“Kiềng ba chân” cho sự phát triển bền vững
Cơ giới hóa đồng bộ khai thác than hầm lò giúp tăng năng suất lao động và tăng hiệu số an toàn |
TKV luôn xác định đổi mới công nghệ trong khai thác và chế biến khoáng sản là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Trước những yêu cầu cấp thiết từ thực tiễn của ngành Than, khoáng sản, các doanh nghiệp của TKV cần phải tiếp tục triển khai nhanh, đồng bộ và bài bản CGH-TĐH-THH toàn bộ các công đoạn sản xuất kinh doanh. Mặt khác, cần xây dựng hạ tầng thông tin mỏ hầm lò tốc độ cao đồng bộ, đáp ứng nhu cầu truyền tải số liệu, âm thanh, hình ảnh, bảo đảm kết nối, tích hợp giữa các hệ thống tự động hóa nhỏ trong toàn mỏ với nhau, cho phép người quản lý mỏ có thể phối hợp điều hành được các công việc một cách hiệu quả. Cần tận dụng tối đa hạ tầng dùng chung của các hệ thống và giảm thiểu chi phí đầu tư. Cuối cùng, cần xây dựng cơ chế khuyến khích hợp lý nhằm thu hút và giữ chân nhân lực về CGH-TĐH-THH.
Đầu tư thiết bị bốc xúc, vận tải có trọng tải lớn phục vụ khai thác |
Chiến lược phát triển bền vững TKV đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã đề ra chủ trương “Không ngừng đổi mới, hiện đại hóa công nghệ theo hướng nâng cao trình độ cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa và sản xuất sạch hơn ở các mỏ, nhà máy, xí nghiệp đang hoạt động và áp dụng công nghệ hiện đại ngay từ đầu đối với các dự án đầu tư mới”. Trong những năm qua, TKV đã xây dựng nhiều dự án, đề tài, đưa ra các giải pháp nâng cao mức độ cơ giới hóa, hiện đại hóa công nghệ các mỏ trong 5 lĩnh vực, gồm: Khai thác hầm lò, khai thác lộ thiên, tuyển than, quản lý an toàn mỏ, bảo vệ môi trường. Các doanh nghiệp trong TKV đã tích cực triển khai đầu tư áp dụng CGH TĐH-THH trong các công đoạn sản xuất kinh doanh, trong từng lĩnh vực cụ thể như đào tạo nhân lực.
Thiết bị bốc xúc công suất lớn tại khai trường mỏ Đèo Nai - Cọc Sáu |
Việc đầu tư, ứng dụng CGH-TĐH-THH trong các khâu sản xuất kinh doanh của TKV đã đem lại nhiều kết quả đáng ghi nhận. Giai đoạn 2014 - 2015 khai thác lộ thiên chiếm 50-60% sản lượng khai thác than toàn Tập đoàn, hiện nay chiếm 25-30% và vẫn chiếm hầu hết sản lượng khai thác khoáng sản toàn Tập đoàn. Hiện nay, toàn TKV đang duy trì hoạt động của 11 dây chuyền lò chợ CGH khai thác đồng bộ, trong đó có lò chợ tại Hà Lầm công suất đến 1,2 triệu tấn/ năm đóng góp ngày càng lớn vào sản lượng khai thác than hầm lò của TKV.
Năm 2023, sản lượng khai thác than hầm lò của TKV đạt 27,4 triệu tấn, trong đó tỷ lệ áp dụng công nghệ khai thác cơ giới hóa đồng bộ đạt 4,3 triệu tấn, chiếm 15,7%. Công tác CGH đào lò đã được TKV nghiên cứu, đầu tư sử dụng các máy Combai đào lò than loại AM-45/50Z, Combai siêu nhẹ EBH-45 và tăng cường áp dụng CGH các công đoạn khoan, xúc bốc, vận tải; tăng cường áp dụng loại hình chống lò tiên tiến bằng vì neo. Mét lò đào CGH, bán cơ giới hóa và mét lò neo toàn TKV đạt được trong tổng số mét lò đào mới đã có những bước tiến triển đáng kể. Năm 2023, mét lò đào CGH và bán cơ giới hóa đạt 6.751/270.945m, bằng 2,5% tổng mét lò đào mới; mét lò neo đạt 7.754/270.945m, bằng 2,9% tổng mét lò đào mới. Từng bước áp dụng các giải pháp khai thác để giảm trữ lượng than trong các trụ bảo vệ, khai thác không để lại trụ bảo vệ, khai thác lại các trụ bảo vệ than… TKV đã giảm đáng kể tỷ lệ tổn thất khai thác than hầm lò từ 25-30% xuống dưới 20%.
