Lão nông cấp "chứng minh thư" cho cá
71 tuổi, 2 lần khởi nghiệp
Men dọc triền đê sông Kinh Thầy, không khó để hỏi đến khu nuôi cá của ông Tựu. Tháng 8 mùa nước lên, nước sông Kinh Thầy đỏ quạch, thật khó tin dưới dòng nước ấy là cả trăm tấn cá đang ngày một lớn dần. Dù đã thuê cả chục người làm nhưng hằng ngày ông Tựu vẫn “cắm chốt” ở đây để tiện theo dõi.
Dáng vẻ đạo mạo cùng giọng nói hào sảng của ông Tựu khiến người đối diện khó tin ông đã ở tuổi “xưa nay hiếm” và trước đây 8 năm, ông mới bắt đầu khởi nghiệp với nghề nuôi cá lồng, ép giòn.
Theo tài liệu mà nhà báo Dương Đình Tường thu thập được, nghề nuôi cá ép giòn độc đáo này bắt nguồn từ Trung Quốc, khi một người nuôi cá ở thị trấn Đông Thăng, thành phố Trung Sơn, tỉnh Quảng Đông tình cờ phát hiện ra rằng, nếu thay đổi thành phần thức ăn của cá trắm cỏ từ cỏ sang đậu tằm thì thịt chúng trở nên giòn và thơm ngon hơn.
Ông Nguyễn Trung Tựu gắn mã cho cá trước khi cho ra thị trường |
Nghề nuôi cá giòn du nhập về Việt Nam, sau đó được thể hiện cụ thể trong đề tài thạc sĩ của Kiều Minh Khuê, đang được lưu ở Học viện Nông nghiệp 1. Ông Tựu tình cờ tiếp cận và nuôi dưỡng ý tưởng nuôi cá ép giòn từ đó.
Khi tiếp xúc với đề tài thạc sĩ của ông Khuê, ông Tựu đã ở tuổi 63. Ông quyết khởi nghiệp ở cái tuổi “xưa nay hiếm” vì trước đó ông dành tâm huyết đưa xã nhà thoát nghèo với cương vị Chủ tịch rồi đến Bí thư xã Nam Tân trong gần 30 năm.
Người dân Nam Sách từng có câu: “Tam Tân, Nhất Phú” nghĩa là 4 xã nghèo nàn, lạc hậu nhất huyện là Thái Tân, Nam Tân, Minh Tân và Phú Điền. Thế nhưng, giờ đây, khi đến Nam Tân, bộ mặt xóm làng đã hoàn toàn đổi khác. Nam Tân hiện cũng là một trong những xã nuôi cá lồng chủ đạo của tỉnh Hải Dương. Một phần thay đổi đó, không thể không nhắc tới công của ông Nguyễn Trung Tựu.
Mang mộng nuôi cá lồng bè, dù đồng vốn ít ỏi nhưng ông Tựu cũng quyết… làm to. Ông mạnh dạn đem sổ đỏ thế chấp ngân hàng vay vốn để rồi dựng hẳn 30 lồng cá vào năm 2010. Ở thời điểm ấy, ông Tựu cùng 2 nông dân khác khởi nguồn nghề nuôi cá lồng ở xã Nam Tân. Rồi mày mò tìm hiểu, đến năm 2011, cơ duyên giúp ông đến với nghề nuôi cá ép giòn. Nghĩ là làm, ông dành riêng 5 lồng nuôi cá ép giòn. Đến cuối năm, cá ép giòn đã mang về cho ông 3 tỉ đồng tiền lãi.
Từ đây, ông bắt đầu nghĩ đến hướng đi riêng nuôi cá ép giòn và cũng sớm nghĩ đến việc mở rộng quy mô, xây dựng thương hiệu. Năm 2014, ông Tựu đã mở rộng được gần 100 lồng cá ở 3 vùng lớn trên sông Kinh Thầy. Đang ăn nên làm ra, bất ngờ cơn lũ lịch sử vào tháng 8-2015 ập tới. Nhắc lại, ông Tựu vẫn nhớ như in vào rạng sáng ngày 3-8-2015, nước sông Kinh Thầy dâng cao đã cuốn phăng hơn 30 lồng cá ở khu trung tâm của ông về phía hạ lưu. Ông Tựu đối diện với nguy cơ tay trắng.
Nhắc lại rủi ro này, ông Tựu vẫn bình thản đến lạ. Ông chậm rãi kể: “Trận lũ năm ấy khiến tôi thiệt hại khoảng 20 tỉ đồng, nhưng không hiểu sao tinh thần vẫn luôn cao vời vợi”.
Với tinh thần ấy, ông Tựu “leo lên mình hổ” lần thứ 2 khi số vốn vay ngân hàng không đủ, ông phải chạy vạy khắp xóm làng, anh em để vay thêm. Thế rồi, sau 23 ngày nhờ bà con, người thân trợ giúp, ông mới kéo được những lồng cá còn rơi rớt về lại vùng trung tâm rồi khởi nghiệp lại từ đầu.
Giờ đây, ông đứng vững với cơ ngơi nuôi cá lồng siêu lớn. Nếu như Nam Tân là trọng điểm về nuôi cá lồng bè của Hải Dương với khoảng 1.500 lồng/tổng số hơn 2.000 lồng thì riêng ông Tựu đã có 100 lồng, cung cấp ra thị trường mỗi năm hàng nghìn tấn cá, trong đó có khoảng 250 tấn cá ép giòn.
Nông dân thời đại 4.0
Không thể không nói đến việc cấp “chứng minh thư” cho cá của ông Tựu. Ông Tựu là một điển hình của người nông dân thời đại công nghiệp 4.0. Trong suốt cuộc nói chuyện với chúng tôi, ông luôn nhắc đến việc định vị thương hiệu, giữ thương hiệu. Bởi thế, ngay từ năm 2014, ông đã đăng ký bản quyền con cá của mình với Cục Sở hữu trí tuệ.
Đậu tằm dùng để nuôi cá ép giòn đang được ủ kỹ |
Thế nhưng, gần đây, thương hiệu cá giòn của ông vẫn bị đe dọa. Cũng bởi khi ông đang ngày ngày cố gắng chăm chút cho đàn cá giòn đạt chuẩn thì nhiều người nương theo danh tiếng của ông để đưa ra thị trường loại cá chất lượng thấp mạo danh “cá ông Tựu”. Thành ra, ông mới nghĩ cách làm “chứng minh thư” cho từng con cá khi xuất đi.
Vậy là, mỗi khi xuất cá, ông lại gắn lên vây cá một cái tem chịu được nước. Khi mua hàng, khách chỉ cần dùng điện thoại thông minh có nối mạng quét mã vạch trên cá là có thể truy xét nguồn gốc xem đó có phải “cá ông Tựu” hay không. Ngoài ra, nếu cá không đạt tiêu chuẩn, khách cũng có thể phản ánh và gửi tem trả lại ông Tựu.
“Chứng minh thư” cho cá của ông Tựu là một chiếc tem điện tử. Khi quét mã vạch bằng điện thoại di động, khách hàng có thể biết rõ nguồn gốc của cá và phản ánh về chất lượng sản phẩm tới người nuôi. |
Nói về sáng kiến này, ông Tựu cho rằng: Việc nuôi cá ép giòn bây giờ người dân làm theo kiểu tự phát, sản xuất ồ ạt, số lượng nhiều nhưng kỹ thuật nuôi không phải ai cũng nắm rõ. Trong khi đó, cá giòn của Trung Quốc cũng ồ ạt vào thị trường Việt Nam. Vậy người nuôi cá chuẩn mà chất lượng lại bị “đánh lận” thì quả là điều đáng tiếc. Thế nên, ông Tựu quyết tâm gắn thương hiệu cho từng con cá của mình.
Nói đến thực trạng nuôi cá lồng hiện nay, ông Tựu cũng băn khoăn, khi nhiều người dân đầu tư theo kiểu tự phát, nhiều hộ đầu tư nuôi rồi rơi vào cảnh “sống dở, chết dở”. Ông khẳng định, khi người nuôi làm chủ được kỹ thuật, làm chủ sản xuất, định hướng đầu ra thì sẽ thành công. Như bản thân ông, khi chú trọng sản xuất loại cá ép giòn, ông đã hướng tới đối tượng tiêu thụ là tầng lớp trung lưu, có thu nhập cao bởi cá ép giòn bán ra với giá khá cao.
Nhưng để có được giá cao thì cá phải đạt được yêu cầu chất lượng. Chẳng hạn, các loại cá chép giòn, cá trắm giòn được nuôi từ bè ông Tựu sẽ phải đủ 3 năm nuôi rồi đem ép giòn 6 tháng tới 1 năm. Thành phẩm thịt cá giòn phải hội tụ đủ những tiêu chí: Dai, giòn, ngọt, thơm đặc trưng và không tanh. Thiếu 1 trong 5 tiêu chí là chưa đạt chuẩn. Vậy nên, “với sự kỳ công trong sản xuất cùng mong muốn cung cấp tới tay người tiêu dùng những sản phẩm đạt chất lượng tốt thì giá thành cũng không phải là vấn đề lớn” - ông Tựu nói.
Kiếm tiền tỷ mỗi năm nhờ nuôi cá lăng giống |
Phát triển nông nghiệp 4.0 |
Nuôi cá hồi ở Arập |
Huyền Anh