Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Jordani: Khủng hoảng năng lượng giữa biển dầu

19:00 | 23/04/2013

769 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Nằm ngay giữa rốn dầu của thế giới, tiếp giáp với hàng loạt các cường quốc về dầu mỏ Trung Đông nhưng Jordani giờ đây lại đang chịu cảnh thiếu năng lượng trầm trọng.

 

Cảnh đường phố Jordani không có ánh đèn vị thiếu điện

Những ngày này, dân lái xe đêm ở Jordani có lẽ là những người thấy rõ nhất cảnh đất nước họ bị thiếu hụt năng lượng đến thế nào. Sau nửa đêm, trên một trong những con đường nhiều xe cộ qua lại nhất của Jordani, dẫn từ thủ đô Amman tới Biển Chết, chỉ có ánh đèn từ các phương tiện đang lưu thông xuyên qua màn đêm. Những cột đèn chạy dọc hai bên đường song không có một bóng đèn nào được bật, bởi chính phủ không có khả năng trả hóa đơn tiền điện.     

Trong hai năm qua, vương quốc nghèo tài nguyên phải nhập tới 97% nhu cầu năng lượng này đã phải trả tới trên 5 tỷ USD, tương đương khoảng 15% GDP, sau khi các nguồn cung khí đốt giá rẻ từ Ai Cập bị gián đoạn vì đường ống dẫn bị phá hoại. Phụ thuộc vào dầu mỏ và dầu diesel có giá đắt đỏ, Jordani đang xem xét mở rộng phạm vi áp dụng chế độ phân phối điện và chuẩn bị tăng giá điện vào tháng 6 tới, sau khi đã cắt trợ giá nhiên liệu vào năm ngoái, một điều kiện đặt ra cho nước này để nhận được khoản vay 2 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).  

Trong chuyến thăm Jordani vào tháng trước, Phó Giám đốc IMF Nemat Shafik, phát biểu rằng năng lượng là "gót chân Asin" và là trở ngại lớn nhất của kinh tế nước này.

Vấn đề với Jordani không chỉ là chuyện chi phí nhập khẩu năng lượng mà còn là việc nước này đang gặp khó khăn để có thể tăng sản xuất trong nước. Jordani đã không thể hiện đại hóa nhà máy lọc dầu đã có từ nhiều thế kỷ, với năng lực lọc 140.000 thùng dầu thô nhập khẩu, song lại bị hạn chế trong việc lọc dầu diesel chất lượng cao và điều này đã khiến khủng hoảng năng lượng ở nước này thêm tồi tệ. Trong khi đó, đầu tư nước ngoài vào các nhà máy điện độc lập, nơi sản xuất 60% sản lượng điện 3.300 MW của nước này, đang được gia tăng để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tăng 7% mỗi năm.

Trước mắt, Chính phủ Jordani đang buộc phải cân đối cung-cầu bằng cách giảm mức tiêu thụ. Tháng trước, các nhà chức trách đã yêu cầu các nhà sản xuất cung cấp 600.000 bóng đèn tiết kiệm điện ở các tòa nhà công cộng và lên kế hoạch về chiến dịch toàn quốc về phân phối 1,5 triệu bóng đèn loại này đến các hộ gia đình. Nhà tư vấn về năng lượng và cựu Bộ trưởng Năng lượng Khaled Irani nói nếu không đảm bảo được nguồn cung thì giải pháp phải là hạn chế nhu cầu. Một giải pháp có thể áp dụng ngay là sử dụng hiệu quả năng lượng để có thể tiết kiệm 1 tỷ USD.

Trong khi đó, các giải pháp khác là không dễ thực hiện. Chính phủ Jordani đang cân nhắc về kế hoạch mới trong phân phối điện mùa Hè này, để có thể đáp ứng nhu cầu điện gia tăng khi du khách cùng với hơn 460.000 người tị nạn từ Xyri sẽ vào nước này. Chính phủ Jordani cũng có kế hoạch tăng thuế tiêu thụ điện trong mùa Hè, một cách thức nhằm hạn chế nhu cầu gia tăng, trong khi giảm mức lỗ cho công ty điện lực nhà nước đã phá sản về mặt kỹ thuật là National Electricity Production Co. (NEPCO). Giảm lỗ cho NEPCO, công ty hiện đang có số nợ 2 tỷ USD sau khi buộc phải trả cho các nhà sản xuất điện độc lập cho nguồn điện sản xuất từ diesel và nhiên liệu nặng với giá đắt đỏ, là một yêu cầu chủ chốt cho khoản vay dự phòng 36 tháng của IMF cho Jordani.     

Việc dòng khí đốt từ Ai Cập bị ngưng đã khiến giá thành sản xuất 1 KW điện tăng 600%, bởi thông thường khí đốt được dùng cho sản xuất 80% lượng điện của Jordani. Dòng chảy khí đốt bị dừng ban đầu là do hành động phá hoại của những phiến quân được vũ trang của Ai Cập và sau đó là do các vấn đề tồn tại trong ngành khí đốt nước này. Tuy nhiên, sự ngưng trệ này đã tạo ra động lực để Jordani đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo mà dù sẽ không giúp kết thúc cuộc khủng hoảng năng lượng của nước này trong tương lai gần thì cũng đang ngày càng trở nên khả thi hơn.

Một trong những dự án đầu tiên là của liên doanh Shams Maan giữa Kawar Energy của Jordani, First Solar của Mỹ và Solar Ventures của Italia về xây dựng nhà máy điện Mặt trời có công suất 100 MW tại thị trấn Maan ở miền Nam với số vốn đầu tư 300 triệu USD. Hanna Zaghloul, Giám đốc điều hành dự án, cho biết Chính phủ Jordani sẽ phải trả 16,9 xu Mỹ cho mỗi Kwh điện sản xuất từ năng lượng Mặt Trời, so với 24 xu cho điện sản xuất từ nhiên liệu nặng và 28 xu cho điện sản xuất từ diesel. Đó là lý do tại sao năng lượng tái tạo là khả thi đối với Chính phủ Jordani.

Một góc nhà máy điện gần thủ đô Amman, Jordan ngày 2/4/2013 

Một năm trước, Quốc hội Jordani đã thông qua luật về năng lượng tái tạo, đặt ra cơ cấu thuế cho việc kết nối lưới điện. Chính phủ nước này đang kêu gọi các công ty tham gia việc xây dựng một nhà máy điện Mặt Trời có vốn đầu tư 120 triệu USD và công suất 75 MW ở Quwaira, miền Nam đất nước. Ít nhất là một chục công ty nước ngoài đã ngỏ ý tham gia dự án này và các dự án năng lượng Mặt Trời khác.

Khả năng thực hiện các dự án như vậy của Jordani được hiện thực hóa trong những tháng gần đây khi một quỹ 5 tỷ USD mà các nước giàu ở vùng Vịnh đóng góp đã được lập ra nhằm hỗ trợ cho việc phát triển năng lượng Mặt Trời.  Quỹ này cũng tài trợ cho việc xây dựng một trạm khí đốt tự nhiên hóa lỏng với vốn đầu tư 100 triệu USD, dự kiến đi vào hoạt động vào nửa cuối năm 2014 và sẽ tiếp nhận khí đốt từ Cata.     

Jordani cũng dự định tăng lượng dự trữ dầu mỏ chiến lược từ mức rất thấp hiện nay chỉ đủ cho nhu cầu trong 3 tuần lên 100.000 tấn. Một đường ống dẫn dầu thô dài 1.000 km đang được bàn thảo để xuất khẩu ít nhất 1,5 triệu thùng/ngày từ Iraq qua Jordani và cảng Aqaba tới các nước khác. Các nghiên cứu kỹ thuật dang được tiến hành và các hồ sơ mời thầu cũng sẽ sớm được công bố.

Về lâu dài, các chuyên gia về dầu mỏ nói Jordani hy vọng tìm được trữ lượng khí đốt tự nhiên và dầu mỏ đá phiến đủ lớn để giảm bớt sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu. Triển vọng dầu mỏ đá phiến đã bắt đầu khi Enefit của Extônia đang lên kế hoạch đầu tư, xây dựng và điều hành nhà máy điện có công suất 430 MW, sử dụng nhiên liệu là dầu mỏ đá phiến. Royal Dutch Shell (Anh/Hà Lan) đã đầu tư 100 triệu USD để khai thác dầu mỏ đá phiến ở Đông và Bắc Jordani.

Trong khi đó, BP đã đầu tư 260 triệu USD vào mỏ khí đốt ở Risha của Jordani, gần biên giới với Iraq. Các quan chức Jordani cho biết nghiên cứu địa chấn cho thấy mỏ này có thể cho phép khai thác 300 triệu đến 1 tỷ m3 khí đốt mỗi ngày cho đến năm 2020, biến nước này thành quốc gia xuất khẩu khí đốt.

Thậm chí, những nỗ lực gây tranh cãi của Jordani trong việc xây dựng một nhà máy điện hạt nhân có công suất 1.000 MW cũng đã đạt được những tiến triển, mặc dù những vấn đề về tài chính khiến việc hoàn tất dự án là câu hỏi còn để ngỏ. Dự kiến, chính phủ nước này trong vài tuần tới sẽ chọn hai nhà thầu nổi trội nhất đề cung cấp lò phản ứng là một côngxoócxium Pháp - Nhật, bao gồm Areva và Mitsubishi Heavy Industries, và Rosatom của Nga.

Tuy nhiên, vào lúc này, Jordani không có lựa chọn nào khác là phải giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng với những ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế. Đây sẽ vẫn là một vấn đề đáng báo động trong 3-4 năm tới, cho đến khi một số dự án dầu mỏ đá phiến được triển khai.

Nh.Thạch (Theo Reuters, AFP)