Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Mánh khóe đưa hối lộ của GlaxoSmithKline tại Trung Quốc

19:00 | 05/08/2013

Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - 4 lãnh đạo cấp cao của chi nhánh GlaxoSmithKline (GSK) tại Trung Quốc vừa bị bắt vì cáo buộc đưa hối lộ có tổ chức một số tiền khổng lồ cho các quan chức chính phủ, hiệp hội y học, bệnh viện và bác sĩ, nhằm mở rộng thị phần cũng như tăng giá bán thuốc.

Phó Chủ tịch Công ty Đầu tư GSK (Trung Quốc) Liang Hong bị thẩm vấn

Bốn người đang bị tạm giam nói trên là Phó Chủ tịch Công ty Đầu tư GSK (Trung Quốc) Liang Hong, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc nhân sự Zhang Guowei; Giám đốc pháp lý Zhao Hongyan và quản lý phát triển kinh doanh Huang Hong. Ngoài ra, còn có hơn 20 nhân viên các công ty dược và công ty du lịch liên quan đang bị điều tra.

Được biết, nhân viên của chi nhánh GSK ở Trung Quốc đã phải chi trả những khoản tiền "lót tay" rất lớn nhằm mục đích quảng cáo sản phẩm của họ tới người bệnh. Chỉ có bằng cách này, hãng dược phẩm GSK mới có thể đẩy giá thuốc tăng cao cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ dược phẩm của mình.

GlaxoSmithKline (có trụ sở chính tại Anh) là hãng dược phẩm lớn thứ tư thế giới xét theo doanh số bán thuốc năm 2009. Hãng dược đa quốc gia này đang cung cấp nhiều loại thuốc kháng sinh, kháng virus, thuốc chữa hen suyễn, ung thư, bệnh tiêu hóa, bệnh tâm thần… ở khoảng 70 quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Hàng loạt hãng dược phẩm phương Tây khác cũng sử dụng mánh khóe này khi thâm nhập thị trường Trung Quốc. Việc mở cửa cho các hãng dược phẩm phương Tây không giúp đem lại nguồn tài chính lớn cho các bệnh viện, trong khi chính các bác sĩ Trung Quốc lại được trả công hậu hĩnh nếu kê đơn thuốc cho bệnh nhân nhiều hơn mức cần thiết.

Bộ Công an Trung Quốc cho biết, GSK đã sử dụng các công ty lữ hành và công ty tư vấn làm "phương tiện trung chuyển" tiền hối lộ các quan chức, bác sĩ nhằm tăng doanh số sản phẩm tại thị trường lớn nhất châu Á này. Kể từ năm 2007, GSK đã chuyển 3 tỷ nhân dân tệ cho 700 công ty lữ hành và công ty tư vấn ở Trung Quốc, nhưng chưa rõ bao nhiêu trong số này được dùng để hối lộ. Theo các cơ quan chức năng Trung Quốc, vụ việc bị phát giác không phải do nội bộ tố cáo, mà xuất phát từ điều tra của cảnh sát.     

Nhà chức trách đã phát hiện nhiều bất thường trong hoạt động tại một Công ty Du lịch quốc tế Linjiang ở Thượng Hải, khi công ty này có rất ít các hoạt động du lịch thông thường nhưng doanh thu lại tăng chóng mặt từ vài triệu nhân dân tệ khi mới thành lập năm 2006, lên đến hàng trăm triệu nhân dân tệ trong năm nay. Ngoài ra, những bản hợp đồng không có thật và hóa đơn cho du lịch đã tố cáo những "gian lận" của công ty du lịch này. Trên thực tế, những khoản tiền đó đã được dùng để hối lộ bác sĩ, các giám đốc bệnh viện, cũng như các quan chức chính phủ. Và công ty này chỉ đóng vai trò là "điều phối viên" chuyển số tiền từ GSK tới đúng địa chỉ.

Weng Jianyong, đại diện của công ty lữ hành Linjiang, hiện đang bị bắt giữ đã thừa nhận công ty này có thỏa thuận ngầm với Liang Hong, Phó Chủ tịch Công ty Đầu tư GSK (Trung Quốc) và khi dẫn mối kinh doanh dịch vụ hội nghị cho Linjiang, ông này sẽ nhận được một khoản "lại quả" xứng đáng.

Tổng Giám đốc GSK Andrew Witty

Bình luận về vụ bê bối này, Tổng Giám đốc GSK Andrew Witty tuyên bố rất thất vọng và quan ngại về vụ bê bối vừa vỡ lở tại Trung Quốc. Ông cũng nhấn mạnh những hành động như vậy là trái với nguyên tắc kinh doanh của tập đoàn, không thể được dung thứ và cần phải loại bỏ khỏi mọi chi nhánh trong hệ thống của hãng này. GSK đồng thời cam kết sẽ hợp tác đầy đủ với nhà chức trách Trung Quốc trong quá trình điều tra. GSK cũng đã cử ba quan chức của hãng sang phối hợp với nhà chức trách Trung Quốc nhằm sớm làm sáng tỏ sự việc. 

Trong khi đó, New York times cho rằng hàng loạt hãng dược phẩm khác như Merck, Novartis, Roche, Sanofi... cũng đều sử dụng "tiểu xảo" này khi thâm nhập các thị trường nước ngoài. Thực tế, các hãng dược phẩm đều thông qua các công ty du lịch lữ hành, từ đó tiến hành các hoạt động xúc tiến thương mại, nhằm dễ dàng mở rộng thị phần và tăng giá thuốc. Một quan chức Trung Quốc thuộc Công ty tư vấn an ninh mạng Kroll Advisory Solutions cho rằng chính bởi các hoạt động maketing và quảng cáo bán thuốc "made in GSK" như trên đã góp phần đẩy giá thuốc thậm chí lên tới 90% so với giá thành sản xuất. Và tất cả những chi phí này, không ai khác, đều đổ lên đầu những người bệnh còn đang ốm dở.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích còn cho rằng việc các hãng dược phẩm phương Tây hối lộ giới chức thông qua các công ty du lịch lữ hành là vẫn còn "tử tế" hơn rất nhiều so với các hãng dược phẩm của chính Trung Quốc, bởi các hãng thuốc nội Trung Quốc đã trao "phong bì" trực tiếp cho giới chức hoặc các bác sĩ. Đây chính là lý do vì sao cảnh sát Trung Quốc dù có nghi ngờ, cũng không thể tìm ra tang chứng vật chứng, và khó lòng đưa được những vụ việc hối lộ bác sĩ ra ánh sáng pháp luật.

Tại Trung Quốc, hệ thống bệnh viện tuy có nguồn ngân sách nhà nước chi trả, song trên thực tế, khoản chi này rất ít ỏi và để có thể tồn tại, bệnh viện phải dựa vào nguồn thu từ bán thuốc. Đây là lý do vì sao bác sĩ thường kê toa nhiều hơn hẳn cho bệnh nhân.

Bài báo để ngỏ câu hỏi, Trung Quốc sẽ phải dùng toa thuốc đắng nào để có thể điều trị căn bệnh tham nhũng và nhận hối lộ hiện nay.

Văn phòng của GlaxoSmithKline tại Bắc Kinh

Cũng về vấn đề trên, giới phân tích cho rằng vụ GSK là lời nhắc nhở các công ty nước ngoài về sự nguy hiểm mà họ phải đối mặt khi tìm cách vươn lên tại thị trường Trung Quốc.

Ben Cavender, chuyên gia phân tích tại văn phòng tư vấn China Market Research Group, nhận định tập đoàn GSK không tồi tệ hơn các tập đoàn khác, nhưng có điều là trong trường hợp của GSK, Bắc Kinh không thể "nhắm mắt làm ngơ". Thật vậy, các hành vi hối lộ của GSK tại Trung Quốc đã từng được nhật báo Mỹ Wall Street Journal gợi lên hồi đầu năm nay, trích dẫn một nguồn tin giấu tên. Vào khi ấy GSK đã khăng khăng phủ nhận cáo buộc này.

Chính phủ Trung Quốc đã cực lực lên án các hành vi tham nhũng trong giới kinh doanh, dưới bất kỳ hình thức nào. Theo phát ngôn viên của Bộ Thương mại Trung Quốc, bất kỳ doanh nghiệp nào, dù đó là doanh nghiệp Trung Quốc hay nước ngoài, đều sẽ bị trừng phạt theo pháp luật nếu phạm tội. Thế nhưng, do sự thiếu minh bạch của hệ thống y tế Trung Quốc và thu nhập ít ỏi của các bác sĩ, giới phân tích cho rằng GSK không phải tập đoàn duy nhất phải hối lộ. Nhật báo Mỹ New York Times gần đây đã tiết lộ rằng nhiều công ty dược phẩm quốc tế khác cũng đã sử dụng dịch vụ của công ty du lịch dính líu đến vụ GSK.

Cảnh sát Trung Quốc cũng đã thẩm vấn 3 nhân viên của AstraZeneca, một viện bào chế lớn của Anh, và đã khám soát văn phòng tập đoàn UCB của Bỉ. Hai doanh nghiệp này đã xác nhận tin trên, nhưng không cho biết lý do tại sao họ bị truy xét. Tuy nhiên, vào đầu tháng 7/2013, nhà chức trách Trung Quốc đã loan báo ý định điều tra 60 công ty dược phẩm có mặt tại Trung Quốc để kiểm soát giá cả mà các công ty này quy định.

Nh.Thạch (Theo AFP, AP)