Làng “lính đảo”
Xã Phúc Thọ, hướng nhìn ra lạch biển_Ảnh: CTV |
Làng sông nước
Ông Hoàng Ngọc Luân - xã đội trưởng xã Phúc Thọ - cho hay: “thời điểm hiện tại, xã Phúc Thọ có 36 cán bộ, chiến sĩ đang ở đảo. Xã chúng tôi có một “truyền thống nghĩa vụ quân sự” là thanh niên nhập ngũ đều trở thành lính hải quân”.
Theo ông Luân, “ở đảo” nghĩa là đang công tác tại các đảo ở quần đảo Trường Sa, giàn khoan DK1, DK2, đảo Thổ Chu, Bạch Long Vĩ… Bản thân ông Luân cũng là lính đảo Bắc, Vùng 4 hải quân thuộc tỉnh Khánh Hoà. “Ông Nguyễn Ngọc Cương - Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Phúc Thọ, người dẫn nhà báo tới đây - nguyên là lính đảo đấy”, ông Luân vui nói.
Rồi ông kể tiếp những cán bộ sau khi rời biển đảo trở về làng, đang là cán bộ Ủy ban nhân dân xã Phúc Thọ: “ngoài tôi và ông Cương còn có ông Nguyễn Bá Tài - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, ông Nguyễn Bá Ninh - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, ông Nguyễn Hồng Thanh - Chủ tịch Hội Người cao tuổi, ông Vương Đình Phúc - Chánh văn phòng Đảng ủy và Hội đồng nhân dân xã. Còn Bí thư Đảng uỷ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã cũng nguyên là “lính đảo” nhưng vừa nghỉ hưu khoá trước”.
Riêng về các đơn vị quân đội hiện đóng trên địa bàn xã cũng chỉ có 3 đơn vị của bộ đội hải quân, gồm Hải đội 137 Vùng 1 hải quân; cụm phòng chống ma tuý số 2 (Cảnh sát biển); Công ty 128 hải quân, chuyên xử lý sự cố tràn dầu trên biển.
Chúng tôi nêu câu hỏi, vì sao xã Phúc Thọ có vùng làng mang biệt danh làng “lính đảo”? Ông Luân giải thích: “Phúc Thọ có 10 xóm thì 4 xóm 1 - 6 - 9 - 10 nằm bên bờ sông Lam và lạch biển. Đây là lý do nhiều năm trước, các đơn vị hải quân phía Nam ra Nghệ An tuyển quân thường “nhắm” thanh niên trai tráng, thạo nghề sông nước của những vùng làng này. Những người lính đi trước từ làng này trưởng thành nên truyền lại cho lớp trẻ nối tiếp nhau về sau như là một “truyền thống về nghĩa vụ quân sự” là như vậy đó”.
Điển hình về “truyền thống nghĩa vụ quân sự” cha truyền con nối là ông Nguyễn Bá Ninh ở xóm 1 Phúc Thọ. Ông Ninh nhập ngũ năm 1975, nguyên tiểu đoàn trưởng của Lữ đoàn hải quân 147. Năm 2000 rời quân đội về làng, ông được bà con bầu làm bí thư chi bộ rồi phó công an xã. Năm 2022 đến nay, ông làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã. Hiện con trai ông là thuỷ thủ tàu ngầm Kilo ở bán đảo Cam Ranh, tỉnh Khánh Hoà.
Đối diện nhà ông Ninh là gia đình ông Cao Xuân Biếng - bà Trần Thị Phương. Ông Biếng đi bộ đội năm 1964. Năm 1999, con trai ông là Cao Xuân Chiến nhập ngũ, trở thành bộ đội hải quân. Hiện Chiến là thiếu tá ở đảo Trường Sa.
Nói chuyện về con trai, ông bảo: “con ở ngoài Trường Sa thì xa lắm, có tết được về, có tết trực chiến trên đảo nhưng đêm mô cũng gọi điện về nói chuyện với cha mẹ và đứa con đầu lòng đang gửi ông bà. Mỗi năm, cứ đều đặn dịp tết đến, xuân về lãnh đạo địa phương và đơn vị của con đến chúc tết, tặng quà, ông bà tôi vui lắm nhưng vui nhất là mỗi khi nhận được tin con mạnh khoẻ, công tác giữ gìn biển đảo chu toàn”.
Còn ông Nguyễn Văn Biên nhập ngũ năm 1975, trở thành “chuyên gia” ở nhiều đảo của Trường Sa lớn với các chức danh - quyền Đại đội trưởng Đại đội 1, đảo Trường Sa lớn (năm 1985); chỉ huy trưởng đảo Thuyền Chài (năm 1987); chỉ huy trưởng đảo Đá Tây (năm 1988); chỉ huy trưởng đảo An Bang (năm 1994). Năm 2001, thiếu tá Biên rời biển đảo về làng đảm nhiệm chức danh bí thư chi bộ xóm 2.
Dấu ấn trong cuộc đời “lính đảo” của ông là “hôm 14-3-1988, tôi chỉ huy ở đảo Đá Tây ở phía Nam Trường Sa lớn thì đảo Gạc Ma ở phía Bắc xảy ra sự cố đau lòng. Đó là khoảng thời gian tôi và anh em cán bộ, chiến sĩ canh gác suốt ngày đêm. Có nhiều đêm không một ai chợp mắt được bởi tinh thần sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ biển đảo của Tổ quốc”.
