Khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC
Đây là sự kiện quan trọng đối với cộng đồng doanh nghiệp châu Á-Thái Bình Dương. Sự kiện này được tổ chức thường niên trong dịp Tuần lễ Cấp cao APEC. Tham dự các phiên họp của Hội nghị có lãnh đạo các nền kinh tế APEC, hơn 2.000 doanh nghiệp hàng đầu khu vực, quốc tế và 800 doanh nghiệp Việt Nam.
Tham dự Hội nghị còn có lãnh đạo các tổ chức quốc tế: Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB). Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tham dự và có bài phát biểu quan trọng mở đầu Hội nghị.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC. |
Chủ tịch nước Trần Đại Quang mong muốn cộng đồng doanh nghiệp châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục cùng chính phủ giải quyết những vấn đề cấp bách, đó là duy trì đà liên kết và phục hồi kinh tế toàn cầu, phát huy vai trò tiên phong trong tự do hóa thương mại và đầu tư, hoàn tất các Mục tiêu Bogor vào năm 2020. APEC cần nỗ lực bảo đảm tính bao trùm của phát triển; tích cực tham gia đóng góp vào tiến trình xây dựng và hiện thực hóa tầm nhìn APEC sau năm 2020 về xây dựng một châu Á-Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động, gắn kết và thịnh vượng. Chủ tịch nước kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp cùng các chính phủ giải quyết các yêu cầu cấp bách gồm:
Thứ nhất, duy trì đà phục hồi và phát triển kinh tế toàn cầu; đẩy mạnh hợp tác công tư trong phát triển toàn diện và bao trùm; phát triển cơ sở hạ tầng; các doanh nghiệp tăng cường hỗ trợ các nền kinh tế thành viên; tăng cường đầu tư vào giáo dục và đào tạo để người lao động thích nghi nền kinh tế mới, quan tâm đầu tư vào con người, tiền đề quan trọng để doanh nghiệp tiếp tục tham gia vào quá trình toàn cầu hóa.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại hội nghị. |
Thứ hai, APEC cần nỗ lực đảm bảo tính bao trùm của phát triển; đi đầu mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc; tiếp tục xây dựng các cộng đồng tự cường và bao trùm, bảo đảm an ninh lương thực; tăng quyền năng kinh tế của phụ nữ; hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tham gia vào thị trường toàn cầu.
Thứ ba, doanh nghiệp cần tích cực tham gia xây dựng và hiện thực hóa tầm nhìn 2020 xây dựng khu vực hòa bình, năng động, gắn kết và thịnh vượng; xây dựng vực toàn diện và bao trùm; đảm bảo sự bền vững của các nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp trong tương lai.
Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC diễn ra từ ngày 8 tới ngày 10/11 tại Trung tâm hội nghị quốc tế Ariyana ở Đà Nẵng với 15 phiên họp.
Cũng trong ngày 8/11, Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC đã diễn ra. Những nội dung đã được thống nhất tại Hội nghị tổng kết các quan chức cao cấp APEC sẽ được chuyển tới các Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC để rà soát lại trước khi trình lên Hội nghị Cấp cao.
Thanh Hiếu
-
Nguồn lực cho chiến lược tăng trưởng xanh chưa rõ ràng
-
Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đáp ứng kỳ vọng cử tri, mong mỏi của mỗi gia đình
-
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm được bổ nhiệm giữ chức Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam
-
Luật sư Trương Anh Tú: Dự thảo luật về hoàn thuế GTGT phải đảm bảo công bằng cho doanh nghiệp
-
Quốc hội thẩm tra Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030