Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Lênh đênh giữa biển Caribe

11:00 | 21/10/2020

499 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Từ lần đầu đến Cuba vào tháng 8 năm 1975, những hình ảnh La Havana lung linh, rực rỡ trong nắng biển Caribe vẫn sống mãi trong tôi. Đầu tháng 10 năm 2011, chúng tôi thăm lại Cuba...

Tác giả: Bỳ Văn Tứ

1. Lần đầu đến Cuba

Tháng 8 năm 1975, tôi được cùng với ông Nguyễn Văn Biên, khi đó là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, đi công tác ở Mexico. Trên đường đi, chúng tôi quá cảnh và nghỉ lại La Havana một ngày. Đó là lần đến Cuba đầu tiên của tôi. Chúng tôi bay từ Hà Nội sang Moskva bằng máy bay cánh quạt IL 18 của hãng hàng không Aeroflot của Liên Xô. Đoạn đường từ Hà Nội sang Moskva phải dừng chân ở Vientian, Rangoon, Calcuta, Bombay…, tổng cộng mất cả thảy 18 tiếng đồng hồ. Từ Moskva chuyển sang máy bay IL 62M, bay qua Frankfurt (Tây Đức), Lisbone (Bồ Đào Nha) rồi tới La Havana. Được đi máy bay phản lực từ châu Âu vượt qua Đại Tây Dương, vừa thấy sướng vì máy bay rộng rãi, lên xuống êm ru, vừa có nhiều cảm xúc trên chuyến hành trình quanh nửa vòng trái đất.

Đại sứ Hà Văn Lâu tiếp đoàn, nói chuyện về tình hình Cuba, tình hình Mexico và những tình cảm đặc biệt của Fidel Castro đối với nhân dân Việt Nam. Tòa Đại sứ quán Việt Nam là một ngôi biệt thự tráng lệ, xây bằng đá trắng, nằm trên bờ biển Caribe. Buổi tối tôi di dạo, ngắm từng đợt sóng dạt dào, tung bọt trắng xóa trên bờ đá. Trên con phố nhỏ, tôi rất lạ lẫm khi bắt gặp đôi trai gái Cuba ôm nhau hôn thắm thiết giữa đường phố, làm xe ô tô cũng phải dừng, chờ họ hôn xong mới có đường đi tiếp.

lenh-denh-giua-bien-caribe
La Havana (La Habana) - năm 1975.

Từ La Havana, chúng tôi tiếp tục bay sang thủ đô Mexico bằng máy bay IL 18 của hãng hàng không Cuba. Trên máy bay, gặp những phụ nữ Cuba to lừng lững và những hành khách Cuba rất vui nhộn, vừa hỏi, vừa xòe bàn tay vốc cả nắm kẹo trên khay của nữ tiếp viên… Đoàn chúng tôi có thêm ông Ngạnh, khi đó là Bí thư thứ 3 của Đại sứ quán Việt Nam tại Cuba cùng đi làm phiên dịch tiếng Tây Ban Nha cho đoàn. Chúng tôi sang tới Mexico thì nhập cùng đoàn của ông Nguyễn Cơ Thạch, khi đó là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và bà Nguyễn Thị Bình là Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ của Mặt trận Giải phóng Miền Nam Việt Nam.

Ba mươi sáu năm đã qua, những hình ảnh La Havana lung linh, rực rỡ trong nắng biển Caribe vẫn sống mãi trong tôi…

2. Thăm lại Cuba

Đầu tháng 10 năm 2011, chúng tôi đến Cuba. Sau khi kết thúc Hội nghị Dầu khí Venezuela, đoàn từ Caracas đi La Havana bằng máy bay của hãng hàng không Copa Airlines. Chuyến bay quá cảnh ở Panama. Từ trên máy bay, thấy thành phố Panama hiện ra với khu phố trung tâm dọc bờ biển, những khối nhà cao chọc trời. Phía sau là những khu dân cư thấp tầng xây theo lô, theo hàng nằm trong cây xanh, khu nhà mới thì mái ngói đỏ au. Sân bay Panama gọn gàng, không lớn lắm, nhưng là một đầu mối hàng không quan trọng ở vùng Trung Mỹ, có nhiều tuyến hàng không qua đây. Khu vực nhà ga của Copa Airlines là một khối nhà tròn, các cửa khá gần nhau, nên việc quá cảnh, chuyển máy bay rất thuận tiện.

lenh-denh-giua-bien-caribe-1
Sân bay Jose Marti

Từ Panama đến La Havana mất hơn hai giờ đồng hồ. Sân bay Jose Marti, ga hàng không màu bê tông nâu, đã xám cũ với thời gian. Làm thủ tục nhập cảnh, lấy hành lý xong, ra tới cửa là tôi thấy ngay cảnh ồn ào, náo nhiệt chen lấn nhau. Người đi đón người nhà gọi nhau í ới, hành khách phải kéo va li len lỏi tìm lối ra ngoài. Hôm nay có ba chuyến máy bay từ Panama, Paris và Madrid đến sát nhau, nên ga hàng không thật là chật chội. Cảnh tượng giống hệt sân bay Tân Sơn Nhất những năm 1980-1990, mỗi khi có chuyến bay quốc tế, Việt kiều về thăm nhà trong dịp gần Tết cuối năm.

Nacional de Cuba là khách sạn sang trọng nhất ở La Havana, nguyên thủ các nước sang thăm Cuba đều ở đây. Khách sạn có kiến trúc Tây Âu, xây dựng từ năm 1930, vừa mới kỷ niệm 80 năm thành lập. Đường từ cổng vào tới cửa khách sạn có hai hàng cọ cao vút. Vừa vào tới sảnh, chúng tôi đã thấy trên sân khấu ở sân sau khách sạn, ánh đèn màu rực rỡ và tiếng hát hòa theo tiếng trống, tiếng đàn rộn ràng. Trong khi chờ làm thủ tục nhận phòng, mọi người tranh thủ thưởng thức tiết mục đang dở dang. Mỗi tối ở đây đều có chương trình ca nhạc phục vụ khách, mọi người ngồi ở salon xung quanh, dọc theo hành lang và sân sau, trong khuôn viên của quầy bar, vừa thưởng thức, vừa nhâm nhi rượu Rhum hay uống cà phê.

Trang bị nội thất trong phòng vẫn giữ được những đồ vật cũ, cách đây đã mấy chục năm, nhưng vẫn còn thể hiện đẳng cấp của mình. Chỉ có chiếc TV Samsung 32 inch là mới. Cảm nhận đầu tiên của tôi, đây vẫn là đất làm du lịch chuyên nghiệp!

3. Những chuyện mới đến

Buổi tối chúng tôi đi ăn ở nhà hàng trên tầng 33 khách sạn Melia. Từ đây, có thể nhìn bao quát một phần thành phố La Havana trong đêm. Nhà hàng không đông khách lắm. Nhân viên không tỏ ra vồ vập, nhưng phục vụ chu đáo. Rượu vang ngon, thức ăn có vẻ cũng hợp khẩu vị với mọi người. Khi thanh toán, chúng tôi hơi bất ngờ: Bảy người ăn khá thịnh soạn mà chưa hết hai trăm đô la. Ở Cuba, đang lưu hành hai đồng tiền: Đồng peso để trả lương, nhà nước thu mua nông sản và nhân dân dùng để mua lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm theo tiêu chuẩn tem phiếu định lượng cho mỗi người. Đồng peso chuyển đổi ngoại tệ mạnh thường gọi là đồng C.U.C, giá cao hơn đô la Mỹ, dùng cho khách du lịch nước ngoài thanh toán khách sạn, dịch vụ và mua hàng, cũng như để thanh toán trong thương mại quốc tế. Dân xếp hàng mua bánh mì tem phiếu giá mỗi chiếc một peso. Người nước ngoài mua cùng loại bánh mì đó thì phải trả một C.U.C mỗi chiếc. Một C.U.C giá trị khoảng ba chục peso. Cho nên các nhân viên cửa hàng bánh mì cũng bớt khẩu phần bánh mì của mình để bán cho người nước ngoài! Y hệt như ở Việt Nam những năm bao cấp dùng tem phiếu.

Anh Long hướng dẫn đoàn kể cho chúng tôi, anh ở Cuba đã được 11 năm, thỉnh thoảng mới về Việt Nam. Gia đình nghe nói ở đây khó khăn, muốn anh về nhà sinh sống, lập gia đình. Nhưng anh lại thấy, mình gắn bó với mảnh đất xinh đẹp này không muốn xa rời nữa, muốn sinh cơ lập nghiệp ở đây. Anh có nhiều bạn bè. Họ coi anh như người bản xứ. Họ thường gọi anh bằng cái tên Cuba thân mật là Alejeandro. Có lần, anh đi về nhà bạn cùng lớp chơi. Gia đình ở tận tỉnh Granma, cách La Havana 700 cây số về phía đông. Gia đình bạn thật nghèo. Bữa ăn chẳng có gì ngoài khoai tây, bánh mì ăn với đậu đỏ hầm. Nhưng bố mẹ bạn cũng xoay được cho anh, bữa thì quả trứng, bữa thì miếng thịt, làm anh vừa ăn, vừa thấy cám cảnh, ái ngại. Tình cảm hiếu khách của người Cuba thật chẳng khác gì dân Việt Nam! Nghe báo chí nước ngoài nói về cảnh thiếu ăn ở Cuba, dân Cuba hay đùa: “Chúng tôi đâu có chết đói, chúng tôi chỉ đói cho đến lúc chết thôi!”.

Dân Cuba thường đi lại bằng xe đò. Những xe bus từ thời Liên Xô để lại đã cũ nát. Bạn đang thay dần bằng đội xe bus do Trung Quốc chế tạo, cho vay không lãi và trả chậm bằng các dịch vụ đào tạo tiếng Tây Ban Nha cho sinh viên và cán bộ Trung Quốc. Dọc các đường quốc lộ đều có tuyến xe bus, có bến đỗ. Nhưng thường phải chờ mấy tiếng đồng hồ mới gặp được chuyến xe. Người Cuba bây giờ rất kiên nhẫn và đã quen chờ xe rồi, chẳng thấy ai phiền não hay bức xúc. Và người ta cũng hay vẫy xe xin đi nhờ, mỗi khi có xe qua. Các bác tài Cuba rất tốt bụng, hay cho đi nhờ. Nghe nói, ở các thành phố, có cán bộ mặc áo màu vàng, mỗi khi thấy xe là vẫy tay ra hiệu dừng xe, xếp cho người già, con nít đi nhờ. Các tài xế thấy cán bộ đó là tuân lệnh răm rắp.

Cách đây ít lâu, anh Long dẫn bạn từ Việt Nam sang chơi, xuống tỉnh Las Tunas cũng ở phía đông. Xe hỏng, muốn thuê taxi mà kiếm mãi không ra. Sau mới biết, cả tỉnh chỉ có 5 chiếc xe, thì hai chiếc đã bị hỏng! Đấy là bây giờ tình hình đã được cải thiện nhiều. Cách đây hơn chục năm, sau khi Liên Xô sụp đổ, Cuba không còn nguồn xăng dầu viện trợ 10 triệu tấn mỗi năm, chỉ có khoảng một phần mười số đó nên hầu như xe cộ nằm im hết. Người ta phải đi xe đạp, xe ngựa, thậm chí cả xe bò. Bây giờ, Cuba khai thác dầu trong nước và nhập cảng thêm, tiêu thụ mỗi năm hơn 3 triệu tấn xăng dầu.

lenh-denh-giua-bien-caribe-3
Đường phố La Havana

Trên đường phố La Havana có khá nhiều xe hơi. Thỉnh thoảng mới thấy chiếc xe mới, còn toàn là xe cũ. Anh Long mách cho chúng tôi nhìn màu biển số xe là có thể phân biệt chủ nhân của nó: Biển xanh dương là của lực lượng vũ trang, nghe nói lực lượng vũ trang chiếm 15% dân số Cuba, nghĩa là cứ 6 người dân có một người là chiến sĩ; biển đỏ là xe của người tạm trú, biển xanh lá mạ là của giám đốc công ty quốc doanh, biển nâu là xe của tư nhân; xe Lada cũ của Liên Xô là của cán bộ cấp thứ trưởng. Xe taxi và xe tư nhân khá nhiều, mà tuyệt đại đa số là xe cổ của các nhà chế tạo xe hơi nổi tiếng sản xuất trước năm 1960. Cho nên có nhiều tay săn lùng chơi xe cổ đã sang Cuba, tìm mua các xe cổ cho bộ sưu tập của mình. Nhưng Chính phủ Cuba cấm xuất khẩu xe cũ nên họ tìm chủ xe, đặt tiền cọc, chờ khi nào được phép, họ sẽ sang rước xe về.

4. Dầu khí Cuba

Thành cổ La Havana nằm trên bờ biển. Bên kia vịnh là hải cảng La Havana. Hải cảng không tấp nập lắm, có vẻ ít tàu ra vào. Cạnh đó, thấy ngọn đuốc và ống khói nhà máy lọc dầu. Nghe nói, nhà máy lọc dầu này có công suất khoảng 3 triệu tấn/năm, chế biến dầu thô khai thác ở Cuba và một phần dầu thô nhập khẩu.

Sáng ngày 5/10/2011, đoàn chúng tôi đến thăm Liên đoàn Dầu khí Cuba (CUPET). Đồng chí Raul Perez de Prado, Tổng giám đốc CUPET thân mật tiếp và làm việc với đoàn. Đồng chí bày tỏ mong muốn sự hợp tác giữa ngành Dầu khí Việt Nam và Cuba phát triển mạnh mẽ ngang tầm với tình hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai nước. Ngoài các hợp đồng thăm dò dầu khí trên đất liền và ngoài biển đang được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) triển khai, Liên đoàn Dầu khí Cuba muốn hợp tác với các doanh nghiệp của Việt Nam trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ cho thăm dò dầu khí ở Cuba cũng như hoạt động của Cuba ở Venezuela. Hai bên có thể trao đổi chuyên gia và tổ chức các khóa đào tạo ở các trung tâm đào tạo của nhau, tùy theo thế mạnh của mỗi bên. Đồng chí cho biết, đặc khu kinh tế của Cuba còn trên một nửa số lô thềm lục địa chưa giao cho ai, sự hiện diện và tìm thấy dầu của Petrovietnam ở đây là vinh dự lớn cho CUPET.

Tiến sĩ Jose Orlando Lopez Quintero, Chủ tịch Hội Địa chất Cuba kiêm Giám đốc Trung tâm Tìm kiếm, thăm dò dầu của CUPET mời Hội Dầu khí Việt Nam sang tham dự Hội nghị Địa chất Cuba sẽ được tổ chức vào năm 2013.

Tiến sĩ Ngô Thường San, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam mời các bạn đồng nghiệp Cuba sang thăm Việt Nam để xúc tiến các công việc hợp tác cụ thể.

Ngoài công việc, các bạn đồng nghiệp Cuba và Việt Nam còn nói chuyện với nhau bằng tiếng Nga, vui đùa như những người bạn cũ lâu ngày gặp lại.

Văn phòng của CUPET có nhiều dáng dấp của các cơ quan ở các nước xã hội chủ nghĩa thời Xô Viết, như Liên Xô, Rumani và cả Việt Nam trước những năm 1990. Trước cửa tòa nhà CUPET, có một bức tượng thiếu nữ khỏa thân bằng đá trắng tuyệt đẹp.

Khi ra khỏi CUPET, anh Long kể, mình đã nhiều lần mời cán bộ của CUPET và các Bộ trong Chính phủ Cuba sang thăm Việt Nam, chi phí do mình đài thọ, nhưng không có ai được đi. Có vẻ các bạn sợ cán bộ của mình sang Việt Nam thì bị thay đổi quan điểm thì phải. Có lần Phidel Castro nói: Việt Nam và Trung Quốc không còn là các nước xã hội chủ nghĩa tinh khiết. Ở Cuba, kinh tế thị trường trước đã tồn tại từ hơn một trăm năm trước, không cần đề cập nữa!

Anh còn kể, năm 2009, các anh đi khảo sát thực địa xác định vị trí giếng khoan dầu. Trên bản đồ, nơi đó là đồng mía. Nhưng khi đến nơi, chẳng thấy đồng mía nào cả, mà toàn là cỏ gai cao lút đầu người, thân cây to, mọc chằng chịt không thể vào được. Khi hỏi dân địa phương, thì họ trả lời: Đúng là cách đây hai chục năm, vùng này là ruộng mía. Nhưng bây giờ đất bỏ hoang, không thể canh tác được. Cuối cùng các anh cũng phải xê dịch vị trí giếng khoan ra nơi khác.

Có lần, các anh thấy mùi thối dọc đường, phát hiện có xác con bò chết mà người ta không chôn. Dân địa phương kể cho các anh nghe câu chuyện bò chết cách đây đã gần chục năm. Trong làng, có một con bò chết, ai cũng biết! Dân làng rất ít khi được ăn thịt, nghĩ rằng, bò đã chết, bỏ đi thì phí và rủ nhau ra mỗi người xẻo một miếng về ăn. Sau đó, cán bộ huyện về điều tra. Tất cả những ai xẻo thịt bò, không phân biệt nhiều hay ít, đều bị tòa án huyện xử bỏ tù 8-9 năm. Từ đấy, bò của nông trường chết, không ai dám đụng đến. Họ bảo, ở Cuba, giết bò tội nặng hơn cả giết người!

Trước đây, Cuba có tới 156 nhà máy đường. Nhưng hiện nay chỉ còn 56 nhà máy hoạt động, vì không có mía và đường cũng không xuất khẩu được. Chủ trương của Chính phủ sẽ tiếp tục tái cơ cấu ngành mía đường, chỉ giữ lại 46 nhà máy đường mà thôi. Các sản phẩm phụ của mía đường, Cuba tận dụng làm thức ăn gia súc, nhiên liệu đốt lò, làm bột giấy và ván ép, không đi theo hướng sản xuất nhiên liệu sinh học. Cuba vẫn sản xuất rượu Rhum nổi tiếng ngon của mình và phát triển một số dược liệu đi từ mía đường cũng được thế giới ưa chuộng. Dân Việt Nam vẫn lùng mua thuốc chữa bệnh tim mạch của Cuba.

Hôm đến thăm Đại sứ quán Việt Nam ở La Havana, đại sứ Vũ Chí Công cho biết, Cuba có 2 nhà máy lọc dầu, tổng công suất khoảng 60.000-100.000 thùng ngày (3-5 triệu tấn một năm). Bạn đang hợp tác với Venezuela và Trung Quốc xây dựng một nhà máy lọc dầu mới. Hiện nay, có 11 công ty dầu lửa nước ngoài từ Tây Ban Nha, Italia, Venezuela, Trung Quốc và Việt Nam đang hoạt động ở Cuba. Công ty của Trung Quốc làm dịch vụ, có cả dàn khoan cho thuê.

5. Khu du lịch Varadero

Trưa ngày 4/10/2011, chúng tôi lên đường đi Varadero. Cảng La Havana là một vịnh kín. Bên cửa Vịnh là pháo đài và thành cổ La Havana. Từ bên này, xe đi xuống đường hầm xuyên qua cửa vịnh. Ngay cạnh lối vào đường hầm là tòa Đại sứ quán Tây Ban Nha, với kiến trúc cổ kính, nguy nga lộng lẫy nhất La Havana, vẫn giữ được vẻ đẹp đã có hơn trăm năm nay.

lenh-denh-giua-bien-caribe-2
Một biểu tượng của Havana - ngọn hải đăng trăm tuổi El Morro

Đường đi Varadero chạy dọc bờ biển. Bên trái là biển xanh vời vợi mà phía ngoài là Vịnh Mexico; bên phải là những cánh đồng cỏ xanh chạy dài tới chân đồi. Ra khỏi thủ đô mấy chục cây số, bắt đầu thấy các giếng khai thác dầu thô. Có những thiết bị gật gù bơm dầu thô lên, có thiết bị cũ đang đứng im. Thỉnh thoảng thấy tháp bảo dưỡng giếng, có cả dàn khoan đang hoạt động. Có vài trạm xử lý dầu thô, với thiết bị tách nước, tách khí và ngọn đuốc nhỏ đang cháy. Có một trạm chế biến LPG, anh Đạo cho biết là do một công ty Canada xây dựng cách đây mấy năm rồi. Nhà máy rượu Rhum khá đồ sộ bên cạnh một thị trấn thấy cũng thanh bình. Trạm dừng chân bên cạnh chiếc cầu bắc qua hai đỉnh đồi nối hai tỉnh La Havana vả Matanzas có phong cảnh thật thơ mộng.

Đặc biệt, ở đấy tôi được thưởng thức món cocktail ngon tuyệt chế biến từ cùi dừa, quả dứa và rượu Rhum. Nhưng anh Long bảo, dân Cuba không thích ăn cùi dừa và uống nước dừa. Về nông thôn, dừa rụng la liệt mà không ai thèm nhặt. Lạ hơn, Cuba đang nhập khẩu dầu dừa của Việt Nam về chế biến mỹ phẩm, xà phòng và cả bánh kẹo nữa. Các công ty quốc doanh và tư nhân, người ta không buồn nghĩ đến chuyện làm xưởng ép dầu dừa, mặc dù trên hòn đảo Cuba anh hùng này, dừa mọc rất nhiều, chắc chỉ để tô đẹp cảnh thiên nhiên vùng nhiệt đới giữa biển Caribe. Ai tự tiện lấy quả dừa, hoặc chế biến chắc sẽ bị bỏ tù?

Cổng vào khu du lịch Varadero có trạm thu phí. Khu du lịch này chạy dài theo bán đảo. Một bên là biển, một bên như là hồ nước mặn hoặc đầm lầy. Các resort khách sạn 4-5 sao nằm dọc bãi biển, xen giữa những thảm cỏ xanh và những hàng cây. Trong khu du lịch có chợ và khu phố nhỏ của dân địa phương.

Resort Melia Las Americas là một quần thể khách sạn 5 sao và câu lạc bộ sân golf, trước đây là của một tỉ phú người Mỹ xây dựng từ thập kỷ 1930. Khi nhận phòng, mỗi người được đeo vào cổ tay một dải băng nhựa nhỏ màu xanh. Cô tiếp tân dặn mọi người phải đeo nó suốt thời gian ở đây, không được bỏ đi. Với dải băng này, có thể mỗi ngày đến nhà hàng ăn ba bữa có rượu vang, đến quầy phục vụ ở bãi biển lĩnh khăn tắm, xuống bể bơi, ra quầy bar chọn đồ uống, cocktail bao nhiêu lần trong ngày cũng được và có thể lên xe bus con thoi phục vụ du khách đi lại trong khu du lịch không mất tiền. Ngoài ra, khách sạn có chương trình giải trí phủ kín suốt 24 giờ mỗi ngày, cho ngày nắng và cả ngày mưa. Tôi kiểm tra, mọi thứ đều đúng cả. Duy có việc đi xe bus, sáng hôm sau, chúng tôi bắt xe 16 chỗ, tới chợ Varadero phải trả 2 C.U.C (khoảng hơn bốn chục nghìn tiền Việt), khi về ngồi xe hai tầng không có mui phải trả 5 C.U.C, kể ra cũng hơi đắt. Nhưng giá phòng ở đây trọn gói chỉ có 100 đô la một ngày thì lại quá rẻ.

Chợ du lịch Varadero chỉ bán phần lớn là quà lưu niệm địa phương, như trống và các nhạc cụ, mũ nón, túi xách, quần áo, huy hiệu, hàng mỹ nghệ…, giá cũng phải chăng. Bán đảo - quần thể du lịch Varadero chạy dài đến hai chục cây số. Nhưng các khách sạn, resort ở đây rộng rãi, có đẳng cấp cao hơn là các khu du lịch Vinpearl ở Nha Trang, Tuần Châu ở Hạ Long hay Mũi Né ở Phan Thiết.

Đang mùa du lịch, người nước ngoài đến đây khá đông, phần nhiều từ Tây Ban Nha, Mỹ, Canada, Mỹ Latinh. Người châu Á không nhiều, có lẽ do đường quá xa. Tôi cảm nhận rất rõ tính chuyên nghiệp của khu du lịch Varadero, nó có vẻ cách ly với xã hội Cuba hiện thời, nó vừa tiềm ẩn một sức bật mạnh mẽ và sẽ bùng nổ thế mạnh của hòn đảo này, khi có được chính sách phù hợp…

6. Dạo phố

Từ Varadero về, chiều hôm ấy chúng tôi có mấy tiếng đồng hồ đi dạo phố. Nhà cửa ở khu trung tâm La Havana trên bờ biển phần nhiều đã cũ. Một số nhà nằm sát biển bị cơn bão cách đây mấy năm tràn vào phá sập, một số bức tường trơ ra những mảng gạch của thế kỷ 19 hoặc đầu thế kỷ 20. Có tường nhà, bên trong bằng đất, ngoài trát vữa như tường toxi ở quê tôi hồi kháng chiến chống Pháp. Chính phủ Cuba đang cho sửa chữa một số vila lớn, đẹp để cho nước ngoài thuê. Nhưng công việc nhìn có vẻ chậm chạp, lề mề, không có gì khẩn trương hay náo nhiệt.

Khu Đại sứ quán của Nga với kiến trúc hình khối giống như chuôi một thanh gươm cắm xuống đất, với màu sơn cũng đã cũ. Chúng tôi chỉ có thể đứng nhìn từ xa. Anh Long nói, trong đấy như một khu phố riêng biệt, có đường ngang, đường dọc với ngã tư có đèn đỏ và người ngoài không được phép đi vào. Tổng số nhân viên và gia đình của sứ quán Nga có thể lên tới chục ngàn người.

Những dãy nhà ở cũ, chắc tuổi cũng cả trăm năm, xuống cấp trầm trọng, người ta vẫn ở, mà chắc lâu lắm rồi không có ai tu sửa. Tôi ngó vào một căn phòng ngay mặt phố vì thấy cửa sổ mở toang. Có một phụ nữ và hai đứa con nhỏ. Trong phòng với diện tích chắc khoảng 14 mét vuông, như căn hộ tập thể của tôi hồi ở Giảng Võ, Hà Nội, mà trong nhà cũng có tủ lạnh, TV cũ, đồ đạc ngổn ngang xung quanh chiếc nệm trải trên nền nhà.

Ở chân cầu thang cạnh lối ra vào nhà tập thể cách đấy không xa, tôi thấy một bà cụ ngồi bên cái mẹt bày bán mấy chiếc bàn chải, hộp kem đánh răng, bao diêm, bật lửa, bánh xà phòng… hệt như cảnh phố Huế, Cửa Nam, Tràng Tiền những năm 1980! Đầu hẻm nọ, có anh thanh niên bày bán mấy nải chuối, một khay ổi chín đang mời khách qua đường. Đi một đoạn lại gặp một ông đang đứng cạnh chiếc phản gỗ, bày bán chiếc đùi và mấy tảng thịt lợn sau hàng rào, trong một góc phố vắng.

