Martin và Mitchell - hai kẻ đào tẩu “nổi tiếng” (Kỳ 1)
Năng lượng Mới số 254
Kỳ 1: Những tiết lộ chấn động thế giới
Ngày 6/9/1960 tại Moskva đã diễn ra cuộc họp báo vô cùng quan trọng đối với chính trị thế giới, mà trước và sau đó chưa từng có trong lịch sử tình báo thế giới. Tại cuộc họp báo, trong một bản tuyên bố được viết tại Mỹ trước đó 2 tháng, hai kẻ đào tẩu Mỹ - nhà toán học William Martin và thống kê viên Bernon Mitchell đã kể những chi tiết gây chấn động về công việc của mình ở chính phân đội bí mật nhất của tình báo Mỹ: Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA). Nếu như không có hai con người này, “Chiến tranh lạnh” giữa Mỹ và Liên Xô chắc đã tiến triển theo chiều hướng khác và có thể đã kết thúc theo một cách khác.
Bản sao của tuyên bố này đang nằm trong két sắt số 174 của “Nhà băng Lorel” ở thành phố Lorel, bang Meriland. Tuyên bố này là tài liệu quan trọng của thời “chiến tranh lạnh”, nó kể ngắn gọn về quan hệ của hai cường quốc thế giới sau khi chiếc máy bay U-2, do phi công của CIA Fransis Gari Paulrs lái, đã xâm phạm không phận Liên Xô và bị bắn rơi. Phi công bị bắt.
Nội dung tóm tắt của tuyên bố như sau: “Ngày 22/6/1960. Chúng tôi muốn giải thích cho người thân, bạn bè của mình và những người có thể quan tâm đến vấn đề này lý do thúc đẩy chúng tôi xin tị nạn tại Liên Xô. Từ khi bắt đầu làm việc tại NSA (từ mùa hè năm 1957) chúng tôi đã tin rằng Chính phủ Hoa Kỳ đã cố ý đưa ra những tuyên bố giả dối, đánh lừa mọi người để biện minh cho chính sách riêng của mình, cũng như để chỉ trích hành động của các nước khác. Chúng tôi cũng biết rằng, Chính phủ Mỹ đôi khi bí mật sử dụng tiền và vũ khí để âm mưu lật đổ các chính phủ mà họ cho rằng những chính phủ đó không thân thiện với họ. Cuối cùng, chúng tôi biết rằng, Chính phủ Mỹ đã trả tiền cho nhân viên mật mã làm việc ở đại sứ quán của một trong những nước đồng minh ở Washington để mua thông tin. Thông tin này cho phép giải mã những bức điện báo đã được mã hóa của chính đồng minh đó.
Bernon Mitchell (phải) và Martin (trái) trong cuộc họp báo ngày 6/9/1960
Những hành động này làm chúng tôi chắc chắn rằng, Chính phủ Hoa Kỳ không từ một thủ đoạn nào, nhưng họ vẫn cáo buộc Chính phủ Liên Xô tội danh đó. Nhiều người làm việc ở Bộ Quốc phòng và trong các cơ quan tình báo của Chính phủ Mỹ biết rằng những lời khẳng định của chúng tôi là chính xác. Tuy nhiên, nếu ai đó có ý định dù chỉ là kiểm tra một phần điều đó khi chưa được phép chính thức, người đó sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc. Vụ lùm xùm mới đây với máy bay U-2 không có gì liên quan đến quyết định rời khỏi nước Mỹ của chúng tôi, bởi quyết định này đã được đưa ra hơn một năm trước. Vụ máy bay U-2 chỉ là một ví dụ, khi sự thật đã được phơi bày, không thể im lặng hay bóp méo được.
