Kỷ nguyên Petrodollars sắp kết thúc
Bồn chứa dầu tại cảng biển Ras Tanura của Arập Xêút |
Petrodollars là gì?
Petrodollars (còn được gọi Dollar dầu mỏ) là thuật ngữ kinh tế, hiểu nghĩa rộng là số tiền bằng USD mà các nước xuất khẩu dầu mỏ thu được nhờ xuất khẩu dầu mỏ. Còn hiểu theo nghĩa hẹp, Petrodollars chỉ số tiền bằng USD mà các nước thành viên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) thu được từ xuất khẩu dầu.
Năm 1972, Chính phủ Mỹ và Chính phủ Arập Xêút ký một thỏa thuận, theo đó Mỹ cung cấp viện trợ kỹ thuật và quân sự cho Arập Xêút để đổi lấy việc Arập Xêút chỉ chấp nhận USD trong mua bán dầu mỏ, từ đó hình thành thông lệ quốc tế, việc mua bán dầu mỏ hầu hết được thanh toán bằng USD.
Petrodollars xuất hiện từ thời kỳ khủng hoảng dầu mỏ lần thứ nhất (1973-1975). Giá dầu khi đó tăng vọt. Các nước xuất khẩu dầu mỏ, nhất là Kuwait, Arập Xêút, Qatar, thu bội tiền, nhưng đầu tư và chi tiêu tài chính trong nước không dùng hết số tiền đó. Số USD dôi dư được đưa vào các quỹ đầu tư hoặc các ngân hàng thương mại để đầu tư vào thị trường tài chính quốc tế, nhất là thị trường tài chính ở Mỹ, để kiếm lời. Những quỹ này, chẳng hạn như Kuwait Investment Authority, được gọi là quỹ dollar dầu mỏ. Ngoài việc đầu tư kiếm lời, nhiều nước Arập xuất khẩu dầu mỏ còn dùng số USD dôi dư để viện trợ cho các nước khác. ODA từ các nước Arập tăng mạnh từ giữa năm 1973.
Petrodollars là nguồn thu chính của nhiều nước xuất khẩu dầu mỏ là thành viên OPEC, cũng như những nhà xuất khẩu dầu khác ở Trung Đông, Na Uy và Nga. Petrodollars về bản chất là USD, phụ thuộc vào lạm phát cơ bản của Mỹ và giá trị của đồng USD, bị ảnh hưởng bởi các yếu tố kinh tế giống như đồng USD. Vì vậy, nếu giá trị của USD giảm, giá trị của Petrodollars cũng giảm, doanh thu từ dầu mỏ của các nước xuất khẩu dầu cũng giảm.
Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình được Thái tử Mohammad bin Salman của Arập Xêút tiếp đón trong chuyến thăm Ryad của nhà lãnh đạo Trung Quốc năm 2022 |
Sự trỗi dậy của Petroyuan
Là nước khơi mào cho Petrodollars, nay Arập Xêút cũng là quốc gia đầu muốn xóa bỏ nó. Trước đây, Mỹ là thị trường nhập khẩu dầu chính của Arập Xêút, nay Trung Quốc chiếm vị thế này và mong muốn dùng nội tệ (NDT) để thanh toán các giao dịch và khái niệm Petroyuan (Nhân dân tệ dầu mỏ) ra đời.
Thỏa thuận khí đốt đầu tiên mới đây giữa Trung Quốc và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) bằng đồng NDT là một đòn giáng vào sự thống trị của đồng USD. Các đồng minh của Trung Quốc kiểm soát 40% trữ lượng dầu của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+), trong khi đó, Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) kiểm soát 40% trữ lượng khác. Khi giao dịch khí đốt giữa Trung Quốc và UAE được thanh toán bằng đồng NDT, thì Petrodollars sẽ bị đe dọa nghiêm trọng. Vào ngày 28-3-2023, Sàn giao dịch dầu mỏ và khí đốt tự nhiên Thượng Hải (SHPGX) đã làm nên lịch sử khi công bố thỏa thuận đầu tiên đối với việc nhập khẩu 65.000 tấn LNG từ UAE và thanh toán bằng NDT. Công ty Dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC) và Tập đoàn TotalEnergies của Pháp đã hoàn tất giao dịch, TotalEnergies đã xác nhận rằng lượng LNG nhập khẩu đến từ quốc gia vùng Vịnh Ba Tư.
