Lớp học tình thương ở khu ổ chuột Seine-Saint-Denis
Khi học sinh ra về, hai cô tình nguyện viên Aude và Emmanuelle cũng rời khỏi xe. Đây chỉ là 3 trong số gần 30 lớp học lưu động (ASM) tại tỉnh Seine-Saint-Denis (phía bắc nước Pháp). Giáo viên đứng lớp là những tình nguyện viên trong và ngoài nước, họ mong muốn được mang kiến thức đến cho những trẻ em không có điều kiện đến trường.
Biến xe tải thành lớp học lưu động là ý tưởng của Hiệp hội ASET 93 (Association pour la Scolarisation des Enfants Tsiganes, được thành lập để giúp đỡ trẻ em dân tộc Di-gan ở Pháp) và “lớp học” đầu tiên ra mắt từ năm 1982.
Vào những ngày đầu, trong chuyến hành trình tìm kiếm học sinh, đội ngũ tình nguyện viên đã phải leo lên những con dốc bùn trơn trượt và sẽ tốt hơn nếu bám chặt vào những cây ven đường cho khỏi ngã để đến được khu ổ chuột. Đó là một trong những khu ổ chuột ở xã La Briche, Seine-Saint-Denis, nơi có khoảng 50 người đang sinh sống. Họ là những gia đình người Di-gan, sống tách biệt với bên ngoài.
Cô Clélia và học sinh trước một “lớp học di động” |
Không thể làm ngơ trước thực tế
Buổi sáng, nhiều phụ nữ ở đây bận rộn với cây chổi để thu gom rác và phế liệu. Tình nguyện viên Aude cho biết, cô đã phải kêu gọi chính quyền địa phương lắp đặt những thùng rác tại đây và giúp người dân có thể giữ gìn vệ sinh.
Một nữ tình nguyện viên trẻ trong nhóm của Aude nói: “Chúng tôi không thể xem như không có chuyện gì được, không thể bỏ mặc hoàn cảnh của họ và quay trở về nhà của mình. Lúc này, nhiệm vụ của chúng tôi không chỉ còn là việc dạy học nữa”. Cô nói thêm, đây là năm đầu tiên cô làm công việc này ở La Briche, nhưng trước đó, cô đã có một khoảng thời gian dài tham gia tình nguyện giúp đỡ trẻ em đường phố. Cô phụ trách dạy những em học sinh ở độ tuổi trung học, trong khi 2 đồng nghiệp khác phụ trách dạy học sinh tiểu học.
Ba tình nguyện viên được chọn đứng lớp là những người đã tham gia những khóa học về lịch sử và ngôn ngữ của dân tộc Di-gan. Họ không cho việc mình làm là cao cả và chỉ nghĩ đơn giản là “muốn cho xã hội công bằng hơn và tôn trọng quyền được giáo dục cho tất cả mọi người”. Những “giáo viên dã chiến” này, do yêu cầu của công việc chuyên môn, phải luôn có một nghị lực phi thường. Nhưng bù lại, những niềm vui mà các em học sinh đem lại cho họ cũng rất nhiều. Nhìn lớp học với những cái đầu bù xù, lấm lem nhưng trên khuôn mặt các em luôn nở nụ cười, Aude cảm thấy vui trong lòng.
Các em học sinh thường rất tự nhiên, vô tư, chưa có kỷ luật lớp học nhưng đôi lúc cũng tỏ ra rất nghiêm túc. “Cô nói là 10 giờ cô tới, nhưng cô đã tới muộn” - Florin, một cậu bé 9 tuổi nói với Aude bằng giọng nghiêm nghị.
Việc ổn định lớp trước khi bắt đầu giờ học thường mất khá nhiều thời gian. Có khi là những chuyện rất ngô nghê. Một lần, từ trong căn nhà kế bên chiếc xe “lớp học lưu động”, một cậu học trò không tìm thấy dép đã khóc um lên vì sợ tới lớp trễ. Nghe thấy tiếng khóc, cô bé Maria từ lớp chạy về nhà mang cho bạn mượn đôi dép đầy bùn đất, rồi cả hai vui vẻ dắt tay nhau vào lớp.
Giờ học luôn bắt đầu bằng việc các em chuyền nhau gói khăn ướt. Các em lau mặt rồi chùi tay trước khi mở vở. Đây giống như một nghi thức tượng trưng cho việc vứt bỏ những thứ xấu xa trong khu ổ chuột để bước vào thế giới tri thức. Nhưng cũng giống như mọi lều trại, “lớp học lưu động” không có toilet riêng nên khi một em học sinh được cho phép “đi toilet”, có nghĩa là em phải đi ra ngoài kiếm một chỗ nào đó để đi.
Trong quá trình học, các em nhỏ cũng được dạy về những quy tắc cơ bản như: “Không được hét lên trong lớp”, “Phải giơ tay xin phép phát biểu”... Clélia cũng cho biết, có nhiều em chưa từng được đến trường, không riêng các em nhỏ mà ngay cả những người lớn cũng cần phải được giải thích để biết cách cầm bút.
Đó là khoảng thời gian hai tuần, Aude, Emmanuelle và Clélia đến gặp người dân địa phương và mở lớp học tại La Briche. Clélia kể lại: “Tháng 6 năm ngoái, chúng tôi biết có người sống tại đây, họ sống trong những khu ổ chuột với khoảng trăm người” và mỗi “xe tải lớp học” có thể chứa được gần 30 học sinh.
Cầu nối cho các em đến trường
Hai ngày trong một tuần, các em sẽ học về những nội dung cơ bản trong chương trình đào tạo chính quy nhà nước. Sau đó, Hiệp hội ASET 93 sẽ đến giải thích và thuyết phục gia đình cho phép các em đến ghi danh tại các trường học chính thức, bởi vì các lớp học lưu động không thể cố định mãi tại một nơi, khóa học chỉ có thể kéo dài trong 3 tháng và không thể thay thế cho một ngôi trường bình thường. Thời gian kế tiếp, họ sẽ lại rong ruổi khắp mọi vùng miền, trên chiếc xe tải của mình để mang lớp học đến với những học sinh khác. Cứ như vậy cả năm, họ sẽ báo cho hiệp hội biết những nơi nào đã đi qua và nơi nào sắp đỗ xe để đón học sinh.
Trẻ em ở khu ổ chuột không bao giờ được đến trường lớp đàng hoàng, lớp học của chúng chỉ là những chiếc xe tải |
Dạy học như đi đánh trận!
Tuy nhiên, việc đặt lớp học không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Phần lớn những người sống trong các khu ổ chuột đều là dân nhập cư bất hợp pháp. Cảnh sát có thể ập tới bất cứ lúc nào, nên gia đình các em luôn trong tư thể sẵn sàng “bỏ chạy”.
Ngoài khó khăn từ việc vận động gia đình cho các em đến học, rào cản cũng đến từ chính quyền địa phương. Một số nơi trực tiếp từ chối mở trường học cho các em học sinh xuất thân từ khu ổ chuột hoặc viện cớ cần chuẩn bị thêm thủ tục để kéo dài thời gian. Chờ mãi đến khi trường được mở cửa thì những em nhỏ này lại không thuộc diện được ghi danh vào học. Lý do mà chính quyền đưa ra là khu ổ chuột sẽ sớm bị phá hủy. Thật đáng thương cho những đứa trẻ! Một giáo viên tình nguyện cho biết cô không phải tiếc công sức đã bỏ ra mà chủ yếu là sợ việc này sẽ phá hủy cuộc sống của những đứa trẻ. Trẻ em đều vô tội và chúng có quyền được thực hiện mơ ước của mình, như Florin, 9 tuổi - học sinh tại lớp học lưu động, em “muốn học” để trở thành cảnh sát “ngăn chặn những tên trộm trên đường phố”.
S.Phương (tổng hợp)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo
Luật Điện lực (sửa đổi) phải là “trụ đỡ” pháp lý vững chắc để năng lượng mới, năng lượng tái tạo phát triển đúng kỳ vọng
-
Kỷ luật 2 nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng
-
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3
-
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo
-
Luật Điện lực (sửa đổi) phải là “trụ đỡ” pháp lý vững chắc để năng lượng mới, năng lượng tái tạo phát triển đúng kỳ vọng
-
[Chùm ảnh] Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm và làm việc tại huyện đảo tiền tiêu Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị