Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Phát hiện, thu hút và trọng dụng nhân tài - cần đột phá toàn diện từ chính sách tới thực tiễn

Kỳ 1: Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về phát hiện, thu hút và trọng dụng nhân tài

16:27 | 29/12/2022

Theo dõi PetroTimes trên
|
Truyền thống “tiến cử hiền tài”, “chăm lo việc gây dựng nhân tài” trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh kế thừa, hoàn thiện và nâng tầm thành nghệ thuật “dụng nhân” bằng nhãn quan chính trị sắc bén, trí tuệ mẫn tiệp, trên tinh thần phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Tư tưởng ấy của Người là kim chỉ nam, chỉ dẫn quý báu, được Đảng và Nhà nước ta vận dụng sáng tạo, cụ thể hóa thành các chủ trương, chính sách lớn nhằm phát hiện, thu hút và trọng dụng nhân tài.
Kỳ 1: Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về phát hiện, thu hút và trọng dụng nhân tài
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện thân mật với các đại biểu trí thức dự Hội nghị chính trị đặc biệt (tháng 3-1964) _Nguồn: Tư liệu

Những chỉ dẫn quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát hiện, thu hút và trọng dụng nhân tài

Thực tiễn hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, hơn 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991) ở nước ta cho thấy, nhân tài không chỉ là tài sản vô giá của quốc gia, dân tộc, mà còn có vai trò nòng cốt trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế sâu rộng. Nhân tài theo cách hiểu thông thường là những đại diện ưu tú, hội tụ trí tuệ, bản lĩnh, tư duy sáng tạo, đồng thời kết tinh những phẩm chất đạo đức tốt đẹp. Đạo đức và tài năng của họ có đóng góp quan trọng trong việc gìn giữ, kiến thiết đất nước và giải quyết các vấn đề dân sinh thiết thực, cấp bách. Để “cây cách mạng” khai hoa, kết trái, ngoài việc chú trọng cái “gốc” là cán bộ thì trước hết, phải quan tâm tới việc phát triển “bộ rễ” - cơ chế thu hút nhân tài, những hạt nhân có năng lực nổi trội, hăng say lao động, cống hiến, phát huy trí tuệ, bản lĩnh tiên phong, đóng góp tích cực vì sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Để hiện thực hóa mục tiêu đó, lực lượng nhân tài thu hút được phải là một đội ngũ lớn mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng, tạo nguồn nhân lực phát triển dồi dào, đa dạng về chuyên môn trên nhiều lĩnh vực. Bằng khối óc sáng tạo và trái tim nhiệt thành cống hiến, một khi được trọng dụng xứng đáng, họ sẽ là những nhân tố tích cực trong việc hiến kế, giải quyết những nút thắt, điểm nghẽn trong thực tiễn trên mọi lĩnh vực, tạo đà thúc đẩy sự phát triển về mọi mặt của đất nước. Đặc biệt, phát hiện, thu hút, trọng dụng những nhân tài không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với xây dựng nguồn nhân lực quốc gia, mà còn góp phần không nhỏ vào công tác phát triển đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Bởi lẽ, với những tố chất sẵn có của mình, họ là những hạt giống tiềm năng, là ứng cử viên sáng giá cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo kế cận các cấp. Cơ chế phát hiện, thu hút và trọng dụng của Đảng, Nhà nước sẽ tạo điều kiện để nhân tài khẳng định mình, nỗ lực không ngừng đổi mới, phấn đấu bền bỉ, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Việt Nam là một dân tộc “vốn xưng nền văn hiến đã lâu”, có truyền thống lâu đời về tìm kiếm, bồi dưỡng và trọng dụng hiền tài. Bia Tiến sĩ khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo năm thứ 3 (năm 1442) tại Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) do Đại học sĩ Thân Nhân Trung soạn từng tổng kết: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí vững thì thế nước mạnh và thịnh, nguyên khí kém thì thế nước kém và suy, cho nên các đấng Thánh đế Minh vương không ai không chăm lo việc gây dựng nhân tài, bồi đắp nguyên khí”(1). Gây dựng nhân tài đòi hỏi phải có tầm nhìn chiến lược lâu dài của những bậc minh quân ái quốc vì mục tiêu “quốc thái dân an”, quốc gia hưng thịnh vững bền. Đến thời đại Hồ Chí Minh, tầm nhìn chiến lược đó lại càng được phát huy cao độ trong sự nghiệp xây dựng chế độ mới, đẩy mạnh kháng chiến, kiến quốc và được thể hiện rõ nét qua 4 quan điểm chính sau:

Thứ nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định vai trò quan trọng của nhân tài và yêu cầu cấp thiết của việc thu hút, trọng dụng nhân tài trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, kiến thiết nước nhà. Nhằm tìm kiếm, tuyển chọn nhân tài tham gia kháng chiến kiến quốc, ngày 20-11-1946, báo Cứu quốc đã đăng Thông lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tìm người tài đức. Đây được ví như “Chiếu cầu hiền” thời hiện đại. Thông lệnh viết: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bực tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận. Nay muốn sửa đổi điều đó, và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết. Báo cáo phải nói rõ: tên tuổi, nghề nghiệp, tài năng, nguyện vọng và chỗ ở của người đó. Hạn trong một tháng, các cơ quan địa phương phải báo cáo cho đủ”(2). Trước đó, ngay sau khi nước nhà vừa giành được độc lập, ngày 14-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển càng thêm nhiều”(3). Đây là nhiệm vụ cấp bách và thiết thực khi nước nhà vừa mới giành lại được độc lập, sự nghiệp kiến quốc đang rất cần nhiều nhân tài.

Sau ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đăng công thư trên báo Cứu quốc, giao cho Ủy ban hành chính các cấp tìm kiếm nhân tài, tìm những người tài đức ra giúp nước. Người cũng kêu gọi những người tài đức ra ứng cử vào Nghị viện nhân dân. Chính phủ đầu tiên do Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị Nghị viện nhân dân bầu ra, bao gồm những người tài, đức, không phân biệt đảng phái chính trị, nguồn gốc xuất thân, miễn là hết lòng phụng sự vì nhân dân, vì đất nước.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trọng dụng nhân tài thì không nên câu nệ, thành kiến về thành phần xuất thân hay bài trừ những tư tưởng khác biệt với số đông đến mức cực đoan. “Việc dùng nhân tài, ta không nên căn cứ vào những điều kiện quá khắt khe. Miễn là không phản lại quyền lợi dân chúng, không là Việt gian, thân Pháp, thân Nhật, có lòng trung thành với Tổ quốc là có thể dùng được. Tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy. Biết dùng người như vậy, ta sẽ không lo gì thiếu cán bộ”(4). Đồng thời, Người đặc biệt nhấn mạnh, cần phải tránh căn bệnh “kiêu ngạo cộng sản”, bè phái, tư túng cá nhân. V.I. Lê-nin từng cảnh báo, căn bệnh “kiêu ngạo cộng sản” là con đường ngắn nhất dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền Xô viết. Chủ tịch Hồ Chí Minh đả phá căn bệnh kiêu ngạo, bởi vì, “đã kiêu thì ắt ghét những người tài giỏi hơn mình. Ưa những kẻ nịnh hót mình. Thân cận là những kẻ vô tài bất lực, nhưng khéo nịnh hót a dua. Xa cách hoặc dìm hãm những người có tài có đức hay bàn ngay nói thẳng”(5). Người nhấn mạnh, “kéo bè kéo cánh” cũng là một căn bệnh rất nguy hiểm; việc ưa ai thì dùng, ghét ai thì loại sẽ “làm Đảng bớt mất nhân tài”.

Thứ hai, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhất quán tiêu chí lựa chọn nhân tài, đòi hỏi sự hội tụ cả hai yếu tố “đức” và “tài”. “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. “Đức” được bồi đắp từ sự trong sáng, trung thực, trung thành, tận tụy, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung, khiêm nhường, cầu thị, có tinh thần đoàn kết, lòng nhân ái... “Tài” được thể hiện qua trình độ, vốn hiểu biết, năng lực chuyên môn nghiệp vụ, khả năng tư duy sáng tạo, vận dụng linh hoạt trong thực tiễn, luôn làm chủ được tri thức khoa học và có hiểu biết sâu, rộng về các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực thuộc chuyên môn của mình. Năng lực của người tài là nhân tố đặc biệt quan trọng, là điều kiện cần để họ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, bảo đảm hiệu quả, hiệu suất trong công việc. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, cái tài thể hiện ở cái trí, cái tầm, đồng thời phải gắn chặt với cái tâm. Nhân tài không chỉ là người bộc lộ được năng lực xuất chúng, có thể gánh vác những trọng trách lớn lao, mà còn phải là lá cờ đầu, đại diện mẫu mực trong việc rèn luyện, trau dồi phẩm chất đạo đức. Hay nói cách khác, người có tài, trong ý nghĩa đích thực phải là người có đức, tài càng lớn đòi hỏi đức càng cao. Vì thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chủ trương “tìm người tài đức” và “trọng dụng những kẻ hiền năng”. Đất nước muốn phát triển nhanh và bền vững cần phải thu hút được nhân tài và phát huy được tiềm năng, thế mạnh của họ, để góp phần hiện thực hóa mục tiêu chấn hưng dân tộc, chắp cánh cho khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

Thứ ba, tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện ở phương pháp và cách thức phát huy tiềm năng của nhân tài. Với quan niệm “dụng nhân như dụng mộc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quy tụ nhân tài và “khéo” sử dụng họ “đúng chỗ, đúng việc”, “tùy tài mà dùng người”. Nhân tài cần được nhìn nhận, đánh giá theo từng thước đo, mức độ, lĩnh vực và trường hợp cụ thể; vậy nên, cách thức bố trí, phân công, giao nhiệm vụ cho họ không thể đóng khung, bó buộc, cứng nhắc, mà cần linh hoạt, mềm dẻo, khéo léo, để vừa phát huy tận độ giá trị mà họ mang lại cho cơ quan, tổ chức, vừa tạo động lực, thúc đẩy sự bộc lộ tài năng của họ. Vì thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ lãnh đạo, quản lý khi phát hiện được nhân tài thì “phải xem người ấy xứng với việc gì. Nếu người có tài mà dùng không đúng tài của họ, cũng không được việc”(6); “muốn tránh khỏi sự hao phí nhân tài, chúng ta cần phải sửa chữa cách lãnh đạo... bắt buộc cán bộ trong mỗi ngành phải thiết thực báo cáo và cất nhắc nhân tài”(7). Với quan điểm ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập hợp được đông đảo nhân sĩ, trí thức thuộc các đảng phái, giai tầng khác nhau ở cả trong và ngoài nước nhiệt thành tham gia Cách mạng Tháng Tám và công cuộc kháng chiến kiến quốc.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận động, thu hút được rất nhiều quan lại của Triều đình nhà Nguyễn, của Chính phủ Trần Trọng Kim cùng trí thức Việt Nam ở trong nước và nước ngoài đi theo cách mạng, như Thượng thư Bộ Hình Bùi Bằng Đoàn, Khâm sai đại thần Bắc Bộ Phan Kế Toại, Ngự tiền Văn phòng Đổng lý (của Vua Bảo Đại) Phạm Khắc Hòe, Tham tri Đặng Văn Hướng, Tổng trưởng Thanh niên Phan Anh, cựu Tổng đốc Hà Đông Hồ Đắc Điềm, cựu Tổng đốc Thái Bình Vi Văn Định, nhà văn hóa danh tiếng Bùi Kỷ... Trong hoàn cảnh “thù trong giặc ngoài”, việc phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài là một yêu cầu khách quan, tất yếu của cách mạng Việt Nam để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo ra sức mạnh tổng hợp để bảo vệ thắng lợi cách mạng mới giành được. Tin tưởng vào tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quốc hội đã ủy nhiệm cho Người “thành lập một Chính phủ mới - một Chính phủ toàn dân đoàn kết và tập hợp nhân tài, không phân đảng phái; một Chính phủ vì dân, kiên quyết phấn đấu cho độc lập và thống nhất của Tổ quốc; một Chính phủ mà trong đó không có các phần tử phản cách mạng tham gia”(8). Cũng nhờ có quan điểm đúng đắn về trọng dụng nhân tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ đã thu hút được rất nhiều người có tài, đức vào sự nghiệp kiến quốc và bảo vệ đất nước ngay từ những ngày đầu vô cùng khó khăn của chính quyền cách mạng. Ngày 28-8-1945, Chính phủ lâm thời ra đời, bao gồm 15 người, trong đó chỉ 6 người thuộc Mặt trận Việt Minh. Có nhiều bộ trưởng không phải là đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương, như Bộ trưởng Bộ Kinh tế Quốc gia Nguyễn Mạnh Hà (một người công giáo không đảng phái), Bộ trưởng Bộ Giao thông Công chính Đào Trọng Kim, Bộ trưởng Bộ Cứu tế Xã hội Nguyễn Văn Tố (không đảng phái), Bộ trưởng Bộ Thanh niên Dương Đức Hiền (Đảng Dân chủ)...

Tháng 3-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh cải tổ Chính phủ lâm thời thành Chính phủ Liên hiệp kháng chiến với cơ cấu 10 bộ, trong đó Mặt trận Việt Minh và Đảng Dân chủ chỉ giữ 4 bộ, hai đảng Việt quốc và Việt cách giữ 4 bộ, còn hai bộ quan trọng nhất là Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng đều do những người không đảng phái nắm giữ. Tháng 11-1946, khi đại diện của các đảng Việt quốc, Việt cách đã rút lui, Chủ tịch Hồ Chí Minh được Quốc hội ủy quyền thành lập Chính phủ mới. Lúc này, uy tín của Việt Minh lên cao, nhưng Người vẫn chủ trương Chính phủ mới “phải là một Chính phủ toàn dân đoàn kết và tập hợp nhân tài không đảng phái”(9). Sau hòa bình lập lại (năm 1954), trong Chính phủ vẫn còn nhiều bộ trưởng là người ngoài Đảng hoặc thuộc đảng phái khác, như Nguyễn Văn Huyên, Phan Anh, Nghiêm Xuân Yêm, Trần Đăng Khoa... Bên cạnh việc lựa chọn nhân tài tham gia Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn bố trí họ giữ các vị trí lãnh đạo, phụ trách chuyên môn của ngành y tế, giáo dục, luật pháp. Những tên tuổi lớn của ngành y tế Việt Nam thời đó, như Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Trần Hữu Tước, Đặng Văn Ngữ... đều được Chủ tịch Hồ Chí Minh phát hiện, thu hút và trọng dụng.

Thứ tư, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phát hiện,thu hút và trọng dụng nhân tài. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Mình có quyền dùng người thì phải dùng những người có tài năng, làm được việc. Chớ vì bà con bầu bạn, mà kéo vào chức nọ chức kia. Chớ vì sợ mất địa vị mà dìm những kẻ có tài năng hơn mình”(10).

Trong quá trình hoạt động cách mạng, bằng đức độ sáng ngời của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo nguồn cảm hứng, thu phục nhân tâm biết bao trí thức khiến họ hết lòng phụng sự cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Trong thư trả lời luật sư Vũ Trọng Khánh, Giám đốc Tư pháp Liên khu X vào khoảng đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Người nhắn nhủ: “Ai chẳng muốn no cơm ấm áo. Nhưng sinh hoạt vật chất, hết đời người đó là hết. Còn tiếng tăm xấu hay tốt, sẽ truyền đến ngàn đời về sau”(11). Bản thân Người là một tấm gương sáng ngời về đức hy sinh, không màng danh lợi, suốt đời phấn đấu quên mình cho đất nước và nhân dân. Điều đó đã góp phần khơi dậy tinh thần yêu nước và lòng tự trọng của những trí thức, nhân tài, lôi cuốn họ hòa mình vào chủ nghĩa yêu nước; nhờ đó, trí thức Việt Nam đã tập hợp, đoàn kết, trở thành một đội ngũ hùng hậu, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Kỳ 1: Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về phát hiện, thu hút và trọng dụng nhân tài
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước với các đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022 - 2027 _Ảnh: Tư liệu

Chủ trương, đường lối của Đảng và việc thể chế hóa bước đầu của Nhà nước về phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài

Kế thừa quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luận về vấn đề này, coi đây vừa là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách trước mắt, vừa là nhiệm vụ chiến lược, thường xuyên và lâu dài, đặc biệt trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra ngày càng sâu rộng trên quy mô toàn cầu như hiện nay.

Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 18-6-1997, của Hội nghị Trung ương 3 khóa VIII, “Về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, đã nhấn mạnh: “Đặc biệt chú trọng phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo và quản lý các cấp từ Trung ương đến cơ sở; cán bộ khoa học đầu ngành; cán bộ quản lý kinh doanh các doanh nghiệp lớn”(12).

Tiếp tục định hướng này, Văn kiện Đại hội X của Đảng chỉ rõ: “Xây dựng và thực hiện chính sách phát triển và trọng dụng nhân tài, thu hút nhân tài vào những lĩnh vực quan trọng, không phân biệt người trong Đảng hay ngoài Đảng. Tăng cường nguồn đầu tư của Nhà nước và toàn xã hội vào phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài, trước hết trên ba lĩnh vực: lãnh đạo - quản lý, sản xuất - kinh doanh và khoa học - công nghệ”(13). Đến Đại hội XI, Đảng tiếp tục khẳng định: Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, phát huy nhân tài; đào tạo nhân lực cho phát triển kinh tế tri thức, “có chính sách đặc biệt đối với nhân tài của đất nước”(14).

Văn kiện Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh đến việc thực hiện chính sách nhân tài trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược. Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19-5-2018, của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, “Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, đặt ra yêu cầu: “Quy định khung cơ chế, chính sách ưu đãi để phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài có trọng tâm, trọng điểm, nhất là các ngành, lĩnh vực mũi nhọn phục vụ cho phát triển nhanh, bền vững. Xây dựng Chiến lược quốc gia về thu hút và trọng dụng nhân tài theo hướng không phân biệt đảng viên hay người ngoài Đảng, người Việt Nam ở trong nước hay ở nước ngoài”; “Hoàn thiện cơ chế, đẩy mạnh thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ có triển vọng và đặc biệt quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện lớp cán bộ kế cận. Chủ động nắm, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện đối với sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc ở trong nước và nước ngoài” và xác định một trong năm đột phá chiến lược là “... có cơ chế, chính sách để tạo cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh và thu hút, trọng dụng nhân tài”(15).

Đến Đại hội XIII của Đảng, quan điểm này một lần nữa được khẳng định mạnh mẽ. Một trong năm quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam, bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước”(16). Bên cạnh đó, Đại hội XIII của Đảng xác định: “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục và đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài”(17).

Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25-10-2021, của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, “Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”” tiếp tục đặt ra yêu cầu về xây dựng cơ chế phát hiện, lựa chọn, trọng dụng nhân tài, cán bộ có năng lực nổi trội, cán bộ trẻ để đào tạo, bồi dưỡng, bổ sung nguồn cán bộ cho Đảng.

Thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước ta đã xây dựng, ban hành và tổ chức thi hành chính sách, pháp luật thu hút, trọng dụng nhân tài. Luật Cán bộ, công chức năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2019 quy định: “Nhà nước có chính sách để phát hiện, thu hút, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài năng”, “ưu tiên tuyển chọn người có tài năng”. Nghị quyết số 30c/NQ-CP, ngày 8-11-2011, của Chính phủ, “Ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020” đã đề ra mục tiêu liên quan đến chính sách trọng dụng và đãi ngộ nhân tài trong nền công vụ, như tuyển dụng, bố trí, phân công nhiệm vụ phù hợp với trình độ, năng lực của công chức; thực hiện chế độ thi nâng ngạch theo nguyên tắc cạnh tranh; thi tuyển cạnh tranh để bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo, quản lý...

Ngày 22-9-2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 87/2014/NĐ-CP, “Quy định về thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam”. Đặc biệt, Nghị định số 140/2017/NĐ-CP, ngày 5-12-2017, của Chính phủ, “Về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ”, đã quy định về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ làm việc tại các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến cơ sở, các đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước và lực lượng vũ trang; đồng thời, tạo cơ sở pháp lý cho các bộ, ngành và địa phương căn cứ vào điều kiện đặc thù của cơ quan, đơn vị mình để chủ động xây dựng và ban hành các quy định thu hút, trọng dụng nhân tài. Bộ Nội vụ đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài để tạo cơ sở pháp lý cho việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng để thu hút, trọng dụng nhân tài tham gia vào các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở. Với phương châm “Bốn tốt” (đãi ngộ tốt - cơ hội thăng tiến tốt - môi trường làm việc tốt - để sáng tạo tốt), dự thảo Chiến lược nhấn mạnh: “Có cơ chế đãi ngộ đặc biệt, tạo lập môi trường làm việc tốt để nhân tài phát huy năng lực, thể hiện tài năng cống hiến cho đất nước”; “có chính sách khen thưởng những cá nhân, tổ chức tiến cử, phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo và sử dụng đúng nhân tài”; “xử lý nghiêm những hành vi lạm dụng quyền lực để gây cản trở, trù dập nhân tài...”.

Luật số: 52/2019/QH14, ngày 25-11-2019, của Quốc hội, “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức”, quy định: “Nhà nước có chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài năng. Chính phủ quy định khung chính sách trọng dụng và đãi ngộ đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ”... Có thể nói, những chủ trương, chính sách, quy định pháp luật trên cho thấy, Đảng và Nhà nước ta đã nhận thức đầy đủ về vai trò của nhân tài và sự cần thiết phải thu hút, trọng dụng nhân tài trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Kỳ 1: Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về phát hiện, thu hút và trọng dụng nhân tài
Hoàn thiện cơ chế, đẩy mạnh thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ có triển vọng _Nguồn: ntt.edu.vn

Một số bài học kinh nghiệm cho công tác phát hiện, thu hút và trọng dụng nhân tài rút ra từ thực tiễn

Từ tư tưởng Hồ Chí Minh và những định hướng căn cốt của Đảng, những thể chế hóa bước đầu của Nhà nước, để góp phần hoàn thiện cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng cơ chế phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài, cần thấm nhuần những bài học kinh nghiệm quý báu; cụ thể như sau:

Một là, thống nhất nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của nhân tài và yêu cầu cấp thiết của việc phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; sớm hoạch định chiến lược và chính sách trọng dụng nhân tài, tổ chức thực hiện trên tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó cũng là định hướng phát triển văn hóa, nhất là văn hóa ứng xử với trí thức tài năng, hình thành nếp nghĩ, lối sống trong công tác cán bộ, nhằm khuyến khích, tạo động lực cho người có triển vọng và tài năng thực sự phát triển. Cần phải loại bỏ căn bệnh “kiêu ngạo cộng sản”, cô độc, hẹp hòi, định kiến, phân biệt, khoanh vùng giữa trong và ngoài Đảng, giữa các dân tộc, tôn giáo, giữa các vùng, miền khác nhau một cách thiển cận, cứng nhắc.

Hai là, cần đổi mới tư duy trong phương pháp trọng dụng nhân tài. Điểm mấu chốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh về trọng dụng nhân tài là chữ “khéo”; do đó, phải hiểu rõ nhân tài, nắm chắc thế mạnh lĩnh vực của họ, bố trí công việc hợp lý, khoa học. Người có tố chất nhạy bén về chính trị, có tài lãnh đạo, tổ chức điều hành thì bồi dưỡng, đào tạo họ làm lãnh đạo, quản lý; người am hiểu sâu về chuyên môn, nghiệp vụ thì bồi dưỡng, khuyến khích họ phát triển con đường nghiên cứu, tham mưu... Người tài sẵn sàng làm việc trong khu vực công hoặc từ nước ngoài trở về để cống hiến thì phải tạo môi trường làm việc phù hợp để họ có thể phát huy tài năng và có cơ hội cống hiến. Tiếp đó, yêu cầu đặt ra là cũng cần phải có chế độ đãi ngộ xứng đáng để thu hút nhân tài. Chế độ đãi ngộ ở đây bao gồm về vật chất (lương, thưởng,...) và tinh thần (động viên, vinh danh,...). Khi có chế độ đãi ngộ xứng đáng thì người tài sẽ tự tìm về để lập thân, lập nghiệp và phục vụ cho sự nghiệp phát triển của đất nước.

Ba là, cần xác định những tiêu chí về tài năng, đạo đức thật cụ thể, phải lượng hóa được những tiêu chuẩn để có căn cứ, cơ sở rõ ràng trong việc phát hiện, tiến cử, giới thiệu và phân công, bố trí công việc. Đồng thời, đặc biệt chú trọng vai trò của người đứng đầu trong việc phát hiện, thu hút và trọng dụng nhân tài. Người đứng đầu trước hết phải đủ đức, thực tài, tâm trong, trí sáng, có tư duy đổi mới về công tác cán bộ, “dĩ công vi thượng”, đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết. Ở đời, “nhân vô thập toàn”, trong mỗi người, luôn tồn tại cái hay và cái dở, cái tốt và cái chưa tốt. Muốn làm cho cái hay, cái tốt đâm chồi, nở rộ như hoa mùa xuân, cái chưa tốt, cái dở phai mờ dần, đòi hỏi phải có nhãn quan minh triết, tấm lòng bao dung rộng mở, phải biết trân quý và phát huy tài năng. Mỗi người là một cá thể, có giá trị riêng, không bị trộn lẫn với một cá nhân nào khác. Do đó, người đứng đầu cần tôn trọng tính đặc sắc, nhưng vẫn hài hòa trong tổng thể. Hòa hợp không phải hòa tan và điều quan trọng nhất là phải chấp nhận, chọn lựa và dung nhập những yếu tố tương đồng thích hợp nhất để hoàn thiện chỉnh thể một tổ chức từ những cá thể độc đáo. Không có cái riêng của từng cá nhân thì không thể có sức mạnh tổng hợp của tập thể; và ngược lại, nếu không đồng tâm, đồng lòng vì mục tiêu chung của tập thể thì mỗi cá nhân, dù có tài giỏi đến đâu, cũng dễ dẫn đến tự cô lập, thui chột tài năng.

Không có lãng phí, thiệt hại nào đáng tiếc hơn là sự “chảy máu chất xám”, hoài phí nhân tài. Trong gần 100 triệu đồng bào dọc khắp mọi miền đất nước và đang sinh sống, làm việc trên toàn thế giới, nhân tài chắc chắn còn rất nhiều và chỉ được quy tụ, tập hợp thành lực lượng lớn mạnh nếu Đảng, Nhà nước xây dựng được cơ chế, chính sách thực sự có hiệu quả để thu hút và trọng dụng họ. Đó là con đường nhanh và khả thi nhất để thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, dân tộc cường thịnh, trường tồn, xứng đáng với sứ mệnh chính trị của Đảng và cũng là tâm nguyện, ước vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của nhân dân, trong điều kiện Đảng cầm quyền, đẩy mạnh công cuộc xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân./.

------------------------------

(1) Đại Việt sử ký toàn thư (Toàn thư), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993, t. 2, tr. 492. Tuyển tập Văn bia Hà Nội, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1978, tr. 35, dịch hơi khác như sau: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp. Vì vậy các đấng Thánh đế Minh vương chẳng ai không lấy việc bồi dưỡng nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí làm việc đầu tiên. Kẻ sĩ quan hệ với quốc gia trọng đại như thế, cho nên quý chuộng kẻ sĩ không biết thế nào là cùng”.
(2), (3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 504, 114
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 43
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 632
(6), (7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 314, 281
(8), (9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 618, 478
(10), (11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 123, 537
(12) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2015, t. 56, tr. 347
(13) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 296
(14) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 242
(15) Xem: Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19-5-2018, của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, “Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, //tulieuvankien.dangcongsan.vn/van-kien-tu-lieu-ve-dang/hoi-nghi-bch-trung-uong/khoa-xii/nghi-quyet-so-26-nqtw-ngay-1952018-hoi-nghi-lan-thu-bay-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xii-ve-tap-trung-xay-dung-doi-374
(16), (17) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 110, 203 - 204

Theo Tạp chí Cộng sản

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí MinhTổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh
Hơn 1,7 triệu thí sinh dự thi học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí MinhHơn 1,7 triệu thí sinh dự thi học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Tuổi trẻ Dầu khí học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí MinhTuổi trẻ Dầu khí học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh