Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Leo thang xung đột Israel - Palestine

09:25 | 02/11/2023

564 lượt xem
|
Ngày 7/10/2023, lực lượng Hamas bất ngờ mở cuộc tấn công lớn nhất của mình nhằm vào Israel, thổi bùng xung đột vũ trang giữa Israel và Palestine. Lần đầu tiên trong vòng hơn 50 năm qua, Israel đối mặt với một cuộc tấn công quy mô lớn với thiệt hại nghiêm trọng, cho thấy sự mâu thuẫn ngày càng sâu sắc giữa Israel và Palestine. Cuộc xung đột này trở thành một trong những vấn đề “nóng” nhất tại khu vực Trung Đông và trên thế giới.

Diễn biến tình hình

Vào ngày mở đầu dịp Lễ Kinh thánh Do Thái năm 2023, Phong trào kháng chiến Hồi giáo (Hamas) - 1 trong 2 lực lượng chính trị lớn tại Palestine - thực hiện chiến dịch “cơn bão Al-Aqsa”, tấn công quy mô lớn vào các khu vực tái định cư Do Thái ở Dải Gaza và một số thành phố của Israel, bao gồm Thủ đô Tel Aviv, trên cả đường bộ, đường biển và đường không. Khoảng 6.000 quả rocket nhắm tới các căn cứ quân sự, sân bay của Israel. Nhiều tay súng Hamas vượt các hàng rào tại Dải Gaza để vào lãnh thổ Israel, thực hiện các cuộc tấn công vũ trang, bắt cóc con tin.

Ngay sau khi lực lượng Hamas thực hiện cuộc tấn công, Israel tuyên bố tình trạng chiến tranh, mở cuộc tấn công quy mô lớn, đáp trả với mức độ “chưa từng thấy” nhằm “tiêu diệt” Hamas, vô hiệu hóa mọi năng lực quân sự và điều hành của tổ chức này ở Dải Gaza. Do đó, Chính phủ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu quyết liệt thực hiện nhiều biện pháp, như: 1- Tổng động viên trên toàn quốc; 2- Thành lập chính phủ thời chiến; 3- Ngừng cung cấp điện, nhiên liệu và hàng hóa tới Dải Gaza; 4- Đưa quân vào Dải Gaza; 5- Tăng cường phong tỏa các khu vực tại Bờ Tây và các khu vực biên giới.

Theo thông báo của các cơ quan chức năng hai bên, tính đến ngày 15/10/2023, đã có hơn 3.500 người thiệt mạng và hơn 12.000 người bị thương, bao gồm cả một số nhân viên của Liên hợp quốc và công dân một số nước, như Mỹ, Thái Lan, Nepal... Hơn 1 triệu người tại Dải Gaza buộc phải rời khỏi nơi cư trú.

Nguyên nhân căng thẳng

Chiến sự leo thang mạnh mẽ giữa Israel và Palestine thời gian qua không chỉ bắt nguồn từ những bất đồng thông thường, mà là hệ quả của nhiều vấn đề được tích tụ từ lâu. Có thể chỉ ra một số nguyên nhân trực tiếp và sâu xa dẫn tới cuộc tấn công quy mô lớn của lực lượng Hamas, leo thang xung đột Israel - Palestine như sau:

Về nguyên nhân trực tiếp: thứ nhất, lực lượng Hamas tấn công Israel nhằm chống các chính sách cực đoan, thù địch của chính quyền Israel đối với người Palestine; qua đó muốn gây tiếng vang, khẳng định vị thế chính trị của Hamas trên chính trường Palestine.

Theo người phát ngôn của lực lượng Hamas, cuộc tấn công là hệ quả của những chính sách cực đoan mà chính quyền Israel đang áp dụng đối với người Palestine, như: 1- Tăng cường mở rộng xây dựng và khuyến khích người Do Thái tới các khu tái định cư tại những khu vực chiếm đóng ở Dải Gaza và Bờ Tây; 2- Thực hiện nhiều hành động xâm phạm tới sự linh thiêng của đền Hồi giáo Al-Aqsa tại Thủ đô Jerusalem (Israel), cản trở người Palestine tới hành lễ; 3- Kiềm tỏa Dải Gaza khiến đời sống của hơn 2,3 triệu người tại khu vực này trở nên tồi tệ hơn.

Trong bối cảnh đời sống ngày càng khổ cực, cuộc tấn công của lực lượng Hamas khiến nhiều người dân Palestine được khích lệ, bày tỏ sự ủng hộ đối với tổ chức này, góp phần nâng cao uy tín chính trị trên chính trường, nhất là trong bối cảnh các phe phái chính trị tại Palestine đang tích cực đàm phán về cuộc tổng tuyển cử, vốn gián đoạn hơn 2 năm nay.

Thứ hai, tận dụng thời cơ khi tinh thần sẵn sàng chiến đấu của Israel ở mức thấp kỷ lục. Thời gian qua, Israel đối mặt với khủng hoảng chính trị - xã hội sâu sắc. Hàng nghìn sĩ quan quân đội và quân nhân dự bị thuộc các lực lượng tinh nhuệ của Israel, như tình báo, không quân,... tuyên bố không thực hiện nghĩa vụ quân sự nhằm phản đối kế hoạch cải tổ tư pháp của chính phủ đương nhiệm.

Nhiều quan chức Israel đã cảnh báo về nguy cơ mất an ninh, song những bất đồng sâu sắc trên chính trường khiến vấn đề không được giải quyết.

Thứ ba, mong muốn thúc đẩy cộng đồng quốc tế, các nước Arab khu vực coi trọng giải quyết xung đột Israel - Palestine như là tiền đề để đạt được môi trường hòa bình, an ninh. Với quan điểm không công nhận Nhà nước Israel, lực lượng Hamas luôn phản đối các thỏa thuận bình thường hóa quan hệ của các nước Arab với Israel, cho rằng các thỏa thuận là sự phản bội đối với sự nghiệp đấu tranh của người Palestine.

Trong bối cảnh cộng đồng quốc tế và một số nước Arab trong khu vực, bao gồm cả quốc gia đi đầu trong thế giới Hồi giáo là Saudi Arabia, ngày càng “làm ngơ” vấn đề xung đột Israel - Palestine, “phớt lờ” các chính sách phân biệt đối xử của Israel đối với người Palestine, để thúc đẩy bình thường hóa quan hệ với Israel, cuộc tấn công trở thành tiếng chuông báo động, nhắc nhở các nước Arab về sự đoàn kết với người Palestine, cũng như cam kết thúc đẩy hiện thực hóa việc thành lập Nhà nước Palestine độc lập.

Đêm 17/10 (giờ địa phương), 1 vụ tấn công đẫm máu nhằm vào Bệnh viện Ahli Arab thuộc thành phố Gaza khiến hàng trăm người Palestine thiệt mạng. Theo Bộ Y tế Palestine, bệnh viện là nơi trú ẩn của hàng nghìn người trước sự tấn công trả đũa của quân đội Israel, trong bối cảnh khủng hoảng nhân đạo ngày càng gia tăng khi người dân vùng đất này đang đối mặt với mối nguy thiếu hụt lương thực, nhiên liệu, điện, nước...

Về nguyên nhân sâu xa: một là, xung đột leo thang là hệ lụy từ những mâu thuẫn về vấn đề tôn giáo, sắc tộc mà lịch sử để lại, đặc biệt là sự khác biệt về quan điểm trong giải quyết xung đột giữa Israel và Palestine.

Phía Palestine mong muốn đạt được thỏa thuận mà theo đó: 1- Nhà nước Palestine được thành lập với đường biên giới trước năm 1967 và Đông Jerusalem là thủ đô; 2- Người tị nạn Palestine được phép trở về sinh sống tại Nhà nước Palestine; 3- Israel rút khỏi các khu vực chiếm đóng và trao trả tù binh Palestine. Ngược lại, với lợi thế sức mạnh vượt trội trên thực địa, chính quyền Israel muốn duy trì hiện trạng, liên tục từ chối giải pháp 2 nhà nước, tiếp tục kiểm soát và khai thác các khu vực còn tranh chấp.

Hai là, sự can thiệp của các lực lượng bên ngoài khiến tình hình trở nên phức tạp. Do sự khác biệt về lợi ích, một số nước đưa ra lập trường khác nhau, như ủng hộ mạnh mẽ Palestine (Iran, Syria, Lebanon), ủng hộ mạnh mẽ Israel (Mỹ, một số nước Liên minh châu Âu - EU), ủng hộ giải pháp 2 nhà nước, bao gồm cuộc đấu tranh về các quyền chính đáng của người Palestine (Nga, Ai Cập, Trung Quốc).

Ngay sau khi chiến sự nổ ra, Tổng thống Iran Raisi đã có các cuộc điện đàm với lãnh đạo Hamas và phong trào Jihad Hồi giáo Palestine, khẳng định ủng hộ sự nghiệp đấu tranh của nhân dân Palestine. Trong khi đó, Mỹ, các nước EU nhanh chóng bày tỏ sự ủng hộ, tuyên bố sẵn sàng cung cấp vũ khí và đạn dược cho Israel.

Đâu là lối thoát cho cuộc xung đột?

Xung đột leo thang với diễn biến phức tạp, khó lường, tác động lớn đến tình hình khu vực, cụ thể là: 1- Làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Dải Gaza vốn đã rất tồi tệ. Theo các số liệu tính tới tháng 9/2023 của Liên hợp quốc và Cục Thống kê Palestine, tỷ lệ thất nghiệp tại Dải Gaza hiện lên tới hơn 45%, trong đó thất nghiệp trong giới trẻ lên tới hơn 70%. Khoảng 81% người dân sống ở mức nghèo đói. Chỉ 10% dân số được tiếp cận trực tiếp với nước sạch; 2- Đẩy lùi tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Israel và các nước Arab. Thời gian qua, với sự trung gian của Mỹ, Israel đạt được bước tiến lớn trong bình thường hóa quan hệ với các nước Arab trong khu vực.

Sau khi bình thường hóa quan hệ với Bahrain, Các tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE), Israel được cho là đang hoàn tất những điều khoản cuối cùng để bình thường hóa quan hệ với Saudi Arabia. Tuy nhiên, chiến sự nổ ra sẽ ảnh hưởng lớn tới tiến trình. Những cuộc tấn công của Israel nhằm vào người dân Palestine sẽ khiến cộng đồng Hồi giáo khu vực lên án mạnh mẽ, đẩy lùi tiến trình tích cực đạt được thời gian qua.

Trong bối cảnh các lực lượng Palestine và chính quyền Israel đều đưa ra những động thái mạnh mẽ, không nhân nhượng, chiến sự giữa Palestine và Israel nhiều khả năng sẽ tiếp tục leo thang, mở rộng, tiềm ẩm về nguy cơ xảy ra cuộc nổi dậy lần thứ ba (Intifada) của người dân Palestine hay một cuộc chiến toàn diện tại khu vực.

Với sự hỗ trợ của các nước đồng minh, nhất là Mỹ, chính quyền Israel sẽ đẩy mạnh các cuộc tấn công, tận dụng chiến sự như cái cớ để “tiêu diệt” các lực lượng chống đối như Hamas, nâng cao vị thế trên chính trường. Trong khi đó, với sự ủng hộ của một số lực lượng Hồi giáo tại khu vực, các lực lượng Palestine sẽ tiếp tục cuộc đấu tranh. Các lực lượng ủng hộ Palestine như Hezbollah ở Lebanon và một số lực lượng Hồi giáo ở Syria, Iran, Iraq được cho là sẽ tham gia sâu hơn vào cuộc xung đột, tiềm ẩn mở rộng phạm vi chiến sự.

Xung đột Israel - Palestine sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm lớn, trở thành một ưu tiên trong chương trình nghị sự khu vực và quốc tế thời gian tới. Bên cạnh nỗ lực ngoại giao của một số cường quốc khu vực, như Ai Cập, Saudi Arabia, những hành động của các nước lớn, như Mỹ, Nga, Trung Quốc đem lại nhiều hy vọng về hòa giải xung đột. Không chỉ tích cực trao đổi với Israel và Palestine, cả Mỹ, Nga, Trung Quốc đều tận dụng phát huy ảnh hưởng, lợi thế riêng để làm trung gian hòa giải, như Mỹ triển khai các cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden với lãnh đạo Israel và Palestine; cử quan chức cấp cao, như Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng tới khu vực; Nga tích cực chuẩn bị cho chuyến thăm của Tổng thống Palestine M. Abbas; Trung Quốc đẩy mạnh trao đổi với Liên đoàn Arab và các quốc gia Arab, thúc đẩy tổ chức Hội nghị hòa bình quốc tế giải quyết xung đột.

Nhìn chung, tìm kiếm giải pháp hòa bình cho xung đột Israel - Palestine đang ngày càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết, đòi hòi nỗ lực của tất cả các bên liên quan cũng như cộng đồng quốc tế, vì một nền hòa bình bền vững cho mảnh đất Trung Đông linh thiêng, luôn ẩn chứa nhiều bất ổn này.

Leo thang xung đột Israel - Palestine
Người dân Palestine xung đột với binh sĩ Israel trong cuộc biểu tình ngày 29-1-2020. Ảnh: AFP
Xung đột Israel - Palestine là một trong những cuộc xung đột lâu đời nhất và dai dẳng nhất trên thế giới, kéo theo ít nhất 6 cuộc chiến tranh Trung Đông, 2 phong trào phản kháng Intifada của người Palestine cùng vô số vụ đụng độ đẫm máu và tấn công bạo lực, tạo ra nhiều bế tắc ngoại giao chưa từng có trong lịch sử chính trị nhân loại.

Lê Xuân Thuận - Vụ Trung Đông - châu Phi - Mỹ Latinh, Ban Đối ngoại Trung ương/

Chuyên trang Hồ sơ Sự kiện - Tạp chí Cộng sản

Bạo lực leo thang ở JerusalemBạo lực leo thang ở Jerusalem
Người Israel - Palestine tiếp tục đụng độ sau lệnh ngừng bắnNgười Israel - Palestine tiếp tục đụng độ sau lệnh ngừng bắn
Liên Hợp Quốc tích cực hỗ trợ tái thiết Dải GazaLiên Hợp Quốc tích cực hỗ trợ tái thiết Dải Gaza