Luật sư tham gia vụ án từ đầu để tránh oan sai
Điểm mới đáng quan tâm
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Năng lượng Mới, tại Điều 83, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp (luật sư - PV) của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố khi được nhờ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp có quyền: Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu; Kiểm tra, đánh giá và trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá; Có mặt khi lấy lời khai người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố và nếu được điều tra viên hoặc kiểm sát viên đồng ý thì được hỏi người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố; Có mặt khi đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố; Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến |
Đồng thời, sau khi người có thẩm quyền lấy lời khai của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố thì các luật sư cũng có quyền hỏi người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố.
Về nghĩa vụ của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố được quy định như sau: Được sử dụng các biện pháp do pháp luật quy định để góp phần làm rõ sự thật khách quan của vụ án; Giúp người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố về pháp lý nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Theo các chuyên gia về luật, chiếu theo quy định mới của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tình nghi phạm tội, bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố sẽ được đảm bảo. Hay nói cách khác, quy định mới này đã góp phần cân bằng giữa hoạt động buộc tội và gỡ tội, tạo điều kiện hoàn thiện hoạt động tố tụng hình sự, hạn chế oan sai và đảm bảo công lý được thực thi.
Tuy nhiên, để các quy định mới tại Điều 83 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 được thực hiện, các cơ quan tiến hành tố tụng không được gây cản trở cho luật sư trong khi hành nghề. Có như vậy mới có thể tin tưởng rằng quyền của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố sẽ được đảm bảo theo những gì Hiến pháp 2013 ghi nhận.
Pháp luật sẽ minh bạch
Liên quan đến những điểm mới tại Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến, Chủ tịch Hội đồng Khen thưởng Kỷ luật - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, những quy định mới là một bước tiến dài trong cải cách tư pháp, hạn chế oan sai.
Hai người chịu án oan Huỳnh Văn Nén và Nguyễn Thanh Chấn |
Theo luật sư Nguyễn Hoàng Tiến, trước khi Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 có hiệu lực, từng xảy ra hiện tượng người bị nghi là phạm tội hình sự (nhưng chưa bị khởi tố hoặc bắt giữ), khi bị triệu tập điều tra lại không được mời luật sư tham gia làm việc cùng với cán bộ điều tra. Điều này chính bản thân ông và nhiều đồng nghiệp khác đã gặp phải.
Luật sư Tiến lưu ý, có việc luật sư yêu cầu được tham gia làm việc cùng với thân chủ vẫn bị cơ quan điều tra từ chối với lý do vụ án chưa khởi tố hoặc nghi can chưa bị bắt giữ nên luật sư chưa được quyền tham gia bào chữa. Như vậy nghi can hình sự trong giai đoạn tiền tố tụng không được luật sư bảo vệ, trong khi đó giai đoạn này cơ quan điều tra đã thực hiện nhiều hoạt động điều tra xác định dấu hiệu tội phạm như lấy lời khai, yêu cầu cung cấp tài liệu chứng cứ, giám định chữ ký, đối chất… Điều này làm thiệt thòi cho quyền được bảo vệ của người bị tình nghi phạm tội, bởi lẽ có hoạt động chứng minh tội phạm thì song hành với nó luôn có hoạt động gỡ tội cho thân chủ của luật sư.
Luật sư Tiến cũng khẳng định, hoạt động bào chữa cho thân chủ sẽ được thực hiện tốt nhất khi luật sư được tham gia từ những giai đoạn đầu của vụ án, được xem xét tất cả các tài liệu, chứng cứ mà có thể dùng thể để buộc tội thân chủ.
“Việc luật sư có mặt ngay từ đầu giai đoạn điều tra, vừa bảo vệ quyền lợi cho bị can bị cáo nhưng đồng thời cũng có lợi cho cơ quan điều tra. Bởi lẽ chứng kiến sự khai báo của bị can bị cáo, bảo vệ bị can bị cáo không bị ép cung, mớm cung, nhục hình… cũng chính là khiến bị can bị cáo không thể phản cung. Cho nên việc bổ sung Điều 83 với nội dung như trên sẽ khiến việc thực thi pháp luật cũng minh bạch hơn, hạn chế oan sai” - Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến phân tích.
Có thể thấy, quy định tại Điều 83 Bộ luật Tố tụng hình sự mới được bổ sung có mục đích rất tích cực, đảm bảo quyền lợi của bị can bị cáo, ngăn chặn khả năng cán bộ điều tra ép cung, mớm cung, nhục hình… dẫn đến làm oan sai cho bị can bị cáo. Đồng thời, luật sư cũng có vai trò giám sát việc thực thi pháp luật, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Việc này được đánh giá tích cực và phù hợp với xu hướng của pháp luật là tất cả các vụ án hình sự đều cần luật sư tham gia.
Cần thực hiện nghiêm túc
Theo Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến, quy định về việc để luật sư tham gia ngay từ giai đoạn đầu của vụ án đã có từ trước, nhưng trên thực tế, nó chưa được thực hiện một cách nghiêm túc. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ án oan trong thời gian qua. Lần này, Điều 83 Bộ luật Tố tụng hình sự bổ sung quy định và có hiệu lực từ 1-7-2016 nhưng cũng là nhắc lại để các bên liên quan có trách nhiệm thực hiện quy định một cách nghiêm túc.
Quy định mới này cũng có nghĩa là bị can, bị cáo có quyền im lặng, chờ luật sư bảo vệ quyền và lợi ích, còn trách nhiệm chứng minh người đó có phạm tội hay không là của cơ quan chức năng.
Luật sư Tiến phân tích: “Thực tế, điều kiện đất nước hiện nay, người dân nhiều khi không có đủ khả năng tài chính để có thể mời luật sư bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho mình. Trong khi đó, Nhà nước cũng chưa đủ điều kiện để trợ giúp cho tất cả các trường hợp dính líu đến pháp luật, mà mới chỉ có một số những đối tượng thuộc trường hợp “đặc biệt” thì mới được trợ giúp pháp lý miễn phí.
Quy định trên dù đã là một bước tiến dài trong cải cách tư pháp, nhưng cũng cần lường trước khả năng luật sư vẫn bị cố tình cản trở hoạt động, không được tham gia ngay từ đầu. Lo ngại này có cơ sở, bởi lẽ hiện Bộ luật Tố tụng hình sự vẫn chưa có chế tài xử lý các trường hợp điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán về việc không thực hiện nghiêm túc quy định trong Luật Tố tụng hình sự đối với hoạt động của luật sư”.
Trường hợp bị can, bị cáo nếu rơi vào trường hợp bị điều tra viên mớm cung ép cung nhục hình, không cho mời luật sư… thì có thể khiếu nại sự việc đến Cơ quan Điều tra; Viện Kiểm sát...
Liên quan đến vấn đề này, một số luật sư thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết: Họ đã kiến nghị và chờ đợi quy định này đã lâu, nên đã chuẩn bị được tinh thần, cũng như kỹ năng để tham gia bảo vệ người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố. Tuy nhiên, các luật sư cũng phải thực hiện nghiêm túc, không che giấu tội phạm, mớm cung và thực hiện tốt Luật Luật sư và Quy tắc đạo đức hành nghề luật sư Việt Nam.
“Khi bị bắt giữ, ngồi trước cán bộ điều tra và chuẩn bị hỏi cung, bị can, bị cáo sẽ được thông báo và giải thích về các quyền của mình. Có nhiều quyền mà bị can, bị cáo có như quyền được mời luật sư bào chữa, quyền được đưa ra yêu cầu, quyền được trình bày lời khai, quyền được khiếu nại việc làm của cán bộ điều tra, quyền được đề nghị thay đổi cán bộ điều tra…
Pháp luật cũng công nhận quyền im lặng của bị can, bị cáo, nếu xét thấy việc cần có luật sư để quyền của mình được bảo vệ tốt hơn, bị can, bị cáo có quyền thông báo với điều tra viên nội dung: từ chối thực hiện quyền trình bày lời khai của mình, đồng thời trình bày nguyện vọng muốn được mời luật sư” - một chuyên gia về luật tư vấn.
Xuân Hinh
Năng lượng Mới 522
-
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh sự cần thiết phải sửa đổi Luật Điện lực
-
Bổ sung chính sách thu hút nhà đầu tư khảo sát dự án điện gió ngoài khơi
-
Bay chặn, ép hạ cánh với tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam
-
Gỡ "thẻ vàng" IUU: Xóa bỏ toàn bộ tàu “3 không”, xử lý dứt điểm “tàu ma”
-
Thủ tướng kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tham dự Hội nghị BRICS mở rộng