Viết tuyên bố này, chúng tôi không có ý biện minh cho những hành động của mình. Chúng tôi cũng không muốn làm nhân dân Mỹ thất vọng. Ở nước Mỹ còn nhiều người có lương tri và nếu được trao cơ hội, họ có thể sửa chữa được những hành động bi kịch mà Chính phủ Mỹ đã tiến hành trong những năm gần đây…
Ngoài sự thất vọng và lo lắng mà chúng tôi đã thể hiện nhân một số hành động của Chính phủ Mỹ, có những lý do mạnh mẽ khác để chúng tôi đưa ra quyết định đến Liên Xô. Ở Liên Xô, những quan điểm cơ bản và các mối quan tâm chính của chúng tôi được phần lớn người dân chia sẻ. Bởi vậy, chúng tôi cho rằng, môi trường xã hội và công việc ở đây sẽ tốt hơn cho mình. Chúng tôi hy vọng sẽ trở thành những nhân viên khoa học ở Liên Xô. Chúng tôi cho rằng, mình có thể bắt tay vào các nghiên cứu khoa học mà không phải sợ hãi rằng, bằng việc làm này, mình sẽ gây tổn thất về kinh tế cho người khác.
Một số người ở Mỹ có tư tưởng chống chủ nghĩa cộng sản đang bênh vực cho cuộc chiến chống Liên Xô. Họ muốn đảm bảo sự an toàn của mình theo cách có thể dẫn đến sự hủy diệt của một dân tộc có những quan điểm đối lập với mình. Trong trường hợp tốt nhất, một cuộc chiến như vậy sẽ biến họ thành “những ông hoàng” ở “nghĩa địa” văn minh. Thay vì tiêu tốn năng lượng của mình cho việc phát triển các phương tiện hủy diệt mới, chúng tôi tin rằng, Mỹ cũng như Liên Xô, nên hướng mọi nỗ lực của mình vào việc tranh tài trong lĩnh vực tư tưởng. Một trong các phương tiện để đạt được điều đó là hai nước phối hợp với nhau cùng công khai các cuộc thảo luận tự do về các vấn đề lý luận và thực tiễn, kinh tế và chính trị.
Chúng tôi cho rằng, việc trao đổi những đoàn đại biểu văn hóa, khoa học và công nghiệp giữa hai nước cần được tiếp tục và mở rộng. Điều đó sẽ thúc đẩy phát triển sự hiểu biết lẫn nhau. Chúng tôi viết tuyên bố này không hề có sự tư vấn của Chính phủ Liên Xô. Lý do ở đây là chúng tôi cần giải thích cho nhân dân Mỹ hành động của chúng tôi bằng lời nói của mình, để sau này nó không thể được coi là tuyên bố tuyên truyền, do chính phủ của đất nước mà chúng tôi xin tị nạn xúi giục”.
Tiếp theo, Martin và Mitchell kể chi tiết về NSA và CIA - ngành đặc biệt bí mật nhất cả vào lúc đó, cả tại thời điểm này của Mỹ. Theo họ, lúc bấy giờ tại cơ quan này có gần 10 nghìn nhân viên làm việc dưới sự chỉ đạo của Trung tướng Không quân John Samford. Để duy trì các phân đội trung tâm của NSA phải tiêu tốn gần 100 triệu USD mỗi năm. Được trang bị hàng nghìn chiếc máy tính điện tử, NSA tiến hành “trinh sát thông tin” trên quy mô toàn thế giới. Theo lời Martin và Mitchell, để “tóm” được các thông tin, có 8.000 nhân viên quân sự chuyên về trinh sát kỹ thuật làm việc tại 2.000 vị trí tình báo được tung đi khắp thế giới tới các căn cứ ở trên đất liền, trên biển và trên không. Ngoài các tin vô tuyến, nhân viên của NSA còn thu bắt cả những bức điện báo.
“Việc bắt sóng những thông tin được mã hóa, cũng như các thông báo được gửi công khai, được tiến hành với hầu hết các nước trên thế giới, trong đó có cả các nước có đặt những căn cứ này. Việc này đòi hỏi mỗi năm phải chi phí thêm 380 triệu USD nữa”. Hai người này cũng miêu tả tỉ mỉ cơ cấu tổ chức, chức năng của 4 đơn vị chủ chốt của NSA gồm: Cục Tác chiến, Cục Nghiên cứu khoa học, Cục Bảo vệ thông tin và Cục Về các vấn đề an ninh.
