Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Hoan nghênh một sự sửa sai

15:35 | 18/05/2012

435 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 27/3/2012, Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao & Du lịch kí quyết định số 1153 sáp nhập hai nhà hát Kịch Việt Nam và Tuổi trẻ thành Nhà hát Kịch Quốc gia Việt Nam, khiến hầu hết nghệ sĩ ở hai đơn vị nghệ thuật này ngỡ ngàng, bởi họ không hề được bàn bạc, tham gia xây dựng đề án thành lập Nhà hát Kịch Quốc gia mà lẽ ra với tư cách các thành viên, theo tinh thần làm chủ, họ phải được hỏi ý kiến và trực tiếp góp phần làm nên đề án.

NSƯT Lan Hương và nhiều nghệ sĩ khác của Nhà hát Kịch Việt Nam cũng không đồng ý sáp nhập hai nhà hát (Ảnh: Dân trí)

Càng bức xúc hơn khi họ biết rõ ý tưởng sáp nhập chỉ từ một cá nhân, không hoàn toàn xuất phát từ lợi ích chung mà nhằm phục vụ ý đồ riêng nhưng đã nhanh chóng được Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch phê chuẩn, ra quyết định mà cũng không tìm hiểu xem các nghệ sĩ ở hai đơn vị có đồng tình, ủng hộ?

Chẳng những chỉ các nghệ sĩ của hai nhà hát phản ứng chủ trương sáp nhập mà dư luận xã hội cũng không đồng tình, bởi đó là hai đơn vị nghệ thuật có thương hiệu, nhiều năm qua được công chúng ghi nhận bởi rất nhiều tác phẩm sân khấu được dàn dựng có giá trị khiến họ ưa thích. Nhà hát Kịch Việt Nam là “anh cả” của sân khấu kịch nói nước nhà, từng rạng rỡ với hàng loạt vở kịch nổi tiếng ở trong nước và nước ngoài (Quẫn, Lửa hậu phương, Quê hương, Đôi mắt, Hồn Trương Ba, Âm mưu và tình yêu, Lu Ba, Ni La, Câu chuyện Iêcut, Chuông đồng hồ điện Cremlanh, Đứng gác dưới ánh đèn nê-ông…). Có thời gian nhà hát này gặp khó khăn nhưng gần đây đã hồi sinh, bước đầu lấy lại được phong độ và uy tín.

Sinh sau đẻ muộn nhưng Nhà hát Tuổi trẻ cũng nhanh chóng sống được trong lòng công chúng Thủ đô với nhiều vở kịch nói, chương trình ca nhạc, hài kịch có giá trị. Nơi đây đã từng dựng thành công nhiều vở kịch nổi tiếng trong 100 kiệt tác sân khấu thế giới. Đây là một trong số ít đơn vị sân khấu ở Hà Nội thường xuyên sáng đèn đêm đêm. Những nghệ sĩ có tài năng, tên tuổi nhất của sân khấu phía Bắc phần lớn hội tụ ở hai nhà hát này.

Một nhà hát vẫn đang trên đà làm ăn tốt, một nhà hát khác vẫn ở ngôi vị “anh cả”, bắt đầu lấy lại phong độ. Hà cớ gì sáp nhập dẫu với bất cứ lý do nào? Mục tiêu lớn nhất và duy nhất của bất cứ sự thay đổi nào (về cơ cấu tổ chức, nhân sự cũng như phương thức hoạt động) bao giờ cũng là phục vụ tốt nhất cho sự phát triển để đáp ứng cao nhất nhu cầu hưởng thụ của công chúng. Ngoài ra, không có bất cứ nguyên cớ nào khác, càng không thể vì quyền lợi của cá nhân nào dẫu là ai, có vị thế ra sao. Và cứ cho rằng việc sáp nhập là cần thiết (Ví dụ như: Khi hai nhà hát hiện tại không hoạt động được, có nguy cơ phải giải thể) thì cũng bắt buộc phải có lộ trình, được số đông nghệ sĩ thành viên đồng thuận và khi lập dự án phải có sự tham gia bàn bạc, đóng góp trí tuệ của họ. Chỉ khi nào việc này được tiến hành trọn vẹn, ổn thoả, khi ấy mới có thể hợp nhất.

Gộp vào thành một đơn vị rất to, ở dưới vẫn có những đơn vị tồn tại độc lập, có lãnh đạo riêng trong khi không sáp nhập, vẫn đang hoạt động tốt thì để làm gì? Ấy là chưa nói đến sự bất khả thi sau khi hợp nhất trong bối cảnh hiện tại của nước ta khi cơ ngơi mới đòi hỏi rất nhiều đầu tư về tài chính và nhiều mặt khác.

Bất cứ lĩnh vực gì càng phát triển, càng nên cho ra đời thêm nhiều đơn vị hoạt động mới có thể đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Đó là quy luật tự nhiên. Chính vì vậy mà trước sự bất đồng thuận của các nghệ sĩ ở hai nhà hát, Bộ VH – TT & DL đã tuyên bố tạm dừng việc sáp nhập. Như vậy, quyết định số 1153 ký ngày 27/3/2012 tạm thời được bãi bỏ.

Một quyết định vội vàng và đáng tiếc nhưng biết khắc phục ngay sai lầm âu cũng là điều cần thiết, đáng hoan nghênh. Và đây cũng là bài học về việc trước khi quyết định việc gì liên quan trực tiếp đến quần chúng, cần lắng nghe tiếng nói và thực sự tôn trọng quyền làm chủ của họ. Chỉ như vậy mới mong dẫn tới thành công.

Ninh Bình