Khoa học đang bỏ rơi người già
Dù gặp thuận lợi do áp dụng kỹ thuật chẩn đoán với hình ảnh, việc điều trị loại bệnh này lại tiến triển rất chậm. Trên thị trường dược phẩm ở ngay cả các nước phát triển và các trang web của các hãng dược phẩm, chỉ lẻ tẻ vài loại thuốc điều trị bệnh này. Nguyên nhân là chi phí quá lớn của việc nghiên cứu, cùng những thất bại trong quá trình thử nghiệm thuốc.
Người mắc bệnh Alzheimer rất cần sự quan tâm chăm sóc của gia đình và xã hội cũng như của ngành khoa học
Ba chuyên gia hàng đầu về hội chứng mất trí nhớ của Australia cho rằng, hội chứng này ngày càng phổ biến nhưng giải pháp điều trị được đưa ra lại quá ít. Giáo sư Henry Brodat, chuyên gia trong lĩnh vực rối loạn tâm thần người già thuộc Đại học New South Wales nói rằng, tổn thất tài chính của bệnh mất trí nhớ là dễ hình dung. Trên toàn thế giới, bệnh mất trí nhớ gây tổn thất 600 triệu USD Mỹ mỗi năm. Giả sử như đó là một quốc gia, nó sẽ là nền kinh tế lớn thứ 18 trên thứ giới; còn nếu là một doanh nghiệp, nó sẽ là công ty lớn nhất.
Thế kỷ trước đã chứng kiến những bước tiến lớn trong nghiên cứu hội chứng này. Năm nay người ta lại khám phá rằng, dấu hiệu ban đầu của bệnh có thể bắt đầu từ 25 năm trước với các triệu chứng về ghi nhớ và tư duy. Tuy nhiên, với các bệnh nhân, gia đình và bác sĩ của họ, liệu pháp để chữa trị bệnh này vẫn tiến triển chậm một cách tuyệt vọng.
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Bryce Vissel, người đứng đầu nhóm nghiên cứu về cơ chế thần kinh mềm dẻo và tái tạo thần kinh thuộc Viện Garvan, khoa học là cả một quá trình. “Ngoài vấn đề rủi ro và chi phí, mà phải nói thật là rất tốn kém, thất bại trong thử nghiệm lâm sàng các loại thuốc trị bệnh này đã bắt đầu khiến các nhà khoa học trên thế giới phải hợp tác với nhau, cùng phân tích dữ liệu các thử nghiệm lâm sàng một cách chi tiết hơn” Vissel nhận xét.
Tuy nhiên, một số công ty dược phẩm đã từ bỏ việc nghiên cứu các phương cách điều trị bệnh mất trí nhớ. Từ tháng 8/2012, 3 công ty dược phẩm khổng lồ đã đình chỉ một số thử nghiệm lâm sàng các liệu pháp điều trị tiên tiến bởi chúng cho thấy là không hiệu quả với các bệnh nhân bị mất trí nhớ ở mức nhẹ đến trung bình.
Giáo sư Brodaty nói rằng, những thể nghiệm thất bại đặt ra câu hỏi về những vấn đề căn bản liên quan đến bệnh Alzheimer và phải chăng điều trị bằng thuốc cần tiến hành sớm hơn.
Năm ngoái, giới phân tích tài chính tiên đoán rằng, thị trường dược phẩm Mỹ, Anh và Nhật Bản sẽ đạt giá trị khoảng 14 tỉ USD mỗi năm vào cuối thập kỷ này nhờ sự xuất hiện các phương pháp điều trị mới.
Vấn đề là, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển thuốc điều trị Alzheimer giống như bỏ tiền vào một cái túi không đáy. Tiến sĩ Ian Musgrave, giảng viên cao cấp về dược liệu học thuộc Đại học Adelaide cho rằng, nó là một đồ thị đi xuống: “Tính đến năm 2010, chúng ta không thấy có thay đổi gì nhiều từ việc bỏ ra một tỉ USD nếu ta đầu tư số tiền đó vào phát triền một loại thuốc mới. Cứ một loại thuốc vượt qua được các rào cản pháp lý để bán ra trên thị trường thì có 5 loại khác thất bại”. Các công ty dược phẩm chỉ muốn bỏ tiền vào những khoản đầu tư rủi ro thấp nhưng sinh lợi cao, ông cho biết thêm.
Do suy thoái kinh tế toàn cầu, tất cả các công ty dược phẩm đang cắt giảm các chi phí nghiên cứu, nhưng điều bất hợp lý là nó không tương xứng với tầm quan trọng của hệ thần kinh trung ương. Chẳng hạn, AstraZeneca, Pfizer, Merck, Novatis và GlaxoSmithKline đã cắt giảm một cách đáng kể quy mô nhóm nghiên cứu về khoa học thần kinh và trong đó, khu vực dường như bị giảm nhiều nhất lại chính là bộ phận nghiên cứu Alzheimer.
Do đó, Tiến sĩ Vissel cho rằng, chính phủ các nước cần chú ý nhiều hơn đến vấn đề này: “Nếu biết rằng, hội chứng mất trí nhớ sẽ gây tổn thất lên đến 83 tỉ USD vào năm 2060 thì dường như việc đầu tư nghiên cứu hội chứng này là rất có ý nghĩa. Hiện Australia đầu tư chỉ 24 triệu USD. So với yêu cầu là 250 triệu USD mỗi năm thì con số này quả không đáng kể”.
Hà Ninh (theo Science et Vie)
-
Đột phá mở đường, huy động những nguồn lực mới trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
-
Nguồn lực cho chiến lược tăng trưởng xanh chưa rõ ràng
-
Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đáp ứng kỳ vọng cử tri, mong mỏi của mỗi gia đình
-
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm được bổ nhiệm giữ chức Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam
-
Luật sư Trương Anh Tú: Dự thảo luật về hoàn thuế GTGT phải đảm bảo công bằng cho doanh nghiệp