Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Khoáng sản vẫn chảy ngược dòng Nậm Thi

13:05 | 10/12/2018

Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Lâu lắm tôi mới có dịp đi dọc sông Nậm Thi từ TP Lào Cai, qua Bảo Thắng lên Mường Khương. Hoạt động vận chuyển và xuất khẩu quặng lậu sang Trung Quốc qua dòng sông này bây giờ gần như công khai.  

Khi màn đêm buông xuống thì lại có hàng trăm chiếc thuyền chở quặng đồng, chì, than và đất hiếm ồ ạt vận chuyển qua sông Nậm Thi (Lào Cai) sang Trung Quốc. Hiện trạng này đã được báo chí nêu ra tại cuộc Họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều 3/12.

Chuyện hàng lậu như gỗ pơ mu, gạo từ Lào Cai đưa sang Trung Quốc đã có từ hàng chục năm trước. Còn những năm gần đây, gỗ pơ mu hết rồi thì dân buôn tập trung vào mặt hàng khoáng sản. Vì số lượng hàng hóa được vận chuyển gần như công khai với số lượng lớn nên báo chí mới lại vào cuộc, phanh phui sự thật này.

khoang san van chay nguoc dong nam thi
Một phần TP Lào Cai bên sông Nậm Thi

Địa bàn vận chuyển hàng khá rộng lớn, trải dài dọc sông Nậm Thi nên khó kiểm soát hết. Song có điều, các bến bãi tập kết hàng lậu ở rất gần các cơ quan chức năng mà vẫn không bị kiểm soát, ngăn chặn, đó mới là vấn đề đáng quan tâm.

Thành phố Lào Cai ở ngay ven sông. Các lực lượng chức năng như bộ đội biên phòng, quản lý thị trường, phòng chống buôn lậu, hải quan, công an khá hùng hậu. Thế mà hàng lậu vẫn ùn ùn “chảy” ngược từ Lào Cai sang Trung Quốc thì chắc chắn phải có sự làm ngơ hoặc thậm chí bảo kê cho dân buôn.

Sông Nậm Thi bắt nguồn tại Vân Nam, Trung Quốc và tạo thành một đoạn biên giới tự nhiên giữa hai nước Trung Quốc - Việt Nam trước khi hợp lưu với sông Hồng tại cặp cửa khẩu quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu. Tại Việt Nam, lưu vực sông Nậm Thi bao gồm hai huyện Mường Khương, BảoThắng. Sông có dòng chảy nhỏ, ven bờ cây cối rậm rạp nên các đối tượng buôn lậu thường tập kết hàng rồi dùng thuyền để chở qua sông trong đêm tối. Có tới hàng nghìn lao động tham gia vào việc bốc vác hàng qua biên giới.

Vậy thì cơ quan nào chịu trách nhiệm? Tỉnh Lào Cai, biên phòng, hải quan hay quản lý thị trường? Quan điểm của Chính phủ và bộ ngành về vấn đề này như thế nào?

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã trả lời tại cuộc họp báo rằng: “Liên quan đến việc báo chí nêu về hiện trạng quặng lậu, các đại biểu Quốc hội cũng đã có ý kiến, cụ thể việc khai thác và xuất khẩu thực chất là chuyên chở lậu, xuất ngay tại tỉnh Lào Cai. Trách nhiệm trước hết thuộc về chính quyền địa phương nơi xảy ra sự việc này. Từ khâu khai thác và xuất lậu đi, rõ ràng ở ngay tại một địa bàn. Do đó, chắc chắn cần phải nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương”.

Trước đó, khi nhận được thông tin từ báo chí, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Đặng Xuân Phong khẳng định, chính quyền địa phương không dung túng cho các hoạt động xuất lậu khoáng sản trái phép. Sau khi có báo cáo chính thức từ đoàn kiểm tra liên ngành, tỉnh sẽ xử lý nghiêm nếu phát hiện cá nhân, tổ chức có các sai phạm trong chức năng, nhiệm vụ được giao, nhất là các hoạt động “bảo kê” cho xuất lậu khoáng sản qua biên giới.

Quặng lậu vượt biên chủ yếu qua địa bàn xã Bản Phiệt, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Ngày 25/11, UBND tỉnh Lào Cai đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Hưng làm trưởng đoàn đi kiểm tra và chấn chỉnh công tác quản lý biên giới trong khu vực. Đoàn đã tiến hành kiểm tra các kho hàng dọc khu vực biên giới và lối mở qua sông có thể xuất hàng. Trong 3 kho hàng kiểm tra đã phát hiện một kho có chứa hàng nghi là khoáng sản nên đã tiến hành lấy mẫu về để xác định.

Sau khi kiểm tra, ông Lê Ngọc Hưng yêu cầu các ngành chức năng và chính quyền các địa phương có biên giới cần chấn chỉnh lại hoạt động quản lý đường biên. Các lực lượng biên phòng, hải quan, công an, Ban 389 trong phạm vi trách nhiệm được phân công, cần rà soát lại các hoạt động nghiệp vụ, không để tình trạng xuất lậu khoáng sản qua biên giới tái diễn. Đặc biệt, thời gian tới, các ngành chức năng và chính quyền địa phương cần tổng rà soát các kho chứa hàng khu vực biên giới. Những kho hàng nào chứa các loại hàng hóa được phép xuất qua biên giới thì cho hoạt động và xử lý nghiêm những kho hàng vi phạm chứa các loại hàng hóa cấm xuất như khoáng sản. Trong trường hợp cần thiết, có thể kiến nghị đóng cửa các kho hàng khu vực biên giới không tuân thủ các quy định của pháp luật.

Về phía Bộ Công Thương, sau khi báo chí nêu về sự việc này, Bộ đã chỉ đạo Cục Quản lý thị trường trực tiếp xuống địa bàn, đồng thời có văn bản yêu cầu Cục Quản lý thị trường Lào Cai tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, báo báo tỉnh, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo 389 Lào Cai... nhằm phối hợp các lực lượng có liên quan như biên phòng, hải quan, công an và chính quyền các cấp, kể cả xã, thôn để kịp thời có các biện pháp khống chế, tiến tới chấm dứt tình trạng này.

Giải pháp của địa phương và Bộ Công Thương xem ra rất bài bản nhưng việc triển khai có triệt để hay không bởi nếu chỉ “đánh trống bỏ dùi” thì đâu lại vào đấy. Vì Bộ giao cho tỉnh, rồi tỉnh giao cho các cơ quan chức năng nhưng chính cơ quan chức năng không thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của cấp trên thì làm sao có hiệu quả? Mở đợt kiểm tra, “tiền hô, hậu ủng” rầm rộ mấy ngày rồi lại buông xuôi, tin vào sự chấp hành của cấp dưới thì không ổn. Vì nếu có sự bảo kê rồi thì không bao giờ ngăn được dòng chảy của quặng từ Lào Cai sang Trung Quốc.

Phải có sự quản lý từ gốc, tức là từ nơi khai thác. Hằng ngày có mấy chục xe tải chở quặng từ hầm mỏ trong rừng sâu đưa ra bờ sông Nậm Thi vô tư trước mắt cơ quan chức năng mà chẳng lẽ không ai biết? Mà cũng chỉ có hai ngả đường từ huyện Bảo Thắng và TP Lào Cai để ra được bờ sông. Những chiếc xe tải chở hàng chục tấn hàng chứ đâu phải con kiến mà không nhìn thấy. Do đó, Lào Cai phải làm trong sạch được lực lượng chức năng, có biện pháp mạnh mẽ, kiên quyết tìm ra những cán bộ, nhân viên tiếp tay cho buôn lậu, kỷ luật thích đáng, đưa ra khỏi ngành thì mới hạn chế được nạn “chảy máu” nguồn tài nguyên của đất nước!

Đức Toàn