Liên thông kết quả xét nghiệm y tế: Vướng ở đâu?
Tiết kiệm không nhỏ
Hiện tại, với mục tiêu kiểm soát lạm dụng xét nghiệm y tế thì việc liên thông kết quả xét nghiệm y tế đang được kỳ vọng sẽ giúp giảm thiểu rất nhiều chi phí khám chữa bệnh cho người dân.
Trước đây đã có rất nhiều ý kiến than phiền về việc người bệnh đã đến khám chữa bệnh ở bệnh viện nhưng khi muốn chuyển sang điều trị tại một bệnh viện khác, bệnh nhân lại phải làm các xét nghiệm, chẩn đoán bệnh lại từ đầu, với những quy trình giống nhau, gây mệt mỏi và rất tốn kém. Đơn cử, bệnh nhân Nguyễn Văn Miền (Hải Dương) phản ánh, anh được chẩn đoán bị viêm đa khớp ở bệnh viện tuyến tỉnh ở Hải Dương.
Anh Miền đã nằm điều trị ở bệnh viện này gần 2 tuần nhưng thấy bệnh không thuyên giảm nên có nguyện vọng chuyển lên tuyến trên. Tuy nhiên, vì mắc bệnh khớp quá lâu, cơ thể đã suy nhược nên khi lên đến Khoa Xương khớp, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), anh Miền được chỉ định làm rất nhiều các xét nghiệm, trong đó có cả các xét nghiệm anh đã được chỉ định làm ở bệnh viện tuyến tỉnh.
Cho rằng quy trình này là đúng, nhưng anh Miền nói: “Biết rằng, cần những xét nghiệm chính xác hơn của bệnh viện tuyến trên thì những người bệnh như chúng tôi mới phải mất công, sức lên đến tận trên này. Thế nhưng, nếu giảm thiểu được các quy trình ví dụ như có thể sử dụng một số kết quả xét nghiệm tương tự mà bệnh viện trước đã làm thì người bệnh chúng tôi cũng bớt mệt mỏi hơn”.
Bệnh nhân mệt mỏi khi đi khám bệnh |
Việc phải làm lại các xét nghiệm tương tự ở bệnh viện trước, mặc dù cách đó chỉ mới vài ngày, thậm chí vài giờ là điều đã khiến nhiều bệnh nhân phải than phiền. Điều này cũng được chính Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Việt Tiến đưa ra trong Hội nghị triển khai tiêu chí đánh giá mức chất lượng phòng xét nghiệm y học, hướng tới liên thông kết quả xét nghiệm vừa diễn ra tại Hà Nội. Thứ trưởng Tiến nói: “Hiện nay, nhiều bệnh viện vẫn chưa công nhận kết quả xét nghiệm của nhau, dẫn đến tình trạng bệnh nhân khi chuyển tuyến hoặc đi khám lại ở bệnh viện khác phải làm lại các xét nghiệm là phổ biến. Thậm chí, có những bệnh nhân vừa hôm trước xét nghiệm ở bệnh viện tỉnh nhưng hôm sau chuyển lên bệnh viện Trung ương vẫn bị yêu cầu làm lại đúng xét nghiệm đó. Điều này phổ biến ở các bệnh viện lớn như Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai… khiến người bệnh bức xúc, gây lãng phí, tốn kém”.
Hằng năm, các bệnh viện có khoảng 250 triệu lượt xét nghiệm hóa sinh, hơn 200 triệu lượt xét nghiệm huyết học và khoảng 25 triệu lượt xét nghiệm vi sinh. Năm 2016, các cơ sở y tế đã thực hiện 516 triệu xét nghiệm các loại. Số lượng xét nghiệm tại các cơ sở y tế tăng đều hằng năm, trung bình 10-15%/năm. Trong khi đó, hiện chi phí dành cho xét nghiệm chiếm tới 16-20% tổng chi phí cho y tế. Như vậy, nếu mỗi năm tiết kiệm khoảng 1% xét nghiệm, tính trung bình mỗi xét nghiệm 50.000 đồng thì cũng sẽ giảm được chi phí tới 237,5 tỉ đồng/năm.
Cũng có băn khoăn
Chính ông Phạm Lương Sơn, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng phải sốt ruột khi hiện tại việc chi phí dành cho chụp chiếu, xét nghiệm, chẩn đoán chiếm gần 20% tổng chi khám chữa bệnh, 60% chi phí chi cho thuốc nên ngân sách không còn nhiều để nâng chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh. Nếu thực hiện liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện thì không chỉ bệnh nhân tiết kiệm được thời gian và tiền bạc mà còn giúp nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, tránh lãng phí và tiêu cực phát sinh do chỉ định xét nghiệm tràn lan.
Tuy nhiên, để thực hiện kế hoạch này, ngành y tế đang đứng trước một thách thức lớn khi mà chất lượng các cơ sở khám, chữa bệnh trên cả nước ở trong tình trạng không đồng đều. Thông thường chất lượng xét nghiệm ở các bệnh viện tuyến Trung ương được đánh giá là tốt hơn ở các bệnh viện tuyến tỉnh. Chưa kể, chất lượng xét nghiệm ở ngay các bệnh viện cùng tuyến cũng chưa đồng đều. Cụ thể, phòng xét nghiệm của Bệnh viện Bạch Mai đạt chuẩn ISO 15189 trong khi thực tế phòng khám ở các bệnh viện khác đạt chuẩn như vậy là không nhiều. Đó là còn chưa tính đến máy móc xét nghiệm, hóa chất xét nghiệm của các bệnh viện được đầu tư khác nhau, nhân lực làm xét nghiệm trình độ khác nhau nên kết quả có thể khác nhau... Sự khác biệt về chất lượng xét nghiệm giữa các bệnh viện cũng là yếu tố cơ bản khiến ông Trần Bình Giang - Giám đốc Bệnh viện Việt Đức băn khoăn.
Kết quả xét nghiệm phụ thuộc vào 3 điều kiện quan trọng là máy xét nghiệm, hóa chất và chuẩn của máy, mà các yếu tố này hiện mỗi bệnh viện một khác. Đối với những bệnh viện thực hiện nghiêm túc, máy móc được lấy đúng nguồn, xuất xứ đảm bảo thì chất lượng đảm bảo. Do đó, để thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm, cần phải có hội đồng gồm các chuyên gia hàng đầu kiểm tra chất lượng máy móc, trình độ nhân lực của các bệnh viện theo tiêu chuẩn ISO và hội đồng kiểm chuẩn phải chịu trách nhiệm trước việc đánh giá các kết quả xét nghiệm. Từ đó, đảm bảo được chất lượng máy giữa các bệnh viện được tương đương nhau mới không làm ảnh hưởng tới chất lượng điều trị khám, chữa bệnh.
Hiện đã có 122 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và bệnh viện hạng 1 đã lập kế hoạch, chuẩn bị để từ ngày 1-1-2018 sẽ bắt đầu liên thông kết quả xét nghiệm với gần 40 bệnh viện tuyến Trung ương. |
Huyền Anh
-
Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
-
“Không có căn cứ để nói áp thuế GTGT 5% sẽ làm tăng giá phân bón”
-
Thủ tướng gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu năm 2024
-
Chiến thắng Bình Giã: Sức mạnh toàn dân làm nên mốc son lịch sử
-
Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn