Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Hợp tác trong một thế giới phân mảnh

14:45 | 03/01/2024

Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Khi bàn tới sự phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, có một khái niệm không hoàn toàn mới nhưng được nhắc tới như một cảnh báo, như một yêu cầu cấp bách cần tìm giải pháp khắc phục. Đó là khái niệm “phân mảnh kinh tế”.
Hợp tác trong một thế giới phân mảnh
Ảnh minh họa

Từ chỗ nền kinh tế là một thị trường lớn, là khối thống nhất thì nay đang có xu hướng phân ra nhiều mảnh. Đây thật sự là một nguy cơ và nó thách thức các nền kinh tế ngay từ đầu năm 2024. Nó thách thức bởi vì sự chia rẽ sẽ dẫn tới rạn nứt lớn trong hệ thống kinh tế và tài chính thế giới. Lời cảnh báo này đã được ông Antonio Guterrez - Tổng Thư ký Liên hợp quốc- nhấn mạnh trong thông điệp đầu năm.

Có nhiều lý do dẫn tới xu hướng lỏng lẻo, tách rời giữa các nền kinh tế. Nhưng nguyên nhân chủ yếu nhất là do cạnh tranh thương mại gay gắt giữa các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Anh, Pháp..., đặc biệt là đòn trừng phạt kinh tế của Mỹ nhằm vào Trung Quốc. Một nguyên nhân trực tiếp và nguy hiểm nữa là xung đột vũ trang bùng phát tại nhiều nơi trên thế giới, trong đó nghiêm trọng, kéo dài là xung đột Nga - Ukraine và gần đây là Israel - Hamas. Tình trạng lạm phát tăng cao đã kéo lùi tăng trưởng toàn cầu trong năm 2023 và nền kinh tế “ốm yếu” sẽ còn chật vật trong năm 2024.

Sự chống đỡ, vượt thoát vốn không dễ dàng. Khả năng ứng phó của các quốc gia sẽ ngày càng phức tạp, bởi rủi ro ngày một tăng, kéo theo sự phân mảnh của kinh tế thế giới, với những sự khác biệt về tiêu chuẩn thương mại và công nghệ, hệ thống thanh toán tiền tệ dự trữ.

Gần đây, phát biểu tại Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) với chủ đề: “Hợp trong một thế giới phân mảnh”, bà Gita Gopinath - Phó giám đốc IMF cho rằng, tình trạng phân mảnh của thương mại có thể gây tổn thất lên đến 7% GDP toàn cầu. Để dễ hình dung, bạn đọc có thể hình dung 7% đó tương đương với GDP của hai cường quốc Nhật Bản và Đức cộng lại.

Kinh tế thế giới đang hết sức khó khăn. Khoảng cách giàu nghèo giữa các quốc gia và ngay trong từng quốc gia có độ chênh ngày càng lớn. Gần đây, một báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Ngân hàng thế giới (WB) công bố một con số đáng lo ngại: hiện có tới 333 triệu trẻ em sống trong cảnh đói nghèo cùng cực, trong đó 17% sống dưới mức ít hơn 2,15 USD/ngày. Tình trạng tồi tệ nhất là ở Dải Gaza, hiện có ít nhất 10.000 trẻ em dưới 5 tuổi rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng trong thời gian tới. Hơn 80% số trẻ em ở vùng lãnh thổ này đang bị thiếu thực phẩm nghiêm trọng, trong khi gần 70% số bệnh viện không thể hoạt động do thiếu nhiên liệu, nước và các trang thiết bị y tế thiết yếu hoặc đã bị hư hại nghiêm trọng do chiến tranh.

Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai. Cuộc sống bi đát của các em là nỗi lo khôn nguôi của người lớn. Nền kinh tế bị phân mảnh. Các quốc gia đã nghèo lại càng nghèo hơn.

Tuy nhiên, tình trạng phân mảnh kinh tế không thể kéo dài mãi. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế thế giới, khối băng giá này chỉ là hiện tượng tạm thời, đặt ra những thách thức trong ngắn hạn. Về lâu dài, xu thế toàn cầu hóa sẽ điều chỉnh theo hướng cân bằng giữa hội nhập với tự chủ chiến lược. Các đối tác sẽ cùng tham gia cuộc chơi chung, tìm cách nâng cao khả năng chống chịu bên trong từng quốc gia, từng nền kinh tế.

Trong “cuộc chơi chung” đó, Việt Nam không là ngoại lệ. Rất mừng là năm 2023 nền kinh tế nước tađạt kết quả tăng trưởng tích cực trong khu vực. GDP ước tính tăng 5,05% so với năm trước, mặc dù thấp hơn mục tiêu 6,5%, nhưng cao hơn nhiều nước trong khu vực và thế giới. Sự phục hồi tốt của các hoạt động thương mại, tiêu dùng, du lịch đã góp phần bù đắp cho nền kinh tế. Đáng chú ý là khu vực dịch vụ đã có đóng góp đáng kể nhất (trên 62%) vào giá trị tăng thêm của nền kinh tế đất nước. Điều đó thể hiện sự chống chịu tốt trước các biến động của nền kinh tế toàn cầu.

Bước vào năm 2024, cùng với những kỳ vọng vào chính sách điều hành linh hoạt, cùng với sự quyết liệt hơn nữa trongviệc cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, nhất định chúng ta sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư quốc tế.

Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có có sự chỉ đạo sâu sát, kịp thời ngay từ đầu năm. Trong đó điều kiện tiên quyết là, tiếp tục giữ vững ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, nghị định, của Quốc hội, Chính phủ trong điều hành kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa chính sách tài khóa, tiền tệ và quản lý giá nhằm bảo đảm thực hiện đạt kết quả cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Muốn vậy phải luôn luôn giữ vững kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường kiểm tra, giám sát.

Chúng ta ngày càng nhận rõ vai trò của khu vực dịch vụ. Đây là giải pháp căn cơ tạo đà cho tăng trưởng và tạo việc làm cho toàn bộ nền kinh tế. Bênh cạnh đó, tiếp tục thúc đẩy và phát huy hiệu quả các động lực tăng trưởng truyền thống, khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới. Trong đó, các động lực tăng trưởng truyền thống bao gồm đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, thúc đẩy tiêu dùng nội địa, thúc đẩy và phát huy hiệu quả tăng trưởng của các đầu tàu nền kinh tế.

Phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất lao động và năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP), đầu tư cơ sở hạ tầng, đổi mới công nghệ, tăng trưởng xanh gắn với chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu... đó chính là các động lực tăng trưởng mới.

Đón bắt thời cơ từ trong thách thức, đất nước ta bước vào năm mới với niềm tin, bản lĩnh và động lực mới.

Hải Đường