Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Hùng Thuận: Tôi vẫn sống nhờ vào "cái bóng" của "bé An"!

11:00 | 10/05/2015

2,433 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đã gần 20 năm kể từ khi Hùng Thuận vào vai An trong phim "Đất phương Nam", nhưng hình ảnh của một cậu bé vừa hồn nhiên vừa đa cảm ngày nào vẫn còn in sâu vào ký ức của rất nhiều tuổi thơ…

Năng lượng Mới số 420

An của bây giờ…

Hôm nọ, lúc chạy xe ngang qua trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM, tình cờ thấy Hùng Thuận ngồi một mình trong quán cà phê đối diện trường. Hỏi ra mới biết là Thuận đang học học kỳ đầu tiên, khoa Đạo diễn của trường. Thế là tôi có cái cớ để "buộc" Thuận cà phê cùng sau đó. Sở dĩ nói là có cớ vì trước đây, tôi hay nhắn tin hẹn gặp Thuận để viết một bài về Thuận nhưng Thuận luôn từ chối. Lý do là vì "Thuận không có gì mới cả, đợi khi nào có sẽ nhắn". Vậy mà thoắt một cái đến hơn một năm sau, tôi mới gặp được Thuận.

Diễn viên Hùng Thuận

Song, không phải vì Thuận "không có gì mới" trong suốt hơn một năm đó, thật ra Thuận vẫn miệt mài trên phim trường, trên sân khấu kịch! Cá nhân tôi hiểu, Thuận không mặn mà với chuyện được lên báo, bằng chứng là tin tức mới về Thuận rất ít. Và chính Thuận cũng gần như thú nhận điều đó trong cuộc trò chuyện. Song, đó cũng là điều quá dễ hiểu đối với Hùng Thuận, người đã từng trở thành một "ngôi sao", là tâm điểm chú ý của mọi người khi còn rất nhỏ, sau vai An trong phim Đất phương Nam (ĐD Nguyễn Vinh Sơn, năm 1996). Và tính cho đến nay, Hùng Thuận đã sống trong thế giới nghệ thuật gần 20 năm - một thời gian đủ dài để con người kịp trải nhiệm với những thành bại, những va chạm trong đời sống nghệ thuật!

Đối diện với tôi là một người đàn ông vừa ngoài tuổi 30 nhưng nhìn Hùng Thuận, người đối diện sẽ thấy thấp thoáng hình bóng của An trong "Đất phương Nam" ngày nào; kể cả giọng nói cũng vậy dù có hơi khàn đi đôi chút. Có chăng, là An ngày xưa vô tư trong trẻo còn Hùng Thuận bây giờ chững chạc, nhiều ưu phiền hơn sau những va đập với cuộc sống.

Thuận nói đang đi học đạo diễn để bổ sung cho khả năng diễn xuất đồng thời là lo cho con đường sự nghiệp cho tương lai của mình. "Trước tiên, việc học sẽ hỗ trợ cho người diễn viên như Thuận rất nhiều. Giúp Thuận phân tích nhân vật đa chiều và sâu sắc hơn. Sau đó, Thuận sẽ theo thầy Nhâm Minh Hiền (Đạo diễn Nhâm Minh Hiền) để học hỏi thêm nghề và sau đó nữa sẽ là một phim tốt nghiệp, rồi đến phim đầu tay…". Thuận đang học hệ Vừa học vừa làm nên thời gian học cũng không giống ai, học ngày, học đêm. Suốt mấy tháng vừa rồi Thuận cũng không nhận bất kỳ phim nào để tập trung hoàn toàn cho việc học. Mới đây, Thuận đã thi xong học kỳ I và cho biết sẽ sắp xếp lại thời gian để tham gia đóng phim và kịch trở lại...

"Cái bóng" của An!

Đến bây giờ, khi nhắc đến Hùng Thuận thì người ta vẫn sẽ nhớ ngay đến cậu bé An, dù vinh quang từ vai diễn đó đã trả qua gần 20; và hiện tại, Thuận đã sở hửu một lượng vai kha khá, trong đó có không ít những vai diễn ấn tượng như Cường trong phim Cổng mặt Trời, Kháng trong Thời gian đề yêu, Nhẫn trong Thuyền giấy… Thậm chí, có không ít người còn không nhớ tên Hùng Thuận, họ chỉ biết "thằng An". Nhiều lần về quê, tôi nhận được câu hỏi từ những người thân rằng: "Thằng An bây giờ ra sao?!".

An của Đất phương Nam

An là một thành công quá lớn của Hùng Thuận, một cậu bé mới 10 tuổi. Nhưng danh vọng này đến một cách hồn nhiên như chính việc Thuận vào vai An vậy. Đạo diễn Nhâm Minh Hiền, khi đó là trợ lý đạo diễn cho phim "Đất phương Nam" là người đã phát hiện ra Thuận, là người đã đưa Thuận đến vai An. Thuận kể, ngày đó Thuận chưa hình dung ra đóng phim là gì, diễn xuất ra sao. Thuận hăm hở lên đường đóng phim trong tâm thế của một chuyến đi xa đầy phấn khởi. Khi nhận kịch bản, mẹ Hùng Thuận là người đã đọc kịch bản cho Thuận nghe, còn đạo diễn Nhâm Minh Hiền là người đã chỉ dẫn cho Thuận tỉ mỉ cách diễn của từng phân đoạn. Thế là từ đó, công chúng điện ảnh biết đến cậu bé An trong "Đất phương Nam" - An hồn nhiên, đa cảm và nắc nẻ trong tiếng cười đã in sâu vào ký ức của nhiều người.

"Phim công chiếu, Thuận bỗng dưng nổi tiếng cái vụt. Mọi thứ với Thuận dường như khác hẳn, từ tên gọi đến cách đối xử của mọi người, Thuận trở thành cậu bé được săn đó. Tất cả đến với Thuận như một giấc chiêm bao vậy", Hùng Thuận nhớ lại bước ngoặc của vai An. Thuận nói, là cậu bé mới 10 tuổi, Thuận bị ngợp trước hào quang. Thuận đi đến đâu, mọi người cũng đều vây lấy. Báo chí thì "săn lùng" Thuận để phỏng vấn hàng ngày. Các nhà làm phim cũng liên tiếp gọi điện, chèo kéo để có được "cậu bé vàng" trong phim của mình! Cuộc sống của Thuận bị đảo lộn, rối tung mọi thứ. Mà không riêng Hùng Thuận, ngay cả ba mẹ Thuận cũng lúng túng trong việc ứng xử với những tình huống xung quanh của con mình.

Nhưng vốn là một nhạc sĩ, là người trong giới nghệ thuật nên nhạc sĩ Hoàng Hương, ba của Thuận đã nhanh chóng lấy lại cân bằng và kịp thời giúp con mình tỉnh táo nhận thức, tránh xa những cám dỗ. "Nếu khi đó không có ba mẹ bên cạnh, tận tình chỉ bảo đến từng việc nhỏ thì Thuận hư mất. Thuận thật lòng cảm ơn ba mẹ Thuận khi đã đồng hành, bằng cách này hay cách khác trên con đường nghệ thuật của Thuận gần 20 năm qua", Hùng Thuận chia sẻ.

Có lẽ, vai An sẽ mãi mãi là vai diễn "để đời" của Hùng Thuận. Có ý kiến cho rằng, giá như ngày đó vai An chỉ thành công ít thôi để nó không trở thành một cái bóng quá lớn thì Thuận bây giờ đã có thể dễ dàng tỏa sáng hơn! Mà sự thật là không riêng gì Hùng Thuận, rất nhiều ngôi sao nhí ở Việt Nam sau khi lớn lên thường không theo nghệ thuật hoặc có nhưng không thể tìm thấy thành công như họ vốn có thể làm được lúc ấu thơ. Có lẽ, "cái bóng" vô hình nào đó là có thật! Hay hiểu đơn giản rằng, thời gian thì cứ trôi qua mà không có bất kỳ gì cưỡng lại được và những sao nhí cũng phải lớn lên. Song, khi hình ảnh "con trẻ" vẫn còn tồn tại quá sâu đậm trong nhiều người thì vô tình, mọi cố gắng của họ trong hiện tại không được công nhận như mong muốn!

Dường như, Hùng Thuận cũng là một người rơi vào trường hợp như vậy!? Tôi đem câu này hỏi Thuận, Thuận cười, ngồi hút lấy mấy hơi của điếu thuốc đang cháy dở rồi chầm rãi nói. "Thuận nghĩ như vầy, nhiều khán giả mong muốn giữ lại hình ảnh của thằng An ngày nào trong lòng thì đó là quyền của họ, Thuận không thấy buồn vì điều này. Không phải điều mà bất kỳ người diễn viên nào cũng mong muốn đó là được mọi người nhớ đến nhân vật của mình hay sao?! Ai cũng có ấn tượng đầu tiên để mọi người nhớ đến, và Thuận đã có được điều đó khá sớm. Thuận cũng không ngần ngại thừa nhận rằng, đến bây giờ Thuận vẫn còn nhờ vào "cái bóng" của thằng An để làm mọi việc!".

Có thể nói, Thuận can đảm, bởi hiếm khi nghe một nhân vật nào thừa nhận thẳng thắn như vậy; đa số cho rằng, họ đã vượt qua cái bóng cũ hay nó chỉ là một ký ức đẹp, chẳng hạn! Với Hùng Thuận bây giờ, áp lực không là phải vượt qua "cái bóng" của chính mình mà là làm sao hóa thân thật tốt vào nhiều dạng nhân vật khác nhau để chứng minh Thuận đã trưởng thành thật sự.

Nhưng, nói như thế không phải là Thuận chưa từng trải qua cái suy nghĩ nông nỗi rằng mình buộc phải vượt qua "cái bóng" của mình. Nhưng, Thuận tự hỏi lại bản thân rằng: "Mình vượt qua để làm gì? Điều đó có ý nghĩa chi? Và liệu có vượt qua được không?...". Rồi Thuận nhận ra điều đó không có ý nghĩa gì, Thuận cứ hết lòng với những vai diễn mới, còn việc mọi người vẫn nhớ và yêu quý vai An đó thật sự là một niềm vui!

An - Cò (Phùng Ngọc) bộ đội ấn tượng trong Đất phương Nam

Nhưng lẽ đời, điều gì cũng có mặt trái của nó, vinh quang hay sự nổi tiếng cũng không ngoại lệ. Hùng Thuận là một ngôi sao đúng nghĩa khi chỉ là một cậu bé 10 tuổi hồn nhiên, vô tư; song, Thuận kể rằng đi kèm theo đó là sự cô độc hết cả một quảng tuổi thơ, là sự mệt mỏi với đủ mọi sự quan tâm, soi mói của xung quanh. Và chính vì thấm thía về cái giá của sự nổi tiếng quá sớm nên Thuận không muốn con theo nghệ thuật từ nhỏ.

Con trai của Thuận vừa tròn 6 tuổi và Thuận cho biết sẽ định hướng cho con tập trung toàn bộ vào việc học ở trường; sau đó, nếu có duyên với nghệ thuật thì sẽ tham gia cũng chưa muộn. "Thuận chỉ mong muốn con thụ hưởng được một tuổi thơ bình thường, trọn vẹn như bao đứa trẻ khác", Hùng Thuận chia sẻ.

Còn tiếp...

Lê Trúc