Lỗ gần 700 tỷ đồng quý đầu năm, Tập đoàn Hoa Sen vẫn kỳ vọng cả năm thu về 300 tỷ đồng lãi sau thuế
Tập đoàn Hoa Sen dự kiến lãi sau thuế cao nhất 300 tỷ đồng
Năm 2022, mảng tôn mạ tại Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) tiếp tục giữ vị trí số 1 khi tiêu thụ 1,2 triệu tấn, giảm khoảng 38% so với năm trước. Tuy vậy, sản lượng tiêu thụ tháng 12 cải thiện lên mức 91.000 tấn, ghi nhận tháng tăng thứ hai liên tiếp. Sản lượng tôn mạ của Hoa Sen trong năm vừa qua cao hơn 63% so với doanh nghiệp đứng số 2 là Tôn Đông Á.
Ngày 10/3 tới đây, Tập đoàn Hoa Sen sẽ tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm tài chính 2022-2023 (từ 1/10/2022 đến 30/9/2023). Theo tài liệu đại hội mới được công bố, Hoa Sen đặt ra hai kế hoạch kinh doanh theo sản lượng tiêu thụ.
Kế hoạch 1, Hoa Sen phấn đấu tiêu thụ 1,52 triệu tấn sản phẩm bao gồm 1,4 triệu tấn thành phẩm và 152.000 tấn phụ phẩm, tương đương 84% kết quả thực hiện niên độ trước. Doanh thu niên độ này dự kiến đạt 34.000 tỷ đồng, bằng 68% niên độ vừa qua. Lợi nhuận sau thuế trong phương án này phấn đấu đạt 100 tỷ đồng, thấp hơn mức 251 tỷ của năm tài chính 2021-2022.
Ở kế hoạch 2, tập đoàn của Chủ tịch Lê Phước Vũ lên kế hoạch tiêu thụ tổng sản lượng 1,63 triệu tấn, bao gồm 1,5 triệu tấn thành phẩm và 130.000 tấn phụ phẩm, bằng 90% niên độ vừa qua. Doanh thu dự kiến đạt 36.000 tỷ đồng, lãi sau thuế 300 tỷ, lần lượt giảm 28% và tăng 20% so với kết quả thực hiện trong năm tài chính 1/10/2021 - 30/9/2022.
Nguồn: Tập đoàn Hoa Sen///kinhtexaydung.gn-ix.net/ |
Theo Tập đoàn Hoa Sen, năm 2023, thị trường xuất khẩu thép vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn về cạnh tranh và rào cản thương mại. Thị trường nội địa cũng được dự báo sẽ cạnh tranh gay gắt. Bên cạnh đó, các chính sách thắt chặt tiền tệ, lãi suất tăng, tỷ giá leo thang có thể ảnh hưởng tiêu cực tới nhu cầu và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành thép nói chung.
Tập đoàn Hoa Sen đang kinh doanh ra sao?
Trong niên độ tài chính 2021-2022 (từ ngày 1/10/2021 đến ngày 30/9/2022), Hoa Sen đặt mục tiêu bán 2 triệu tấn sản phẩm, doanh thu thuần 46.399 tỷ và lãi sau thuế hợp nhất 1.500 tỷ. Tuy nhiên, kết thúc niên độ tài chính 2021-2022, tập đoàn đã tiêu thụ gần 1,82 triệu tấn sản phẩm, hoàn thành 91% kế hoạch; doanh thu thuần đạt 49.711 tỷ, hoàn thành 107% kế hoạch nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt vỏn vẹn 251 tỷ, hoàn thành 17% kế hoạch.
Nhìn ở một khía cạnh khác, năm 2022, Tập đoàn Hoa Sen đã giảm được 4.975 tỷ đồng hàng tồn kho từ mức 12.349 tỷ đồng tại ngày 1/10/2021 xuống còn 7.374 tỷ đồng tại ngày 30/09/2022, tức giảm 40%. Ngoài ra, doanh nghiệp đã giảm được 2.649 tỷ đồng dư nợ vay ngân hàng từ mức 6.836 tỷ đồng xuống còn 4.187 tỷ đồng, tương đương giảm 39%.
Bước sang niên độ tài chính 2022-2023 (từ 1/10/2022 đến 30/9/2023), cụ thể trong quý 1 (từ ngày 1/10/2022 đến ngày 31/12/2022), Hoa Sen ghi nhận tổng doanh thu hơn 7.917 tỷ đồng, giảm hơn nửa so với cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 12,54% về còn hơn 2%, dẫn tới lợi nhuận gộp của công ty chỉ đạt mức gần 160 tỷ đồng, kém xa con số 2.123 tỷ đồng của quý 1/2021-2022.
Trong kỳ, các chi phí hoạt động đã được cắt giảm. Kết quả, khấu trừ các chi phí, Hoa Sen báo lỗ 680 tỷ đồng, kém xa khoản lãi 638,3 tỷ đồng của cùng kỳ tuy nhiên vẫn khả quan hơn nhiều so với kết quả kinh doanh quý trước đó.
Tại thời điểm 31/12/2022, tổng tài sản của Hoa Sen ghi nhận hơn 15.963 tỷ đồng, giảm 6% so với đầu kỳ. Trong đó hơn 647 tỷ đồng, tăng 96%) là tiền và các khoản tương đương với tiền; 1.655 tỷ đồng, tăng 14% là các khoản phải thu ngắn hạn; hơn 5.980 tỷ đồng, giảm 19% là hàng tồn kho.
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nợ của HSG ghi nhận hơn 5.793 tỷ đồng, tăng 5%, trong đó hầu hết là nợ ngắn hạn, bao gồm 1.759 tỷ đồng phải trả người bán ngắn hạn, 2.694 tỷ đồng vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn, giảm gần 1.500 tỷ đồng kéo theo chi phí lãi vay giảm khoảng 27 tỷ đồng, còn gần 48 tỷ đồng.
Xét về dòng tiền, trong quý đầu của năm tài chính mới, công ty ghi nhận dòng tiền kinh doanh dương 1.854 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ, trong khi dòng tiền đầu tư âm 43,21 tỷ đồng và dòng tiền tài chính âm 1.493 tỷ đồng, chủ yếu là do trả nợ gốc vay.
Có thể thấy, ngành thép năm 2022 vấp phải nhiều khó khăn khi nhu cầu suy yếu, sản lượng tiêu thụ giảm sút, giá bán đi xuống. Các doanh nghiệp lớn như Hòa Phát hay Hoa Sen đều ghi nhận thua lỗ nhưng vẫn duy trì được vị thế dẫn đầu về thị phần.
Năm 2023, Hoa Sen đặt mục tiêu lãi sau thuế tối thiểu 100 tỷ đồng và cao nhất 300 tỷ đồng. Kế hoạch này khá thận trọng trong bối cảnh thị trường xuất khẩu thép được đánh giá vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn về cạnh tranh và rào cản thương mại, còn thị trường nội địa cũng được dự báo sẽ cạnh tranh gay gắt.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo xuất khẩu ngành tôn mạ có khả năng tiếp tục thấp trong những tháng đầu, sau đó tăng từ giữa năm 2023 khi lạm phát toàn cầu giảm bớt. Tuy nhiên, VDSC cho rằng xuất khẩu sẽ khó bật tăng mạnh do cạnh tranh gay gắt và những thay đổi trong chính sách thương mại tại các thị trường lớn.
Chứng khoán SSI dự báo lợi nhuận của Hoa Sen trong năm tài chính 2023 (từ 1/10/2022 đến 30/9/2023) có thể phục hồi khoảng 35% so với niên độ trước và đạt 340 tỷ đồng do không còn hàng tồn kho chi phí cao và chi phí lãi vay giảm.
VDSC cho rằng, Tập đoàn Hoa Sen có thể lỗ ròng trong quý đầu năm tài chính 2023 (tức quý cuối năm dương lịch 2022), sau đó chuyển sang lãi ròng. VDSC dự báo biên lợi nhuận gộp của Hoa Sen sẽ tăng từ mức 9,9% của niên độ 2022 lên 12,4% của niên độ 2023.
Trên thị trường chứng khoán, kết phiên giao dịch ngày 27/2, cổ phiếu HSG của Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen giao dịch quanh mức 14.400đ/cp, giảm 1.400đ/cp so với phiên giao dịch ngày 21/2.
Huy Tùng - Hà Phương
-
Tin tức kinh tế ngày 9/11: Giá cà phê xuất khẩu tăng kỷ lục
-
Tổng thống đắc cử Donald Trump lại rút khỏi một thỏa thuận toàn cầu cực kỳ quan trọng
-
Giá dầu hôm nay (9/11): Dầu thô quay đầu giảm
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 4/11 - 9/11
-
Giá vàng hôm nay (9/11): Tiếp tục giảm