Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Tung tin bắt cóc trẻ em:

Một cách “câu like” vô đạo đức

07:06 | 17/04/2016

Theo dõi PetroTimes trên
|
Thời gian gần đây, trên mạng xã hội Facebook liên tục rộ lên tình trạng đăng thông tin không đúng sự thật về các vụ bắt cóc trẻ em trên toàn quốc với nhiều thủ đoạn như bắt cóc tại trường học, bắt cóc trên đường, dùng thuốc gây mê... gây hoang mang, lo lắng trong dư luận xã hội, đặc biệt đối với các gia đình có con nhỏ.

Bên cạnh một số ít người đăng tin một cách vô thức  đa phần, các cá nhân sử dụng Facebook cá nhân đăng tin thất thiệt đều nhằm mục đích câu like, câu view để “nổi tiếng” hoặc để tranh thủ quảng cáo, bán hàng qua mạng...

Những vụ bắt cóc trẻ em gây hoang mang

Sáng 11-4, cộng đồng Facebook lan truyền status khá ly kỳ của một phụ nữ có nick “Huyền Trứng” kể chuyện suýt bị bắt cóc đứa con nhỏ khi đi xe khách.

Theo chủ tài khoản Facebook này thì ngày 10-4, cô đưa con gái khoảng hơn 1  tuổi đi xe khách tới Bệnh viện Đa khoa Hải Dương thăm bà. Khi về muộn do hết xe Hưng Yên nên phải bắt xe tuyến Hà Nội - Hải Dương về khu vực Quán Gỏi. Trên xe, có một đôi vợ chồng khoảng ngoài 40 tuổi ngồi cạnh hai mẹ con. Người đàn ông cho tay vào túi áo ngực làm động tác như vân vê cái gì đó, theo mô tả của Huyền Trứng thì “giống như moi tiền hay thuốc lá vì kêu xoèn xoẹt như kiểu vo tờ tiền”.

Hành động này được Huyền Trứng cho rằng: “Giờ thì em có thể khẳng định là thằng cha í làm như thế để bay hơi thuốc mê sang em, xong hồi lâu ông ta móc ra 1 cái kẹo cho vào mồm ăn”. Khi mùi kẹo xộc vào mũi, Huyền Trứng cảm thấy trong người khác lạ, tự nhiên tim đập nhanh, khó thở, chân tay bủn rủn, chóng mặt như sắp ngất. Bà mẹ trẻ cho rằng trước đó đã đọc tin về việc bị đánh thuốc mê, khi ngất sẽ bị đối tượng nhận là người nhà để bế đứa trẻ đi hoặc cả người bị ngất đi nên cô vội vàng bế con lên phía đầu xe, xin phụ xe chai nước để uống rồi vẩy vào mặt cho tỉnh, lấy nhánh tỏi trong túi quần ra ngửi và đề nghị phụ xe giúp đỡ đưa hai mẹ con xuống bến xe, bắt taxi về nhà.

Để khẳng định rằng câu chuyện kể là có thật, Huyền Trứng viết: “Em thề và em khẳng định mình bị đánh thuốc mê nhé vì lúc í tay em tự nhiên run bần bật  đến độ không mở nổi chai nước, tay kia ôm chặt con cũng run hết cả lên, mặt mũi tối sầm lại. Chị ngồi đối diện nhìn em bảo bị làm sao, trúng gió à mà mặt tái xanh đi như thế kia...”.

Cuối câu chuyện, Huyền Trứng nói rằng từ giờ sẽ không dám đưa con đi đâu khi chỉ có một mình vì có thể sẽ trở thành nạn nhân của bọn buôn người. Kèm theo status là bức ảnh hai mẹ con với gương mặt đều lộ vẻ sợ hãi.

