Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Kỳ bí Thành nhà Hồ

06:45 | 16/04/2023

353 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Năm 2015, CNN đã xếp Thành nhà Hồ (nằm trên địa bàn 2 xã Vĩnh Long và Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) là “1 trong 21 di sản nổi bật và vĩ đại nhất thế giới”. Tòa thành đá cổ đã làm đau đầu các nhà khảo cổ, các nhà nghiên cứu lịch sử bởi nó ẩn chứa nhiều điều kỳ bí.
Kỳ bí Thành nhà Hồ
Kiến trúc của 4 cổng chính Thành nhà Hồ rất khoa học. Giữa các phiến đá không có bất kỳ chất kết dính nào nhưng tòa thành vẫn đứng vững hơn 600 năm qua

Thành nhà Hồ được xây dựng năm 1397. Nơi đây từng là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa vào cuối triều Trần và kinh đô của nước Đại Ngu trong khoảng 7 năm (1400-1407). Trong giai đoạn lịch sử đầy biến động này, sử sách bị thất lạc, đến ngày nay, công tác nghiên cứu Thành nhà Hồ chủ yếu dựa vào khảo cổ và các truyền thuyết lưu lại trong dân gian.

Đến mục sở thị tòa thành đá cổ này, giới khoa học và du khách đã đặt ra hàng trăm câu hỏi: Cha ông ta đã làm thế nào để gọt đẽo các khối đá vuông vắn nặng hàng chục tấn? Làm cách nào để xếp các khối đá lên nhau thành tường thành? Làm thế nào để xếp các khối đá hình múi cam nặng hàng chục tấn tạo thành 4 cổng chính Đông - Tây - Nam - Bắc với độ chính xác đến từng cm?...

Kỳ bí Thành nhà Hồ
Toàn bộ mặt ngoài tường Thành nhà Hồ được ghép bằng những phiến đá xanh, xếp chồng khít lên nhau, có phiến dài tới hơn 6m, ước nặng hơn 20 tấn

Tháng 7-2011, chỉ sau 1 tháng Thành nhà Hồ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, các cán bộ chuyên môn của Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ đã phát hiện một trong những công trường khai thác đá cổ ở núi Phù Lưu thuộc hệ thống dãy núi An Tôn (xã Vĩnh Yên), cách cổng thành phía Bắc khoảng 2km. Giáo sư Lưu Trần Tiêu - Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia Việt Nam - khi quan sát công trường khai thác đá cổ này đã nhận xét: “Những phiến đá có trọng lượng lớn, bề mặt có nhiều vết xước, vết dăm do chế tác thủ công, bước đầu cho thấy, nhà Hồ đã khai thác đá ở đây để xây thành”. Đến thời điểm hiện tại, đã phát hiện được 21 phiến đá lớn do những phần lỗi kỹ thuật như vỡ cạnh, góc nên đã bị bỏ lại. Một số viên đá có hình dạng, kích thước rất vuông vắn, kỹ thuật tương đồng với các phiến đá tại Thành nhà Hồ. Các viên đá này được ghè, đẽo hết sức công phu, được chế tác từ 3-4 mặt phẳng, dấu vết đục đá vẫn còn khá rõ. Khu vực phát hiện nhiều các phiến đá cổ nằm tại Thung Chẹt, Đản Hót, Thung Án Ngựa.

Kỳ bí Thành nhà Hồ
Chuyên mục Du lịch của CNN (Mỹ) đánh giá, việc UNESCO lựa chọn ngôi cổ thành này để trao danh hiệu danh giá bởi Thành nhà Hồ là “mẫu mực nổi bật cho phong cách mới của kinh thành Đông Nam Á”

Từ công trường khai thác đá cổ này, các nhà khoa học đau đầu với câu hỏi: Bằng cách nào các nghệ nhân và thợ đá đã tách được các phiến đá khổng lồ nặng vài chục tấn từ trên núi xuống. Cách đây đã 600 năm, chắc chắn thuốc nổ chưa có. Việc khai thác đá xây dựng thành cho đến ngày nay vẫn là một điều khó hiểu.

Mặc dù phát hiện ra công trường khai thác đá cổ nhưng các nhà khoa học lại chưa có căn cứ hay thực nghiệm để khẳng định nhà Hồ sử dụng con đường giao thông đường bộ hay đường thủy để vận chuyển những khối đá có trọng lượng 10-26 tấn về địa điểm xây thành.

Tuy nhiên, căn cứ vào những tư liệu dân gian như truyền thuyết con đường Cống Đá, Bí Đá, Con Lăn, Bến Đá tại sông Mã, nơi tập kết đá..., đặc biệt là vị trí thuận lợi của khu vực núi An Tôn so với sông Mã và núi An Tôn so với Thành nhà Hồ, các nhà khoa học tạm thời đưa ra 2 giả thuyết về việc vận chuyển đá về xây thành: Đá được vận chuyển từ núi An Tôn xuống sông Mã, đưa lên bè và chở xuôi dòng xuống khu vực Bến Đá, từ đây đá được vận chuyển theo đường Cống Đá để xây thành.

Kỳ bí Thành nhà Hồ
4 cổng Thành nhà Hồ theo chính hướng Nam - Bắc - Tây - Đông, gọi là các cổng Tiền - Hậu - Tả - Hữu (trong ảnh là cổng Đông)

Truyền thuyết trong vùng Vĩnh Lộc lưu truyền lại rằng, người chỉ huy đã cho xây dựng một con đường lát bằng đá để vận chuyển đá từ nơi khai thác về thành. Khi vận chuyển, người xưa dùng các con lăn, dùng sức trâu, bò kéo. Những tảng đá lớn hàng chục tấn thì dùng sức voi. Hiện nay vẫn còn di tích con đường vận chuyển đá ở thôn Tây Giai, xã Vĩnh Tiến.

Còn về nghệ thuật xây thành, đã có hàng trăm giả thuyết được đặt ra. Tác giả Phạm Văn Chấy viết trong cuốn sách “Thành nhà Hồ và những câu chuyện xây thành đắp lũy” đặt ra giả thuyết: “Để lắp ghép được các vòm cuốn, các nghệ nhân phải thiết kế và chế tác các phiến đá hình múi cam, hình thang cân, hình tứ giác. Phải dùng phương pháp “mực hệt”, nghĩa là dùng giấy hoặc cót cắt thành mẫu các loại phiến đá nói trên đem ghép vào nhau thành hình dáng cổng thành, thấy đạt rồi mới chế tác các phiến đá y hệt theo mẫu. Khi lắp ráp cổng thành, người ta dùng đất, cát, sỏi đắp thành hình dáng cái lòng cổng thành rồi xếp đá lên trên cốt. Khi ghép đá xong rồi mới moi đất, cát ra”.

Kỳ bí Thành nhà Hồ
Lớp ngoài tường thành xây dựng bằng những khối đá xanh, được đẽo gọt và ghép một cách tài tình, khối đá lớn nhất nặng khoảng 26 tấn

Lại có giả thuyết cho rằng, người xưa phải dùng đất đắp nghiêng để vần từng tảng đá xếp chồng lên nhau, sau đó phá các ụ đất đi chỉ còn lớp thành như giả thuyết người cổ đại xây Kim Tự Tháp.

Dẫu sao đó chỉ là giả thiết. Thực tế đó phản ánh một điều chắc chắn là, người xưa rất kiên nhẫn, kỳ công và thông minh trong điều kiện chưa có máy móc hiện đại.

Kỳ bí Thành nhà Hồ
Một con rồng đá được trưng bày trong nội thành

Đầu tháng 3-2023, Viện Khảo cổ và Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ phối hợp tổ chức hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả khai quật 4 cổng thành (Nam - Bắc - Đông - Tây) thuộc Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ. Tuy nhiên, tại hội nghị, các báo cáo cũng chỉ nêu được phát hiện mới về dấu tích con đường Hoàng gia trong nội thành với những dấu tích kè đá xanh và lát đá phiến nằm chính giữa cổng Nam nối về phía Bắc trung tâm nội thành. Ngoài ra, các nhà khoa học còn tìm thấy một số cụm bi, đạn đá tại khu vực cổng Nam và cổng Bắc...

Tỉnh Thanh Hóa đang hy vọng tại hội thảo quốc tế sẽ được tổ chức trong thời gian tới, sau 12 năm Thành Hóa thực hiện cam kết với UNESCO về bảo tồn di sản Thành nhà Hồ kể từ khi di sản được vinh danh, có những nhận định đủ sức thuyết phục về cách thức mà cha ông chúng ta đã xây dựng công trình vĩ đại này.

Kỳ bí Thành nhà Hồ
Phóng viên CNN khi tác nghiệp tại Thành nhà Hồ mô tả rằng: “Phần của tường thành bị lún xuống hoặc bị cỏ cây trùm lấn tạo cho di tích vẻ huyền bí”
Kỳ bí Thành nhà Hồ
Các nhà khoa học tìm thấy hàng trăm viên bi đá lớn (bằng quả bóng đá), nhỏ (bằng quả cầu mây), có thể dùng như con lăn để tời đá từ vùng khai thác đến nơi xây dựng
Kỳ bí Thành nhà Hồ
Trong những cuộc khai quật khảo cổ, các nhà khoa học đã phát hiện nhiều công trình đặc biệt tại Thành nhà Hồ như con đường đá cổ đẹp nhất Việt Nam với hơn 600 năm tuổi; nền gạch Gò Ngục...
Kỳ bí Thành nhà Hồ
Lớp trong của tường thành là lũy đắp bằng đất sét trộn cát sỏi, nện kỹ từng lớp, có độ dốc thoải dần vào phía trong thành
Kỳ bí Thành nhà Hồ
Từ năm 2013 đến năm 2020, tỉnh Thanh Hóa đầu tư hơn 90 tỉ đồng thực hiện dự án khai quật tổng thể Di sản văn hóa thế giới Thành đá Tây Đô

Trịnh Thông Thiện