hè thì chỉ vài tháng, cho cháu chơi thì lại hổng kiến thức, vào năm không theo kịp các bạn, học kém đi thì cũng chết”.
Vì thế chị đăng ký cho con theo học các lớp của Cung Thiếu nhi, từ họa, nhạc đến bơi lội, ngoài ra chị còn tìm gia sư và các trung tâm tiếng Anh, trung tâm dạy kỹ năng sống để cháu theo học trong dịp hè. Chỉ vì bất đồng quan điểm về chuyện học hè của con mà chị Liên và chồng “lục đục” nhiều lần, chồng chị muốn cho con về quê chơi, thăm ông bà và thay đổi không khí, nhưng chị Liên phản đối: “Cho cháu về thì chỉ chơi thôi, còn ở Cung thiếu nhi, các cháu vừa được chơi, vừa được học. Ở quê nắng nôi, không ai quản lý thì cháu lại lêu lổng, ốm đau thì chỉ khổ bố mẹ. Đi học còn có các cô trông cho, tôi yên tâm lắm, học hè chỉ có lợi thôi”.
Kết quả là lịch học của con gái chị Liên kín mít từ tinh mơ đến tối mịt, cháu học không có thời gian nghỉ ngơi, cả ngày chỉ biết học và học. Học kỹ năng sống, học nghệ thuật, học các môn chính chiếm hết thời gian cả ngày của cháu, nhưng không làm cháu thông minh, giỏi giang hay có kỹ năng tốt hơn mà càng khiến cháu thu mình, ít nói, cả ngày làm bạn với sách và vở.
Chính những mong muốn của cha mẹ, thậm chí bởi “phong trào” đi học hè nên vô tình, nhiều bậc phụ huynh đã “cướp” đi tuổi thơ của con mình, không cho trẻ nghỉ ngơi, giải lao sau một năm học tập vất vả.
Mùa hè – mùa tận thu
Bên cạnh những giáo viên có tâm, không ép học sinh học thêm, học hè cũng có một bộ phận giáo viên chỉ mong đến hè để “tận thu”.
Lấy lý do là “đáp ứng nhu cầu của phụ huynh”, nhiều giáo viên tổ chức các lớp học thêm vào hè để “vừa có chỗ để bố mẹ gửi con, vừa bổ sung kiến thức cho năm học mới”. Các bậc phụ huynh vì mong muốn con có môi trường học tập tốt nhất cũng “đổ xô” đăng ký các lớp học này cho con.
Nhưng thay vì củng cố lại các bài học của năm cũ, bồi đắp nền tảng kiến thức cho vững chắc và tạo tiền đề cho học sinh bước vào năm học mới, nhiều giáo viên dạy luôn các bài học của năm sau vào dịp hè. Chính điều này khiến phụ huynh và học sinh trông chờ vào những tháng học hè hơn là hai kỳ học chính khóa.
Chị Nguyễn Lan Anh (Đại La, Hà Nội) cho biết: “Cô giáo dạy nhiều kiến thức mới để vào năm học chỉ bồi dưỡng thêm và học nâng cao. Cả lớp đi học chẳng nhẽ con mình không đi, không học cô thì vào năm làm sao hiểu kịp để nâng cao được. Thương con học vất vả những cũng vừa dỗ vừa nịnh con đi học hè. Bây giờ một năm có 3 kỳ học, mà kỳ nào cũng quan trọng như nhau”.
Không chỉ tổ chức các lớp học hè tại gia đình, nhiều giáo viên còn trực tiếp gợi ý cho phụ huynh đưa con tới các lớp học hè này để tránh trường hợp “kém hơn các bạn”.
Bên cạnh việc học, trẻ em cần được vui chơi |
Anh Nguyễn Khánh An (Ba Đình, Hà Nội) chán nản: “Năm vừa rồi cô giáo nhận xét thằng bé nhà tôi học không vững, nếu không bồi đắp trong dịp hè thì cháu có khả năng chỉ được học sinh khá”. Thế rồi anh được cô giáo “gợi ý” cho cháu học tại lớp học hè cô tự tổ chức để bồi dưỡng lại những kiến thức “hổng”, giúp các cháu vào năm học tập chất lượng hơn.