“Xã Phúc Thọ luôn có số bộ đội hải quân đông nhất huyện. Đây là địa phương gần sông, gần biển nên thanh niên giỏi nghề bơi, lặn. Đặc điểm này gần với môi trường hoạt động của Quân chủng Hải quân. Trước chỉ tiêu của Bộ Quốc phòng, Quân khu 4 và Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An về nhập ngũ vào các đơn vị hải quân đều phân bố cơ bản tại địa bàn xã Phúc Thọ nhiều hơn xã khác. Tuy nhiên, từ năm 2015 trở lại đây, một số thanh niên Phúc Thọ trúng tuyển vào các đơn vị của Quân chủng Phòng không - Không quân. Đúng là khi những người “lính đảo” trở thành cựu chiến binh thì đây lại là lực lượng giúp xã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Năm 2023, xã Phúc Thọ là 1 trong 4 xã dẫn đầu về chất lượng xã nông thôn mới nâng cao của toàn huyện. Thực tế này cho chúng ta thêm một khái niệm: khi những cán bộ, chiến sĩ trở thành cựu chiến binh thì họ lại là vốn quý của làng xã, quê hương, địa phương của chính họ”.
Ông Dương Đình Chỉnh - Bí thư huyện uỷ huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An
Khi “lính đảo” trở thành cựu chiến binh
Hiện xã Phúc Thọ ghi danh 273 liệt sĩ và 300 thương bệnh binh trong tổng số 500 cựu chiến binh. Cũng theo ông Luân, cựu chiến binh xã Phúc Thọ là một tổ chức rất mạnh, hằng năm đều đi đầu các phong trào, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của địa phương, đặc biệt là mô hình làm kinh tế giỏi và vận động người dân hiến đất làm đường giao thông nông thôn.
Ông Nguyễn Bá Ninh điểm danh một loạt “ông chủ” làm kinh tế giỏi nguyên là “lính đảo”: ông Phạm Văn Sơn ở xóm 1 là chủ của 4 hồ tôm rộng hơn 2ha. Ông Nguyễn Hồng Sơn, xóm 10 có khoảng 3ha đồng tôm. Hai ông chủ này thu hoạch tiền tỷ mỗi mùa tôm. Ông Nguyễn Văn Dũng ở xóm 7 là Chủ nhiệm Hợp tác xã dịch vụ thương mại xã Phúc Thọ.
Ở một môi trường khác, một số cựu chiến binh không phải là “nhà giàu” nhưng lại là những tấm gương soi về việc hiến đất cho xã mở rộng đường liên thôn, liên xã trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Ông Ninh nêu một nhận xét thú vị: “nhờ những tấm gương của các cựu chiến binh này mà xã Phúc Thọ đã xóa sổ đường đất. Giờ “bói” cũng không ra một đoạn đường đất”.
Ông nêu dẫn chứng: “cựu chiến binh Phạm Văn Hồng ở xóm 2 đã hiến 466m2 đất mặt đường để làm khuôn viên nhà văn hoá xóm. Số đất được hiến trị giá 5 - 6 tỷ đồng. Hai cựu chiến binh Nguyễn Đậu Trứ và Trần Nguyên Hướng cũng ở xóm 2 đã hiến hơn 500m2 đất vườn để làm đường liên thôn. Cựu chiến binh Phạm Hồng Khanh ủng hộ 15 triệu đồng trong tổng số 500 triệu đồng của cựu chiến binh toàn xã để xây dựng nông thôn mới nâng cao”.
Kể chuyện xây dựng nông thôn mới nâng cao, ông Ninh cho hay cựu chiến binh xã Phúc Thọ có 10 chi hội thì có 10 mô hình được xây dựng từ đóng góp công sức và tiền bạc của tập thể cựu chiến binh.
Dẫn tôi đi qua các ngả đường rợp bóng cây xanh, hoa tươi và những lá cờ đỏ thắm tung bay trong gió, ông Ninh nói: “đây là mô hình đường cờ, đường cây, đường hoa của chi hội 3. Tối đến, đường điện phát sáng mới thấy vẻ đẹp ưng ý của nông thôn mới Phúc Thọ hôm nay”. Chi phí để làm nên những mô hình này đều do cựu chiến binh đóng góp.
Ngoài các mô hình trên, cựu chiến binh chi hội 1 còn nổi lên với việc mua sắm dụng cụ thể dục, thể thao tập trung tại nhà văn hoá xóm để người dân sử dụng nhằm nâng cao sức khoẻ cộng đồng.
Tự hào về những đóng góp của cựu chiến binh nguyên là “lính đảo”, ông Ninh nói: “xã Phúc Thọ không có tướng to nhưng cỡ đại tá có đến 70 vị. Nguyên lữ đoàn trưởng, lữ đoàn phó nhiều lắm. Dưới cấp bậc đại tá thì mở sổ ra mới biết hết. Cho nên, về làng cựu chiến binh của chúng tôi phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, học Bác được từng nào hay từng đó để xây dựng cuộc sống, làng xã. Vì thế cựu chiến binh Phúc Thọ không có hộ cận nghèo hoặc hộ nghèo. Cựu chiến binh là tổ chức được lãnh đạo xã tin yêu và giao một số trọng trách để giúp xã trở thành xã Phúc Thọ hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ của huyện Nghi Lộc giao hằng năm".
Theo Chuyên trang Hồ sơ sự kiện - Tạp chí Cộng sản
Những mối tình ở Trường Sa Có thể nói, được đặt chân lên vùng đất cực Đông, nơi đón ánh mặt trời đầu tiên của Tổ quốc là ước mơ của không chỉ riêng tôi mà còn của rất nhiều người dân Việt Nam. Trở về sau chuyến công tác trên quần đảo Trường Sa đã nhiều tuần lễ, song những cảm xúc, hình ảnh về mảnh đất, con người ở đây vẫn cứ khiến tôi xao xuyến. Và ở nơi đây cũng xuất hiện những mối tình rất đẹp khiến người ta phải cảm phục… |