Là Nguyễn Trãi chứ còn ai
Học giả An Chi: Chúng tôi rất tiếc là đã không tìm được nguồn nào trực tiếp công bố nguyên văn ý kiến của TS Đỗ Văn Khang nên chỉ có thể dựa vào lời kể của Đỗ Quyên Quyên trong bài báo nói trên để phân tích mà thôi. Cứ tưởng TS Khang đưa ra chứng lý gì mới về văn bản học hoặc về sự kiện lịch sử nhưng thực ra ông cũng chỉ căn cứ trên những gì đã có để biện luận, mà lại biện luận một cách quá… sơ hở. Xin theo trình tự của những ý chính trong bài báo để nhận xét như sau.
1. “TS Đỗ Văn Khang cho rằng, đối với “Bình Ngô đại cáo” thì Nguyễn Trãi chỉ là người thảo văn, bởi ông là thư ký bậc cao, Lê Lợi mới là người làm nên tác phẩm”.
Nhưng ngay với luận điểm này thì chính TS Khang cũng đã vô tình thừa nhận Nguyễn Trãi là tác giả của “Bình Ngô đại cáo” rồi. Ông đã sử dụng hai đoản ngữ cùng chỉ một biểu vật là “người thảo văn” và “người làm nên tác phẩm”. Nếu “người thảo văn” không phải là “người làm nên tác phẩm” thì Nguyễn Du không phải là tác giả “Truyện Kiều”, Nhất Linh không phải tác giả của “Bướm Trắng”, Tô Hoài không phải tác giả của “Mười năm” và Bùi Ngọc Tấn cũng không phải là tác giả của “Chuyện kể năm 2000”, v.v… Lê Lợi đâu phải là người làm nên tác phẩm vì ông đâu có phải là người thảo văn.
2. “TS Đỗ Văn Khang khẳng định “Bình Ngô đại cáo” không phải của Nguyễn Trãi vì xét về văn bản và lịch sử thì cuộc khởi nghĩa Lũng Nhai năm 1416 không có Nguyễn Trãi. Lúc đó, Nguyễn Trãi đang bị giam giữ ở Đông Quan...”. Đoạn này đã được trang tin điện tử Giáo dục Việt Nam đưa lên làm chapeau cho bài báo, có lẽ vì cho rằng đây là một luận điểm không thể đánh đổ được.
Thực ra, trừ khi Nguyễn Trãi đã chết từ năm 1427 trở về trước thì ông mới không viết được “Bình Ngô đại cáo” chứ ngay cả trường hợp trong năm 1416 mà ông còn đang bị giam giữ ở Đông Quan thì sau đó hơn 10 năm ông vẫn có thể vung tay múa bút mà thảo ra bản thiên cổ hùng văn ta quen gọi là “Bình Ngô đại cáo” chứ. Bởi vậy cho nên tại diễn đàn vozforums.com ngày 25/9/2012, một thảo luận viên là Wildy mới đưa ra cái lý rất đơn giản mà hoàn toàn xác đáng, rằng đâu có cần tham gia hết cả cuộc kháng chiến thì mới có quyền viết bài tổng kết.
Nhưng cùng ngày, cũng tại diễn đàn này, một thảo luận viên khác là Actemit đã chứng minh rằng “văn bản hội thề Lũng Nhai đã có cách đây mấy trăm năm có 18 người, trong đó có Nguyễn Trãi”. Actemit dẫn:
“Phụ đạo lộ Khả Lam nước An Nam là Lê Lợi cùng Lê Lai, Lê Thận, Lê Văn An, Lê Văn Linh, Trịnh Khả, Trương Lôi, Lê Liễu, Bùi Quốc Hưng, Lê Ninh, Lê Hiểm, Vũ Uy, Nguyễn Trãi, Đinh Liệt, Lê Nhân Chú, Lê Bồi, Lê Lý, Đinh Lan, Trương Chiến kính đem lễ vật, sinh huyết tấu cáo cùng Hạo nhiên Thượng đế, Hậu thổ Hoàng địa và các tôn linh thần bậc thượng, trung, hạ coi sông núi ở các xứ nước ta”.
Thế thì ta phải xét xem có thật hồi 1416, Nguyễn Trãi đã không có mặt ở Lũng Nhai hay không. Nhưng dù có hay không, chỉ riêng với ý kiến đơn giản của Wildy thì cái cứ liệu của TS Đỗ Văn Khang mà trang tin Giáo dục Việt Nam đưa làm phần giới thiệu cho bài báo cũng đã không thể đứng vững được rồi.
3. “Hơn nữa, ý kiến cho rằng “Nguyễn Trãi đã được Lê Lợi cho phép thay mặt nhà vua công bố Bình Ngô đại cáo” là không có cơ sở. Nếu viết theo kiểu “cho phép” thì văn chương phải khác, Nguyễn Trãi không thể xưng “ta” tới mười lần trong Bình Ngô đại cáo, bởi chỉ một lần xưng “ta”, Nguyễn Trãi có thể đã bị mất đầu […] Bề tôi mà xưng ra vua thì có mà thành «đảo chính»”.
Chúng tôi xin thưa rằng, Nguyễn Trãi không chỉ “xưng ta” mà còn “xưng trẫm” nữa ấy chứ! Thật vậy, trong “Chiếu cầu hiền tài”, ông viết: “Trẫm nghĩ: Được thịnh trị tất ở việc cử hiền, được hiền tài tất do sự tiến cử […] Nay trẫm vâng chịu trách nhiệm nặng nề, sớm khuya lo sợ […]”. Trong “Chiếu bàn về phép tiền tệ”, ông viết: “[…] Mới đây có người dâng thư trình bày xin lấy tiền giấy thay cho tiền thực. Trẫm ngày đêm suy nghĩ, chưa biết làm ra thế nào […] Vậy trẫm ra lệnh cho các đại thần trăm quan và các sĩ phu trong ngoài […] đều phải bàn định sớm rồi tâu lên, trẫm sẽ thân hành chọn lọc để thi hành”. Trong “Chiếu truyền bách quan không được làm những lễ nghi khánh hạ”, ông viết: “Đẹp cung thất mà cao đài tạ, tất gây thói tục xa hoa; theo ý mình mà ức lòng người, tất đến trăm năm oán giận. Trẫm rất thẹn thùng về điều đó” v.v... và v.v... Những dẫn chứng trên đây, chúng tôi lấy từ “Nguyễn Trãi toàn tập”, in lần thứ hai, có sửa chữa và bổ sung (NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1976, tr.194-196).
Trên đây, sở dĩ chúng tôi viết “xưng ta”, “xưng trẫm” là vì muốn “nói theo” TS Khang chứ thực ra thì trong những trường hợp đang bàn, Nguyễn Trãi chỉ dùng “ta”, dùng “trẫm” thay cho Lê Lợi chứ nào có phải là ông tự xưng. Nếu ai ai cũng cảm thụ văn chương kiểu TS Khang thì, như NuocTinhKhiet đã viết trên vozforums.com ngày 25/9/2012, bài thơ “Nhớ rừng” không phải của Thế Lữ, mà là của con hổ!...
Thực ra, việc thảo chiếu chỉ cho vua thì ở bên Tàu cũng có, mà lại còn là chuyện “quan bà” đảm nhận thay cho “vua bà” nữa kia. Đó là trường hợp của nữ quan xinh đẹp Thượng Quan Uyển 上 官 婉 兒 (664-710), thông minh, mẫn tiệp, làu thông thi thư, con gái của Thượng Quan Đình Chi, cháu nội của Thượng Quan Nghi. Uyển Nhi đã được nữ hoàng duy nhất của Tàu là Võ Tắc Thiên (624-705) trao cho trọng trách thảo chiếu chỉ và kiểm tra các biểu tấu dâng lên vua.