Không suy nghĩ nhiều, vợ chồng anh bàn nhau cho con đi học ngay sau khi kết thúc năm học chính. Đến khi con trai học được vài buổi, anh chị mới biết là cô chỉ dạy kiến thức của năm học mới chứ không bồi dưỡng hay ôn tập gì cả. Thấy con học mệt mỏi, anh chị bàn nhau cho cháu nghỉ học để về quê thăm ông bà thì cháu lắc đầu quầy quậy: “Các bạn đều học cả, không học cô thì không được điểm cao đâu”.
Anh chị đành nhìn nhau chán nản, đành cho con học tiếp vì sợ cô “trù úm”, thiên vị. Anh An than thở: “Học phí không hề rẻ, mà cháu thì học đến mụ mị cả người, tôi sợ học kiểu này có ngày cháu tự kỷ mất thôi. Thế mà không dám góp ý với cô, cô giáo dỗi không dạy thì lại khổ con mình”.
Không ít phụ huynh thường than, chương trình học của con quá tải nhưng đôi khi chính họ vì những mục tiêu của mình mà tăng tải cho con. Trong năm, họ hay lo ngại con mình không học thêm sẽ bị giáo viên “đì” thì những ngày hè, áp lực đó không còn, họ vẫn “rào rào”… tìm lớp cho con học. Các trung tâm bồi dưỡng, trung tâm gia sư, dạy thêm… đều tăng công suất trong ngày hè để đáp ứng cho nhu cầu phụ huynh cho con học thêm.
Hoặc các trò chơi dân gian, phát huy tính sáng tạo của trẻ |
Nhiều chương trình hoạt đồng hè của một số trường học, trung tâm đã tăng cường phần vui chơi thay cho chủ yếu chỉ dung nạp kiến thức như trước đây rất đáng khuyến khích cũng bị một số phụ huynh chê... chơi nhiều quá. Chính mong muốn của người lớn lại vô tình cướp đi tuổi thơ hồn nhiên của trẻ, tạo áp lực quá lớn có thể khiến trẻ mắc các bệnh về tâm lý nặng nề.
Vì vậy, nhiều nhà nghiên cứu khuyến cáo “các khóa học hè là tốt nếu trẻ em được hỏi ý kiến và thực sự muốn tham gia. Nếu chỉ vì muốn có chỗ trông con mà ép con tham gia các khóa học này sẽ phản tác dụng”.
Thay vì “dồn” con vào các lớp học hè, phụ huynh nên cho trẻ về quê để giáo dục tình yêu con người, thiên nhiên cho trẻ. Điều này giúp trẻ phát triển toàn diện khả năng sáng tạo trí tuệ , chỉ có biết rõ và cảm nhận về những điều xung quanh mình, trẻ mới phát triển được hết các khả năng trong học tập.
Dù sao, tuổi thơ đến rồi cũng sẽ qua. Các bậc phụ huynh hãy cho con mình những mùa hè ý nghĩa, giúp con tích cóp kỷ niệm, những ký ức tuổi thơ đẹp trong hành trang vào đời.
Vương Tâm
-
Quảng Nam: Các hồ thủy điện theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lớn để chủ động điều tiết nước
-
Quảng Nam: Nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng do mưa lớn kéo dài
-
Tử vi ngày 24/11/2024: Tuổi Mão mở rộng đầu tư, tuổi Dậu tài chính suôn sẻ
-
Thú sưu tầm đồ bằng bạc lên ngôi
-
[P-Magazine] Kỳ I: Ý thức giữ gìn môi trường biển của những người kỹ sư lọc dầu
- Tử vi ngày 24/11/2024: Tuổi Mão mở rộng đầu tư, tuổi Dậu tài chính suôn sẻ
- Tử vi ngày 23/11/2024: Tuổi Sửu chứng minh năng lực, tuổi Thân gặt hái thành công
- Tử vi ngày 22/11/2024: Tuổi Tý thể hiện khả năng, tuổi Ngọ tinh thần hăng hái
- Tử vi ngày 21/11/2024: Tuổi Tỵ thành quả xứng đáng, tuổi Dần vị thế nổi bật
- Tử vi ngày 20/11/2024: Tuổi Mão cơ hội tiềm năng, tuổi Dậu ứng biến nhanh nhạy
- Tử vi ngày 18/11/2024: Tuổi Mùi đào hoa nở rộ, tuổi Thân vận may tìm đến
- [Chùm ảnh] Đà Lạt một sớm bình yên
- Tử vi ngày 17/11/2024: Tuổi Tuất xác định mục tiêu, tuổi Dậu sự nghiệp hanh thông