Theo lời họ, nhân viên của NSA giải mã thuần thục các mã bí mật của rất nhiều nước nhờ sự trợ giúp của máy tính. Ngoài ra, Mỹ còn hợp tác trao đổi thông tin mật và thông tin đã được giải mã với một số đồng minh như Anh, Cannada. Khi trả lời câu hỏi, Martin và Mitchell nêu tên một số nước có thông tin mật bị giải mã tự do ở NSA: Italia, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, Indonesia, Nam Tư, Urugoay, Các tiểu vương quốc Arập thống nhất.
Họ cũng kể chi tiết về một chương trình tuyệt mật, mà mục đích của nó là phát hiện và giải mã các tín hiệu radar của Liên Xô bằng cách cho máy bay xâm phạm không phận Moskva. Theo họ, chương trình này rất nguy hiểm: nó có thể dẫn tới một cuộc chiến tranh thế giới mới.
Vụ áp phe Snowden đã lật tẩy chương trình do thám của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA)
Bernon Mitchell, sinh ngày 11/3/1929 ở San-Francisco. Từ nhỏ, Mitchell rất yêu thích môn toán học và ngày càng đam mê nó. Cuối học kỳ I năm thứ hai Đại học Kỹ thuật California, Mitchell bị gọi nhập ngũ khẩn cấp vào hạm đội. Anh được điều đến tăng cường cho căn cứ thu bắt sóng vô tuyến ở Camisia và chính ở đó, lần đầu tiên Mitchell gặp gỡ với William Martin. Cũng như Mitchell, Martin (sinh ngày 27/5/1931 ở Columbus, bang Georgia) rất thích những cuộc tranh luận về đề tài khoa học và triết học. Năm 1954, thời hạn phục vụ khẩn cấp của họ kết thúc. Martin ở lại căn cứ tại Nhật Bản làm nhân viên dân sự của Cơ quan An ninh quân sự. Mitchell trở về nơi cư trú trước đây và sau đó thi đỗ vào Trường Tổng hợp Stanford và tiếp tục nghiên cứu toán học.
Đến cuối năm thứ nhất, Mitchell bắt đầu nghĩ đến tương lai. Thời còn phục vụ ở hạm đội, anh rất muốn làm việc ở NSA. Ở đó, nghiên cứu toán học là công việc hết sức thú vị và sáng tạo. Mitchell bắt dầu làm thủ tục xin việc. Là người tư duy nhanh nhạy, có trình độ toán học và kinh nghiệm làm việc phân tích thuật toán, hơn nữa lại đã trải qua cuộc kiểm tra khắc nghiệt ở hạm đội, Mitchell dễ dàng vượt qua rào chắn để đến được với bí mật của NSA. Ngày 25/2/1957, Mitchell được một nhân viên NSA phỏng vấn. Nửa tuần sau đó, tại Nhật Bản, Martin cũng được một nhân viên khác của cơ quan này phỏng vấn. Sau khi kiểm tra và nhận được phép tiếp cận thông tin mật, cả hai người đã trải qua khóa đào tạo đặc biệt tại Trường Tổng hợp Georgie Washington và trường đặc biệt của NSA.
Ngày 27/1/1958, họ được điều về Cục Nghiên cứu khoa học của NSA do Tiến sĩ Xolomon Culbac lãnh đạo. Tại đây, họ làm công việc bẻ khóa những thông tin đã được mã hóa.
Cho đến năm 1960, Hoa Kỳ đã tiến hành cuộc chiến tranh bí mật không tuyên bố chống Liên Xô được gần 10 năm. Tháng 4/1950, máy bay ném bom của Mỹ với sự hộ tống của hạm đội, đã xâm phạm biên giới Liên Xô ở Baltic và bị máy bay tiêm kích của Liên Xô tấn công. Nửa năm sau, một máy bay ném bom khác của hạm đội Mỹ đã bị bắn rơi ở Siberia. Đội bay gồm 10 người đã bị tử vong. Một thời gian sau, một máy bay hạng nặng của không quân Mỹ cũng chịu chung số phận trên vùng trời biển Nhật Bản.
