Khủng hoảng bang giao vùng Vịnh
Thủ đô Doha của Qatar |
Ngày 5/6, sáu quốc gia vùng Vịnh và Ai Cập tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, là một quốc gia Arập tại Tây Á, với lý do “Doha gây bất ổn khu vực và bảo trợ khủng bố”. Qatar một mực bác bỏ và cho đó là cáo buộc vô căn cứ.
Tính đến ngày 7/6, đã có tổng cộng 9 nước cắt quan hệ ngoại giao với Qatar, mà gần nhất là Mauritania và Jordan.
Ngoài cắt đứt quan hệ ngoại giao, các nước trên còn cắt đứt luôn các liên lạc về đường bộ, đường hàng không và đường biển với Qatar để “bảo vệ an ninh quốc gia trước các mối đe dọa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan”. Qatar cũng bị loại khỏi liên minh quân sự các nước Arập đang hoạt động ở Yemen dưới sự dẫn dắt của Arập Xêút.
Ngày 7/6, Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) và Liên đoàn Arập (AL) cho biết, họ đang thảo luận về khả năng ngừng tư cách thành viên của Qatar tại 2 tổ chức khu vực này.
Các hình thức trừng phạt kinh tế cũng được những quốc gia trên thi hành với Qatar. Kể từ ngày 5/6, nhiều hãng hàng không Arập như Emirates, Etihad Airways, Flydubai, Air Arabia, Saudia, Gulf Air và Egypt Air đã ngưng mọi chuyến bay của họ đến và đi từ Qatar. Để đáp trả Công ty Hàng không Qatar Airways cũng thông báo từ chối mọi chuyến bay tới Arập Xêút, Các tiểu Vương quốc Arập thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập kể từ ngày 6/6/2017 cho đến khi có thông báo mới.
Việc “ngăn sông cấm chợ” trên đã khiến lượng hàng hóa đổ vào Qatar trở nên khan hiếm. Qatar lệ thuộc rất nhiều vào lượng thực phẩm nhập khẩu từ UAE và Arập Xêút.
Ngày 7/6, Doha cho biết đang liên lạc với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ để kiếm thêm các nguồn cung cấp thực phẩm và nước.
Ngoài hàng hóa, hoạt động xuất khẩu khí hóa lỏng của Qatar có thể bị gián đoạn. Qatar là nước xuất khẩu mặt hàng này hàng đầu thế giới. Các nhà đầu tư quan ngại các nước đồng minh Arập trong những ngày tới có thể từ chối nhập khẩu gas từ Qatar. Ai Cập thậm chí có thể ngăn chặn các tàu chở hàng từ Qatar sang châu Âu đi qua kênh đào Suez, mặc dù Cairo vẫn phải chịu ràng buộc bởi thỏa thuận quốc tế cho phép Qatar sử dụng kênh đào để vận chuyển hàng hóa.
Theo giới phân tích, bất cứ nỗ lực nào ngăn cản việc xuất khẩu khí đốt của Qatar có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng lên những khách hàng của họ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc hay Ấn Độ. Tập đoàn hàng đầu Nhật Bản là Jera Corp hôm 7/6 được đảm bảo bởi Qatargas rằng nguồn cung khí gas hóa lỏng sẽ không bị gián đoạn.
Ngày 6/6, Bộ trưởng Ngoại giao Qatar Mohammed bin Abdulrahman al-Thani cho biết, Qatar sẵn sàng tổ chức đối thoại để giải quyết cuộc khủng hoảng với các nước láng giềng trong vùng Vịnh. Một ngày sau đó, Ngoại trưởng Arập Xêút Adel Al-Jubeir công bố một số điều kiện để Qatar có thể khôi phục quan hệ ngoại giao với các quốc gia vùng Vịnh.
Theo đó, Qatar cần chấm dứt sự ủng hộ với nhóm vũ trang Hamas của Palestine và tổ chức Anh em Hồi giáo ở Ai Cập. Ông Jubeir khẳng định, không nước nào muốn gây tổn hại cho Qatar mà chỉ muốn nước này hiểu rằng những chính sách của họ là không phù hợp và cần phải thay đổi. Ngoại trưởng Arập Xêút nói thêm, khi ủng hộ phong trào Hamas và Tổ chức Anh em Hồi giáo, Qatar đã làm suy yếu Chính quyền Palestine cũng như Ai Cập.
Thực ra có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới việc các nước Arập và Ai Cập tẩy chay Qatar như hiện nay. Những mâu thuẫn giữa các nước vùng Vịnh không phải chỉ mới xảy ra gần đây, mà thực tế đã sôi sục trong một thời gian dài mà trọng tâm là nhằm làm suy yếu sự năng động của nền ngoại giao Qatar và làm dấy lên những căng thẳng với Iran.
Đỉnh điểm là ngày 23/5/2017 khi hãng tin chính thức của Qatar thông báo trang web của họ đã bị tin tặc thao túng để phát đi những thông tin sai lệch, trong đó có những tuyên bố được cho là của lãnh đạo Qatar, Tamim al-Thani. Mặc dù phía Doha đã cải chính, những tuyên bố đó đã được các phương tiện truyền thông của Arập Xêút, Ai Cập, UAE liên tục phát đi phát lại, đã gây lên làn sóng phẫn nộ trên các mạng xã hội của những nước đó.
Trước đó, ngày 21/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã viếng thăm Arập Xêút và đã được đón tiếp rất trọng thể. Khác với người tiền nhiệm Obama, đã cố hòa dịu với Iran để đạt được thỏa thuận hạt nhân giữa quốc tế với Teheran, tại Riyadh, ông Trump đã cực lực lên án Iran can thiệp gây mất ổn định các nước Arập và yểm trợ khủng bố. Tuyên bố như thế, Tổng thống Mỹ coi như ủng hộ vai trò lãnh đạo khu vực của Arập Xêút và đồng tình với đường lối cứng rắn của Riyadh đối với Iran.
Theo báo chí Pháp, cho tới nay, Arập Xêút rất bực bội khi thấy Qatar năng động về ngoại giao. Vào lúc Arập Xêút muốn lập một liên minh các nước Hồi giáo Sunni để đối đầu với nước Iran Hồi giáo Shia, Qatar lại kêu gọi cải thiện quan hệ với Iran. Không thể chịu được nữa, Arập Xêút đã lợi dụng ngay tuyên bố được cho là của lãnh đạo Qatar để cáo buộc chính quyền Doha yểm trợ khủng bố, rồi lấy cớ để cắt đứt bang giao.
Tuy nhiên, theo ông Hasni Abidi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về Thế giới Arập và Địa Trung Hải tại Geneva, Thụy Sĩ, được báo Libération của Pháp trích dẫn, thái độ của Qatar với Iran chưa phải là nguyên do chính. Bởi vì, có nhiều thành viên khác trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), trong đó có Qatar và UAE hiện đang duy trì mối quan hệ lân bang đúng mực với Teheran.
Chuyên gia Abidi lưu ý là “sự chia rẽ này ngay trong lòng GCC - vốn dĩ là một tổng thể khu vực gắn kết và thành công, mà Iran luôn xem đấy như là một hiểm họa”. Do vậy, theo ông Abidi, khi đưa sự đối đầu với Iran lên hàng đầu, “Arập Xêút còn muốn làm quên đi những thất bại của GCC trong cuộc chiến tại Yemen”.
Sau khi nổ ra cuộc khủng hoảng ngoại giao trên, Mỹ đã lên tiếng kêu gọi các nước vùng Vịnh đoàn kết. Tổng thống Nga Vladimir Putin khuyến khích các bên “tìm giải pháp thỏa hiệp”. Ngoại trưởng Iran Mohamad Javad Zarif và đồng nhiệm Nga Sergey Lavrov đã có cuộc điện đàm riêng rẽ với Ngoại trưởng Qatar.
Còn Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan, một đồng minh thân cận của Qatar, cũng đã điện đàm với lãnh đạo các quốc gia có liên quan và với cả đồng nhiệm Nga Vladimir Putin nhằm góp phần giải quyết bất đồng giữa các nước vùng Vịnh.
Bàn về tương lai cuộc khủng hoảng này, các chuyên gia cho rằng, với tính chất phức tạp hiện nay, có thể thấy cuộc khủng hoảng ngoại giao tại Trung Đông khó có thể được giải quyết sớm, nhất là khi nguyên nhân đích thực của sự đổ vỡ quan hệ này còn sâu xa và phức tạp hơn những gì các nước Arập công bố chính thức.
Căng thẳng leo thang khiến nhiều người đặt câu hỏi: Liệu có xảy ra cuộc chiến mới ở Trung Đông? Theo các nhà quan sát, việc cắt đứt quan hệ ngoại giao không có nghĩa là sẽ làm bùng nổ chiến tranh. Nhưng những gì đang xảy ra là nghiêm trọng và chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới tình hình chung của khu vực vốn đang phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng, chiến tranh và nhiều thách thức.
Để có thể thu hẹp bất đồng, các quốc gia Arập vùng Vịnh và Qatar chỉ có cách phải kiềm chế và kiên nhẫn tìm hướng giải quyết thông qua đối thoại, mà trước hết là xây dựng lòng tin vững chắc về chính trị trước khi tiến tới nhận thức chung trong các vấn đề khu vực.
Song Phương
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo
Luật Điện lực (sửa đổi) phải là “trụ đỡ” pháp lý vững chắc để năng lượng mới, năng lượng tái tạo phát triển đúng kỳ vọng
[Chùm ảnh] Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm và làm việc tại huyện đảo tiền tiêu Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị
-
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo
-
Luật Điện lực (sửa đổi) phải là “trụ đỡ” pháp lý vững chắc để năng lượng mới, năng lượng tái tạo phát triển đúng kỳ vọng
-
[Chùm ảnh] Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm và làm việc tại huyện đảo tiền tiêu Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị
-
Luật Điện lực (sửa đổi): Các khoảng trống pháp lý cần được lấp đầy và bổ sung theo tinh thần NQ55 và KL76
-
Nhà nước là chủ sở hữu vốn nhưng không can thiệp trực tiếp vào hoạt động của doanh nghiệp