Lạm bàn về "án bỏ túi" 1
Chỉ riêng chuyện người ta không nhắc đến cụm từ "án bỏ túi" nữa cũng đã chứng tỏ rằng, ngành tư pháp nước nhà đang có những bước tiến mạnh mẽ, dân chủ hơn
Vậy "án bỏ túi" là gì?
Nôm na, có thể hiểu thế này, đó là đưa ra xét xử một vụ án nhưng mức án dành cho các bị cáo lại được thống nhất từ trước giữa công an, viện kiểm sát, tòa án và lãnh đạo địa phương.
Khi đã thống nhất được mức án của "bộ tứ" này rồi thì phiên tòa diễn ra như… diễn kịch. Bị cáo muốn gì cứ việc trình bày. Thẩm phán, hội thẩm nhân dân cũng chỉ là hỏi để cho có. Luật sư cãi thì cũng gọi là để cho có vẻ dân chủ… Người ngồi giữ quyền công tố thì cũng chẳng thừa hơi đâu mà tranh luận với luật sư. Còn thư ký phiên tòa thì lặng lẽ ngồi viết án văn trước…
Tại sao lại có cái chuyện "án bỏ túi" thế này? Và tại sao một số cấp ủy đảng chính quyền địa phương lại tham gia vào việc xét xử của tòa án, đặc biệt là những vụ án được đánh giá là có ảnh hưởng xấu tới tình hình an ninh trật tự và dư luận tại địa phương; hoặc là những vụ án phải xử để làm gương để có tính "răn đe, giáo dục" kẻ khác; để "yên lòng dân".
Vì thế, đã có cấp ủy đảng chính quyền địa phương chỉ đạo công tác xét xử một cách thô bạo. Yêu cầu phải xử nặng hoặc phải xử nhẹ. Còn tòa, viện kiểm sát, công an thì ai đủ gan để mà cãi lại lãnh đạo đây?
Công an thì chắc chắn là không. Bởi vì lãnh đạo công an tỉnh muốn được đề bạt thì cũng phải hiệp y với tỉnh ủy. Cán bộ viện kiểm sát, tòa án cũng thế. Nếu như cấp ủy đảng chính quyền địa phương có ý kiến không đồng thuận thì việc bổ nhiệm coi như chấm dứt.
Hơn nữa, các cơ quan bảo vệ pháp luật tại địa phương cũng phải sống nhờ một phần vào sự chu cấp thêm của chính quyền. Rất nhiều hoạt động của công an, viện kiểm sát, tòa án phải dùng ngân sách của địa phương, mà ở đây là cơ chế xin - cho. Cho nên, chẳng ai dại gì mà chống lại ý chí của người đứng đầu địa phương đó. Còn khi đưa ra xét xử, oan hay không, nặng hay nhẹ, đó lại là việc khác.
Việc cấp ủy đảng chính quyền địa phương can thiệp vào việc điều tra, truy tố, xét xử của công an, viện kiểm sát, tòa án nhiều khi dở khóc dở cười.
Người viết bài này đã từng chứng kiến một buổi họp điều tra án của công an một huyện miền núi ở một tỉnh Tây Bắc, có Bí thư huyện ủy dự. Và khi thấy tốc độ điều tra của công an chậm quá, ông hăng hái yêu cầu “để tôi làm trưởng ban chuyên án”. Một yêu cầu vô lý đến như thế mà công an huyện vẫn phải đồng ý. Rồi về sau này, có những vụ án lớn, lại còn sinh ra ban chỉ đạo điều tra án mà thành phần tham gia gồm hầu hết là những người chẳng hiểu biết gì về nghiệp vụ điều tra, về pháp luật. Nhưng khi đã có “ban chỉ đạo” thì các cơ quan tham gia tố tụng cứ việc nhắm mắt thực hiện chỉ đạo.
Thật ra, việc lập ra “ban chỉ đạo” để điều tra một vụ án là một cách làm có thể nói là tùy tiện về mặt luật pháp. Bởi lẽ, khi đó “ban chỉ đạo” áp đặt những quan điểm chính trị, những cách suy diễn theo kiểu “sợi tóc chẻ làm tư”… cho các đối tượng trong vụ án. Đó là chưa kể người ta còn chỉ đạo rất duy ý chí, rằng “nếu không tham nhũng thì lấy đâu ra tiền xây nhà”; “lấy đâu ra tiền cho con đi học nước ngoài”; “trong bữa ăn đó, dứt khoát chúng nó phải bàn chuyện chạy án”…
Thế là ngay từ khâu điều tra, các đối tượng nằm trong diện bị điều tra đã không bị khép tội lớn thì cũng dính tội nhỏ và dĩ nhiên, cơ quan tố tụng phải thể hiện được “ý chí, quan điểm” của “ban chỉ đạo” bằng việc làm thế nào đó để các đối tượng phải khai nhận.
Có một vụ án mà người viết bài này còn nhớ cực kỳ rõ. Ấy là chuyện có một phóng viên của Báo An ninh Thế giới được một ông bạn cho chiếc đồng hồ Rado “cốp”, không có chân kính, trị giá không bằng một bát phở. Nhưng khi anh bạn kia dính vòng lao lý thì chẳng hiểu thế nào lại lòi ra chuyện đã từng biếu tặng chiếc đồng đó cho nhà báo. Như vớ được vàng, ông chỉ huy điều tra án làm công văn gửi tán loạn các nơi và yêu cầu phóng viên tường trình, báo cáo về chuyện chiếc đồng hồ đó. Nhưng khổ một nỗi, chiếc đồng đó anh phóng viên nọ đã vứt đâu đó ở ngoài bể bơi. Chỉ có như vậy mà cũng còn bị hành “lên bờ xuống ruộng”.
Đã có những hậu quả xảy ra khi các cơ quan tố tụng máy móc làm theo “ban chỉ đạo”. Mà một khi đã có “ban chỉ đạo” thì oan đến mấy cũng phải bịt đi.
Đảng, Nhà nước đang có những biện pháp quyết liệt để cải cách hệ thống tư pháp ở Việt Nam. Tất nhiên, các cơ quan bảo vệ pháp luật được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng nhưng không có nghĩa rằng lãnh đạo cấp ủy đảng của chính quyền địa phương phải trực tiếp chỉ đạo công tác xét xử, cho dù sự chỉ đạo đó phục vụ những mục đích chính trị của địa phương.
“Án bỏ túi” là như vậy đó!
Nguyễn Như Phong