Kiểm soát lạm phát năm 2019 như thế nào?
PV: Ông có nhận xét gì về lạm phát năm 2018 ở nước ta?
PGS.TS Ngô Trí Long: Năm 2018, Quốc hội quyết định mục tiêu tăng giá tiêu dùng bình quân ở mức 4%. So với năm 2017, con số đó không thay đổi, nhưng công tác điều hành quản lý giá trong năm 2018 đặt ra nhiều thách thức, trong bối cảnh có nhiều yếu tố tác động tới lạm phát. Giá cả nhiều mặt hàng cơ bản trên thế giới có xu hướng phục hồi, nhất là giá dầu thô được dự báo lên mức trên 60 USD/thùng, các diễn biến bất lợi của tỉ giá cũng như các căng thẳng trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc cũng tác động lên mặt bằng giá. Mặt bằng giá cả trong nước chịu những áp lực lớn ngay từ nửa đầu năm từ các yếu tố thị trường như giá lương thực tăng theo nhu cầu xuất khẩu, giá các mặt hàng nhiên liệu như xăng dầu, khí LPG liên tục có các biến động tăng trong quý II và quý III…
Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, lạm phát năm 2018 vẫn được kiểm soát hiệu quả. Tính chung, năm 2018, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 3,54% so với năm 2017 - dưới mục tiêu Quốc hội đề ra và tăng 2,98% so với tháng 12-2017, bình quân mỗi tháng tăng 0,25%. Lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống, năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) năm 2018 so với 2017 chỉ tăng 1,48%.
Như vậy, mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% của năm 2018 đã đạt được, góp phần vào mục tiêu kép là vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, vừa thúc đẩy tăng trưởng GDP, tạo thêm dư địa để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội.
PV: Theo ông nguyên nhân nào đã làm cho việc kiểm soát lạm phát đạt được kết quả khả quan như vậy?
PGS.TS Ngô Trí Long: Đó là Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để triển khai quyết liệt công tác quản lý, điều hành giá nhằm bình ổn giá cả thị trường, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần thúc đẩy tăng trưởng. Bộ Tài chính đã tập trung xây dựng lộ trình và phạm vi điều chỉnh giá các mặt hàng Nhà nước quản lý trong năm 2018; tổ chức thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý, điều hành nhằm bình ổn thị trường giá cả trong dịp Tết Nguyên đán 2018.
Bộ Tài chính cũng đã chủ động xây dựng kịch bản điều hành giá trong các giai đoạn ngắn hạn và trong cả năm 2018, đồng thời chú trọng xây dựng hành lang pháp lý về giá đồng bộ, có tính thực tiễn cao, trong đó có việc nghiên cứu, tổng kết, đánh giá thi hành Luật Giá và các văn bản dưới luật để có cơ sở báo cáo Quốc hội tiến hành sửa đổi Luật Giá (nếu cần thiết). Công tác kiểm tra được đẩy mạnh trong các lĩnh vực, qua đó đã phát hiện và xử lý kịp thời, chấn chỉnh các hành vi vi phạm pháp luật về giá.
Các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm tại một siêu thị |
Năm 2018, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 3,54% so với năm 2017 - dưới mục tiêu Quốc hội đề ra và tăng 2,98% so với tháng 12-2017, bình quân mỗi tháng tăng 0,25%. Lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống, năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) năm 2018 so với 2017 chỉ tăng 1,48%. |
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng góp phần đáng kể trong kiểm soát lạm phát với lĩnh vực quản lý của mình. Như với mặt hàng xăng dầu, Bộ Công Thương đã điều hành giá xăng dầu trong nước theo quy định của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đã sử dụng linh hoạt quỹ bình ổn giá để hạn chế mức tăng giá các mặt hàng xăng dầu, đồng thời quán triệt nguyên tắc thực hiện công khai, minh bạch trong điều hành giá xăng dầu, thường xuyên công khai chi tiết tình hình trích lập, sử dụng lãi phát sinh và số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu của từng thương nhân kinh doanh xăng dầu đầu mối hằng quý trên trang thông tin điện tử của liên Bộ.
Ngoài ra, Bộ Công Thương còn phối hợp Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cụ thể trong điều hành bán giá điện. Đối với các mặt hàng khác như khí LPG, thuốc và vật tư y tế, dịch vụ giáo dục, vật liệu xây dựng, cước bưu chính viễn thông, các dịch vụ vận tải đường bộ… Bộ Công Thương cũng đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương theo dõi tình hình giá cả, chủ động trong việc triển khai các biện pháp điều hành phù hợp, dự báo và xây dựng kịch bản điều hành giá cho từng mặt hàng kịp thời trong từng giai đoạn theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ...
PV: Còn vai trò của Ngân hàng Nhà nước như thế nào, thưa ông?
PGS.TS Ngô Trí Long: Vai trò của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng vô cùng quan trọng, nhất là trong việc điều hành chính sách tiền tệ. NHNN đã điều hành tỉ giá theo cơ chế tỉ giá trung tâm với những đồng tiền chủ chốt nên tỉ giá VND/USD trong nước chỉ dao động trong biên độ 3%. Giá vàng trong nước biến động cùng xu hướng với giá vàng thế giới. Nhu cầu vàng trong nước tăng cao vào dịp Tết Nguyên đán, ngày “Thần tài” nhưng không có tình trạng sốt vàng gây bất ổn cho xã hội.
Cùng với đó NHNN đã phối hợp đồng bộ các biện pháp, công cụ chính sách tiền tệ để điều tiết thanh khoản, lãi suất VND hợp lý, kiên định với chủ trương từng bước hạn chế tình trạng “đôla hóa”, ổn định tâm lý thị trường.
PV: Thưa ông, liệu kiểm soát lạm phát năm 2019 có đạt được như năm 2018?
GS.TS Ngô Trí Long: Theo tôi, về thuận lợi, năm 2018 đã nối tiếp thành công với những nền tảng tích cực của năm 2017 thì năm 2019 sẽ tiếp tục khả quan từ những gì đã làm được của năm 2018, đặc biệt là GDP tăng trưởng với con số ấn tượng 7,08%.
Tuy nhiên, cũng không được chủ quan với tình hình kinh tế, lạm phát bởi những con số ấy không thể làm mờ đi nguy cơ tụt hậu. Thực tế, GDP bình quân đầu người năm 2018 đạt khoảng 2.587 USD, tăng 198 USD so với năm 2017, nhưng còn ở mức thấp so với các nước trong khu vực. Kinh tế Việt Nam vẫn phải nỗ lực nhiều để vươn lên tầm cao mới. Nếu không đồng thời cải cách và phát triển, chúng ta lập tức sẽ bị tụt hậu.
Theo kết quả xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2018, chỉ số năng lực cạnh tranh 4.0 của Việt Nam giảm 4 bậc (từ 74 xuống 77). Quan trọng hơn là 7/12 trụ cột giảm điểm. So sánh trong ASEAN, Việt Nam đứng sau hầu hết các nước, chỉ trên Lào và Campuchia. |
Theo kết quả xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2018, chỉ số năng lực cạnh tranh 4.0 của Việt Nam giảm 4 bậc (từ 74 xuống 77). Quan trọng hơn là 7/12 trụ cột giảm điểm. So sánh trong ASEAN, Việt Nam đứng sau hầu hết các nước, chỉ trên Lào và Campuchia. Năm 2018 cũng chỉ có Việt Nam, Lào, Campuchia giảm bậc trong khi các nước ASEAN khác đều tăng bậc, nhất là Philippines tăng 12 bậc. Như vậy, năng lực cạnh tranh 4.0 của Việt Nam tụt lại đằng sau các nước ASEAN.
Bên cạnh đó, năm 2019, giá cả thị trường trong nước dự báo sẽ chịu nhiều tác động từ không ít các yếu tố. Trong đó, đáng chú ý là dịch bệnh đối với vật nuôi luôn có nguy cơ xảy ra, gây ảnh hưởng tới nguồn cung và giá cả các mặt hàng thực phẩm. Thời tiết, khí hậu cũng có khả năng ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất nông nghiệp và nguồn cung nông sản trên thị trường. Hoặc, từ ngày 1/1/2019 sẽ tăng lương tối thiểu vùng từ 2.920.000 đồng lên 4.180.000 đồng/tháng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động…
Dịch vụ công năm 2019 tiếp tục được điều chỉnh theo lộ trình tăng giá giai đoạn 2016-2020 nên được dự báo sẽ góp phần vào lạm phát tổng thể, tác động trễ tới diễn biến chỉ số giá tiêu dùng.
Dựa vào những nhân tố nêu trên, lạm phát dự báo sẽ tiếp tục ở mức thấp, khoảng 4% trong các năm 2019, 2020. Căn cứ vào các yếu tố vĩ mô, tình hình chính trị, kinh tế trong nước và quốc tế, dự báo của các cơ quan chức năng như Tổng cục Thống kê, Bộ Tài chính… chỉ số CPI năm 2019 đều ở mức dưới 4%.
PV: Để lạm phát dừng ở mức 4%, theo ông, cần có những giải pháp gì?
PGS.TS Ngô Trí Long: Theo tôi, phải có những giải pháp đồng bộ trên cơ sở những phân tích, dự báo được thực hiện chủ động của các bộ, ngành. Bộ Tài chính phải phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát năm 2019 một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động; tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá cả các mặt hàng thiết yếu để kịp thời đề xuất các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu nhằm bình ổn giá cả thị trường, nhất là trong thời điểm lễ, tết hoặc các thời điểm xảy ra thiên tai, bão lũ; kiểm soát chặt chẽ yếu tố hình thành giá đối với mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá, hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá hoặc được mua sắm từ nguồn ngân sách Nhà nước…
Đối với việc thực hiện lộ trình theo cơ chế thị trường một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu, Bộ Tài chính cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, Tổng cục Thống kê để tính toán mức độ và thời điểm điều chỉnh phù hợp nhằm kiểm soát mặt bằng giá chung, hạn chế tác động đến sản xuất, tiêu dùng và đời sống người dân. Điều chỉnh giá dịch vụ công cần theo lộ trình phù hợp, tránh gây ra những tác động bất lợi đến chỉ số giá tiêu dùng. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về giá, đẩy nhanh hoàn thiện các định mức kinh tế - kỹ thuật làm cơ sở xác định giá dịch vụ theo lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí thực hiện dịch vụ vào giá…
Đặc biệt, đổi mới thể chế là đột phá quan trọng trong kiểm soát lạm phát. Chính vì vậy, chúng ta phải tập trung rà soát, hoàn thiện các cơ chế chính sách tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa, nhất là những ngành, lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao, xây dựng, phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin, vì thời đại 4.0 tác động rất mạnh mẽ đến sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế… Ngoài ra phải phát huy vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; tập trung giải pháp để xử lý các dự án thua lỗ bên cạnh điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát…
PV: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
TS Nguyễn Đức Độ - Phó viện trưởng Viện Kinh tế tài chính: Lạm phát năm 2019 sẽ thấp hơn năm 2018 Với việc giá dầu giảm mạnh, lạm phát tháng 12/2018 so với tháng 12/2017 chỉ còn ở mức 2,98%. Đây là điều kiện rất thuận lợi cho việc bảo đảm kiềm chế lạm phát dưới hoặc 4% trong năm 2019. Bởi mức khởi điểm lạm phát trong tháng đầu năm 2019 nhiều khả năng sẽ ở mức dưới 3% sau khi Liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định điều chỉnh giảm giá xăng dầu khoảng 500 đồng/lít. Mức lạm phát thấp của tháng đầu năm 2019 sẽ có tác động tích cực đến lạm phát của tất cả các tháng trong năm cũng như lạm phát trung bình của cả năm 2019. Trên thực tế, việc kiềm chế lạm phát năm 2019 không chỉ thuận lợi do giá dầu giảm mà còn do nhiều yếu tố khác. Trước tiên, giá thịt lợn sau khi đã đạt mức trên 50.000 đồng/kg (thuộc hàng cao nhất thế giới) đã chững lại. Bởi giá tăng cao hơn nữa sẽ khiến cho nguồn cung tăng mạnh (nhập khẩu thịt lợn tăng, nông dân tái đàn) từ đó kéo giá xuống. Do đó, giá thịt lợn năm 2019 nhiều khả năng sẽ không tăng hoặc giảm, tức là đóng góp của giá thịt lợn vào lạm phát năm 2019 sẽ bằng 0 hoặc âm. Yếu tố thuận lợi thứ hai là áp lực đối với tỉ giá trong năm 2019 được dự báo sẽ thấp hơn so với năm 2018 bởi kinh tế Mỹ được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại và lộ trình tăng lãi suất của FED cũng đang ở giai đoạn cuối, dẫn đến nhu cầu đối với USD không còn mạnh như trước. Yếu tố thứ ba cũng cần nói đến là căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang có chiều hướng dịu bớt. Khi cả nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc cùng được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm sau, việc gia tăng căng thẳng trong quan hệ thương mại giữa hai nước sẽ không có lợi cho bất kỳ ai, kể cả bên thứ ba là các nước còn lại, khiến đồng nhân dân tệ ổn định hơn trong năm 2019. Theo kịch bản trung bình, lạm phát sẽ tăng khoảng 0,14%/tháng (chưa tính điều chỉnh giá điện, giá dịch vụ y tế và giáo dục), tương đương với mức tăng của lạm phát cơ bản trong năm 2018. Với mức tăng này, lạm phát tháng 12-2019 sẽ ở mức khoảng 1,7% và lạm phát trung bình sẽ chỉ ở mức trên 2%. Tuy nhiên, do Chính phủ sẽ điều chỉnh giá dịch vụ công theo lộ trình nên lạm phát trung bình sẽ cao hơn, nhưng khả năng chỉ ở mức khoảng 3%. Trong kịch bản lạm phát thấp, giá dầu tiếp tục giảm và tỉ giá VND/USD chỉ tăng 1%, lạm phát cùng kỳ của tháng 12-2019 có thể chỉ ở mức 1% và lạm phát trung bình cả năm 2019 chỉ ở mức 2,5%. Còn kịch bản lạm phát cao, giá xăng dầu tăng mạnh trở lại và tỉ giá VND/USD có mức tăng tương đương với mức của năm 2018, đồng thời Chính phủ vẫn điều chỉnh giá dịch vụ công theo lộ trình, lạm phát trung bình cả năm 2019 sẽ vẫn thấp hơn mức 3,54% của năm 2018. |
Tú Anh