Ngày 15/3/1953, máy bay MiG của Liên Xô đã bắn trúng chiếc máy bay trinh sát bốn động cơ của Mỹ, khi nó bay qua phía bắc căn cứ quân sự lớn nhất của Liên Xô ở Petropavlovsk-Kamchatka. Tháng 10 năm đó, một máy bay trinh sát Mỹ dưới sự bảo vệ của 16 máy bay tiêm kích F-86 đã bị 8 chiếc MiG của Liên Xô tấn công trên biển Hoàng Hải. Tháng 9/1954, máy bay ném bom của hạm đội Mỹ đã bị 2 máy bay tiêm kích của Liên Xô tấn công cách bờ biển Viễn Đông 60km. Đến tháng 11 cùng năm, một máy bay quân sự Mỹ lại bị máy bay tiêm kích Liên Xô bắn rơi ở khu vực đảo Hokkaido của Nhật. Ngày 22/4/1955, máy bay trinh sát của Mỹ bị máy bay tiêm kích của Liên Xô tấn công trên biển Bering. Trong thời gian 2 tháng của năm 1958, có hai máy bay trinh sát của Mỹ bị bắn rơi ở khu vực biên giới giữa Armenia của Liên Xô và Thổ Nhĩ Kỳ. Cũng trong năm đó, máy bay trinh sát của Mỹ đã hai lần bị tấn công ở Baltic và biển Nhật Bản.
Ngay từ khi còn phục vụ ở trạm thu bắt sóng vô tuyến của Tập đoàn An ninh hạm đội trong căn cứ quân sự Camisia của Nhật, Martin và Mitchell đã biết nhiều điều về cuộc chiến bí mật này. Lúc còn làm nhân viên phân tích giải mã tín hiệu điện tử, trong năm 1959, họ đã biết về chương trình trinh sát dưới mật danh ELENT. Chương trình này dự định dùng máy bay Mỹ xâm phạm biên giới Liên Xô để ghi lại hoạt động của các trạm radar của Liên Xô. Sau đó, những tín hiệu của các radar này sẽ được ghi lại và giải mã tại NSA.
Tháng 9/1958, máy bay C-130 của Mỹ bị bắn rơi trên lãnh thổ Armenia khiến 6 người trong đội bay bị thiệt mạng, 12 người bị tuyên bố mất tích. Gần nửa năm sau Bộ Ngoại giao Mỹ cố làm rõ số phận của những phi công bị mất tích, song không có kết quả. Lúc đó Bộ Ngoại giao Mỹ cho công bố bản giải mã cuộc đàm thoại vô tuyến của các phi công lái MiG của Liên Xô đã bắn rơi máy bay Mỹ. Trước đó, chính quyền Xô Viết đã tuyên bố máy bay bị nổ tung ở vùng rừng núi Armenia.
Vào ngày đó, Giám đốc NSA John Samford đã ra mệnh lệnh buổi sáng - cấm các nhân viên cơ quan bàn luận về số phận chiếc máy bay C-130 này. Nhưng, mệnh lệnh đó lại gây ra hiệu ứng ngược. Nhân viên NSA bắt đầu bàn tán về vụ tai nạn này. Và một người trong số họ đã tiết lộ cho Wiliam Martin biết chiếc máy bay bị bắn rơi chính xác được trang bị thiết bị đặc biệt để ghi lại những tín hiệu radar của đối phương. Việc CIA tiến hành những chiến dịch như vậy đã khiến Martin và Mitchell phẫn nộ. Theo họ, tất cả những cái đó có thể khơi ngòi cho cuộc đại chiến thứ ba. Ngoài ra, họ còn nghi ngờ rằng, chỉ một vài người trong chính quyền Mỹ biết về những nhiệm vụ thực sự của chiếc C-130 bị bắn rơi này.
(Xem tiếp kỳ sau)
Phương Nam (theo “Tuyệt mật”)
-
Bay chặn, ép hạ cánh với tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam
-
Gỡ "thẻ vàng" IUU: Xóa bỏ toàn bộ tàu “3 không”, xử lý dứt điểm “tàu ma”
-
Thủ tướng kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tham dự Hội nghị BRICS mở rộng
-
Ông Trần Cẩm Tú giữ chức Thường trực Ban Bí thư
-
Quảng Ngãi: Lên phương án ứng cứu tàu chở hàng mắc cạn gần cảng Dung Quất