Ở cửa hiệu bán bánh mì, tôi gặp lại cảnh xếp hàng mua theo tem phiếu. Trong quầy diện tích không lớn, các giá xếp bánh mì đủ loại. Trong song sắt cửa sổ, một chị dáng chừng ba chục tuổi, có chiếc tủ kính con bày bán mấy chiếc bánh ngọt tự làm. Tự nhiên tôi thấy đói, liền ghé vào nhìn kỹ hơn mấy chiếc bánh ngọt. Tôi chỉ tay vào chiếc bánh quy xốp, chiếc bánh giống như quy gai ở Hà Nội mà các gia đình hay đến lò bánh làm mỗi khi Tết âm lịch đến trong những năm thập niên 1970. Tôi ra hiệu bằng ngón tay rằng muốn mua một chiếc. Chị lựa trong tủ cho tôi chiếc bánh, lấy mảnh giấy gói cẩn thận rồi đưa cho tôi. Tôi đưa cho chị tờ một đồng peso chuyển đổi. Chị lúng túng lục hết túi này túi kia lấy tiền lẻ thối lại. Tôi sờ túi thấy còn một đồng mười xu, liền đưa cho chị. Chị cười và đưa lại cho tôi một đồng xu còn to hơn cả đồng mười xu chuyển đổi. Tôi ra hiệu xin biếu chị số tiền lẻ ấy, khỏi phải thối lại. Chị lại cười và cám ơn rối rít. Tôi đứng ngay trước quầy của chị, cầm chiếc bánh ăn ngon lành. Mùi vị đúng là chiếc quy gai, mà mỗi lần Tết đến, vợ tôi lại mang bột mì, đường, sữa, trứng gà đến lò bánh ở phố Giảng Võ xếp hàng thuê người ta làm cho mấy ki lô để ăn và đãi khách. Đúng cái mùi ấy, đúng cái vị ấy, mặc dù đã xa hơn ba chục năm và cách nửa vòng trái đất!

Trên mặt bằng ở góc phố cách khách sạn Nacional de Cuba không xa, có mấy quầy giải khát bán bia. Hình như đây là bến xe bus, quán giải khát phục vụ khách đi xe và khách du lịch qua lại. Trông quang cảnh giống như đầu phố Hàng Vôi ngày xưa có quán bia hơi phục vụ các bác xe xích lô Hà Nội một thời…

Tôi liên tưởng tới những điều ông Đại sứ cho biết: Từ năm 2009, Cuba chủ trương cập nhật mô hình của Chủ nghĩa Xã hội, bỏ dần bao cấp, mở đường cho tư nhân tự doanh. Chủ tịch Raul Castro từng phát biểu với các đảng viên Đảng Cộng sản Cuba: “Chúng ta đang ăn mất Chủ nghĩa Xã hội trước khi xây dựng nó. Nếu chúng ta không thay đổi thì sẽ chết cả nút”. Anh Long cũng kể: Cuba đang khuyến khích nông dân nhận đất khoán. Có người, ban đầu nhận một hecta, sau một năm, năng suất cao, thu nhập tăng lên trông thấy, mặc dù bán sản phẩm cho nhà nước vẫn với giá quy định. Và người ta lại tiếp tục xin nhận thêm vài hecta nữa. Nếu cho nông dân được bán sản phẩm theo giá thị trường, chắc nông nghiệp Cuba sẽ phát triển mạnh. Tư nhân đã được phép mở cửa quán ăn, quán café, nhưng chỉ được quy mô nhỏ, mỗi quán ba bốn bàn mà thôi.

Tôi thấy nhà thờ Thiên chúa giáo ở ngay mặt phố còn mở cửa, liền bước qua hai cánh cửa gỗ cũ kĩ vào bên trong. Trên bục thờ, cha đạo đang đọc tên nhiều người bằng tiếng Tây Ban Nha. Bên dưới có khoảng vài chục giáo dân ngước lên bàn thờ có tượng Chúa Jesu. Các băng ghế còn trống nhiều. Kiến trúc nhà thờ dáng cổ kính với màu sơn cũ kỹ đã phai màu, nhiều mảng tường tróc lở theo thời gian.

Tôi ngồi xuống ghế ở hàng sau cùng. Giọng cha xứ nhỏ nhẹ, âm vang trong không gian thánh đường. Dù không hiểu nội dung nhưng tôi cảm nhận được có sự khích lệ, có sự an ủi.

La Havana tháng 10 năm 2011.

B.V.T