Đổi mới công tác vận tải trong hầm lò bằng hệ thống monoray, tàu điện, tời cáp treo... |
Để nâng cao hệ số an toàn trong khai thác, TKV đã đầu tư các hệ thống vận hành thiết bị băng tải, hệ thống trạm điều khiển tập trung, sử dụng hệ thống quản lý khí mỏ, hầm bơm nước, trạm quạt gió chính, trạm dung dịch nhũ hóa, trạm nén khí cố định, hệ thống cửa gió tự động, quản lý nhân lực ra vào lò, hệ thống đo đếm phương tiện kho bãi, cấp phát nhiên liệu, quan trắc môi trường tự động…
Riêng các doanh nghiệp sàng tuyển, chế biến than, TKV tự động hóa tối đa công đoạn giám sát thông số công nghệ chính; tự động điều khiển chế độ làm việc của các thiết bị cơ điện trong dây chuyền. Trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, TKV cũng chuyển từ sửa chữa thiết bị đơn thuần sang tập trung vào lĩnh vực cơ khí chế tạo phục vụ sản xuất như chế tạo cột, giàn thủy lực, tổ chức cán thép vì lò, chế tạo các máy xúc, thiết bị phòng nổ, các chi tiết máy với những robot hiện đại, tự hành hoàn toàn.
Hiệu quả từ áp dụng các giải pháp đổi mới công nghệ đã giúp TKV tinh giảm lao động, nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế của Tập đoàn. Ước tính lợi ích kinh tế từ việc áp dụng các giải pháp đổi mới công nghệ, tự động hóa, tin học hóa của toàn Tập đoàn đạt khoảng 450 tỷ đồng/năm. Như vậy, có thể thấy, việc áp dụng CGH TĐH-THH vào sản xuất kinh doanh không chỉ đem lại những giá trị thiết thực về kinh tế, nâng cao hiệu quả trong khai thác và kinh doanh tài nguyên đất nước mà còn bảo đảm những mục tiêu dài hạn trong chiến lược phát triển bền vững của công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam.
Băng tải Lép Mỹ - Cảng km6 |
Với những lợi ích mang lại từ việc áp dụng đổi mới công nghệ vừa qua, giai đoạn đến năm 2025, TKV vẫn xác định “Tiếp tục thực hiện đổi mới, hiện đại hóa công nghệ theo hướng tăng cường áp dụng cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa vào sản xuất”. Phấn đấu đến năm 2025, ứng dụng rộng rãi CGH đồng bộ và bán CGH vào các công đoạn sản xuất chính tại trong khai thác, chế biến than - khoáng sản; sản lượng khai thác than CGH đồng bộ và mét lò chống neo toàn Tập đoàn chiếm khoảng 30% cơ cấu sản lượng khai thác than hầm lò và số mét lò đào mới của Tập đoàn.
Băng tải vận chuyển quặng bauxite tại tổ hợp Bauxite Nhôm Tân Rai, Lâm Đồng |
Cùng với đó là xây dựng được một số trạm vận hành không người trực; một số công đoạn sản xuất tại các nhà máy theo mô hình áp dụng tự động hóa gắn với sản xuất thông minh dựa trên nền tảng số hóa giúp minh bạch hóa và tối ưu hóa quá trình sản xuất. Hoàn thành xây dựng Trung tâm dữ liệu dùng chung toàn Tập đoàn trên nền tảng điện toán đám mây, kết nối trực tuyến thông suốt tới các đơn vị; ứng dụng rộng rãi tin học hóa trong quá trình sản xuất, điều hành của Tập đoàn. Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới đây, TKV sẽ tiếp tục đẩy mạnh “ba hóa” nhằm nâng cao năng suất lao động, cải thiện điều kiện làm việc, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
P.V
-
Cần cơ chế đủ mạnh khuyến khích các dự án năng lượng tái tạo của doanh nghiệp trong nước
-
Thủ tướng: Tính toán giá điện khí phù hợp theo thị trường, tình hình cụ thể, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân
-
Sửa đổi Luật Điện lực: Yêu cầu xuất phát từ thực tiễn
-
EVNHANOI đảm bảo điện phục vụ kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
-
Đóng điện nhánh rẽ đường dây 220kV đấu nối từ trạm biến áp 500kV Chơn Thành