Làm thế nào để thế giới đạt mục tiêu net-zero CO2 trước năm 2050?
Báo cáo lần thứ 6 của Tổ chức Intergovernmental Panel on Climate Change được xuất bản gần đây đã chỉ ra rằng, để hạn chế sự nóng lên toàn cầu do con người gây ra theo những mục tiêu của Thỏa thuận Paris 2015, đòi hỏi thế giới phải gia tăng các mục tiêu khí hậu hơn nữa, bao gồm cả việc đạt mức phát thải ròng carbon bằng 0 trước năm 2050. Tuy nhiên cho đến nay, bất chấp những mục tiêu tham vọng từ một số quốc gia, thực tế diễn ra lại rất khác nhau.
Thách thức về khí thải là rất lớn
Để đạt được mức không phát thải ròng carbon, thế giới cần giảm phát thải bền vững 1,2 tỷ tấn CO2 mỗi năm trong vòng 3 thập kỷ tới. Trong khi nhiều quốc gia đặt mục tiêu không phát thải carbon ròng đến năm 2050 thì không có nền kinh tế lớn nào đi đúng hướng để đáp ứng mục tiêu giảm 45% lượng khí thải hàng năm cần thiết vào năm 2030. Trong khi đó, quốc gia chiếm 35% lượng khí thải toàn cầu là Trung Quốc chỉ cam kết đạt mức phát thải cao nhất vào cuối thập kỷ này.
Sự thống trị của hydrocarbon có nghĩa là lượng khí thải sẽ tiếp tục tăng
Năm 2020 ghi nhận 80% nguồn cung cấp năng lượng toàn cầu đến từ hydrocarbon. Trong 20% nguồn cung đến từ NLTT, năng lượng mặt trời và năng lượng gió mới chỉ đáp ứng được 5% nhu cầu, còn lại là năng lượng hạt nhân, thủy điện,... Việc giảm 1,8 tỷ tấn khí thải CO2 trong năm ngoái được đánh giá chỉ là một đốm sáng liên quan đến đại dịch. Khi các nguồn NLTT chưa hấp thu được nhu cầu tăng trưởng tiêu thụ năng lượng mới, lượng phát thải sẽ tiếp tục tăng trong ngắn hạn.
Các công nghệ phát thải thấp có thể đạt được các mục tiêu về nhiệt độ
Các chuyên gia của Wood Mackenzie đã lập bản đồ về việc giảm phát thải có thể đến từ những nguồn nào, có tính đến sự phát triển công nghệ năng lượng mới. Trong kịch bản Tăng tốc chuyển đổi năng lượng (AET-1.5), lượng khí thải toàn cầu được cắt giảm sẽ đến chủ yếu từ sự gia tăng quá trình điện khí hóa (chiếm tỷ trọng 44%), chuyển đổi nhiên liệu và nguyên liệu (chiếm tỷ trọng 33%) và công nghệ thu gom, lưu trữ và tái sử dụng carbon (chiếm tỷ trọng 23%). Các biện pháp và mức độ hiệu quả tương ứng được biểu thị trong biểu đồ ở trên.
Cần nhiều hơn cơ chế, chính sách khuyến khích thị trường
Việc áp dụng các công nghệ để khử carbon trong nền kinh tế năng lượng còn chậm do thiếu cơ chế giá carbon hiệu quả, thiếu các biện pháp khuyến khích hoặc quy định trực tiếp. Hiện chỉ có 36% lượng phát thải năng lượng toàn cầu được áp dụng thuế carbon hoặc chương trình kinh doanh hạn ngạch khí thải. Giá carbon trung bình cũng vẫn ở mức thấp thấp để giảm thiểu sử dụng hydrocarbon và phát triển thị trường năng lượng sạch. Hợp tác quốc tế về thị trường carbon sẽ là động lực chính để thúc đẩy tiến độ hướng tới các mục tiêu của Thỏa thuận Paris 2015 và dự kiến sẽ là chủ đề chính tại Hội nghị COP 26 ở Glasgow, UK trong tháng 11 tới.
Sự suy yếu của các bể chứa carbon tự nhiên (natural carbon sinks) đang làm dấy lên những lo ngại
Điểm đáng chú ý trong báo cáo của Intergovernmental Panel on Climate Change là sự suy yếu các bể carbon ngầm tự nhiên dưới đại dương và trên đất liền. Những bể chứa này vốn giúp cân bằng chu trình carbon trong lịch sử. Wood Mackenzie kỳ vọng sẽ có nhiều sự giám sát chặt chẽ hơn đối với điều này và nhiều nỗ lực hơn nữa để giảm khí thải carbon trong ngành năng lượng.
Tiến Thắng
-
[PetroTimesTV] Từ tuabin gió 20 năm tuổi đến ngôi nhà tí hon hiện đại
-
Giảm phát thải khí nhà kính - Giải pháp nào cho ngành phân bón
-
Bản tin Năng lượng xanh: Sự trở lại của Tổng thống Trump có thể làm chậm lại chứ không ngăn sự bùng nổ năng lượng sạch của Mỹ
-
Bài cuối: Những khuyến nghị quý giá để phát triển điện gió ngoài khơi
-
Bài 4: Lựa chọn phát triển cảng điện gió ngoài khơi như thế nào?