Mỗi ngày một tiến sĩ!
Một đợt sắp xếp hệ thống phòng ban của UBND Thành phố đã dôi ra 26 phó trưởng phòng không thể bố trí việc gì đúng chức danh nên thành phố đành động viên số này làm chuyên viên nhưng vẫn được hưởng nguyên lương và phụ cấp như cũ. Giảm quyền thôi chức nhưng nguyên tiền hẳn sẽ dễ được chấp nhận hơn chăng với công chức cắp ô.
Vậy mà hiện đang có dự án đào tạo 350 tiến sĩ xã hội học một năm, nghĩa là trừ ngày nghỉ lễ tết, cứ chào buổi sáng là biết chắc hôm nay chúng ta sẽ có thêm một tiến sĩ Khoa học xã hội. Nơi đào tạo là Học viện Khoa học xã hội. Giám đốc Học viện GS Võ Khánh Vinh khẳng định Viện ông đào tạo nhiều hay ít phụ thuộc vào quy định của Bộ GD&ĐT, năng lực của học viên và nhu cầu xã hội. Hiện học viện này có 20 khoa, đào tạo 36 ngành tiến sĩ.
Được biết, chỉ tiêu hàng năm của học viện là 350, chia đều cho 36 ngành thì mỗi ngành có chưa đầy 10 chỉ tiêu tiến sĩ trong khi số ứng tuyển thường nhiều gấp 2 lần chỉ tiêu nên học viện có cơ sở để tuyển chọn được những người giỏi nhất.
Với 412 cán bộ cơ hữu gồm 19 GS, 175 PGS, số còn lại là TS. Ngoài ra, học viện còn có tới 2.000 GS, PGS, TS thỉnh giảng và hướng dẫn. Hẳn vì vậy GS Vinh khẳng định Học viện của ông dư sức cho ra lò mỗi ngày một tiến sĩ.
Thật bất ngờ khi nhà báo tiếp cận được với một vài đề tài làm tiến sĩ ở Học viện này.
Tất cả đều choáng với luận án tiến sĩ có đề tài “Nịnh” và “giao tiếp của chủ tịch xã” được trở thành luận án Tiến sĩ.
Cụ thể luận án mang tựa đề Hành vi nịnh trong tiếng Việt và Đặc điểm giao tiếp với người dân của chủ tịch xã, được mang ra trao đổi với báo chí. Ô hay, hành vi là trong ứng xử, giao tiếp trong đời sống chứ sao lại đưa hành vi vào trong ngôn ngữ nhỉ. Hãy nghe nhà ngôn ngữ học trả lời.
Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam Nguyễn Văn Hiệp cho rằng, đề tài nghiên cứu về hành vi nịnh trong tiếng Việt là đề tài tốt. Hành vi này có những đặt trưng riêng cho nhân loại, có những đặc trưng riêng cho văn hóa. Nghiên cứu trong từng bối cảnh cụ thể và có sự so sánh để thấy sự khác biệt. Không nên đánh giá nịnh theo nghĩa dung tục theo cách hiểu xã hội mà cần quan sát theo góc độ xã hội học. Ông đang đề nghị tác giả làm thành sách. Đề tài có tác động thực tiễn lớn đối với xã hội, để ngăn trừ nịnh phải biết và hiểu. Nếu nghi ngờ chất lượng xin Bộ GD&ĐT hậu kiểm.
Còn với đề tài Đặc điểm giao tiếp với người dân của chủ tịch xã, Viện trưởng Viện tâm lý học Vũ Dũng cho rằng đây là đề tài có ý nghĩa lý luận và thực tiễn rất tốt. Hiện nay, Việt Nam có 11.164 xã, sẽ có bấy nhiêu chủ tịch xã. Số lượng cán bộ đơn vị cấp cơ sở lớn như vậy có đáng để nghiên cứu không? Còn tại sao lại là chủ tịch xã mà không huyện, tỉnh, trung ương? Bởi vì xã là cấp chính quyền cuối cùng, gần dân nhất, trực tiếp với dân, triển khai chủ trương chính sách đến với dân. Chủ trương đến được với dân hay không là nhờ cấp xã. Trong thời gian gần đây mọi người nói đến một số hạn chế của cán bộ cơ sở như quan liêu, hách dịch, nhũng nhiễu... Những hành vi này không nói cảm tính được mà phải có nghiên cứu thực chứng…
Hóa ra theo GS Vinh, hai đề tài “lạ” trên là do nghiên cứu sinh lựa chọn trên định hướng chung. Hai đề tài đó được thực hiện trong ngữ cảnh khó, đó là mới nhưng rất thành công về nội dung.
Ôi giá như có cuộc kiểm kê nghiêm túc xem trong mấy trăm đề tài tiến sĩ đã bảo vệ thành công có bao nhiêu được đưa vào thực tiễn hay vẫn xếp trong ngăn kéo? Và các tiến sĩ ấy có bao nhiêu người tiêp tục nghiên cứu cao hơn là các chủ tịch huyện, chủ tịch tỉnh, bao nhiêu tiến sĩ thất nghiệp, chờ việc hoặc vừa bị tinh giản biên chế?
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, năm học 2014 – 2015, tổng quy mô đào tạo tiến sĩ của nước ta là 10.352 nghiên cứu sinh. Đơn vị đào tạo nhiều là ĐH Quốc gia Hà Nội 1.118 NCS, trong đó Nhân văn là 510, ĐH Bách khoa Hà Nội 524, Kinh tế quốc dân 570, ĐH Sư phạm Hà Nội 722, Học viện Khoa học xã hội là 1.211. Nghĩa là 2 năm sau nước ta sẽ có thêm ít nhất 8500 tiến sĩ mới.
Xin hãy đợi đấy! Tuy nhiên hôm nay, theo lộ trình có thể sẽ có một tiến sĩ xã hội học ra lò. Chúc mừng tân tiến sĩ nhé!
Bảo Dân
-
Chính phủ đề xuất mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp
-
Cân nhắc việc thành lập Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia
-
Bộ Trưởng Bộ Công Thương: Điện phải đi trước một bước
-
Khuyến khích đầu tư các dự án điện tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo
-
Cần chính sách rõ ràng cho năng lượng gió ngoài khơi