Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Lại nóng chuyện thuế với Uber, Grab

06:00 | 02/03/2017

818 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hàng loạt “lỗ hổng” pháp lý của taxi Uber, Grab đã được đem ra mổ xẻ tại Hội thảo “Đổi mới quản lý, hoạt động taxi, đảm bảo công bằng, bình đẳng trong kinh doanh và quyền lợi của hành khách đi xe taxi”. Tuy nhiên, theo các chuyên gia giao thông, dẹp Uber, Grab chưa chắc đã giảm ùn tắc giao thông.

Taxi truyền thống bức xúc…

lai nong chuyen thue voi uber grab
Ông Bùi Danh Liên

Ngày 23-2, Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Đổi mới quản lý, hoạt động taxi, đảm bảo công bằng, bình đẳng trong kinh doanh và quyền lợi của hành khách đi xe taxi”. Các nội dung của hội thảo chủ yếu liên quan đến việc Uber, Grab gây ùn tắc giao thông, gây bất bình đẳng trong kinh doanh… Tuy nhiên cũng không thể phủ định hai loại hình taxi này mang lại nhiều tiện ích, trong khi đó giá thành rẻ hơn so với taxi truyền thống. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, để quản lý Uber, Grab cần phải tạo điều kiện để đưa công nghệ mới vào cuộc sống, tránh tiếp cận theo hướng không quản được thì cấm.

Tại hội thảo, ông Tạ Long Hỷ - Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP Hồ Chí Minh cho hay, khoảng 2 năm trở lại đây, Grab và Uber làm “dậy sóng” thị trường vận tải. Tại TP Hồ Chí Minh, số lượng xe hợp đồng dưới 9 chỗ (loại xe thường dùng để hoạt động Uber và Grab) tăng thêm 20.000 xe. Trong khi đó, số lượng xe taxi vẫn giữ nguyên khoảng 11.000 xe. Điều này không diễn ra đúng với những thông điệp giảm ùn tắc giao thông nhờ tận dụng thời gian rỗi của xe hiện có mà Uber và Grab đưa ra, mà còn gia tăng lượng xe mới rất lớn.

Phát biểu tại hội thảo, đại diện của Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, Bộ đang quản lý đúng theo quy định là cấp phép dưới dạng xe hợp đồng cỡ nhỏ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến của các hãng taxi cho rằng, dịch vụ này không khác gì taxi (cũng dùng xe cỡ nhỏ, thu tiền theo km) nên cần có những biện pháp quản lý tương đồng.

Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Đỗ Quốc Bình lại đưa ra quan điểm là kiểm soát chặt chẽ phù hiệu của Uber và Grab; dùng dữ liệu thiết bị giám sát hành trình để kiểm soát, không cho đi vào các tuyến phố gây ùn tắc, bình đẳng như taxi truyền thống.

Áp thuế Uber, Grab

Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, điều kiện về kinh doanh đối với taxi ngặt nghèo, bao gồm bãi đỗ, giấy phép tần số, logo, bảng giá, đồng phục, đăng ký giá, hay vấn đề cấm đi vào một số tuyến vào giờ cao điểm… Trong khi đó, Grab và Uber ít chịu ràng buộc, đặc biệt là được tùy ý tăng số lượng xe. Việc này gây bất bình đẳng đối với các hãng taxi truyền thống.

Tuy nhiên, nhiều đại diện taxi truyền thống lại cho rằng, vấn đề cần quan tâm hiện nay là liệu ngành thuế đã thu được thuế của toàn bộ các xe Uber và Grab đang hoạt động hay chưa? Đại diện Tổng cục Thuế có mặt tại hội thảo thừa nhận khó khăn và cho biết đang nhờ các hiệp hội taxi Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cung cấp số lượng xe Uber và Grab hiện có.

Theo Giám đốc Hãng taxi Thành Lợi Nguyễn Tuấn Anh: “Việc ngành thuế không biết có bao nhiêu xe chứng tỏ cơ quan nhận đăng ký kinh doanh cho xe Uber, Grab khi đăng ký đã quên không báo sang cho ngành thuế. Chúng tôi không ngại thay đổi để cạnh tranh nhưng đề nghị các ngành thu đúng, thu đủ thuế của Uber và Grab”.