Sau khi status được đăng tải, có nhiều người like, comment hỏi thăm. Song cũng không ít người tỏ thái độ hoài nghi, cho rằng câu chuyện trên là một cách để chủ nhân nick Huyền Trứng câu like vì cô này đang bán trứng, hoặc chuẩn bị kinh doanh quần áo, mỹ phẩm online. Nhiều người còn tỏ thái độ bực dọc, bất bình khi bà mẹ này đã dùng đứa con để câu like và bóc mẽ câu chuyện bị đánh thuốc mê là hết sức phi lý bởi người đàn ông được tình nghi là kẻ có âm mưu bắt cóc ăn kẹo thì không sao, trong khi Huyền Trứng ngửi thấy hơi kẹo lại suýt ngất.

Chưa biết mục đích đăng tải câu chuyện nghi vấn bắt cóc trẻ em bằng thuốc mê của Huyền Trứng là gì nhưng theo Thượng tá Đinh Gia Quyết, Phó trưởng phòng Kỹ thuật hình sự - Công an TP Hà Nội phân tích, trường hợp bà mẹ này bị đánh thuốc mê như cách mà cô ta kể bất hợp lý ở chỗ, trong môi trường kín như xe khách, khi có thuốc mê phát tán trong không khí thì không chỉ có Huyền Trứng mà một số người xung quanh sẽ bị ảnh hưởng, nhất là cháu bé mà bà mẹ này đang bế. Chỉ một chi tiết đó thôi cũng đủ để mọi người kiểm chứng, tin hay không tin câu chuyện ly kỳ của bà mẹ trẻ này.

Câu chuyện nghi vấn bắt cóc trẻ em bằng thuốc mê của Facebook “Huyền Trứng” chỉ là một trong vô số những thông tin liên quan đến bắt cóc trẻ em được tung lên mạng xã hội Facebook “nở rộ” trong thời gian gần đây, gây hoang mang, lo lắng trong dư luận xã hội, đặc biệt gây tâm lý bất an đối với các gia đình có con nhỏ. Kèm theo status kể chuyện bắt cóc trẻ em, những người đăng tải còn dẫn đường link một số clip quay cảnh cướp giật trẻ em trên đường phố, những bức ảnh minh họa hành vi bắt cóc trẻ khiến người đọc tin rằng chuyện bắt cóc trẻ em là có thật.

mot cach cau like vo dao duc
Những thông tin bắt cóc trẻ em trên mạng xã hội trong thời gian qua đều không đúng sự thật.

Trong những tháng đầu năm 2016, tại TP Hồ Chí Minh rộ lên thông tin về một loạt vụ nghi vấn bắt cóc trẻ em được lan truyền trên mạng xã hội gây tâm lý bất an cho các bậc phụ huynh. Như ngày 28-2, chị Nguyễn Kim Phượng ở đường Pasteur có con gái 7 tuổi là cháu Lưu Ngọc Kim Ngân đi mua bánh mì tại đường Đề Thám. Sau nửa giờ không thấy con về, chị Phượng đi tìm. Cháu bé sau đó cũng đã về nhà và kể có một nam thanh niên rủ cháu lên xe máy, được một đoạn thì xe hỏng nên cháu tự đi bộ về.

Tiếp đó ngày 18-3, có thông tin chị Nguyễn Thị Bé Hai (35 tuổi) vừa đón con từ trường mầm non Anh Tú (quận Tân Bình) thì có 2 thanh niên lạ mặt chạy xe máy qua vờ hỏi đường rồi bất ngờ bế thốc cháu trai 5 tuổi, con của chị Bé Hai lên xe rồ ga tháo chạy. May chị Hai quyết liệt chống cự nên đã giành được cháu bé.

Đến ngày 21-3, chị H.L. chia sẻ câu chuyện một bé gái sau khi tan học trước cổng trường Đặng Thùy Trâm bị một nam thanh niên cùng một phụ nữ dụ dỗ lên xe. Sau khi lấy đi đôi  bông tai và sợi dây chuyền bạc, hai đối tượng đã bỏ cháu bé lại trong một con hẻm gần cầu Nhị Thiên Đường. Cháu bé sợ hãi khóc và được người dân giữ lại, báo tin về cho gia đình.

Trước những thông tin trên, Công an TP Hồ Chí Minh đã tổ chức điều tra, xác minh, xác định không có vụ bắt cóc nào xảy ra trên địa bàn. Ngay cả những vụ việc mà người dân trình báo thì cũng chưa có dấu hiệu tội phạm.

Ngay sau khi Công an TP Hồ Chí Minh lên tiếng xác định việc tung tin bắt cóc trẻ em là thất thiệt thì tại tỉnh Long An, dư luận lại tiếp tục xôn xao, lo lắng trước thông tin  vụ bắt cóc bé trai 5 tuổi  khi đi chợ với mẹ tại thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành, được một cô giáo mầm non đưa lên trang Facebook cá nhân. Theo đó, ngày 21-3, cô M.H., một cô giáo dạy trường mầm non tư thục tại thị trấn Tầm Vu đã chia sẻ câu chuyện một bé trai 5 tuổi theo mẹ đi chợ thị trấn Tầm Vu, trong lúc người mẹ mải mua trái cây, cháu bé bị một thanh niên dụ dỗ, bắt lên xe chở đi. Bị người mẹ phát hiện, tên bắt cóc thả cháu bé xuống, bỏ chạy về hướng thành phố Tân An.

Ngay sau khi đăng tải, clip đã thu thút được trên 35.000 lượt xem và trên 1.000 lượt chia sẻ trên mạng kèm bình luận bày tỏ sự lo lắng, hoảng sợ trước hành vi bắt cóc trẻ em công khai, trắng trợn như vậy. Do clip được đăng tải từ Facebook cá nhân của một cô giáo mầm non nên vụ việc khiến người xem càng tin tưởng là có thật.

Ngay lập tức, Cơ quan Công an đã vào cuộc điều tra. Kết quả, thông tin mà cô giáo M.H. tung lên mạng là không đúng sự thật. Mẹ cháu bé trong clip cho biết, ngày 21-3 chị có chở con đi chợ, có một thanh niên đứng gần nhưng không làm gì và không có chuyện bắt cóc cháu bé.

Tại Cơ quan Công an, cô giáo M.H. thừa nhận việc đưa thông tin vụ “bắt cóc hụt” là nhằm mục đích cảnh báo nhưng không ngờ sự việc lại đi quá xa như vậy. Hiện Công an tỉnh Long An đang lập hồ sơ để có hình thức xử phạt nghiêm đối với cô giáo tung tin thất thiệt này.

Tương tự như vậy, ngày 12-3 vừa qua, Phòng PC45 Công an tỉnh Thái Nguyên cũng đã ra quyết định xử phạt hành chính Nguyễn Sơn Tùng (31 tuổi, ở thành phố Thái Nguyên) mức phạt 12,5 triệu đồng vì đăng thông tin bắt cóc trẻ em sai sự thật trên tài khoản Facebook cá nhân. Trước đó, trên trang Facebook có tên “Tùng Lò Gạch”, Nguyễn Sơn Tùng đã đăng thông tin về tình trạng bắt cóc trẻ em tại khu vực gần một trường mầm non kèm theo khuyến cáo về việc bắt cóc trẻ em để lấy nội tạng. Bài viết của Tùng được hơn 2.700 lượt chia sẻ trên mạng xã hội, khiến dư luận hết sức hoang mang.

Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Sơn Tùng khai nhận sau khi thu thập thông tin qua tin đồn đã tung lên mạng chứ thực tế chưa tiếp xúc một trường hợp cụ thể nào.

Cộng đồng mạng cần tẩy chay các hành vi lợi dụng đăng tin thất thiệt

Theo lãnh đạo Cục Cảnh sát hình sự (C45) - Bộ Công an, trước những tin đồn về bắt cóc trẻ em tại nhiều địa phương trên toàn quốc được lan truyền trên mạng xã hội và trong dư luận, cơ quan chức năng đã vào cuộc xác minh, khẳng định đó chỉ là thông tin thất thiệt, không đúng sự thật.

Đại diện Cục C45 cũng khẳng định đến nay, không có vụ bắt cóc trẻ em nào như những thông tin được một số cá nhân đăng tải trên mạng. Tùy theo mức độ vi phạm, người đăng tin đồn thất thiệt sẽ bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.

Theo Thượng tá Hà Thị Hằng, Phó trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về công nghệ cao (PC50) Công an Hà Nội, những thông tin liên quan đến việc bắt cóc trẻ em chưa được kiểm chứng được một số cá nhân đưa lên mạng Facebook trong thời gian qua,  thậm chí tung tin sai sự thật không chỉ gây hoang mang, lo lắng trong dư luận xã hội mà còn gây mất thời gian, công sức của Cơ quan Công an khi xác minh, làm rõ sự thật.

Điều đáng lên án là ngoài một số người đưa thông tin một cách vô thức hoặc do nhận thức còn hạn chế thì hành vi lợi dụng mạng xã hội để tung tin thất thiệt, tin giật gân nhằm mục đích câu like, thu hút quảng cáo, tăng lượng truy cập cho những trang Facebook bán hàng online đang có xu hướng lan truyền như một “bí quyết” của những người kinh doanh vô đạo đức.

Đầu năm 2016, Phòng PC50 cũng đã phối hợp PC45 Công an Hà Nội xử phạt hành chính 12,5 triệu đồng đối với một phụ nữ kinh doanh quần áo online đăng tin thất thiệt về vụ bắt cóc trẻ em tại Hà Đông (Hà Nội) gây hoang mang trong nhân dân.

Thượng tá Hà Thị Hằng nhận định, việc tung tin thất thiệt trên mạng xã hội Facebook thường nhằm vào những vấn đề “nóng” trong xã hội được mọi người quan tâm như dịch bệnh nguy hiểm, bắt cóc trẻ em... Thậm chí một số vụ án được dư luận quan tâm đang trong quá trình điều tra, truy bắt thủ phạm cũng được các đối tượng lợi dụng tung tin đã bắt được thủ phạm để câu like, câu view.

Thượng tá Hằng cho rằng, bên cạnh công tác điều tra, xác minh và xử lý nghiêm các hành vi đăng tải thông tin sai sự thật gây hoang mang trong dư luận của các cơ quan chức năng, thì bản thân người dùng Facebook có ý thức, có trách nhiệm, có đạo đức với những gì mình viết và đăng trên mạng xã hội. Khi đã tham gia vào mạng xã hội, người dùng Facebook cần  nêu cao tinh thần vì cộng đồng chứ không thể muốn làm gì thì làm để rồi gây hậu quả cho cộng đồng mạng và xã hội. Nâng cao cảnh giác, đăng thông tin cảnh báo mọi người trước các phương thức, thủ đoạn của tội phạm là việc làm cần thiết, song thông tin phải đúng, chính xác.

Mặt khác, người dùng Facebook cũng cần tỉnh táo, biết sàng lọc thông tin, không nên dẫn lại những câu chuyện của người khác khi thông tin chưa được kiểm chứng, chưa được cơ quan có thẩm quyền xác thực. Không nên lệ thuộc vào Facebook mà chỉ nên coi đó là một kênh thông tin để tham khảo chứ không phải thông tin chính thống.

Cộng đồng Facebook cũng cần phân biệt, tẩy chay những trang Facebook lợi dụng tung tin thất thiệt nhằm mục đích quảng cáo, bán hàng bởi đây là hành vi vô đạo đức, kiếm tiền trên nỗi đau của người khác. Trước sự ảnh hưởng sâu rộng của mạng xã hội hiện nay, những thông tin thất thiệt như vậy còn “vô tình” làm mất đi những giá trị tốt đẹp của mạng xã hội, khiến cho Facebook đúng là “cuộc sống ảo” như người ta thường nói.

Hương Vũ

Công an nhân dân