Kế hoạch tổ chức vận tải hành khách đường bộ, đường sắt, hàng không sau ngày 20/10
Sau 1 tuần thực hiện thí điểm các hoạt động vận tải, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản báo cáo Chính phủ, đồng thời nêu rõ cách thức tổ chức hoạt động vận tải hành khách của các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, hàng không trong thời gian từ 21/10 đến 30/11.
Ảnh minh họa. |
Cụ thể, đối với vận tải đường bộ: Sẽ xây dựng và triển khai phương án tổ chức vận tải bảo đảm tuân thủ quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và quy định về phòng, chống dịch Covid-19, nắm bắt thông tin về luồng tuyến, hành trình, cấp dịch do địa phương công bố, công bố công khai các yêu cầu vận chuyển đối với hành khách theo quy định.
Với hành khách đi từ địa bàn có dịch ở cấp 4 sẽ tiến hành lập danh sách hành khách; đồng thời giao cho lái xe, nhân viên phục vụ trên xe hướng dẫn hành khách tự kê khai (bao gồm cả việc cập nhật bổ sung hành khách đi xe trên hành trình); sao gửi danh sách hành khách đi xe về Sở Giao thông Vận tải nơi đi, nơi đến; lưu trữ bản chính danh sách hành khách đi xe tối thiểu 21 ngày kể từ ngày kết thúc chuyến đi để phục vụ công tác truy vết phòng chống, dịch Covid-19 khi có yêu cầu của cơ quan chức năng có thẩm quyền; bảo mật thông tin hành khách theo quy định của pháp luật.
Đối với vận tải hàng không: Các hãng hàng không chỉ tiếp nhận vận chuyển hành khách có nhu cầu đi lại phục vụ quá trình phục hồi kinh tế theo thứ tự ưu tiên: Hoạt động công vụ, lực lượng phòng chống dịch Covid-19, các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nhân và các đối tượng khác.
Trường hợp hành khách cư trú, lưu trú trước chuyến bay tại địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) hoặc hành khách trên chuyến bay xuất phát từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) sẽ cần có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 theo phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên được thực hiện trong vòng 72 giờ trước thời điểm khởi hành chuyến bay.
Các trường hợp khác cần có chứng nhận đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19, trong đó, liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm khởi hành chuyến bay hoặc người có giấy chứng nhận khỏi bệnh Covid-19 hoặc có giấy ra viện không quá 6 tháng tính đến thời điểm khởi hành chuyến bay.
Đối với vận tải đường sắt: Tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh sẽ tổ chức chạy tối đa không quá 4 đôi tàu/ngày. Trên tuyến Hà Nội - Vinh chạy 1 đôi tàu/ngày, đêm. Trên tuyến TP Hồ Chí Minh - Đà Nẵng chạy 1 đôi tàu/ngày, đêm. Trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng chạy tối đa 3 đôi tàu/ngày, đêm.
Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành kế hoạch thí điểm tổ chức hoạt động vận tải hành khách ở tất cả các lĩnh vực và nhận được sự đồng thuận của người dân. Tuy nhiên, tại một số địa phương có nhiều quy định và ở các cấp độ dịch khác nhau nên việc thống nhất lộ trình di chuyển còn gặp nhiều khó khăn.
Mới đây tại tọa đàm "Mở cửa hàng không, "khơi thông" đường bộ", ông Phạm Văn Hảo - Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, sau 1 tuần thí điểm khai thác 21 đường bay thương mại chở khách nội địa, hành khách đã tươi cười, vui mừng sau mỗi chuyến bay. Đây là tín hiệu vui sau thời gian chỉ có hoạt động bay công vụ.
Trong thời gian tới, ngành hàng không sẽ tiến tới áp dụng hộ chiếu vắc xin để được mở cửa bầu trời và kết nối với các nước.
X.Hinh
-
Ông thầy dị và trẻ tự kỷ "đặc biệt"
-
Độ tuổi sử dụng ma túy ngày càng trẻ hóa
-
Hà Nội: 100 gian hàng thiết yếu tham gia Chợ Tết Công đoàn 2025
-
Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
-
6 sân bay sẽ tăng thời gian khai thác đêm từ ngày 14/1/2025