Hồ sơ về một cuộc giải cứu con tin (Kỳ 3)
Hồ sơ về một cuộc giải cứu con tin (Kỳ 2) | |
Hồ sơ về một cuộc giải cứu con tin (Kỳ 1) |
Trong đời làm công an của mình, chưa khi nào mà Thiếu tướng Phạm Chuyên phải đối phó với một tình huống éo le và nhạy cảm quá mức như vậy. Cho đến giờ này, đã gần hai tiếng trôi qua mà vẫn chưa biết được đối tượng tên là gì, quê quán ở đâu, vì sao hắn lại liều lĩnh phạm tội như thế, và ngoài con dao hắn sử dụng thì không biết hắn có vũ khí nóng hay không?
Mặc dù rất tin tưởng vào những cán bộ, chiến sĩ đang tham gia vụ giải cứu, nhưng ông vẫn vô cùng lo lắng, bởi ông quá biết những chuyện bất ngờ có thể xảy ra ngoài ý muốn trong khi phá án. Biết ông từ sáng chưa kịp ăn gì, anh em gọi cho ông một bát súp và một ly nước cam. Nhưng ông chẳng còn tâm trí nào mà ăn nữa. Hàng loạt phương án giải cứu con tin được ông nghĩ đến, nhưng căn cứ vào những gì mà Đại tá Nguyễn Đức Nhanh báo cáo, ông thấy có lẽ phương án khả thi hơn cả là nổ súng tiêu diệt tên cướp. Ông cố xua đuổi cái ý nghĩ "phải nổ súng" ra khỏi đầu, bởi ông quá biết những rủi ro có thể xảy ra khi phải nổ súng.
Trên đường đi, Đại tá Nguyễn Đức Nhanh gọi điện báo cáo với Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Trương Hữu Quốc. Lập tức lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát điện cho Công an Bắc Giang, Lạng Sơn đưa lực lượng ra sẵn sàng hỗ trợ Công an Hà Nội.
Đại tá Nguyễn Đức Nhanh cũng liên tục gọi điện thoại trao đổi với các đồng chí trong Ban Chỉ huy Phòng CSHS và Công an Tây Hồ để tính toán phương án giải cứu con tin. Nhưng vào thời điểm này thì cũng chưa ai tìm ra được phương án xử lý để có thể vừa bắt được tên cướp mà lại cứu được cháu bé. Hàng loạt phương án được đặt ra nhưng tất cả đều nặng về phương án thuyết phục tên cướp.
Cũng có những phương án đề ra đó là tạo cớ chặn xe rồi sau đó bất ngờ tấn công giải thoát cho cháu bé. Nhưng qua quan sát của các cảnh sát đặc nhiệm đi môtô thì tên cướp vẫn rất tỉnh táo và cảnh giác cao độ. Con dao của hắn nếu như không gí vào cổ Nguyễn Hữu Biên để thúc anh chạy nhanh thì lại kê vào cổ cháu bé. Đến thị xã Bắc Ninh thì đường bị tắc bởi chắn tàu. Các chiến sĩ đặc nhiệm lao lên và họ chỉ nghe thấy tiếng cháu bé khóc ngằn ngặt vì đói sữa. Cháu bé khóc to đến nỗi mà những người ở cách xe đến cả chục mét vẫn nghe thấy.
Tiếng khóc của cháu bé như xé lòng cán bộ, chiến sĩ. Trưởng Công an quận Tây Hồ Nguyễn Phúc Quang bảo một chiến sĩ công an mua ngay sữa Vinamilk bán bên đường để cho cháu uống. Nguyễn Việt Chức và hai chiến sĩ đặc nhiệm đến bên chiếc xe. Anh giơ hộp sữa ra và bảo tên cướp cho cháu bé uống nhưng gã cũng không nghe. Chức ra hiệu cho gã quay cửa kính hé xuống để anh nói chuyện nhưng hắn rất cảnh giác. Sau khi đường được khai thông gã lại hét Nguyễn Hữu Biên cho xe chạy nhanh.
Tên cướp kề dao vào cháu bé ở trong ô tô. |
Còn trong xe, Nguyễn Hữu Biên ruột nóng như lửa đốt. Lúc ở Bắc Ninh, Nguyễn Hữu Biên đã lừa hắn là bảo lấy cho anh chai nước rồi mở chai nước cho anh uống. Anh hy vọng rằng chỉ cần hắn bỏ con dao ra mở chai nước là anh có thể quay người tấn công ngay được nhưng mưu kế nhỏ này của anh cũng không thành công. Hắn không những không mở chai nước cho anh mà còn gào lên: "Mày không cần phải uống lúc này, lát nữa tao sẽ cho uống thoải mái". Đoàn xe vùn vụt lao đến thị xã Bắc Giang thì lại bị tắc cầu. Phó Công an quận Tây Hồ Nguyễn Xuân Yên đến bên chiếc xe để thuyết phục tên cướp nhưng cũng vô ích.
Lúc này, các chiến sĩ đặc nhiệm dưới sự chỉ huy của Nguyễn Thanh Hùng và Nguyễn Việt Chức đã tiếp cận được gần chiếc xe taxi và các anh xin nổ súng tiêu diệt tên cướp nhưng chưa kịp hành động thì đoàn xe đã di chuyển chậm cho nên không thể nào nổ súng được. Đại tá Nguyễn Đức Nhanh bàn với Trung tá Nguyễn Đức Bình, Trưởng phòng CSHS là phải chọn thời điểm để nổ súng tiêu diệt tên cướp.
Cho đến bây giờ, mặc dù 11 năm đã trôi qua nhưng khi nhắc lại vụ này, Thiếu tướng Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc Công an TP Hà Nội ngày nay vẫn cảm thấy ớn lạnh khi nhắc đến việc phải chọn phương án tiêu diệt tên cướp vào thời điểm đó. Lúc ấy trong lòng anh ngổn ngang suy nghĩ, việc bắn chết hắn thì không khó, nhưng muốn bắn hắn thì phải bắn xuyên qua cửa kính mà không biết rằng kính xe dày mỏng đến độ nào? Sức công phá của viên đạn có bị ảnh hưởng gì không? Khi phải phá vỡ kính xe và rồi liệu viên đạn có bị thay đổi hướng đi sau khi xuyên qua cửa kính hay không? Nếu như viên đạn thay đổi hướng đi tên cướp có thể bị thương nhưng liệu viên đạn có thể gây tổn thương cho cháu bé không?
Tại Công an tỉnh Lạng Sơn, sau khi nhận điện của đồng chí Trương Hữu Quốc - Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát thì Phó giám đốc Chỉ huy Cảnh sát của Công an tỉnh Lạng Sơn đã giao ngay nhiệm vụ cho Phòng CSGT tổ chức "gây ách tắc đường". Đồng thời triển khai các phương án nhằm ngăn chặn không cho xe vượt qua biên giới.
Từ Bắc Giang lên Lạng Sơn có những đoạn đường đang mở rất xấu, nên khi đến đoạn chạy tốt thì tên cướp bắt Biên phải chạy tốc độ 120km/giờ. Đến khoảng gần 14h30' khi đến thôn Cả, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, nơi đây là một khúc cua khá gấp và có núi ở bên đường. Tên cướp bảo Nguyễn Hữu Biên cho dừng xe, hắn bảo Biên: "Mày bảo tất cả cảnh sát lùi lại phía sau quả núi kia, bảo chúng nó mang một chiếc xe Win đến đây rồi tất cả cảnh sát lùi xa 500m. Các xe phải quay đầu về hướng Hà Nội. Nếu đúng, tao sẽ giao đứa bé".
Anh em đặc nhiệm phóng xe máy đến, Biên hạ cửa kính xuống và nói yêu cầu của gã. Sau khi nghe báo cáo, Đại tá Nguyễn Đức Nhanh cảm thấy nhẹ nhõm vì như vậy là đã có hướng giải thoát. Một cuộc hội ý chớp nhoáng ở ngay ven đường và các anh thống nhất chấp thuận yêu cầu của tên cướp. Mọi người đều thống nhất rằng ngay sau khi cháu bé được an toàn thì sẽ tấn công tên cướp, và nếu vẫn chưa cảm thấy an toàn vì biết đâu gã lại có súng, lựu đạn thì cứ "thả" cho gã đi.
Một tốp cảnh sát đặc nhiệm bí mật bò dưới đường thoát nước để tới gần chiếc taxi. Các cảnh sát hình sự khác bí mật bao vây toàn bộ quả núi để phòng khi hắn trốn vào rừng. Trong lúc đó một tốp khác thì mang chiếc xe Win đến để bên cạnh chiếc taxi. Còn tất cả mọi người đều lùi lại phía sau khoảng 200m. Nhưng tên cướp vẫn không đồng ý, hắn yêu cầu đoàn xe cảnh sát bám theo phải quay đầu xe về phía Hà Nội, còn tất cả lùi lại phía sau quả núi. Một bầu không khí căng thẳng nghẹt thở bao trùm tất cả. Mọi người chờ đợi phút tên cướp xuất hiện ở ngoài xe.
Trong xe, tên cướp ngoái cổ lại nhìn và khi thấy không còn một bóng cảnh sát nào nữa thì hắn cười gằn và nói Nguyễn Hữu Biên: "Tao đâu có ngu như thế. Bây giờ tao mà ra khỏi xe thì sẽ bị bắn chết ngay. Mày cho xe chạy ngay, phóng thật nhanh không để chúng đuổi kịp". Thế là trong lúc mọi người đang chờ đợi thì chiếc xe taxi đã lao vụt đi. Gã nói với Biên: "Mày mà cho xe chạy chậm tao giết thằng bé này". Kim đồng hồ chỉ tốc độ 80 rồi vọt lên 100km/h nhưng hắn vẫn gầm lên: "Chạy nhanh hơn nữa". Biên van vỉ: "Anh ơi, chạy thế này, khéo văng bánh xe ra ngoài thì chết cả đấy". Gã nói luôn: "Mày cứ chạy đi, không chết đâu mà lo, đến chỗ nào vắng, tao sẽ xuống".
Đúng lúc này trời đổ mưa sầm sập. Các chiến sĩ đặc nhiệm phóng môtô đuổi theo không mũ, không áo mưa mà đường đang sửa nên nhiều đoạn đường trơn như đổ mỡ. Nhưng thật là may mắn, không có một chiếc xe nào của anh em bị đổ. Ngồi trong xe ôtô, Đại tá Nguyễn Đức Nhanh lo vô cùng, anh gọi điện cho Công an Lạng Sơn và đề nghị phải khẩn trương "tạo ra" một vụ ách tắc ở một đoạn đường đèo nào đó.
Thấy đoàn xe vẫn cứ vun vút lao đi, Nguyễn Phúc Quang lo "dựng tóc gáy" và anh đã nghĩ đến một tình huống là tên cướp liều mạng cho xe lao qua phía bên kia biên giới, mà nếu hắn làm được điều đó thì tai họa sẽ là khôn lường. Chắc chắn lực lượng Công an cửa khẩu, Bộ đội Biên phòng của cả Việt Nam và Trung Quốc sẽ nổ súng mà người bị tiêu diệt đầu tiên không phải là tên cướp mà đó chính là người lái xe. Công an Lạng Sơn triển khai các phương án để chặn chiếc xe lại và cũng tính đến phương án phải tiêu diệt "thằng lái xe" trước bởi trong quá trình nhận điện từ Tổng cục Cảnh sát thì cũng không được nói rõ người lái xe taxi chính là cảnh sát hình sự của Công an Hà Nội đóng giả. Đã có nhiều lúc không nhìn thấy chiếc taxi đâu nữa bởi hắn chạy quá nhanh.
Ở vùng rừng núi, sóng điện thoại di động hay bị ngắt nên nhiều lúc sự liên lạc bị gián đoạn và mỗi khi Thiếu tướng Phạm Chuyên bấm máy gọi, nghe thấy tiếng cô nhân viên tổng đài thẽ thọt: "Số máy quý khách vừa gọi hiện đang vùng ngoài phủ sóng..." thì ông như muốn phát điên lên. Lúc này, ngoài nỗi lo phải cứu được cháu bé Thiếu tướng Phạm Chuyên lại lo... tai nạn. Ông chẳng lạ gì đoạn đường từ Bắc Giang lên Lạng Sơn. Đường tuy đang cải tạo nhưng vẫn nhiều đèo cao, dốc đứng. Tên cướp bắt lái xe chạy liều mạng như thế và anh em đuổi theo cũng phải liều mạng không kém... Ngộ nhỡ anh em bị tai nạn thì thật đáng buồn.
Đại tá Nguyễn Đức Nhanh thấy rằng, đã đến lúc phải ra tay tiêu diệt tên cướp. Bởi cứ kéo dài tình trạng thế này, để chiếc xe lao vào thị xã Lạng Sơn mà với tốc độ như vậy rất có thể gây tai nạn cho người đi đường. Anh ra lệnh cho Nguyễn Thanh Hùng chuẩn bị nghe sẵn sàng tiêu diệt tên cướp khi chiếc xe dừng lại. Vì chiếc xe taxi chạy quá nhanh nên đoàn xe đuổi theo không nhìn thấy hắn đâu và đến mỗi khúc rẽ, mọi người lại phải để ý xem lái xe có rẽ vào đường đó hay không.
Có lúc cảnh sát đặc nhiệm phải dừng lại hỏi người dân ven đường là có thấy chiếc xe taxi nào màu trắng vừa chạy qua. Và khi được biết là có một chiếc như vậy vừa đi khỏi thì mọi người lại cắm cổ đuổi theo. Trời thoắt mưa rồi thoắt tạnh. Ở trong xe ôtô thì không có vấn để gì nhưng những cảnh sát đặc nhiệm có anh phải cởi trần và phóng môtô đuổi theo thì quả là những người có thần kinh thép và sức chịu đựng khủng khiếp.
Qua điện thoại di động, Đại tá Nguyễn Đức Nhanh liên lạc với Công an Lạng Sơn thì được biết CSGT và CSHS đã "gây ra" một vụ tắc đường ở cách thị xã Lạng Sơn hơn 50 cây số. Đại tá Nguyễn Đức Nhanh lập tức ra lệnh cho Nguyễn Thanh Hùng thực hiện phương án tiêu diệt tên cướp.
Quả nhiên, khi vừa qua ải Chi Lăng thì đã thấy một đoàn xe dài dằng dặc bị chặn lại. "Thủ phạm" gây tắc đường là hai "ông" xe tải Kamaz loại sơmi rơmoóc "đấu đầu" nhau. Hai lái xe thì "không ông nào chịu nhường ông nào". Các CSGT chạy ngược chạy xuôi, thổi còi toe toe, nhưng nếu tinh ý thì sẽ thấy ngay rằng họ đang đóng kịch. Một tốp CSGT của Công an Lạng Sơn do được thông báo trước nên đã đến bên chiếc xe taxi Bông Lúa và "hành tỏi" người lái xe là Nguyễn Hữu Biên. Nào là tại sao xe chạy nhanh thế; nào là bắt lái xe ra để trình giấy tờ... Biên thì cứ cố thanh minh và van xin theo "giọng" của lái xe taxi và cũng là để nhằm đánh lạc hướng tên cướp. Nhưng khi anh em CSGT thấy tên cướp vẫn đặt dao bên cạnh cổ cháu bé thì mọi người biết đó là việc nghiêm trọng nên đều phải lùi ra xa.
Đại tá Nguyễn Đức Nhanh gọi Nguyễn Đức Bình, Nguyễn Thanh Hùng, Nguyễn Việt Chức, Nguyễn Phúc Quang đến: "Bây giờ phải tiêu diệt nó thôi. Ai sẽ làm việc này?". Nguyễn Việt Chức và Nguyễn Thanh Hùng xung phong ngay. Nhìn Phó phòng CSHS Nguyễn Thanh Hùng và Đội trưởng Đội đặc nhiệm Nguyễn Việt Chức, Đại tá Nguyễn Đức Nhanh hoàn toàn tin tưởng bởi vì anh quá biết trình độ nghiệp vụ cũng như khả năng chiến đấu của hai người.
Suốt nhiều năm làm cảnh sát điều tra, và đã cùng nhau kề vai sát cánh trong một số cuộc truy bắt tội phạm nguy hiểm, Nguyễn Đức Nhanh chưa bao giờ thấy hai anh lùi lại phía sau. Bao giờ họ cũng là những người đầu tiên xông lên phía trước. Mới trước đó vài tháng, Nguyễn Thanh Hùng đã dẫn đội đặc nhiệm tiêu diệt một tên cướp ở thị xã Bắc Giang trong khi hắn có súng và có lựu đạn.
Có thể tự hào mà nói rằng, CSHS Hà Nội không những giỏi nghề, mưu trí mà các anh còn rất "tinh quái" trong những trận chiến đấu. Có lẽ vì thế mà rất nhiều năm không có một CSHS nào của Công an TP Hà Nội bị thương vong trong những trận đánh nhau với bọn tội phạm có vũ khí nóng...
(Còn tiếp)
N.N.P
-
Kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam trong thời đại mới
-
Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng
-
Phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 7-7,5%
-
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nêu giải pháp phát triển kinh tế báo chí
-
Báo chí đã có những bước phát triển về nội dung, đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng