Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

"Lạ nước lạ cái"

19:32 | 26/12/2015

|
Bạn đọc: Xin ông cho biết, “lạ nước lạ cái” có nghĩa là gì và đâu là từ nguyên của “nước” và “cái” trong câu này? Có người đã gắn nó với thức ăn; lại có người gắn nó vào cuộc đỏ đen nên tôi phân vân? Xin cảm ơn ông. Nguyễn Hồng Phúc (TP Vũng Tàu)  

Học giả An Chi: Có ý kiến cho rằng, "lạ nước lạ cái" là một thành ngữ dùng để chỉ phản ứng của cá nhân trước một món ăn lạ mắt, lạ miệng. "Nước" thì đương nhiên là phần chất lỏng của canh còn "cái" là phần nguyên liệu dùng để nấu canh mà tinh chất đã được "chiết xuất" khi đun nấu, nên thường được quan niệm là không còn nguyên chất bổ, chất béo vì những chất này đã được hòa tan vào nước canh. Vì thế mà có câu thành ngữ dùng để nói đùa là "Khôn ăn cái, dại ăn nước". Nhưng câu tục ngữ "ngược" này thì nói về chuyện ăn uống chứ câu "lạ nước lạ cái" lại không nói về chuyện ăn uống.

Cách hiểu thứ hai có thể có thì lại gắn câu "lạ nước lạ cái" vào trò đỏ đen. "Nước" là cách đoán bài, đi bài, nói tóm lại là cách chơi nơi đổ trường còn "cái" là "sếp sòng" dĩ nhiên là sòng bài, mà dân gian thường gọi là "nhà cái". Vậy theo cách hiểu thứ hai thì câu thành ngữ đang xét dùng để nói lên sự dè dặt, sự thận trọng của con bạc mới, và vì "chưa quen với môi trường" nên chưa tính được đường đi, nước bước ra sao. Thì cũng chỉ là suy luận cho có vẻ cầu kỳ chứ theo cách hiểu quen thuộc - mà hoàn toàn chính xác - thì "lạ nước lạ cái" chẳng qua là "lạ nơi, lạ chốn". Hầu như tất cả các quyển từ điển quen thuộc đều giảng như thế. Xin dẫn một đại diện đáng tin cậy là Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học (Vietlex) do Hoàng Phê chủ biên: "Bỡ ngỡ, chưa quen trước cảnh lạ, người lạ, vì vừa mới đến".

Cứ như trên thì "nước" là một từ chỉ một vùng đất nhất định. Đây là nghĩa gốc xa xưa còn nghĩa của nó trong tiếng Việt hiện đại thì được từ điển Vietlex giảng là "vùng đất trong đó những người thuộc một hay nhiều dân tộc cùng sống chung dưới một chế độ chính trị - xã hội và cùng thuộc về một nhà nước nhất định". Dĩ nhiên là ở đây, ta không thể câu nệ được. Chữ "bang" [邦], chẳng hạn, thường được dịch là "nước"; nhưng "nước" Mỹ có đến 50 bang thì sao? Đây là nói về nghĩa. Còn về từ nguyên thì "nước" là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở từ ghi bằng chữ [略] mà âm Hán Việt hiện hành là "lược".

Về mối quan hệ "L ↔ N" giữa "lược" và "nước" thì ta còn có thể dẫn chứng bằng nhiều trường hợp tương tự:

- "lãm" [攬] là nắm ↔ "nắm" trong "nắm bắt";

- "loại" [類] là giống, loài ↔ "nòi" trong "nòi giống";

- "loan" [巒] là núi nhỏ mà nhọn ↔ "non" trong "núi non";

- "lôi < lồi" [畾] là vùng đất ruộng ↔ "nội" trong "đồng nội";

- "lỗn" ("noãn" [卵] trên, "tâm" [心] dưới) là mập, bự ↔ "nộn" trong "phì nộn";

- "long" (trái "hoả" [火], phải "long" [龍]) là đốt ↔ "nung" trong "nung nấu";

"lũng" [壟] là gò đất cao ↔ "nỗng" trong "gò nỗng"; v.v.. Trở lên là nói về mặt ngữ âm. Về nghĩa thì chữ "lược" [略] có một cái nghĩa quan trọng mà Hán ngữ đại tự điển (Thành Đô, 1993) đã cho súc tích như sau: "cương giới" [彊界], nghĩa là bờ cõi đất đai. Còn Hán Việt tự điển của Thiều Chửu thì đối dịch chỉ bằng một chữ là "cõi". Xét về từ nguyên thì cái nghĩa này hoàn toàn ăn khớp với nghĩa xa xưa của từ "nước" mà chúng tôi đã nêu ở trên. Nhân tiện cũng xin nói thêm rằng chữ "nước" của giới đỏ đen cũng do chữ "lược" [略] này mà ra. Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh giảng là "Mưu kế. Trí". Việt Hán thông thoại tự vị của Đỗ Văn Đáp giảng là "Mẹo". Còn Hán Việt tân từ điển của Nguyễn Quốc Hùng thì giảng là "sự tính toán sắp đặt". Với những cái nghĩa trên đây thì, về mặt từ nguyên, ta thật khó lòng phủ nhận sự liên quan ngữ nghĩa giữa "lược" và "nước" trong "nước bài", "nước cờ", v.v… Thế là ta có hai đẳng thức:

- "lược" [= cõi, bờ cõi đất đai] ↔ "nước" [= một vùng đất nhất định] (1);

- "lược" [= mưu kế; mẹo; sự tính toán sắp đặt] ↔ "nước" [trong "nước bài", "nước cờ", v.v…] (2).

Hai đẳng thức này là hai trường hợp đồng dạng từ nguyên học (khác nghĩa nhưng tương quan ngữ âm như nhau) - mà thỉnh thoảng chúng tôi có nói đến - và với hai trường hợp đồng dạng như thế này thì mối liên quan từ nguyên giữa hai vế trong mỗi đẳng thức là điều chắc chắn.

Tóm lại, trong "lạ nước lạ cái" thì "nước" không phải là H2O, mà cũng chẳng phải là sự lựa chọn cách đi cờ, đánh bài, v.v... trong trò đỏ đen. Ở đây, nước là "một vùng đất nhất định. Nhưng còn "cái" thì sao?

Xin thưa rằng "cái" là một từ cổ và là âm xưa của chữ [界] mà âm Hán Việt hiện hành là "giới". Thiết âm của nó trong Quảng vận (đầu thế kỷ XI) là "cổ bái thiết" [古拜切]; vậy lẽ ra nó phải được đọc là "C[ổ] + [b]ÁI" = CÁI. Ta còn có những chữ "cái" khác - những trường hợp đồng dạng từ nguyên học - cũng trải qua một sự chuyển biến ngữ âm tương tự":

- "giới1" [介] là một đơn vị từ, đồng nguyên với "cá"

[个], có nghĩa là "cái", vốn đọc là (vđl) CÁI. Trong Kinh nghĩa thuật văn [經義述闻], Vương Dẫn Chi đã chỉ ra rằng cả hai chữ vốn chỉ là một nhưng về sau người ta dành âm CÁ cho chữ [个] và âm CÁI > GIỚI cho chữ [介] (Theo Vương Lực, Đồng nguyên tự điển, Thương vụ ấn thư quán, Bắc Kinh, 1997, tr. 431). Với nghĩa này thì, khi vào đến tiếng Việt, "cái" là một danh từ đơn vị (trước đây bị gọi là "loại từ"), như trong "cái bàn", cái ghế", cái mâm", v.v…

- "giới 2" [介] là to lớn, vđl CÁI (Quảng vận: "cổ bái thiết"), mà "cái" thì hiện nay lại vinh dự được nhiều người xem là "thuần Việt",như có thể thấy trong (ncttt) "cột cái", "đường cái", "sông cái [sông con]", v.v...

- "giới 3" [戒] là phòng ngừa, thận trọng, giữ gìn, chay tịnh, v.v..., vđl CÁI (Quảng vận: "cổ bái thiết"), nay chuyển sang thanh điệu 1 thành "cai" ncttt "cai nghiện", "cai sữa", v.v…

"giới 4" [芥] là [rau] cải, vđl CÁI (Quảng vận: "cổ bái thiết"), nay đã chuyển sang thanh điệu 4 thành CẢI, ncttt "cải bẹ xanh", "củ cải", "cải xà-lách", v.v...

"giới 5" [疥] là ghẻ, vđl CÁI (Quảng vận: "cổ bái thiết"), ncttt "cái ghẻ" ( = động vật chân đốt rất nhỏ, sống kí sinh ở da, gây ra bệnh ghẻ [Từ điển Vietlex]). Cuối cùng, ta có:

- "giới 6" [界], vđl CÁI (Quảng vận: "cổ bái thiết"), có nghĩa là cái ranh giữa hai vùng đất, rồi vùng đất hạn chế trong những lằn ranh, rồi vùng đất, và xa hơn nữa là bờ cõi.

Với âm và nghĩa của "giới 6" [界], như đã thấy trên đây, ta có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng CÁI là âm xưa của "giới6" [界], đồng thời là một từ cổ, có nghĩa là một vùng đất nhất định. Đây chính là nghĩa của "cái" trong thành ngữ "lạ nước lạ cái".

Năng lượng Mới 486