Trong một báo cáo được công bố ngày hôm sau, nhật báo Global Times của Trung Quốc dẫn lời Chủ tịch SHPGX Guo Xu tuyên bố: Thỏa thuận này là một nỗ lực đáng kể để thúc đẩy chủ nghĩa đa phương trong lĩnh vực dầu mỏ. Đây là một nỗ lực đáng kể để thúc đẩy việc định giá tiền tệ, thanh toán và thanh toán xuyên biên giới bằng nhiều loại tiền tệ trong giao dịch thương mại LNG quốc tế.
Việc thanh toán thương mại LNG quốc tế bằng NDT là một cột mốc quan trọng trong cải cách dầu khí theo định hướng thị trường của Trung Quốc. Diễn biến này diễn ra sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố trong chuyến thăm lịch sử tới Riyadh vào tháng 12-2022: Trung Quốc nên tận dụng triệt để SHPGX như một nền tảng để thực hiện thanh toán bằng đồng NDT trong các giao dịch dầu khí.
Thỏa thuận này phá vỡ thông lệ đã tồn tại nhiều thập niên trong việc giao dịch dầu khí toàn cầu chỉ bằng USD.
Với những diễn biến địa chính trị toàn cầu hiện nay, đồng NDT ngày càng được chấp nhận như một loại tiền tệ quốc tế. Kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình nhậm chức, Trung Quốc đã đạt được các thỏa thuận thương mại với nhiều quốc gia bằng đồng nội tệ, thách thức sự thống trị của đồng USD trong thương mại toàn cầu. Từ đó, đồng NDT đã trở thành đồng tiền thanh toán phổ biến thứ 5 trên thế giới, đồng tiền thanh toán thương mại thứ 3 và đồng tiền dự trữ thứ 5 trên thế giới. Theo Global Times, đồng NDT hiện chiếm 7% tổng giao dịch tiền tệ trên thế giới và đang mở rộng thị phần.
Các chuyên gia lưu ý rằng, qua việc Trung Quốc nối lại tăng trưởng kinh tế và tiếp tục mở cửa thị trường tài chính, chức năng đầu tư và phòng ngừa rủi ro của đồng NDT đã dần tăng lên. Trong một bài báo do The Cradle xuất bản vào đầu năm 2023, nhà phân tích Pakistan FM Shakil đã trích dẫn báo cáo COFER của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF): “Tỷ lệ đồng USD trong kho dự trữ của Ngân hàng Trung ương đã giảm 12% kể từ năm 1999, trong khi tỷ lệ các loại tiền tệ khác, đặc biệt là đồng NDT của Trung Quốc, có tăng lên tới mức 9% trong cùng giai đoạn”.
Nga, hiện là đối tác dầu mỏ lớn nhất của Trung Quốc, chấp nhận thanh toán bằng đồng NDT. (Trong ảnh Chủ tịch Trung Quốc và Tổng thống Nga bắt tay sau thỏa thuận năng lượng lớn giữa hai nước vào năm 2016) |
Ông Shakil lưu ý rằng, các khoản thanh toán bằng đồng NDT xuyên biên giới tích lũy được xử lý ở Tân Cương (phía Tây Trung Quốc), trung tâm tài chính giữa Trung Quốc và Trung Á, đã vượt ngưỡng 100 tỉ NDT (14 tỉ USD) vào đầu năm 2013 và đạt 260 tỉ NDT vào năm 2018.
Ông Shakil kết luận: “Đồng USD dự trữ đang giảm dần và sức ảnh hưởng của Mỹ trong nền kinh tế toàn cầu cũng đang dần bị thu hẹp, tạo cơ hội cho các loại tiền tệ quyền lực trong khu vực và các hệ thống thanh toán vươn lên thay thế”.
Kể từ năm 2009, Trung Quốc đã thực hiện một chính sách nhằm giảm bớt phụ thuộc vào đồng USD trong các giao dịch thương mại, bao gồm việc thanh toán phần lớn hàng hóa của Trung Quốc ở thị trường nước ngoài bằng NDT, thiết lập hạn mức tín dụng chung với nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới và đàm phán với các quốc gia Tây Á và Bắc Phi để thuyết phục các nước này sử dụng đồng NDT trong giao dịch thương mại. Những nỗ lực này gần đây đã bắt đầu được đền đáp, thể hiện qua việc một số chính phủ châu Á đã chấp nhận một phần tiền tệ của Trung Quốc.
Iraq là một trong những quốc gia đã áp dụng một phần đồng NDT trong giao dịch thương mại. Vào tháng 2-2023, Ngân hàng Trung ương Iraq đã công bố ý định cho phép thanh toán trực tiếp bằng đồng NDT trong các giao dịch thương mại từ Trung Quốc, nhằm cải thiện khả năng tiếp cận ngoại tệ và bù đắp cho sự thiếu hụt USD ở thị trường nội địa, phần lớn do các biện pháp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ áp đặt đối với việc chuyển tiền ra khỏi Iraq để ngăn số tiền đó đến Iran và Syria. Ai Cập cũng đã công bố ý định phát hành trái phiếu bằng đồng NDT vào tháng 8-2022.
