Kinh tế biển xanh tạo động lực phát triển bền vững tại Việt Nam
Toàn cảnh Hội thảo khoa học. |
Tham dự hội thảo có đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Đồng chí PGS.TS Phạm Bảo Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội và đại diện Lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan, địa phương có liên quan đến công tác biển, đảo; Đại diện một số cơ sở giáo dục đào tạo, viện nghiên cứu và các chuyên gia, nhà khoa học lĩnh vực biển, đảo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Phan Xuân Thủy nhấn mạnh, trong suốt quá trình lãnh đạo đấu tranh giành độc lập, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến vấn đề bảo vệ biển, đảo và phát triển bền vững kinh tế biển.
Hơn 10 năm qua, Đảng đã ban hành hai nghị quyết riêng về chiến lược phát triển kinh tế biển, Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 09/02/2007 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khoá X về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” và Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, đều khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của kinh tế biển đối với nước ta và nhấn mạnh đến sự phát triển kinh tế biển phải gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban tuyên giáo Trung ương phát biểu khai mạc và chỉ đạo tại hội thảo. |
Đặc biệt, Nghị quyết số 36-NQ/TW đã xác định rõ quan điểm “Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn; phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tăng cường đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển”.
Việt Nam là quốc gia có tiềm năng và lợi thế về phát triển kinh tế biển, trong thời gian qua, nước ta về cơ bản đã bắt kịp xu hướng này để phát triển kinh tế biển bền vững, hướng tới việc hiện thực hóa mục tiêu đưa đất nước thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển và đạt các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, phát triển kinh tế biển Việt Nam hiện chưa gắn kết hài hòa với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường, biểu hiện ở tình trạng ô nhiễm, sự cố môi trường tại một số vùng ven biển còn diễn ra nghiêm trọng; các hệ sinh thái biển, đa dạng sinh học biển bị suy giảm; một số tài nguyên biển bị khai thác chưa bền vững… Do đó, trong thời gian tới cần có các giải pháp căn cơ, trọng tâm, trọng điểm, trong đó vừa chú trọng vào các hoạt động kinh tế vừa quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường để phát triển kinh tế biển xanh một cách bền vững.
Trình bày tham luận tại hội thảo, Đại tá Nguyễn Khắc Vượt, Trưởng phòng Khoa học Quân sự, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển cho biết phát triển bền vững kinh tế biển gắn với củng cố quốc phòng, an ninh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là quyền và nghĩa vụ của mọi tổ chức, doanh nghiệp và người dân Việt Nam. Để thực hiện tốt nội dung trên, cần chú trọng một số giải pháp như: đẩy mạnh phát triển KT - XH vùng biển, đảo, gắn với bảo vệ, củng cố QP-AN trên biển; tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển; xây dựng, củng cố thế trận lòng dân trên khu vực biển, đảo; số lượng và chất lượng nguồn nhân lực; giải quyết hiệu quả vấn đề an sinh xã hội.
Các đại biểu tham gia Hội thảo khoa học. |
Trong khuôn khổ Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định vị trí, tầm quan trọng trong phát triển bền vững kinh tế biển, đồng thời xác định nhiệm vụ đưa đất nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển và giàu từ biển.
Theo ông Nguyễn Trúc Lê, mặc dù đã đạt được những thành tựu, nhưng một số mục tiêu, nhiệm vụ được đề ra trong chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về biển chưa đạt được; chưa phát huy tốt lợi thế, tiềm năng của biển. Liên kết giữa các vùng ven biển; giữa vùng, địa phương ven biển với vùng, địa phương trong đất liền; giữa các ngành, lĩnh vực liên quan đến biển còn thiếu chặt chẽ, kém hiệu quả; các vấn đề ô nhiễm môi trường, suy thoái hệ sinh thái có nguy cơ gia tăng bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
“Do đó, các nghiên cứu để đề xuất các mô hình phát triển kinh tế biển hiệu quả và bền vững là vấn đề cấp thiết”, PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê nhấn mạnh.
Cũng tại Hội thảo, các đại biểu, các nhà khoa học đã tập trung thảo luận làm rõ một số nội dung: Ý nghĩa của kinh tế biển xanh, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước nhằm thúc đẩy và tạo động lực cho phát triển bền vững kinh tế biển; Thực trạng các ngành kinh tế biển, phát triển kinh tế biển xanh ở Việt Nam và các địa phương; Vai trò của công tác đối ngoại, tuyên truyền, thông tin đối ngoại và các vấn đề liên quan đến chủ quyền biển, đảo của Việt Nam; Vai trò, tiềm năng và đóng góp của các doanh nghiệp vào phát triển kinh tế biển xanh...
Diễm Hằng
-
[Chùm ảnh] Toàn cảnh tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên
-
Thị trường văn phòng TP HCM quý III/2024: Bổ sung nguồn cung dồi dào
-
Thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam
-
Trước 20/10, TP HCM sẽ ban hành bảng giá đất cho năm 2025
-
"Choáng" với giá nhà tập thể cũ ở trung tâm Hà Nội