Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Hoang mang đời xiếc

07:00 | 16/07/2013

1,278 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nghệ sĩ xiếc Hồng Hạnh diễm lệ xuất hiện lả lướt trong bộ trang phục màu cánh sen. Cả khán phòng vỗ tay rầm rầm. Hồng Hạnh rạp người cúi chào khán giả với tiết mục “Đế kiếm trên đu” - vốn là tiết mục “tủ” mấy mươi năm của chị. Chị cắn chặt thanh đế kiếm vào miệng và bắt đầu đu dây lượn vòng vòng. Bỗng, ánh laze vô tình chiếu thẳng vào mắt chị. Chị giật mình. Chuôi kiếm sắt tuột đà nhắm thẳng… miệng chị lao xuống. Lần ấy, may mà Hồng Hạnh chỉ bị gãy hai chiếc răng cửa.

Phóng sự của Vũ Minh Tiến

Đắng cay hơn cả… kép Tư Bền

Tai nạn lần ấy với nghệ sĩ xiếc Hồng Hạnh (Liên đoàn Xiếc Việt Nam) nó cũng chỉ là một tai nạn nhỏ trong cả cuộc đời mấy mươi năm bám nghề của chị. Đã không biết bao lần, cũng với tiết mục “Đế kiếm trên đu”, lưỡi kiếm mất trụ phóng xuống và ghim thẳng vào ngực chị. Nhẹ thì chỉ trầy da rỉ máu, nặng thì… đi viện khâu. Hồng Hạnh năm nay ngót 40, nhưng chị vẫn giữ được nét xuân sắc trên cơ thể khuôn gọn bởi được vận động đều đặn. Thời thiếu nữ mơn mởn của người diễn viên xiếc mặn mòi này đi qua bằng những vết sẹo be bét trên ngực như thế, để đến lúc gần mãn nghề rồi còn gãy mất hai chiếc răng cửa. “Đắng cay lắm, em ạ” - Hồng Hạnh lặng lẽ cười buồn.

Cho đến giờ, dù đã mấy năm trôi qua nhưng giới trong nghề vẫn nhói lòng thương xót khi kể về tai nạn thương tâm của nghệ sĩ đu dây Hồng Vân. Trong một lần đu mình biểu diễn, chị Vân bị rơi từ đỉnh rạp xuống đất. Cú ngã oan nghiệt đã làm chị bị chấn thương nặng ở đầu làm chị lú lẫn trong một thời gian dài và sau này phải “đoạn tuyệt” với nghề, chuyển sang làm công việc khác khi gần như đã thành phế nhân.

Tiết mục đạp xe trên dây rất nguy hiểm

Còn đối với anh Trần Ngọc Dũng một diễn viên gạo cội thuộc Liên đoàn Xiếc Việt Nam thì cơ thể anh bị “hủy hoại” dần dần. Tiết mục sở trường để “kiếm cơm” của anh là tiết mục “Đứng tay”. Đại loại là có một chiếc bàn tròn, trên đó có hai cái cột để diễn viến xiếc trồng cây chuối lên đó và lần lượt biểu diễn các tư thế uốn dẻo cơ thể. Chỉ vậy thôi nhưng anh Dũng mất tròn 10 năm tập luyện mới có thể hoàn thành đem ra biểu diễn. Oái oăm thay, khi mới chỉ biểu diễn được dăm lần, trong một lần tập, anh sơ ý bị ngã và bị gai khớp gối, giãn dây chằng đầu gối bên phải.

Cái xảy nảy cái ung, trong tiết mục “Đứng tay” của anh Dũng có động tác chồng đầu lên đạo cụ, dùng đầu để giữ thăng bằng. Do “trồng cây chuối” nhiều quá nên nên dây thần kinh bị chèn, cộng thêm sức ép nên anh bị thoái hóa nặng 2 đốt sống cổ. Nếu cứ tiếp tục biểu diễn, anh sẽ đối diện với nguy cơ bị liệt.

Những khiếm khuyết trầm trọng của cơ thể làm anh Dũng phải vĩnh biệt các tiết mục biểu diễn cá nhân bao năm luyện tập. Tâm huyết của người nghệ sĩ đam mê đến nửa đời bị đổ xuống sông!

Tôi bỗng nhớ đến anh kép Tư Bền trong truyện của cụ Nguyễn Công Hoan. Kép Tư Bền đắng cay mất cha nhưng vẫn phải giả lả cười trên sân khấu để mua vui cho thiên hạ. Nhưng luận ra, cùng lắm cái khổ sở của anh Bền cũng chỉ là việc phải đánh lừa tâm trạng của chính mình. Tôi tin rằng, những diễn viên xiếc kiểu như Hồng Hạnh chắc chắn có những phút đắng đót, khổ sở hơn Tư Bền nhiều. Bởi, Hồng Hạnh có khi vừa phải cười vui, vừa phải tập trung dốc lực như thể bản năng mặc kệ tâm trạng của mình ra sao, hoàn cảnh của mình thế nào. Còn vì một lẽ nữa, diễn viên xiếc thường nghèo, nghèo lắm…!

Nếu phải thống kê, chắc chả ai có thể thống kê nổi số tai nạn nghề nghiệp của nghề xiếc. Có thể liệt cái nghề này vào diện nghề “đặc biệt nguy hiểm” cũng chẳng hề quá đáng. Chẳng cần kể gì to tát, đơn giản chỉ nói về những diễn viên lắc vòng. Những tưởng tiết mục của họ là nhẹ nhàng, khoe eo thon là chính nhưng chẳng phải thế. Sự thật là, 10 diễn viên lắc vòng thì cả 10 người bị đau dạ dày nặng. Tập luyện vừa phải thì gọi là thể dục tăng cường sức khỏe, dáng vóc… còn suốt ngày lắc để thành điêu luyện như diễn viên xiếc thì không đau dạ dày mới lạ. Dễ hiểu rằng, diễn viên nhào lộn thường bị vẹo cột sống, bị ngã - nhẹ thì bong gân, gãy tay, gãy chân; nặng thì chấn thương vùng đầu và có thể mất cả tính mạng. Chưa kể họ bị rạn nứt răng hoặc kiếm, dao găm đâm vào người gây thương tích. Diễn viên uốn dẻo muốn theo nghề thì không nên sinh con, mà muốn sinh con thì phải… bỏ nghề!

Anh Tống Toàn Thắng, diễn viên thuộc Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã có hơn 20 năm gắn bó với xiếc thú và tiết mục sở trường của anh là tiết mục xiếc trăn. Điều đáng nói là, bình thường những con trăn rất hiền lành nhưng gặp phải những hôm trái gió trở trời thì những con trăn khổng lồ kia bỗng biến thành “quái vật”. Chúng khó chịu trong người và bản năng hoang dã của nó trỗi dậy. Có bận, anh Thắng quấn 3 con trăn vào người để tập luyện. Không ngờ, 3 con trăn cứ thế… co thít lại như những gọng kìm. Anh gục xuống như chuối đổ và ngất xỉu. Mọi người hô hoán lao vào gỡ 3 con trăn ra và tiêm thuốc trợ tim ngay cho anh.

Có vô số những vụ tai nạn trước với các diễn viên dạy thú của Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Nhiều người còn nhớ vụ diễn viên Hoàng Chấn bị báo vồ vào mặt gây biến dạng; Nguyễn Đức Đào, Tạ Duy Hùng bị gấu tát rách mặt; Văn Hoàn bị ngựa đá; Nguyễn Anh Tuấn bị trăn cắn; Tạ Duy Nhẫn bị khỉ cắn; diễn viên Nguyễn Hải Thanh bị voi quật... Và những vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra đối với khán giả như: Gấu của Liên đoàn Xiếc Việt Nam cắn đứt tay một khán giả nhỏ tuổi tại Đài Loan; tháng 4/2010 voi của Đoàn xiếc Hải Dương quật chết một bé trai 13 tuổi ở Đồng Nai và hai năm trước con voi tên Na của Liên đoàn Xiếc Việt Nam làm chết một bé gái 11 tuổi tại Lào Cai ngày 16/10/2011...

Nghịch lý nghề xiếc

Quả thực, chứng kiến những tiết mục xiếc trên sân khấu trong lấp loáng ánh điện với những tràng vỗ tay rào rào, rất ít người có thể tưởng tượng ra rằng, để có một tiết mục diễn ra trong vòng 5 phút, có khi người diễn viên xiếc mất đến quá nửa đời người mới có được.

Tôi đã “run bần bật” khi chứng kiến buổi tập luyện của các học viên xiếc Trường trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam. Họ không những liên tiếp chịu sức ép về thể lực mà còn chịu sức ép thần kinh rất lớn. Với những học viên nhí, không buổi tập nào không có nước mắt. Em Nguyễn Thị Tuyết, quê Hiệp Hòa, Bắc Giang đang cố tập xoạc chân - là một động tác cơ bản của môn uốn dẻo. Tuyết mới 11 tuổi, gia đình khó khăn, lại đông anh em nên em không hề ngại khó. Trúng tuyển vào trường, được xuống Hà Nội học là vinh dự lớn với gia đình. Dù cô bé đã rất cố gắng chịu đựng tập luyện nhưng mặt Tuyết vẫn tái xám sau những màn gò uốn.

Nghề xiếc luôn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro

Tuyết mới chỉ đang ở trong tuổi ăn, tuổi lớn. Cái tuổi ấy, cô bé đã phải tự lo mọi chuyện cho một cuộc sống cá nhân xa nhà. Em tự đi chợ, nấu nướng, giặt giũ và học hành. Em gắng gỏi vượt khổ tập luyện những mong mình có một tương lai sáng sủa. Tôi hỏi cô bé: “Có cách nào để bớt đi gian khổ?”. Tuyết trả lời: “Chỉ có một cách, đừng nghĩ nhiều đến nó nữa, sẽ bớt khổ hơn”.

Và tôi đã hỏi rất nhiều diễn viên rằng, với nghề xiếc, đời học đã gian nan, đời nghề còn gian nan gấp bội phần mà sao họ vẫn theo đuổi nghề. Tất cả đều có chung một câu trả lời: Đam mê. Có thống kê cho rằng, nghề xiếc là một trong 3 lĩnh vực nghệ thuật có nguy cơ bị tai nạn và bệnh nghề nghiệp vào loại cao nhất với tần suất tai nạn lên tới 40%/năm, gấp gần 20 lần so với các nghề khác. Trớ trêu là con số này lại tỉ lệ nghịch với con số thù lao phụ cấp mà một diễn viên xiếc được hưởng và ngày càng tỷ lệ nghịch với số tài năng của nghề này. Dù diễn viên có hoang mang với cuộc sống trước mắt, hoang mang với rủi ro rình rập nhưng rồi vẫn cứ theo nghề.

Chị Hoài Oanh, Phòng Tổ chức biểu diễn, Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết: “Những tai nạn trong nghề chỉ là những chông gai… trước mắt. Về lâu về dài, ngoài những khó khăn mà bất kể diễn viên xiếc nào cũng gặp phải thì người phụ nữ còn bị “ảnh hưởng” về đường con cái, ảnh hưởng tới hạnh phúc gia đình. Tuổi thọ của nghề xiếc vốn ngắn, tuổi thọ của diễn viên nữ lại càng ngắn hơn. Có người ra trường, vào nghề được 2-3 năm đã nghỉ vì “theo chồng bỏ cuộc chơi”.

“Nói ra thì chẳng ai tin nhưng lương của em giờ chỉ được 2 triệu đồng/tháng, hưởng 50-80 nghìn đồng/buổi diễn, mỗi tháng cũng chỉ dưới 10 buổi diễn. Có lẽ em cũng chẳng thể sống lâu được với nghề”, diễn viên Ngọc Trúc cho biết.

Xác định thực tế về nghề xiếc như thế nên rất nhiều diễn viên phải bỏ nghề, tìm kiếm những lời mời gọi khác hấp dẫn hơn. Đặc biệt, giới trẻ ngày nay không còn mặn mà với nghề xiếc. Họ chỉ đến với nghề để mưu sinh và khi nghề không nuôi nổi họ thì họ ra đi. Nhiều năm qua, ngành xiếc đã thiếu về nguồn nhân lực trẻ lại nghèo về tài năng. Với một ngành nghề thì đó đã gần như là bi kịch.

“Thực sự vẫn còn những diễn viên gắn bó, tâm huyết với nghề nhưng họ không thể làm được gì khi khó khăn vẫn chất chồng mà mức thu nhập cứ được đà xuống dốc. Họ cần lắm sự đổi mới của ngành xiếc, sự quan tâm của các doanh nghiệp cũng như báo đài để khích lệ về quyền lợi để diễn viên tâm huyết với nghề”, chị Hoài Oanh thổ lộ.

Chuyện làm nghề đã vậy, chuyện đào tạo nghề cũng lắm điều trớ trêu. Phải khẳng định ngay rằng, muốn có những diễn viên xiếc đẳng cấp thì khâu đào tạo nắm vai trò chính yếu. Nhưng, cái thứ nghề “sai một li… đi mười dặm” rất khó để tìm kiếm nhân tài. Chính TS Hoàng Minh Khánh, Hiệu trưởng Trường trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam đã phải thốt lên rằng: “Chúng tôi đang lăn lộn kiếm học sinh”.

Như một lẽ tự nhiên, lấn cấn về vấn đề thu nhập của nghề diễn viên xiếc nên nguồn tuyển sinh của trường xiếc chủ yếu hướng về… con em nông dân ở các vùng sâu, vùng xa. Đơn giản, các em ở những vùng ấy chỉ muốn thoát nghèo và ra Hà Nội học!

TS Khánh buồn bã kể rằng: “Từ năm 2006, kế hoạch và thời gian tuyển sinh của trường từ trước đến nay là từ trung tuần tháng 3 đến trung tuần tháng 7 thì kết thúc. Bắt đầu từ năm nay, trường quyết định thời gian tuyển sinh thêm gần 1 tháng nữa. Năm vừa qua, vòng sơ tuyển, chúng tôi đã đi đến gần 100 trường THPT và THCS và tuyển được gần 3 nghìn ứng viên. Trong những vòng tiếp theo, chúng tôi chỉ chọn được 33 em đạt yêu cầu chuyên môn. Thật là buồn, khi nộp hồ sơ nhập học chỉ có 22 em. Đáng buồn hơn nữa khi nhập học rồi lại tiếp tục 6 em xin thôi học, cả khóa chỉ còn lại 16 em”.

Có một thực tế là dù Nhà nước đã cải thiện chế độ ưu đãi với học sinh Trường Xiếc nhưng có vẻ những điều ấy chẳng thấm tháp gì và nó không thể cứu nổi thực tế bi đát kia. Chế độ ưu đãi nói ra thì vô cùng “áy náy”: Mỗi năm 1 học sinh được lĩnh 2 bộ quần áo tập (1 bộ dài, 1 bộ ngắn), 2 đôi giày, 4 đôi tất..., ngoài ra đối với con em dân tộc thiểu số, hoặc các gia đình có hoàn cảnh khó khăn thì được giảm trừ 50% học phí... Nhưng “của đáng tội”, học phí của Trường Xiếc chỉ có 50.000đồng/tháng/học sinh (bao gồm cả kinh phí đào tạo văn hóa phổ thông) thì việc miễn giảm 50% liệu có ích gì? Trong khi đó, những chi phí chủ yếu là 80.000 đồng/tháng tiền ở nội trú ký túc xá; khoảng 500.000đồng/tháng tiền ăn… thì không thấy ai đả động đến. Mà với những gia đình ở vùng sâu, vùng xa số tiền đó có thể nuôi được cả một gia đình trong 1 tháng.

TS. Khánh chua xót: “Lệ phí tuyển sinh có 10.000đồng/thí sinh mà trường cũng không thu được. Bởi nếu thu lệ phí thì làm sao có thể tuyển được con em nhân dân nghèo vùng sâu, vùng xa?”. Ông nói xong rồi vội quay đi.

Tôi nhìn những diễn viên xiếc nhí quần quật tập luyện, cắn răng chịu đau mà sao chạnh lòng đến vậy. Các em đều đến từ những miền xa tít nào đó vượt khó tập luyện ngoài đam mê còn là ước vọng thoát nghèo và giấc mơ về tương lai sáng láng từ ánh đèn sâu khấu. Có lẽ các em chưa đủ lớn khôn để biết rằng thứ nghề mà các em đang theo đuổi nó cũng đang chòng chành như những sợi dây trong môn đi thăng bằng - vốn là một trong những môn khởi thủy của nghề xiếc kia vậy…

Các học viên Trường trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam đang tập luyện tiết mục nhào lộn

Thời gian gần đây, vượt qua những khó khăn nội tại, xiếc Việt Nam đã đoạt được những giải thưởng quốc tế như: Huy chương Vàng cho tiết mục “Đu siêu nhân” tại Liên hoan Xiếc quốc tế lần thứ ba tổ chức ở Tây Ban Nha, Huy chương Vàng ở tiết mục “Sức mạnh đôi tay” và Huy chương Đồng với tiết mục “Du xuân” trong Liên hoan Xiếc quốc tế lần thứ ba tổ chức tại Việt Nam năm 2010.

TS Hoàng Minh Khánh, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam cho biết: “Theo quan điểm cá nhân tôi, nếu các cơ sở đào tạo chỉ duy nhất quan tâm đến chế độ chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với học sinh thì chưa hẳn đã đúng.

Bởi thời gian học tập của các em học sinh tại trường chỉ có 5 năm. Mà thời gian sau khi tốt nghiệp mới chính là cuộc đời. Hơn nữa, thời gian học tập của các em còn đang ở độ tuổi vị thành niên nên các em được gia đình và Nhà nước bao cấp lo cho toàn bộ chi phí học tập và sinh hoạt. Một thực tế nữa cho thấy, chi phí của gia đình học sinh cho đào tạo một diễn viên xiếc chuyên nghiệp không hề tốn kém nếu so sánh với các lĩnh vực đào tạo khác.

Đặc biệt, học phí của các em hiện tại chỉ có 50.000đồng/tháng/học sinh. Điều tôi đặc biệt quan tâm ở đây là vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo, làm sao để các em có một trình độ chuyên môn đạt đẳng cấp quốc tế, để các em có đủ tư cách và điều kiện đi lưu diễn ở nước ngoài và có thể sống đàng hoàng bằng đồng tiền do chính nghề nghiệp của mình đem lại”.

 

V.M.T