Nhưng đâu chỉ phương Đông mới có chuyện này mà ở phương Tây cũng có, chẳng hạn trường hợp của Guillaume Poyet (1473-1548), quan đầu triều đời vua Franois Đệ nhất (1494-1547) của nước Pháp. Đứng đầu ngành tư pháp, chưởng ấn, chuyên thảo các sắc lệnh, tuyên cáo, chỉ dụ của vua (và đóng ấn vào đó), Poyet được xem như một phó vương. Được vua chỉ định suốt đời, ông ta chỉ có thể bị vua bãi chức nếu bị kết tội phản nghịch. Văn kiện quan trọng nhất gắn liền với tên tuổi của Guillaume Poyet là “Ordonnance de Villers-Cotterêts” (Sắc lệnh Villers-Cotterêts) gồm 192 điều do ông ta soạn thảo và được Franois Đệ nhất ký tại lâu đài của mình ở Villers-Cotterêts trong các ngày từ 10 đến 15/8/1539 (có tài liệu ghi đến ngày 25) rồi ban bố. Văn kiện này mở đầu bằng cú đoạn “Franois, par La grâce de dieu, Roy de France”, nghĩa là “Franois, nhờ Ơn Chúa, Vua của nước Pháp”. Tuy lời mở đầu là như thế nhưng tất cả các tác giả đều ghi nhận rằng, người làm ra văn kiện này là Guillaume Poyet. Nếu khăng khăng dựa vào mấy từ của lời mở đầu này mà nói rằng Guillaume Poyet chỉ là người thảo văn, còn Franois Đệ nhất mới là người làm nên sắc lệnh thì chẳng phải là đã đem râu của Poyet mà cắm vào cằm của Franois Đệ nhất hay sao? Xin nhớ rằng, cái sắc lệnh này đã gắn chặt với Poyet đến nỗi nó còn được gọi theo tên (Guillaume) của ông ta thành Guilelmine (hoặc Guillemine) nữa. Vâng, Guilelmine (hoặc Guillemine) chính là Sắc lệnh Villers-Cotterêts đấy.
Vậy thì, với “Bình ngô đại cáo”, Nguyễn Trãi hiển nhiên chính là Guillaume Poyet của Lê Lợi. Ông “xưng ta”, “xưng trẫm” cho Lê Lợi thì cũng y chang Poyet xưng Franois (bấy giờ chưa dùng “c”) cho… Franois Đệ nhất. Thế nhưng, ngoài TS Đỗ Văn Khang, có người cũng chỉ vì bệnh cuồng tín đối với Lê Lợi và nhà Lê mà đã đưa Lê Lợi lên tận mây xanh và “đánh tụt hạng” Nguyễn Trãi xuống hàng “công thần thứ 80”, mà còn “có thể thấp hơn”. Thật là điên rồ! Đó là tác giả Lê Anh Chí trong bài “Bình Ngô Đại Cáo là của Vua Lê Thái Tổ chẳng phải của Nguyễn Trãi!” trên www.LeAnhChi.com, mà nói chung, ý tứ cũng trùng với của TS Đỗ Văn Khang.
Trở lên là những trường hợp tiêu biểu chứ trong chế độ phong kiến, đâu có phải hễ cứ chỉ dụ, sắc lệnh, tuyên cáo, v.v… của vua thì nhất nhất phải do vua tự mình soạn thảo lấy. Các vị vua, từ hôn quân cho đến minh vương, chẳng ai có ba đầu sáu tay!
4. “Xét về vị thế để công bố “Bình Ngô đại cáo” thì chỉ có Lê Lợi, vì đó là sự nghiệp, công lao, thành tựu của ngài”.