Nga đóng một vai trò quan trọng trong việc thay đổi hướng đi của đồng NDT qua việc ký kết thỏa thuận đường ống dẫn khí đốt phía Đông Trung - Nga và qua việc chuyển đổi tiền tệ thanh toán khí đốt từ USD sang NDT và RUB. Theo dữ liệu mới nhất từ Ngân hàng Trung ương Nga, NDT đã trở thành một nhân tố chính trong giao dịch ngoại thương của Nga, tỷ trọng trong các khoản thanh toán nhập khẩu bằng NDT tăng từ 4% vào tháng 1-2022 lên 23% vào cuối năm; tỷ trọng xuất khẩu thanh toán bằng NDT cũng tăng từ 0,5% lên 16% trong cùng thời gian.
Trong chuyến công du tới Arập Xêút, Chủ tịch Trung Quốc đã khuyến khích các nước trong GCC sử dụng SHPGX cho các giao dịch năng lượng bằng đồng NDT. Trong chuyến thăm này, Trung Quốc và Arập Xêút cũng đã ký kết các thỏa thuận thương mại trị giá hơn 30 tỉ USD, đánh dấu sự trỗi dậy của Petroyuan, theo một số nhà phân tích.
Theo nhà phân tích Zoltan Pozsar của Credit Suisse, các đồng minh của Trung Quốc như Nga, Iran và Venezuela chiếm 40% trữ lượng dầu của OPEC+, trong khi các nước GCC chiếm 40% trữ lượng khác. Nếu chỉ riêng Nga, Iran và Venezuela thanh toán xuất khẩu năng lượng bằng NDT, thì Petroyuan sẽ thay thế vị trí của Petrodollars.
Đáp lại chính sách của Mỹ
Trong một cuộc phỏng vấn của Bloomberg vào tháng 1-2023 tại Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos, Bộ trưởng Tài chính Arập Xêút Mohammed al-Jadaan nói: “UAE sẵn sàng giao dịch bằng các loại tiền tệ khác ngoài USD để cải thiện thương mại”.
Dù là đồng minh trung thành của Mỹ trong nhiều thập niên, Arập Xêút vẫn thắt chặt quan hệ với các đối tác thương mại chủ chốt, trong đó có cả Trung Quốc. Trung Quốc đã nhập khẩu hơn 500 triệu tấn dầu thô và hơn 100 triệu tấn khí đốt tự nhiên trong năm 2022, trong đó có 63,44 triệu tấn LNG. Sự thay đổi này đối với các loại tiền tệ quốc gia trong thương mại toàn cầu một phần do chính sách trừng phạt của Mỹ đối với Nga. Arập Xêút hiện đang đi theo xu hướng phòng ngừa rủi ro ngày càng tăng đối với việc sử dụng USD trong giao dịch thương mại, trước bối cảnh lo ngại Mỹ đang sử dụng đồng USD như một vũ khí đối với thương mại cũng như với các biện pháp trừng phạt.
Xu hướng sử dụng tiền tệ quốc gia trong chuỗi thương mại toàn cầu tiếp tục phát triển với những diễn biến gần đây, kể cả việc gã khổng lồ dầu mỏ Aramco của Arập Xêút công bố 2 kế hoạch đầu tư quy mô lớn vào Trung Quốc. Kế hoạch đầu tiên xây dựng một nhà máy hóa chất và lọc dầu tích hợp ở tỉnh Liêu Ninh. Kế hoạch thứ hai là việc Aramco sở hữu 10% cổ phần trong Công ty Hóa dầu Rongsheng. Trong khi đó, Dubai đã mở cửa giao dịch tiền tệ Trung Quốc tại trung tâm tài chính toàn cầu trong nước. Brazil và Trung Quốc đã đồng ý từ bỏ đồng USD và sử dụng đồng nội tệ trong các giao dịch thương mại. Ngoài ra, Brazil và Argentina đã thông báo rằng họ đang bắt đầu nghiên cứu để tung ra một loại tiền tệ chung cho các giao dịch thương mại, được đặt tên là “Sur”.