Bên cạnh đó, ông Tạ Long Hỷ cho rằng, các hãng taxi truyền thống đang phải chịu nhiều loại thuế, trong đó có 2 loại thuế cao là thuế giá trị gia tăng (VAT) 10% và thuế thu nhập doanh nghiệp 20%. Tuy nhiên, Bộ Tài chính lại chỉ áp thuế cho Uber và Grab theo thuế suất VAT 3% trên doanh thu được hưởng của các doanh nghiệp này là không bình đẳng trong kinh doanh. Để đảm bảo công bằng, các cơ quan chức năng nên áp dụng thống nhất chính sách thuế cho taxi truyền thống và xe hợp đồng là Grab và Uber. Ví dụ, thuế giá trị gia tăng VAT hoặc là 10% hoặc là 5% trên doanh thu. Dù có xé lẻ, tách nhỏ doanh thu cho từng bộ phận thì tổng thuế phải nộp cũng dựa trên cơ sở tỷ lệ 100% doanh thu. Đồng thời kiến nghị thuế giá trị gia tăng các doanh nghiệp kinh doanh taxi Grab và Uber nên ở mức 5%.

Còn ông Đỗ Quốc Bình lại cho rằng, Uber hay Grab cũng cần được quản lý như taxi truyền thống, tức chịu 10% trên tổng doanh thu chuyến đi và chịu 20% thuế thu nhập doanh nghiệp như các hãng taxi truyền thống đang áp dụng.

lai nong chuyen thue voi uber grab
Ùn tắc giao thông luôn thường trực tại Hà Nội, nhất là các khung giờ cao điểm

Với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thanh kiến nghị, dù chưa tính đến việc đeo mào, đèn như taxi cho Uber và Grab nhưng vẫn phải có dấu hiệu nhận biết như phải dán logo ngoài thành xe để quản lý. Bên cạnh đó, ngành thuế cần tiến hành kiểm tra thuế Uber và Grab. Nếu có dấu hiệu trốn thuế sẽ đề nghị xử lý hành chính, truy thu, thậm chí đề nghị xử lý hình sự.

Trong khi đó, ông Trương Đình Quý - Phó tổng giám đốc Công ty CP Ánh Dương VN (Vinasun) cảnh báo, taxi truyền thống đang phải đối mặt với sự cạnh tranh không lành mạnh của Uber, Grab. Với lợi thế không phải chịu sự quản lý nào, họ đang sử dụng mọi chiêu trò như giảm giá, trợ giá cho lái xe, chủ xe nhằm mục đích chiếm lĩnh thị trường. Điều này đẩy doanh nghiệp taxi trong nước vào nguy cơ phá sản.

Dẹp Uber, Grab chưa chắc giảm ùn tắc giao thông

Liên quan đến nội dung này, ông Phạm Duy Kính - đại diện Hãng taxi VIC cho hay, Hà Nội hiện đã rất chật, bên cạnh các hãng taxi truyền thống đang hoạt động phục vụ nhân dân thì việc xuất hiện taxi “chạy chui”, taxi Grab, Uber… đã làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của các hãng taxi truyền thống nói chung và khiến tình trạng ùn tắc giao thông trở nên nghiêm trọng hơn.

Uber và Grab taxi hoạt động kinh doanh giống như taxi truyền thống nhưng lại không chịu sự quản lý của cơ quan Nhà nước, không cần phù hiệu, logo hãng, đồng hồ tính cước, thiết bị giám sát hành trình nên tự do phát triển số lượng. Đặc biệt, loại hình này thu tiền cước thấp hơn giá thành, nên gây rối loạn thị trường.

Tuy nhiên, ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, Uber, Grab không hẳn là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông. Trước đây, đơn vị này cũng đã đề xuất nhiều ý kiến giảm tải ùn tắc giao thông tại Hà Nội, trong đó có các ý kiến như giảm phương tiện cá nhân, ưu tiên sử dụng loại hình dịch vụ giao thông công cộng… Tuy nhiên, vấn đề này cần phải có lộ trình, kế hoạch chứ không thể nóng vội và cần phải tìm ra nguyên nhân của tình trạng ùn tắc giao thông thì mới có thể giải quyết được. Grab, Uber không phải là nguyên nhân dẫn đến tình trạng, ùn tắc giao thông. Nếu nói ùn tắc giao thông tại Hà Nội là do các loại hình này là không đúng.

“Ở các nước hiện đại, văn minh như Singapore vẫn xảy ra tình trạng tắc đường. Tôi cho rằng phải tìm ra nguyên nhân của tình trạng này thì mới có giải pháp. Tôi cũng được nghe rất nhiều giải pháp, nhưng làm thế nào để vận dụng các giải pháp đó vào hoàn cảnh thực thế của Việt Nam lại là chuyện khác” - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội nói thêm.

Bên cạnh đó, ông Bùi Danh Liên cũng cho rằng tình hình ùn tắc giao thông ở Hà Nội vô cùng nghiêm trọng, không giải quyết được thì sẽ tác động rất lớn đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian qua, các khu đô thị, nhà cao tầng đua nhau mọc lên trong khu vực trung tâm thành phố nhưng không hề tính toán đến tác động cũng như khả năng đáp ứng của hạ tầng giao thông.

Thiên Minh Xuân Hinh