Một ngày đồng hành cùng người thợ điện
Xử lý sự cố trong đêm tại vị trí xe cẩu không đến được và được người dân hỗ trợ xe vận chuyển |
Vào một ngày hè, tôi có dịp cùng các anh em công nhân sản xuất trực tiếp ra đến hiện trường làm việc. Vừa xuống xe, chào đón tôi là cái nắng nóng đến rát da của mặt trời cùng những cơn gió biển mang theo cả cát và bụi. Trong lúc tôi còn chưa thích nghi được với thời tiết khắc nghiệt tại đây thì các anh đã chuẩn bị gọn gàng trang thiết bị, đồ nghề, dụng cụ an toàn để chuẩn bị tiến hành bám trụ và xử lý sự cố. Đưa tay quệt mồ hôi ướt đẫm trên mặt, anh Nguyễn Ngọc Phát - Công nhân Đội Quản lý đường dây và trạm cẩn thận ôm cột, thoăn thoắt trườn mình lên tới đỉnh. Trưa nay, anh và đồng nghiệp bằng mọi giá phải thực hiện xong nhiệm vụ cuối cùng là nối đoạn dây gặp sự cố. Với anh Phát, kinh nghiệm bao năm trong ngành điện nên việc leo cột điện, luồn lách giữa đám dây chằng chịt là công việc đã quá đỗi quen thuộc. Đến nỗi, anh còn cười bảo rằng, ngày nào mà không ôm trụ thì ngày đó anh lại thấy thiếu cảm giác thân quen.
Cách chỗ anh Phát làm việc không xa, những thành viên khác của đội cũng đang miệt mài kéo dây hỏng, bó lại cho gọn. Khuôn mặt ai cũng nhễ nhại mồ hôi, đỏ gay vì thời tiết nóng rát. Tôi đã phần nào cảm nhận được sự khắc nghiệt của người "làm điện" miền Trung khi phải phơi mình ngoài trời dưới cái nóng lên tới 39 độ C. Anh Trần Đăng Giang - Đội trưởng chia sẻ: “Trong thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng cao như hiện nay thì nhu cầu sử dụng điện của khách hàng cũng tăng dẫn đến tình trạng quá tải và có thể gây sự cố nhảy aptomat, cháy nổ, đứt dây, ... nên các anh em công nhân luôn phải trong trạng thái sẵn sàng tâm thế trực chiến, gọi là lên đường”. Không chỉ làm việc ban ngày, trong đợt cao điểm, đội ngũ công nhân điện lực được huy động cả vào ban đêm. Nếu như trưa nắng, công nhân phải đối mặt với khắc nghiệt của thời tiết, thì về đêm thực chất mới là những giờ phút căng thẳng nhất khi phải làm việc với điều kiện thiếu sáng nên rất dễ gặp các nguy cơ tiềm tàng như côn trùng, rắn rết,...
Hầu như đêm nào, các công nhân Đội cũng đi rà soát để kiểm tra từng điểm có nguy cơ sắp quá tải, từ đó phân bố san tải để tránh sự cố. Mùa nắng nóng, cao điểm tiêu thụ điện diễn ra từ 21h đến 00h, trong đó sử dụng nhiều nhất sẽ rơi vào khoảng thời gian từ 22h đến 23h vì các hộ gia đình tăng cường sử dụng điều hòa, quạt điện, quạt nước, máy làm mát… Do đó, sự cố điện thường có khả năng xảy ra nhất vào giữa đêm. “Bắt đầu vào mùa nóng, có hôm suốt đêm, chúng tôi vừa giải quyết sự cố nhảy aptomat ở chỗ này chưa xong, lại nhận được tin trên địa bàn lại có nơi khác cũng đang mất điện. Anh em ai cũng bảo ban, động viên nhau cố gắng làm hết mình. Tất cả cùng một lòng quyết tâm phải nhanh chóng xử lý dứt điểm sự cố vì mất điện đêm, người dân mất ngủ, khổ nhất là trẻ con và người già”, anh Giang kể.
Chỉ trong một ngày theo chân các anh mà tôi đã học hỏi được rất nhiều điều hay. Ngoài việc đối mặt với thời tiết, các anh còn phải đối mặt với sự khó chịu của người dân. Đối với người dân, không có gì khiến họ dễ nổi cáu hơn lúc trời nắng nóng đỉnh điểm mà lại bị mất điện, không thể chạy các thiết bị làm mát. Vì vậy, khi đối đối mặt với những “cái đầu nóng”, người công nhân ngành điện phải có kỹ năng ứng xử một cách khéo léo và mềm mỏng nhằm xoa dịu, giúp họ hiểu, cảm thông và mở lòng hơn với khó khăn của nghề. Anh Phát chia sẻ: “Có nhiều khách hàng chưa thật sự hiểu cái khó của chúng ta và có lúc họ không giữ được bình tĩnh, họ nặng lời với mình. Đặt mình vào vị trí của khách hàng thì mình cũng hiểu được cảm giác đó, nên cho dù thế nào việc chúng ta có thể làm cũng ân cần giải thích và cố gắng khắc phục sự cố đồng thời cấp lại nguồn điện cho người dân một cách nhanh nhất mà thôi”. Tuy nhiên, cũng có không ít những người dân thấy được sự vất vả của các anh, có người cho vài viên đá lạnh, có người cho gói trà, người cho vài bịch bánh. Có hôm, còn có những anh thanh niên phụ kéo dây, phụ chặt những nhánh cây làm vướng dây dù đó có là cây họ tự trồng.
Mặc cho cái nắng cái nóng cùng những giọt mồ hôi chảy dài trên những khuôn mặt rám nắng, các anh vẫn làm việc miệt mài. Mỗi người khi “bám trụ” đều phải trang bị đầy đủ dụng cụ an toàn, đồ nghề và kèm theo là một chai nước vắt bên hông. Khi cái nắng về trưa càng tăng cao, mắt tôi dường như còn không thế mở nổi thì các anh vẫn phải cố gắng làm việc qua trưa, đến hơn 13h để hoàn thành tiến độ, kịp thời cấp điện trở lại cho khách hàng. Anh Phát tâm sự: “Nắng nóng, nhiều lúc cũng đuối quá muốn leo xuống nghỉ chút nhưng lại nghĩ đến việc sẽ làm chậm trễ thời gian đóng điện lại cho khách hàng thì lại thôi. Nhà mình mất điện có 5 phút đã không chịu được thì khách hàng cũng vậy nên phải cố gắng làm cho xong”.
Khoảng nghỉ của các anh chỉ là 10 phút ngắn ngủi di chuyển giữa các trụ. Cả người nhễ nhại mồ hôi, khuôn mặt đỏ gay dần chuyển sang sạm khi vào trong mát ngồi nghỉ, các anh uống vội ngụm nước và lại tiếp tục công việc. Cứ như vậy cho đến khi xong phần việc và đóng điện lại cho khách hàng. Trưa cũng chỉ ăn vội mỗi người 1 hộp cơm, nhưng phải cử người đi mua vì hiện trường không ai bán, khi mang được hộp cơm về thì cơm cũng đã nguội tự bao giờ. Tôi hỏi, sao các anh không chạy đi ăn cho nóng?!. Anh Giang tâm sự: “Tranh thủ đi mua cơm ngồi nghỉ ngơi được chút nào hay chút đó, ăn sao cũng được cho nhanh còn làm còn đóng điện lại cho người dân rồi chiều về ăn cơm với vợ con là vui rồi!”.
Theo các anh cả một ngày hè, chứng kiến sự tận tâm không ngại khổ khiến tôi cảm thông hơn với sự vất vả của những đồng nghiệp áo cam. Bất chợt, nghĩ đến những hình ảnh ngâm mình dưới dòng nước lạnh, oằn mình khắc phục lưới điện sau sự cố giống lốc, mưa bão, tôi lại chạnh lòng.
Liên Hiệp
-
Thúc đẩy phát triển các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi và điện hạt nhân
-
Khám phá các giải pháp năng lượng thông minh của Eaton tại VIMF 2024
-
Cần luật hóa chi tiết các mục tiêu bảo vệ môi trường trong hoạt động điện lực
-
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long: Giá điện khí LNG cần phải theo cơ chế thị trường
-
Đóng điện máy biến áp thứ 2 Trạm biến áp 220kV Thủy Nguyên: Tăng cường đảm bảo điện cho TP Hải Phòng