Ở chỗ này, TS Khang đã không phân biệt được “danh nghĩa của người ký [công bố] văn kiện” (sẽ gọi là “Người Ký”) với “cá nhân người đứng ra tuyên đọc văn kiện” đó (sẽ gọi là Người Đọc). Ai có xem phim cổ trang của Tàu, từ Tàu Hongkong, Tàu Đài Loan cho đến Tàu đại lục, đều có thể có dịp thấy rằng, chiếu vua mà xuống tới địa phương hoặc công đường, v.v... hữu quan thì làm sao có thể do vua đích thân mang đến! Vua chỉ là Người Ký chứ Người Đọc thì chỉ là khâm sai. Nếu thực sự Lê Lợi trao cho Nguyễn Trãi trách nhiệm “công bố” “Bình Ngô đại cáo” thì Nguyễn Trãi cũng chỉ là Người Đọc chứ Người Ký thì vẫn là Lê Lợi. Còn “người thảo văn” và “người làm nên tác phẩm” ở đây đương nhiên vẫn cứ là Nguyễn Trãi. Sự thật rất rõ ràng.
5. “Về tài năng, Lê Lợi là một vị vua lập ra vương triều Lê hưng thịnh, ngài là người quyết đoán, không chỉ giỏi việc võ mà còn có tài văn chương. Ngài từng sai Nguyễn Trãi làm sách: “Nam [sic] Sơn thực lục” rồi tự làm bài tựa ký tên là: “Lam Sơn Động Chủ””.
Ý của TS Khang muốn kết luận rằng, do đó mà Lê Lợi cũng là tác giả của “Bình Ngô đại cáo”. Ý kiến này cũng không thể đứng vững được vì, như đã nói ở trên, các vị vua, từ hôn quân cho đến minh vương, chẳng ai có ba đầu sáu tay! Trong lịch sử của nước Pháp chẳng hạn, Louis XIV nổi tiếng là minh quân, ông vua đã làm rạng danh nước Pháp, được tôn xưng là Vua - Mặt Trời (Roi-Soleil), cũng phải nhờ đến người khác chứ có phải văn kiện nào cũng do ông ta ôm đồm thảo ra. Ông ta còn trăm công nghìn việc nữa ấy chứ, dĩ nhiên là kể cả việc đi săn ở khu rừng Vincennes. Bản “Tuyên cáo bốn điều” (Déclaration des Quatre Articles) nổi tiếng, chẳng hạn, từng đặt Louis XIV và Giáo hội Pháp vào thế đối đầu với Tòa Thánh La mã (mà vì quá căng nên cuối cùng Vua - Mặt Trời phải hủy bỏ việc giảng dạy nó trong các chủng viện vào năm 1693) là do ông ta sai Bossuet thảo ra đấy chứ. Vậy TS Khang cũng không có lý khi nói rằng, vì Lê lợi giỏi giang chữ nghĩa nên “Bình Ngô đại cáo” nhất thiết cũng phải do ông soạn ra.
Vì những lý do trên nên chúng tôi vẫn bảo vệ ý kiến truyền thống về tác giả của “Bình Ngô đại cáo”. Đó chính là Nguyễn Trãi, chẳng phải ai khác.
A.C
- Tử vi ngày 16/10/2024: Tuổi Tỵ may mắn bất ngờ, tuổi Mùi cơ hội đầu tư
- Tử vi ngày 15/10/2024: Tuổi Dậu vận may tài chính, tuổi Dần ý tưởng thú vị
- Tử vi ngày 14/10/2024: Tuổi Sửu mở rộng quan hệ, tuổi Tuất quý nhân hậu thuẫn
- Tử vi ngày 12/10/2024: Tuổi Mão phúc lộc dồi dào, tuổi Hợi tinh thần lạc quan
- Tử vi ngày 11/10/2024: Tuổi Tý đạt được mục tiêu, tuổi Thân tia sáng hy vọng
- Tử vi ngày 10/10/2024: Tuổi Dần tài lộc hanh thông, tuổi Dậu nhìn xa trông rộng