Kinh tế Việt Nam 2022, chuyện lội ngược dòng và chìa khóa tăng trưởng 2023
Chỉ còn ít hôm nữa là năm 2022 khép lại. Với GDP 9 tháng tăng 8,83% - cao nhất cùng kỳ trong giai đoạn 2011-2022, kinh tế Việt Nam đã có mức tăng trưởng ấn tượng so với các quốc gia khác trong khu vực. Theo báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của Chính phủ, ước cả năm, tăng trưởng GDP của nước ta có thể đạt khoảng 8%, vượt mục tiêu đề ra (6-6,5%).
Không chỉ tăng trưởng tốt, Việt Nam còn là điểm sáng khi duy trì được nền kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn. Đó là một điều đáng kể và theo tôi, không phải quốc gia nào cũng làm được.
Từ đầu năm nay hàng loạt nước phương Tây, Mỹ… chìm vào bão lạm phát. Ở Việt Nam, dù giá cả có nhấp nhổm, song về cơ bản, lạm phát vẫn được kiểm soát ở mức 4% như chỉ tiêu Quốc hội đặt ra. Điều này có thể coi là một thành công trong điều hành kinh tế năm qua.
Một điểm sáng khác thể hiện niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam, đó là vốn giải ngân tăng khá mạnh, ước đạt gần 11,57 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2021, cũng được coi là số vốn FDI thực hiện cao nhất của 7 tháng trong 5 năm qua.
Việt Nam luôn duy trì được vị thế là địa chỉ đầu tư hấp dẫn, nhất là xét trong mục đích tái cơ cấu, thực hiện dịch chuyển dòng vốn trên phạm vi toàn cầu đang diễn ra.
Nhiều chuyên gia, tổ chức quốc tế uy tín đã dùng cụm từ "lội ngược dòng" để nói về câu chuyện kinh tế Việt Nam năm nay. "Việt Nam ngược dòng giảm tăng trưởng của châu Á", là nhận xét của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về Việt Nam thời điểm cuối tháng 9, khi các nền kinh tế trên toàn cầu quay cuồng đối phó với lạm phát, bão giá…
Trong khi đó, tờ Financial Times nhận định Việt Nam là 1 trong 7 quốc gia nổi bật, bên cạnh Indonesia, Ấn Độ, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Saudi Arabia, Nhật Bản với tiêu đề bài báo là "7 kỳ quan kinh tế trong một thế giới đầy lo lắng". Tác giả bài báo là ông Ruchir Sharma, chủ tịch của Rockerfeller International và là cựu chiến lược gia tại Công ty quản lý Quỹ đầu tư Morgan Stanley. Ông Ruchir Sharma từng xuất bản cuốn sách "Quốc gia thăng trầm", lý giải sự thăng trầm của nền kinh tế thế giới từ cuối thập niên 1990 đến đầu những năm 2000.
Theo ông này, 7 quốc gia nêu trên đã nổi bật trong bối cảnh kinh tế thế giới đang nghiêng về suy thoái và lạm phát gia. Điểm chung của các nền kinh tế này, trong đó có Việt Nam, là tăng trưởng tương đối cao, lạm phát vừa phải hoặc lợi nhuận thị trường chứng khoán cao so với các nền kinh tế khác.
Một lợi thế của Việt Nam, được nhắc đi nhắc lại trong thời gian dài, là môi trường kinh doanh đầu tư, tình hình kinh tế chính trị ổn định hàng đầu thế giới. Trong bối cảnh thế giới nhiều biến động như thời gian qua, có thể nói, duy trì được sự ổn định như Việt Nam là hiếm hoi. Nhà đầu tư có thể yên tâm làm ăn, kinh doanh.
Việt Nam cũng là một trong số các nước ký hiệp định thương mại tự do nhiều nhất thế giới. Vào Việt Nam, không chỉ có thị trường Việt Nam mà còn có thể tiếp cận nhiều thị trường khác.
Việt Nam giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát kiểm soát tốt cũng là chìa khóa để nền kinh tế Việt Nam "lội ngược dòng" thành công. Nếu điều hành không tốt, lạm phát bùng lên, thành quả kinh tế sẽ khó giữ được chứ chưa nói đến tăng trưởng "thần kỳ".
Nhìn chung, với những thuận lợi cơ bản, Việt Nam vẫn có luồng FDI lớn đổ vào Việt Nam, tạo lực đẩy tăng trưởng, góp phần lan tỏa kinh tế. Cũng cần nhắc tới, Việt Nam có chính sách an sinh xã hội tốt, không để xảy ra những biến động về xã hội lớn, duy trì trật tự xã hội. Mặc dù công tác giáo dục đào tạo vẫn còn nhiều hạn chế, đâu đó vẫn có những phàn nàn về năng suất lao động, tay nghề lao động… song về cơ bản, Việt Nam vẫn đáp ứng cơ bản nguồn cung ứng lao động cho doanh nghiệp.
Một yếu tố khác cũng có thể coi là "chìa khóa" tăng trưởng, đó là sự đầu tư đồng bộ, mạnh mẽ về kết cấu hạ tầng. Một số tổ chức uy tín quốc tế còn nhận định, bằng cách đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng, Việt Nam đang tăng trưởng tốc độ nhanh nhất trên thế giới. Quả thực, nhiều địa phương đang thay da đổi thịt nhờ chiến lược đẩy mạnh hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật xã hội tốt. Chính điều này tạo điều kiện thuận lợi cho cả doanh nghiệp trong và ngoài nước phát triển.
Những yếu tố tích cực là vậy, nhưng nỗi lo, khó khăn và thách thức cũng rất nhiều. Nhiều người lo lắng, dự cảm về ám ảnh suy thoái kinh tế. Tính riêng tháng 11/2022, cả nước có 10.523 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó có 4.006 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh đã nhận định, bên cạnh tín hiệu tích cực thì những yếu tố bất định gia tăng cũng tác động không nhỏ đến tâm lý của người dân, doanh nghiệp trong thời gian qua.
Tình hình kinh tế thế giới đang có nhiều biến động phức tạp như giá năng lượng, hàng hóa cơ bản tăng mạnh, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, lạm phát tăng cao tại nhiều quốc gia, đối tác lớn của nước ta; xung đột Nga - Ukraine khiến xu hướng mua sắm của người tiêu dùng trên thế giới giảm mạnh, tác động đến quá trình phục hồi của nền kinh tế thế giới sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.
Điều này đã khiến cộng đồng doanh nghiệp đối mặt với khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, thiếu hụt nguồn tiền cho việc khôi phục sản xuất, duy trì hoạt động kinh doanh... Do vậy, nhiều doanh nghiệp phải lựa chọn giải pháp tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể.
Quả thực, thuận lợi có, nhưng thách thức cũng rất nhiều. Năm 2023, nhiều dự báo cho thấy bức tranh tăng trưởng sẽ có rất nhiều khó khăn. Trong đó, dễ thấy nhất khi các nền kinh tế lâm vào suy thoái, các thị trường xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng khi thắt chặt chi tiêu, nhu cầu giảm đi. Theo đó, tăng trưởng xuất khẩu có thể giảm tốc do suy giảm kinh tế của các đối tác nhập khẩu chính như Mỹ, EU và Trung Quốc. Trong khi đó, xuất khẩu vốn là động lực tăng trưởng rất lớn của Việt Nam.
Thứ hai, đầu tư công vẫn là điểm nghẽn rất lớn. Gần hết năm, song việc giải ngân vốn đầu tư công bị đánh giá là quá chậm so với yêu cầu. Cuộc chiến chống tham nhũng mang lại những kết quả tích cực song đi kèm với đó, cũng là tình trạng "sợ sai không dám làm" gây trì trệ, ách tắc…
Dù năm 2022 có hồi phục, song về cơ bản doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vẫn chưa thực sự khỏe mạnh, tỷ trọng trong GDP chỉ dưới 10%. Thị trường bất động sản vốn được coi một trong những trụ cột của nền kinh tế nhưng trầm lắng, chậm phục hồi… Thị trường chứng khoán, tài chính nhiều biến động, vấn đề…
Trên thế giới, nguy cơ xung đột địa chính trị, những bất ổn kinh tế vĩ mô trầm trọng hơn, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, thời tiết và thiên tai khắc nghiệt… đang là những thách thức lớn.
Nhìn chung, trước những biến động khó lường cả về kinh tế, chính trị, xã hội của thế giới cũng những vấn đề mang tính nội tại, nếu không có những nỗ lực, quyết tâm, tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể gặp nhiều khó khăn.
Năm 2023, tôi cho rằng cần phải tiếp tục giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Cụm từ "ổn định kinh tế vĩ mô" được nhắc đi nhắc lại nhiều năm qua, nghe có vẻ "nhàm chán" nhưng nếu không giữa được, thì "hỏng" cả…
Thứ hai, cần tiếp tục đẩy mạnh sửa chữa các điểm nghẽn lớn hiện nay là đầu tư công. Tiền có rồi phải làm sao tiêu được.
Thứ ba, phải có những giải pháp tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân việt Nam. Trong đó, bên cạnh việc khơi thông nguồn vốn, tạo môi trường lành mạnh thì cần chú trọng đến "tinh thần không hình sự hóa các quan hệ kinh tế - dân sự..." như lãnh đạo Chính phủ nhiều lần nhấn mạnh.
Và quan trọng nhất là hoàn thiện thể chế, hạn chế tham nhũng bằng kiểm soát quyền lực, đảm bảo an toàn để người ta hoạt động. Tránh chuyện "sợ không dám làm" rồi kéo theo bộ máy trì trệ, ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp. Muốn xóa tham nhũng tận gốc, thì phải xóa cơ chế xin - cho và phải kiểm soát được quyền lực.
Theo Dân trí/
GS.TSKH Võ Đại Lược
Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới
14/12/2022