Lạm phát ở Trung Quốc: Thực tiễn và bài học kinh nghiệm
LTS: Các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Đức, Nhật mỗi khi đạt mức tăng trưởng hơn 3%/năm đã là tín hiệu đáng mừng, trong khi Trung Quốc (TQ) hàng chục năm qua luôn đạt gấp đôi, gấp ba lần con số đó. Cứ 4 năm, GDP của TQ, được đo bằng USD trên thị trường ngoại hối lại tăng trưởng gấp đôi, góp phần làm tăng giá dầu và các loại hàng hóa, đồng thời thay đổi mạnh cục diện kinh tế toàn cầu.
Trung Quốc rộng 9.596.960km2, là nước lớn thứ tư về diện tích (sau Nga, Canada và Mỹ) và thứ nhất về dân số thế giới, với 1,3 tỉ người, trong đó lực lượng lao động 803,3 triệu người. Từ năm 2010, nền kinh tế TQ đã chính thức có quy mô thứ hai thế giới, chỉ đứng sau Mỹ.
Trong cuộc họp báo sau khi kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XI bế mạc tại Bắc Kinh, Thủ tướng Ôn Gia Bảo tuyên bố, Bắc Kinh đưa nhiệm vụ kiểm soát lạm phát lên hàng đầu trong chương trình nghị sự của chính phủ và sẽ nỗ lực bằng mọi cách để kiềm chế lạm phát dưới 4% trong năm 2011. Tuy nhiên, ông Ôn cũng cho hay, đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn với Bắc Kinh, vì "lạm phát như một con hổ, một khi đã sổng chuồng thì rất khó bắt trở lại”…
Diễn biến và các tác động 2 mặt của lạm phát ở TQ
Theo số liệu của Cục Thống kê Quốc gia TQ, chỉ số CPI tháng 5-2011 tăng lên mức 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng tốc độ nhanh nhất trong vòng 34 tháng vừa qua. Theo AFP, hy vọng kiềm chế lạm phát ở tỉ lệ 4% trong năm 2011 của TQ có thể xem như không thể đạt được. Trong thập niên tới, lạm phát ở TQ có thể đạt khoảng trên 5%/năm, dù TQ rất khó bị rơi vào tình trạng siêu lạm phát.
Lạm phát ở TQ trước hết có tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế của TQ: Lịch sử cho thấy, Chính phủ TQ thường chủ động sử dụng lạm phát như một trong những giải pháp nhằm bôi trơn và tạo động lực phát triển trong nước, giúp TQ duy trì đà tăng trưởng trong bối cảnh khủng hoảng khu vực và thế giới.
Cuối thập niên vừa qua, TQ tích cực sử dụng các giải pháp tài chính – tiền tệ nới lỏng có tính lạm phát nhằm duy trì mức tăng trưởng "khủng” hàng đầu thế giới của mình, trong khi nền kinh tế toàn cầu bị tàn phá và hầu hết các nước bị lao đao vì cuộc khủng hoảng tài chính khởi đầu từ Mỹ năm 2008… Điều cần nhấn mạnh rằng, việc chủ động sử dụng các giải pháp lạm phát – tiền tệ vì mục tiêu hàng đầu là tăng trưởng này, mặc dù gây hệ quả lạm phát nhất định, nhưng lại phát huy tác dụng tích cực đến tăng trưởng và cải thiện vị thế kinh tế của TQ trên thế giới là do TQ đã có được lượng ngoại tệ dự trữ khổng lồ.
Tuy nhiên, lạm phát cao đang và sẽ đe dọa tới mức tín nhiệm và vị thế quốc tế của TQ: Nếu những nỗ lực chống lạm phát của Chính phủ TQ thất bại, nó sẽ phủ bóng ảm đạm lên viễn cảnh của các doanh nghiệp quốc tế. Ngày 12-4-2011, lần đầu tiên trong 12 năm qua, Công ty xếp hạng Fitch IBCA hạ thấp triển vọng tín dụng dài hạn quốc gia của TQ từ mức ổn định xuống AA. Đồng thời, Công ty Dịch vụ đầu tư Moodys cũng hạ thấp triển vọng thị trường bất động sản TQ từ mức ổn định xuống tiêu cực do lo ngại doanh số bán nhà sẽ giảm 30% khi chính phủ tăng cường kiểm soát. Còn Tổ chức định mức tín nhiệm Standard & Poors cũng hạ triển vọng nợ dài hạn của nền kinh tế đầu tàu thế giới xuống mức tiêu cực.
Đặc biệt, lạm phát gây áp lực lên đời sống người dân và cũng là mối đe dọa đối với sự ổn định xã hội TQ: Khoảng một nửa số gia đình thành thị ở TQ có kế hoạch cắt giảm chi tiêu vì lo ngại lạm phát. Giá nhu yếu phẩm tăng nhanh hơn các loại hàng hóa khác làm cho đời sống của thành phần dân chúng có mức thu nhập thấp và đồng lương cố định khốn khó hơn. Một số nhà kinh tế TQ cho rằng, sau nhiều năm gặt hái các thành tựu nhờ tăng trưởng kinh tế nhanh, hiện nay lạm phát lại bắt đầu xóa bỏ những thành tựu đó.
Giới lãnh đạo TQ cũng e ngại lạm phát cao và coi kiềm chế lạm phát trong khuôn khổ là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính phủ. Tháng 2-2011, Thủ tướng Ôn Gia Bảo tái khẳng định kiềm chế lạm phát dưới 4% là nhiệm vụ ưu tiên số một của TQ trong năm 2011. Đặc biệt, tháng 3-2011, Thủ tướng Ôn Gia Bảo tiếp tục cảnh báo về tình trạng "vật giá leo thang và nạn tham nhũng sẽ có thể làm Đảng Cộng sản mất quyền lực”.
Những nguyên nhân chủ yếu gây lạm phát ở TQ
Lạm phát do mất cân đối cung – cầu và tăng giá lương thực, thực phẩm, nhất là nông sản gắn với thiên tai và hiện tượng đầu cơ trong lưu thông: Nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm hiện chiếm khoảng 2/3 trong rổ hàng hóa làm căn cứ để tính chỉ số CPI của nước này. Là nước đông dân nhất thế giới, sản xuất lương thực nhiều nhất thế giới và gần như là nước tự cung, tự cấp phần lớn lượng lương thực, thực phẩm tiêu thụ, nên thời tiết có ảnh hưởng lớn đến nền nông nghiệp còn lạc hậu và sản lượng, cũng như giá lương thực, thực phẩm do TQ sản xuất ra và từ đó có ảnh hưởng đáng kể đến chỉ số CPI của TQ.
Trong tháng 3-2011, giá thực phẩm ở TQ lại tăng khoảng 11%… Thực phẩm tăng giá mạnh phản ánh nhu cầu tiêu dùng lớn hơn trong khi nguồn cung còn hạn chế. Nguyên nhân do các hộ gia đình ở TQ đã trở nên giàu hơn, thịt gia súc, gia cầm, sữa chiếm một phần lớn trong chi tiêu của họ.
Lạm phát do chính sách tài chính – tiền tệ nới lỏng quá mức: Vấn đề cốt lõi nhất của việc lạm phát leo thang ở TQ là do những năm gần đây, TQ phát hành tiền tệ quá nhiều, tăng trưởng tín dụng quá nhanh khi chính phủ khuyến khích mở rộng cho vay không có tiền lệ nhằm hỗ trợ tăng trưởng trong thời kỳ khủng hoảng toàn cầu. Lượng tiền cung ứng quá mức và xu thế lạm phát toàn cầu đã tạo nền tảng cho sự tăng giá và các hoạt động đầu cơ.
Từ trước tới nay, Chính phủ TQ thường sử dụng quyền kiểm soát các ngân hàng quốc doanh như một công cụ để điều tiết tốc độ tăng trưởng kinh tế. Theo đó, ở những thời điểm tăng trưởng cần sự hỗ trợ, tín dụng lãi suất thấp sẽ được tăng cường bơm vào nền kinh tế và ngược lại, việc cấp vốn vay mới sẽ bị hạn chế mỗi khi cần ngăn chặn đà tăng trưởng nóng.
Lạm phát do tăng giá tài sản, tiền lương: Trong bối cảnh thị trường chứng khoán TQ bấp bênh và giá bất động sản ở TQ 10 năm qua chỉ tăng chứ không giảm (đây là hậu quả của chính sách nhà đất sai lầm của chính phủ), đương nhiên, một lượng lớn tiền lưu thông sẽ đổ vào thị trường nhà đất và không chỉ các doanh nghiệp, cá nhân, mà các chính quyền địa phương cũng làm như vậy. Có thể nói, trong bối cảnh kinh tế TQ hiện nay, chỉ cần giá nhà tiếp tục tăng, áp lực lạm phát sẽ không thể giảm.
Trong khi đó, giá sinh hoạt lại quyết định trực tiếp giá sức lao động, cho nên sự leo thang của giá các loại hàng hóa chủ chốt như nhà cửa, xăng dầu, đã trở thành nguyên nhân lớn thứ hai gây ra lạm phát ở TQ.
Ngoài ra, lạm phát ở TQ tăng gần đây còn do một số nhân tố khách quan khác, như chính sách nới lỏng tiền tệ của một số nước đã gây ra sự bất ổn lớn trong tỉ giá và giá cả những loại hàng hóa chủ yếu. Bên cạnh đó, việc Mỹ mới đây quyết định "bơm” 600 tỉ USD để hỗ trợ tăng trưởng cho nền kinh tế lớn nhất thế giới, theo quan điểm của Bắc Kinh, việc bơm tiền của Mỹ sẽ dẫn tới những dòng vốn nóng dồn dập đổ vào các nền kinh tế mới nổi như TQ và đẩy lạm phát tăng cao.
Tình hình ở phía tây châu Á và phía bắc châu Phi đã làm giá dầu tăng cao, vượt qua 100USD/thùng, cùng với đó là thảm họa hạt nhân tại Nhật Bản, cuộc khủng hoảng nợ diễn biến xấu tại châu Âu đang đe dọa triển vọng tăng trưởng của kinh tế thế giới. Tất cả càng khiến giá hàng hóa thế giới tăng mạnh, gia tăng sức ép lạm phát lên các nền kinh tế mới nổi tại châu Á nói chung và TQ nói riêng. Tóm lại, lạm phát ở TQ là hệ quả tổng hòa của các nhân tố tiền tệ, chi phí đẩy, ngoại nhập, cầu kéo và thiên tai, cùng các nhân tố khác, như đầu cơ, tâm lý và những hạn chế trong cơ cấu kinh tế của bản thân mô thức phát triển của TQ…
TS Nguyễn Minh Phong
Viện Nghiên cứu và Phát triển KT-XH Hà Nội
(Còn nữa)
-
Quá trình chuyển dịch năng lượng của Trung Quốc đang ở đâu?
-
Hệ quả từ sự phát triển quá nóng của năng lượng mặt trời ở Trung Quốc
-
Trung Quốc củng cố an ninh năng lượng như thế nào?
-
Nhiều bài học kinh nghiệm quý sau thành công của Dự án đường dây 500kV mạch 3
-
Khi nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc chạm đỉnh: Thị trường thế giới sẽ ra sao?
-
Các hiệp hội đứng về nông dân đồng loạt ‘mong’ áp thuế GTGT phân bón 5%
-
Giá vàng hôm nay (29/10): Tiếp tục tăng mạnh
-
Chậm thay đổi chính sách thuế GTGT phân bón có thể khiến nông sản Việt thua thiệt trên trường quốc tế
-
Không khoan nhượng trong “cuộc chiến” thương mại điện tử
-
190 doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024