Khắc phục tình trạng tiếp công dân hình thức
Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Tiếp công dân do Tổng Thanh tra Chính phủ Huynh Phong Tranh trình bày, sáng 28/5, xác định tiếp công dân là công tác quan trọng trong các hoạt động của Đảng, Nhà nước và các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị ở nước ta.
Thông qua việc tiếp công dân, Nhà nước và các cơ quan, tổ chức tiếp nhận được các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của nhân dân liên quan đến việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật để có các biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời.
Nhận thức rõ được tầm quan trọng của công tác này, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, văn bản pháp luật về tiếp công dân; các cơ quan, tổ chức đã triển khai, thực hiện có hiệu quả công tác này.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể đã nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị của mình. Nhiều nơi đã thành lập Trụ sở, ban hành nội quy, quy chế tiếp công dân, bố trí công chức làm nhiệm vụ tiếp công dân.
Hàng năm, Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước và các cấp, các ngành đã tiếp và hướng dẫn hàng chục nghìn lượt người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, trong đó có nhiều đoàn khiếu kiện đông người, phức tạp.
Bên cạnh những kết quả nêu trên, lãnh đạo một số cơ quan, tổ chức vẫn chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác tiếp công dân, chưa quan tâm đúng mức đến công tác này, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Thiếu thống nhất trong tổ chức tiếp dân
Việc tiếp công dân còn hình thức, chưa hiệu quả, có tình trạng khoán trắng cho công chức tiếp công dân hoặc cơ quan chức năng.
Tổ chức tiếp công dân còn thiếu thống nhất từ Trung ương đến địa phương như tên gọi, mô hình tổ chức, cơ cấu thành phần tham gia tại nơi tiếp công dân; về cán bộ, về điều kiện làm việc, chế độ chính sách đối với công chức tiếp công dân. Việc phối kết hợp giữa Trụ sở tiếp công dân ở Trung ương với địa phương, giữa các cơ quan, tổ chức thường trực tại Trụ sở tiếp công dân còn bất cập.
Trong hoạt động tiếp công dân, chưa phân định rõ việc tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo với kiến nghị, phản ánh. Chưa quy định rõ việc tiếp công dân của người đứng đầu với việc tiếp công dân của công chức, giữa việc tiếp công dân thường xuyên với việc tiếp công dân theo yêu cầu khẩn thiết đối với vụ việc phức tạp, có nhiều người tham gia.
Những tồn tại trên có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ yếu là chưa có văn bản pháp luật có giá trị pháp lý cao để điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực tiếp công dân.
Mặc dù trong thời gian qua Nhà nước đã ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật có quy định về hoạt động tiếp công dân như Luật khiếu nại, Luật tố cáo năm 2011, các nghị định quy định chi tiết một số điều của các luật nói trên, nhưng nội dung, cách thức tổ chức tiếp công dân theo các văn bản quy phạm pháp luật này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.
Dự kiến, Luật tiếp công dân sẽ được các đại biểu thảo luận tại tổ chiều 31/5, thảo luận tại Hội trường sáng 11/6. Sau đó, dự thảo sẽ được tiếp thu, chỉnh sửa trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp sau.
Cổng TTĐT Chính phủ
-
Thủ tướng đề nghị 4 tập đoàn hàng đầu của UAE đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược của Việt Nam
-
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh sự cần thiết phải sửa đổi Luật Điện lực
-
Bổ sung chính sách thu hút nhà đầu tư khảo sát dự án điện gió ngoài khơi
-
Bay chặn, ép hạ cánh với tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam
-
Gỡ "thẻ vàng" IUU: Xóa bỏ toàn bộ tàu “3 không”, xử lý dứt điểm “tàu ma”