Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Khó cho dân?

07:00 | 08/04/2013

Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Chuyện đơn giản hóa thành lùm xùm gây kho cho dân, ấy là cái mũ bảo hiểm (MBH). Không hiểu tại mấy ông nhà báo muốn khui chuyện, để có chuyện mà viết, hay bởi mấy quy định của mấy sếp công an, giao thông mãi không ngã ngũ khiến dân lo toan.

Diễn Đoàn - (Năng lượng Mới số 210)

Chiến dịch “ra quân” với mấy ông bán MBH vỉa hè, nghe thật rầm rộ như thể mấy ông bà bán mũ tựa như những boong-ke phải cần mấy tấn bộc phá vậy. Trên báo và một vài hội nghị bàn thảo, phỏng vấn mấy vị có thẩm quyền, loay hoay mãi với tên gọi, là mũ giả, mũ rởm, mũ nhái hay mũ không đúng quy cách, không bảo đảm chất lượng… Thiển nghĩ, tên gọi nào cũng vậy thôi, quy lại chỉ một tiêu chí: Chiếc mũ được mang tên bảo hiểm, có thực sự bảo vệ được cái đầu người đội khi gặp tai nạn không.

Gần đây một cán bộ có cương vị của Bộ Công an xác định: Mũ chất lượng phải đảm bảo 3 thành phần: Vỏ mũ bằng nhựa, có lớp xốp bên trong và có quai đeo. Đơn giản có vậy mà cứ bàn hoài, không chịu hiểu cứ như… “người thiểu năng thế nào ấy”. Liệu những quy định mà ông Phó cục trưởng ấy nói đã đủ cơ sở khoa học để xác định giá trị thực của MBH chưa. E là chưa hẳn.

Lại có ông, bằng lời lẽ nghe có vẻ “công nghệ” lắm: Mũ phải hội tụ đủ 3 lớp: Lớp nhựa cứng ngoài cùng, lớp xốp và lớp mũ hấp thụ xung động, quai đeo. Chỉ mới nghe hai ông trong hàng ngũ có trách nhiệm, một người bên công an và một người bên Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng mang nhiều chất khoa học, đã thấy rối rắm, mù mờ. Cứ như người dân tôn trọng pháp luật dùng mũ từ khi có lệnh đã trên 5 năm nay thay mũ cũng đến vài lần, trong gia đình thường xuyên có trên mươi mũ… mà vẫn không hiểu “lớp xốp xung động” của ông Hội Tiêu chuẩn nó ra làm sao.

Và ngay quy cách 3 thành phần mà các ông đưa ra, tôi tin rằng đám làm mũ kém chất lượng (nếu không muốn nói là mũ giả, mũ rởm) chẳng khó gì mà không đáp ứng nhanh nhạy và nhiều vô kể cho thị trường… hè phố. Nhưng chất liệu, thành phần hóa học tạo nên vỏ nhựa cứng của chiếc mũ, thì không thấy ông nào đề cập đến. Đó mới là yếu tố hàng đầu quyết định giá trị thực, có khả năng bảo vệ đầu người khi lâm nạn.

Các biện pháp bảo đảm chất lượng MBH đến nay còn dông dài bàn cãi, cũng là “chuyện lạ”, bởi những MBH trôi nổi tràn ngập thị trường hè phố đã có trước cả lệnh đội MBH có hiệu lực. Từng ấy năm, không một lần nhà chức trách nào lên tiếng kiểm tra, xử lý. Đùng một cái, bàn đến phạt. Có phải là thêm một “chuyện lạ” nữa không. Thử hỏi: Nếu không có người bán mũ không đúng quy cách, thì người đi xe có cố tình lùng sục để có được mũ rởm không? Hiển nhiên là không rồi.

Thử hỏi: Việc xác định mũ không đảm bảo chất lượng khó hay dễ? Hiện nay ta có trên 2.000 tiến sĩ, trong đó các vị trong ngành hóa học, vật lý học chiếm không dưới vài ba trăm. Việc kiểm tra, đánh giá hoàn toàn trong tầm mấy vị có học vị ngon lành rồi, khỏi phải lăn tăn. Các nhà chuyên môn có tiêu chí xác định chất lượng mũ không? Hiển nhiên là có (nếu không, lấy gì để mấy anh công an làm căn cứ để phạt) 5 năm qua, có cơ quan nào chỉ cho dân biết nơi nào chuyên bán mũ rởm.

Đi trên các đường phố Hà Nội, dường như không có quận nội thành nào không có vài chục điểm bán mũ. Mà phải có kín đáo đến nỗi không phát hiện ra như buôn bán thuốc phiện, hêrôin, hay bạc giả đâu! Cứ ra vỉa hè là đập ngay vào mắt. Những chiếc mũ xanh đỏ, da cam, nâu sẫm, trắng tinh… bóng loáng. Vậy mà các cơ quan hữu trách ngó lơ hoài đến nỗi bay giờ phát lệnh “ra quân”. Nếu không coi đó là chuyện lạ, thì thực sự đó là điều… lạ thật đấy.

Bỏ ra dăm bảy chục ngàn, đến vài trăm ngàn để bảo vệ cái đầu mình, tính mệnh mình, hẳn không ai phải đắn đo. Vậy xin hỏi: Những chiếc mũ mà cơ quan chức năng coi là đạt chuẩn bán ở cửa hàng nào? Do công ty hay xí nghiệp nào được cấp giấy phép sản xuất theo đơn đặt hàng của cơ quan chức năng? Nếu bảo dân tôi nói là chưa thấy, chưa nghe, chưa được chỉ dẫn, e có người nói là mình lạc hậu, không chịu tìm hiểu. Nhưng quả thực, nhiều người cũng mù mờ như tôi, chưa từng biết có loại mũ nào mang nhãn hiệu “Made in… đảm  bảo chất lượng” để mua.

Vậy mà rộ lên một đợt sóng công luận về xử phạt, không xử phạt, chưa xử phạt người điều khiển xe gắn máy sử dụng MBH rởm. Đến đây bạn đọc phải tự hỏi rằng: Chuyện chi lạ vậy. Sao chỉ nhăm nhăm làm khó cho dân, nhẹ cho quan nhỉ?

Từ một chuyện đơn giản, hóa thành lùm xùm. Tại sao gọi là đơn giản? Bởi vì… nó rất đơn giản. Đơn giản thứ nhất là xác định rõ, thế nào là chiếc mũ đạt tiêu chuẩn bảo hiểm. Đơn giản thứ hai là nghiêm cấm sản xuất và kinh doanh mũ không đạt chuẩn. Điều đơn giản thứ ba là yêu cầu mọi người sử dụng MBH chuẩn. Những bước “đơn giản” như vậy là dễ cho dân và cũng thuận tiện cho quan chức có trách nhiệm xung quanh cái MBH.

D.Đ