Các đồng minh của Trung Quốc như Nga, Iran và Venezuela chiếm 40% trữ lượng dầu của OPEC+, trong khi các nước thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) chiếm 40% trữ lượng khác. Nếu chỉ riêng Nga, Iran và Venezuela thanh toán xuất khẩu năng lượng bằng NDT, Petroyuan sẽ thay thế Petrodollars. |
Petrodollars bị đe dọa
Ngày nay, với những động thái từ phía Trung Quốc nhằm thách thức hệ thống cố thủ Petrodollars, sự trỗi dậy của Petroyuan trước sự suy giảm của Petrodollars đang trở thành tâm điểm chú ý trên toàn cầu.
Asia Financial mô tả thỏa thuận giữa Trung Quốc và TotalEnergies là một bước tiến trong cuộc chiến dài hạn của Trung Quốc nhằm giảm sức mạnh và tầm với của quyền bá chủ bằng USD, đồng thời cho biết, các biện pháp này dường như đang đạt được tiến triển.
Nhưng có một điểm đáng chủ ý khác, theo nhà phân tích dầu thô cao cấp Viktor Katona tại Kpler, USD có khả năng vẫn là đồng tiền trao đổi chính của Trung Quốc. Mặc dù USD có khả năng vẫn là đồng tiền thống trị toàn cầu trong tương lai gần, nhưng sự trỗi dậy của NDT rất đáng quan tâm khi Trung Quốc tận dụng vị thế là nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới.
Arập Xêút được cho là đang cân nhắc việc chấp nhận thanh toán xuất khẩu dầu sang Trung Quốc bằng NDT. Tuy nhiên, nếu ý định này được thông qua thì sẽ gây ra vài vấn đề, vì hầu hết các loại tiền tệ Tây Á đều được chốt bằng USD và việc chấp nhận thanh toán bằng các loại tiền tệ khác sẽ gia tăng rủi ro.
Nhà nghiên cứu Srinivas của PS năm ngoái cho biết, các thỏa thuận dầu mỏ với các nước Tây Á không gây ra mối đe dọa đối với đồng USD và khả năng đồng NDT thay thế đồng USD làm đồng tiền chuẩn để định giá vẫn còn yếu do các biện pháp kiểm soát vốn ở Trung Quốc và đồng NDT thiếu khả năng quy đổi. Mặc dù không thể loại trừ khả năng NDT trở thành đồng tiền quan trọng trong thương mại dầu mỏ toàn cầu, nhưng NDT khó có thể thay thế USD để trở thành đồng tiền định giá chính trong ngành dầu khí. Hầu hết các quốc gia Tây Á vẫn quan tâm đến việc duy trì sức mạnh của đồng USD và dõi theo bất kỳ động thái nào hướng tới việc chấp nhận thanh toán bằng các loại tiền tệ khác. Trong vài năm tới, điều quan trọng là phải theo dõi sự trỗi dậy chậm nhưng ổn định của Trung Quốc nhằm thống trị kinh tế toàn cầu và để đồng NDT ngày càng được dùng nhiều hơn trong thương mại quốc tế.
Cùng với Trung Quốc, Nga đã và đang tìm cách thay thế USD trong các giao dịch cả về năng lượng lẫn kinh tế. Như vậy, Nga và Trung Quốc có thể khiến kỷ nguyên Petrodollars sớm kết thúc.
Theo dữ liệu mới nhất từ Ngân hàng Trung ương Nga, tỷ trọng các khoản thanh toán nhập khẩu bằng NDT tăng từ 4% vào tháng 1-2022 lên 23% vào cuối năm; tỷ trọng xuất khẩu thanh toán bằng NDT cũng tăng từ 0,5% lên 16% trong cùng thời gian. |
Việt Nam và Trung Quốc đàm phán về vấn đề trên biển |
"Cơn bão Trung Quốc" đe dọa ngành xe điện châu Âu |
Trung Quốc tạm đóng cửa một lò phản ứng hạt nhân, Pháp lo lắng |
S.Phương
-
Quá trình chuyển dịch năng lượng của Trung Quốc đang ở đâu?
-
Hệ quả từ sự phát triển quá nóng của năng lượng mặt trời ở Trung Quốc
-
Trung Quốc củng cố an ninh năng lượng như thế nào?
-
Khi nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc chạm đỉnh: Thị trường thế giới sẽ ra sao?
-
Điều gì xảy ra nếu Trung Quốc không còn nhập khẩu dầu Iran?
-
Quốc hội thẩm tra Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030
-
Nhiều đại biểu tán thành việc đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT 5%
-
UAE muốn xây dựng trung tâm trung chuyển, dự trữ các sản phẩm dầu mỏ tại Việt Nam
-
Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Đề nghị giữ quy định áp thuế GTGT 5% với phân bón
-
Tuyên bố chung giữa Việt Nam và UAE về nâng cấp quan hệ lên Đối tác Toàn diện