IEA: Châu Âu không tiết kiệm năng lượng sẽ “chết cóng” trong mùa đông này
Hành động cắt giảm khí đốt là cách Nga đáp trả các lệnh trừng phạt áp đặt lên Moscow khi chiến tranh Nga - Ukraine nổ ra. Hậu quả, giá khí đốt bùng nổ toàn cầu, khiến châu Âu phải chuyển hướng sang các nguồn cung khác, trong đó có lượng lớn khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) và khí đốt từ Na Uy.
IEA cho biết, nhờ chiến lược đa dạng hóa này, các kho dự trữ khí đốt đã được lấp đầy gần 90% vào cuối tháng 9. Đồng thời, IEA cảnh báo châu Âu về khả năng Nga cắt toàn bộ khí đốt kể từ mùa đông năm nay.
Cơ quan này cũng đã đưa ra nhiều giả thuyết về tình trạng của những kho dự trữ này trong mùa đông nếu Nga thật sự cắt giảm nguồn cung hoàn toàn từ ngày 1/11, khiến châu Âu phải dựa vào LNG - tài nguyên tâm điểm của cuộc cạnh tranh toàn cầu. Thật vậy, IEA cảnh báo: “Nếu không làm giảm nhu cầu tiêu thụ khí đốt, trong bối cảnh có lượng LNG dồi dào, các kho dự trữ sẽ chỉ còn đạt 20% trong tháng 2/2023. Nếu sản lượng LNG bị thiếu hụt, kho dự trữ sẽ chỉ còn 5%”.
Trong thông cáo báo chí của mình, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khẳng định rằng tần suất tiêu thụ khí đốt từ các kho dự trữ như theo cảnh báo của IEA “sẽ làm tăng nguy cơ gián đoạn nguồn cung trong trường hợp thời tiết trở lạnh muộn”.
Do đó, IEA nhận định, thực hiện các biện pháp tiết kiệm là vấn đề “mấu chốt” của châu Âu để “duy trì kho dự trữ ở mức thích hợp cho đến khi kết thúc mùa đông”.
Theo dữ liệu của IEA, trong trường hợp nguồn cung LNG thấp, châu Âu cần phải giảm khoảng 9% nhu cầu khí đốt trong suốt mùa đông so với mức trung bình của 5 năm qua nhằm duy trì kho dự trữ trên mức 25%. Còn trong trường hợp thiếu hụt LNG, châu Âu phải giảm 13% nhu cầu để duy trì mức lưu trữ trên 33%.
Viễn cảnh “ảm đạm”
Về tổng thể, trong giai đoạn từ tháng 1/2022 đến tháng 8/2022, mức tiêu thụ khí đốt toàn châu Âu đã giảm hơn 10% so với giai đoạn cùng kỳ năm 2022. Đồng thời, lĩnh vực công nghiệp đã cắt giảm 15% lượng tiêu thụ - một mức giảm “kỷ lục”. Theo giải thích của IEA, các nhà máy đã phải giảm tiêu thụ để đối phó với vấn đề bùng nổ giá.
Đồng thời, nhu cầu LNG của châu Âu tăng gần 65% so với năm 2021, còn nhu cầu của các khách hàng quen thuộc vùng châu Á - Thái Bình Dương giảm 7%. Các yếu tố giảm bao gồm giá cao, thời tiết ôn hòa và chính sách "Zero Covid" ở Trung Quốc.
Trong bối cảnh căng thẳng trên thị trường khí đốt thế giới kể từ giai đoạn hậu Covid-19 vào năm 2021 và chiến tranh Nga - Ukraine bắt đầu vào cuối tháng 2/2022, tiêu thụ khí đốt thế giới đã giảm 0,8%. IEA dự báo trong năm 2023, nhu cầu tiêu thụ sẽ chỉ tăng 0,4%.
Ông Keisuke Sadamori - Giám đốc Thị trường Năng lượng và An ninh của IEA cho biết: “Triển vọng thị trường khí đốt vẫn còn ảm đạm. Hơn nữa, do thái độ khó đoán của Nga, độ tin cậy của nước này với tư cách là một nhà cung cấp năng lượng đang bị lung lay. Đây là những dấu hiệu cho thấy thị trường sẽ còn gặp khó khăn trong năm 2023".
Đặc biệt, IEA dự đoán nhu cầu LNG của Trung Quốc có thể sẽ gia tăng khi quốc gia này ký kết thêm nhiều hợp đồng mới. Đồng thời, theo dự báo khí tượng, mùa đông năm nay sẽ lạnh hơn bình thường, thúc đẩy Đông Bắc Á tăng nhu cầu bổ sung.
Ngọc Duyên
AFP
-
Đột phá mở đường, huy động những nguồn lực mới trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
-
Nguồn lực cho chiến lược tăng trưởng xanh chưa rõ ràng
-
Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đáp ứng kỳ vọng cử tri, mong mỏi của mỗi gia đình
-
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm được bổ nhiệm giữ chức Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam
-
Luật sư Trương Anh Tú: Dự thảo luật về hoàn thuế GTGT phải đảm bảo công bằng cho doanh nghiệp