Hủy niêm yết chứng khoán - những điều cần lưu ý
Hủy niêm yết như thế nào?
Trường hợp hủy niêm yết tự nguyện, tổ chức niêm yết chỉ được hủy bỏ niêm yết chứng khoán khi Quyết định của đại hội đồng cổ đông có trên 50% số phiếu biểu quyết của các cổ đông không phải là cổ đông lớn chấp thuận hủy bỏ niêm yết; tổ chức niêm yết không được đề nghị hủy bỏ niêm yết trong thời hạn 2 năm kể từ ngày đưa cổ phiếu vào niêm yết.
Hiện tại, nhiều các chứng khoán đã xin hủy niêm yết tự nguyện như: Công ty Cổ phần Viglacera Thăng Long (mã TLT), Nước giải khát Tribeco (mã TRI)...
Các trường hợp chứng khoán bị hủy niêm yết bắt buộc gồm: Tổ chức niêm yết tại Sở GDCK không đáp ứng được các điều kiện niêm yết; tổ chức niêm yết ngừng hoặc bị ngừng các hoạt động sản xuất, kinh doanh chính từ 1 năm trở lên; tổ chức niêm yết bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép hoạt động trong lĩnh vực chuyên ngành; cổ phiếu không có giao dịch tại Sở GDCK trong thời hạn 12 tháng; kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục hoặc tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét; tổ chức niêm yết chấm dứt sự tồn tại do sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể hoặc phá sản; quỹ đầu tư chứng khoán chấm dứt hoạt động.
Ngoài ra các trường hợp khác bị hủy niêm yết bắt buộc là: Trái phiếu đến thời gian đáo hạn hoặc trái phiếu niêm yết được tổ chức phát hành mua lại toàn bộ trước thời gian đáo hạn; tổ chức kiểm toán không chấp nhận thực hiện kiểm toán hoặc có ý kiến không chấp nhận hoặc từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính năm gần nhất của tổ chức niêm yết; tổ chức được chấp thuận niêm yết không tiến hành các thủ tục niêm yết tại Sở GDCK trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày được chấp thuận niêm yết; tổ chức niêm yết vi phạm chậm nộp báo cáo tài chính năm trong 3 năm liên tiếp; Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở GDCK phát hiện tổ chức niêm yết giả mạo hồ sơ niêm yết hoặc hồ sơ niêm yết chứa đựng những thông tin sai lệch nghiêm trọng ảnh hưởng đến quyết định của nhà đầu tư; tổ chức niêm yết vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và các trường hợp mà Sở GDCK hoặc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xét thấy cần thiết phải hủy niêm yết nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.
Các chứng khoán bị hủy niêm yết bắt buộc trên sàn chứng khoán TP Hồ Chí Minh và Hà Nội khá nhiều như: Công ty Cổ phần Cơ khí Bình Triệu (mã BTC), Chứng khoán Sacombank (SBS), Công ty Cổ phần Sông Đà 6.06 (mã SSS), Công ty Cổ phần Sông Đà 6.04 (mã S64), Công ty Cổ phần Cà phê An Giang (mã AGC), Công ty Cổ phần Vitaly (mã VTA), Công ty Cổ phần Nhựa Tân Hóa (mã VKP), Công ty Cổ phần Chế biến và Xuất nhập khẩu Thủy sản Cadovimex (Mã CAD), Công ty Cổ phần Cavico Việt Nam Khai thác mỏ và Xây dựng (mã MCV)… đa số các mã trên bị hủy niêm yết là do thua lỗ nhiều năm liên tiếp.
Đăng ký niêm yết lại: Tổ chức có chứng khoán hủy bỏ niêm yết chỉ được đăng ký niêm yết lại sau 12 tháng kể từ khi hủy bỏ niêm yết nếu đáp ứng được các điều kiện niêm yết.
Xử lý vướng mắc khi giao dịch
Về quyền lợi, cổ đông vẫn có đầy đủ các quyền lợi của một cổ đông tại công ty cổ phần, được chia cổ tức khi công ty làm ăn có lãi, được quyền hoạt động như một công ty đại chúng dưới sự kiểm soát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Tuy nhiên, hầu hết các công ty có chứng khoán hủy niêm yết (tự nguyện hay bắt buộc) vẫn là công ty đại chúng, do vậy, sau khi hủy niêm yết, các công ty này vẫn chịu sự điều chỉnh của Luật Chứng khoán, điều đó đồng nghĩa với việc các chứng khoán phải được lưu ký tập trung tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán (quy định tại Điều 27 - Luật Chứng khoán hiện hành).
Nhiều trường hợp, chứng khoán sau khi hủy niêm yết trên sàn giao dịch thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội tiếp tục niêm yết trên sàn Upcom thì nhà đầu tư có thể tiếp tục giao dịch dễ dàng, tuy nhiên, trong trường hợp doanh nghiệp không đăng ký tiếp tục niêm yết trên sàn Upcom, khi muốn giao dịch, cổ đông sẽ phải xin phép cơ quan chức năng là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận. Những thủ tục này khá phức tạp và rắc rối đối với các nhà đầu tư.
Theo ông Nguyễn Sơn - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường Ủy ban Chứng khoán, hiện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang trình Bộ Tài chính cơ chế giao dịch riêng dành cho các loại cổ phiếu hủy niêm yết trên hai sở giao dịch và các doanh nghiệp đã lưu ký tại trung tâm giao dịch nhưng chưa đưa cổ phiếu vào giao dịch chính thức trên hệ thống. Nếu sớm được đưa vào áp dụng, cơ chế giao dịch này sẽ góp phần giảm thủ tục và giảm thời gian tìm kiếm đối tác giao dịch, đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư.
Ví dụ, một trường hợp ngoại lệ đối với cổ phiếu bị hủy niêm yết: Trước đây, cổ phiếu Công ty Cổ phần Cơ khí Bình Triệu (mã BTC) từng bị hủy niêm yết (2009), tuy nhiên, do số lượng nhà đầu tư khá lớn (2.000 cổ đông) và đây là chứng khoán đầu tiên bị hủy niêm yết, do vậy, để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, Sở Giao dịch TP Hồ Chí Minh vẫn cho phép BTC được giao dịch hạn chế vào đợt khớp lệnh cuối cùng của phiên, từ 10 giờ 15 phút đến 10 giờ 30 phút trước khi chuyển lên giao dịch tại sàn Upcom.
Thành Trung