Kế hoạch triển khai Chương trình năng lượng phát thải thấp Việt Nam giai đoạn 10/2022 - 9/2023
Trong giai đoạn 10/2022 - 9/2023, Chương trình V-LEEP II triển khai 33 hoạt động hỗ trợ kỹ thuật chính, trong đó 27 hoạt động kỹ thuật được tiếp nối và mở rộng từ giai đoạn 10/2021 - 9/2022 và 6 hoạt động kỹ thuật bắt đầu triển khai tại giai đoạn này theo đề xuất ưu tiên của các Cơ quan thực hiện và khả năng hỗ trợ của nhà tài trợ.
Cánh đồng điện gió và điện mặt trời tại Ninh Thuận. Ảnh: Getty Images |
Đối với Hợp phần 1 về Tăng cường triển khai các hệ thống năng lượng tiên tiến, V-LEEP II sẽ triển khai 4 tiểu hợp phần chính:
(1.1) Hỗ trợ xây dựng và triển khai các chính sách và quy định liên quan tới chức năng quản lý nhà nước về năng lượng sơ cấp, bao gồm hạ tầng LNG;
(1.2) Hỗ trợ lồng ghép việc thực hiện quy hoạch năng lượng tổng thể quốc gia với quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, tích hợp đồng bộ các phân ngành than, khí và điện lực, bảo đảm chi phí năng lượng minh bạch và theo định hướng thị trường;
(1.3) Xây dựng hệ thống chỉ tiêu đánh giá mức độ tiên tiến, hàm lượng khoa học công nghệ và khả năng chuyển giao và tiếp nhận công nghệ của các dự án năng lượng mới và năng lượng tái tạo đề xuất bổ sung quy hoạch;
(1.4) Hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp (one-on-one transactions) trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam và pháp luật Hoa Kỳ cho các nhà phát triển dự án để huy động nguồn lực cho các dự án năng lượng sạch tiên tiến và giảm rủi ro cho các khoản đầu tư.
Đối với Hợp phần 2 về Nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành năng lượng, V-LEEP II sẽ triển khai 5 tiểu hợp phần chính:
(2.1) Hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực về triển khai, quản lý, giám sát thực hiện, điều chỉnh quy hoạch và kế hoạch phát triển điện lực; nghiên cứu phát triển và bổ sung, điều chỉnh, tích hợp hệ thống lưu trữ năng lượng tiên tiến bao gồm năng lượng mới và năng lượng tái tạo vào quy hoạch: xây dựng và chuẩn hóa cơ sở dữ liệu tiềm năng về năng lượng sạch, năng lượng mới và năng lượng tái tạo theo cấp độ tỉnh/thành phố và cấp độ quốc gia; nghiên cứu xây dựng và triển khai cơ chế chính sách xã hội hóa đầu tư phát triển hệ thống điện;
(2.2) Hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực về tích hợp lưới điện và điều độ các nguồn năng lượng tái tạo biến động;
(2.3) Hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực về thị trường điện cạnh tranh, các cơ chế tài chính cho quản lý nhu cầu phụ tải (DSM) và đầu tư nguồn năng lượng phân tán (DER), các cơ chế điều hành giá điện dựa trên thị trường và định giá cho nguồn điện từ LNG;
(2.4) Hỗ trợ xây dựng chính sách và chương trình về sử dụng năng lượng hiệu quả và phát triển các hệ sinh thái về sử dụng năng lượng hiệu quả, xe điện, và năng lượng bền vững;
(2.5) Hỗ trợ xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách và biện pháp kiểm soát, giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực năng lượng và công nghiệp theo cam kết về Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và Thỏa thuận Paris.
Đối với Hợp phần 3 về Thúc đẩy cạnh tranh trong lĩnh vực năng lượng, V-LEEP II sẽ triển khai 3 tiểu hợp phần chính:
(3.1) Hỗ trợ hoàn tất việc khởi động chương trình thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện tử năng lượng tái tạo với khách hàng mua điện lớn (DPPA), thúc đẩy thực hiện thí điểm và triển khai cơ chế DPPA thông qua hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực cho cơ quan quản lý thuộc Bộ Công Thương, các đơn vị ngành điện có liên quan và các bên tham gia khu vực tư nhân;
(3.2) Hỗ trợ xây dựng năng lực và cơ chế phối hợp quản lý, giám sát, chia sẻ thông tin liên quan giữa cơ quan quản lý ngành và địa phương trong việc lựa chọn dự án năng lượng sạch/nhà đầu tư đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành và theo định hướng thị trường;
(3.3) Hỗ trợ thúc đẩy các sáng kiến đổi mới sáng tạo và tăng cường cạnh tranh trong lĩnh vực điện lực, năng lượng mới và năng lượng tái tạo; phối hợp với các chương trình đổi mới sáng tạo quốc gia để tăng cường hệ sinh thái kinh doanh (doanh nhân, chuyên gia, công nghệ và vốn) trong lĩnh vực năng lượng sạch; thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực năng lượng.
Tổng ngân sách dự kiến từ nguồn vốn ODA phân bổ cho giai đoạn 10/2022-9/2023 là: 7.720.000 USD (tương đương khoảng 178,69 tỷ đồng), trong đó: Tổng ngân sách dự kiến bố trí cho các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật là 6.620.000 USD.
Bộ Công Thương giao Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo phối hợp với các Cơ quan thực hiện dự án và Nhà tài trợ để thống nhất và triển khai các hoạt động của dự án theo kế hoạch được phê duyệt.
Dự toán phân bổ ngân sách vốn ODA cho các Tiểu hợp phần, giai đoạn 10/2022-09/2023 |
Trước đó, trong các năm 2015-2020, Bộ Công Thương đã phối hợp cùng Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) triển khai thành công Chương trình Năng lượng phát thải thấp Việt Nam (V-LEEP I).
Phát huy các kết quả của V-LEEP I, tháng 6/2022, Bộ Công Thương và USAID tiếp tục khởi động Chương trình năng lượng phát thải thấp Việt Nam giai đoạn II (V-LEEP II).
Bằng cách mở rộng quy mô và phạm vi hỗ trợ kỹ thuật, V-LEEP II sẽ tiếp tục hỗ trợ thúc đẩy quá trình chuyển đổi ngành năng lượng của Việt Nam theo hướng sạch, bền vững, đảm bảo an ninh năng lượng và dựa trên các nguyên tắc thị trường thông qua việc tăng cường triển khai các hệ thống năng lượng tiên tiến, nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành năng lượng và thúc đẩy cạnh tranh trong lĩnh vực năng lượng.
V-LEEP II được kỳ vọng sẽ tiếp tục và tăng cường các hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam để hiện thực hóa các mục tiêu tham vọng về chuyển đổi năng lượng bền vững. Chương trình dự kiến sẽ cung cấp các hoạt động hợp tác, đào tạo, nâng cao năng lực, công cụ hỗ trợ quản lý và triển khai thực hiện quy hoạch, kết nối chuyển giao công nghệ sản xuất và quản lý điện/năng lượng tiên tiến hiện đại cho Việt Nam.
Đồng thời, V-LEEP II dự kiến sẽ hỗ trợ huy động tài chính cho 2.000MW năng lượng tái tạo và 1.000MW từ các nhà máy nhiệt điện khí chu trình hỗn hợp và hiệu quả các dự án đầu tư sẽ giúp giảm 59 triệu tấn CO2 tương đương trong toàn bộ vòng đời dự án đầu tư, góp phần đáng kể vào việc thực thi các cam kết về mục tiêu giảm phát thải của Việt Nam.
Việt Nam đi đầu về năng lượng tái tạo tại Đông Nam Á |
Chuyển đổi năng lượng không chỉ bằng những cam kết mạnh mẽ |
Thanh Sơn (t/h)
-
Đức nỗ lực củng cố ngành công nghiệp điện gió
-
Đầu tư hydro phát thải thấp: Thách thức cũng là cơ hội cho doanh nghiệp
-
Tìm giải pháp thúc đẩy phát triển ngành năng lượng Việt Nam
-
Singapore mong muốn hợp tác với Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển điện gió ngoài khơi
-
CIP chuẩn bị xây dựng hệ thống pin lưu trữ năng lượng quy mô lớn đầu tiên tại Chile