Họ đã trốn thuế như thế nào?
Luxembourg được xem là thiên đường trốn thuế
Phát hiện lớn này thuộc về Hiệp hội quốc tế các nhà báo điều tra (ICIJ). Ngày 6/11/2014, hầu hết tất cả cơ quan thông tấn quốc tế đã nhận được các tài liệu của ICIJ tiết lộ về việc Luxembourg đã thỏa thuận với 340 tập đoàn đa quốc gia trên thế giới để các công ty này được giảm thuế.
Theo các tài liệu mà ICIJ và các tờ báo lớn như Le Monde của Pháp, The Guardian của Anh, Suddeutcsche Zeitung ở Đức hay Ashahi Shimbun của Nhật thì các thỏa thuận trên đã được ký trong khoảng từ năm 2002 đến năm 2010 đã khiến cho các quốc gia có các công ty trên hoạt động kinh doanh thất thu hàng tỷ USD tiền thuế.
Trong cuộc điều tra kéo dài 6 tháng có tên gọi “Luxembourg Leaks”, các nhà báo của hiệp hội ICIJ đã tiếp cận 28.000 trang tài liệu cho thấy cách thức những đại tập đoàn đã dựa vào Luxembourg và những quy định thuế mềm dẻo của quốc gia này cũng như những thiếu hụt về luật lệ quốc tế để chuyển lợi nhuận nhằm trốn hoặc được giảm thuế. Ở Luxembourg, các công ty này chỉ phải đóng một mức thuế rất thấp (1%), hoặc thậm chí thấp hơn.
Theo báo cáo, các công ty này đã thuê tư vấn thuế làm việc với Chính phủ Luxembourg, đàm phán để được hưởng một mức thuế ưu đãi nhất. Cũng theo báo cáo, các công ty ở Mỹ, Anh đứng đầu danh sách, tiếp đến là các công ty tại Đức, Hà Lan, Thụy Sĩ. Một loạt các đại công ty như Pepsi Bottling, Ikea và FedEx, Deutsche Bank , AIG, Coach, Burbery… đều có tên trong danh sách này.
Cơ quan trợ giá của Liên minh châu Âu đang điều tra những giao dịch thuế giữa Amazon và Luxembourg, vì cho rằng trong những thỏa thuận này có thể đã đánh giá thấp lợi nhuận của công ty bán lẻ này và cho nó lợi thế không công bằng.
Trong trường hợp PepsiCo, tài liệu cho thấy công ty con là Pepsi bottling Group Inc dùng một chi nhánh ở Luxembourg để sắp xếp một loạt các khoản vay giữa các công ty của PepsiCo, để giảm thuế trên tiền mua 1,4 tỉ USD cổ phần của JSC Lebedyansky, công ty nước ép lớn nhất ở Nga.
Luxembourg từ lâu nay vẫn được coi là “thiên đường thuế quan” nhưng đây là lần đầu tiên báo chí phanh phui ra cả một hệ thống trốn thuế quy mô toàn cầu như thế này.
Các viên chức Luxembourg phủ nhận sự tồn tại của bất kỳ thỏa thuận ưu ái nào trong hệ thống pháp luật. Trong cuộc họp báo hôm qua về những phát giác trên, Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel khẳng định cách làm thuế như vậy của đất nước ông là “phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Tuy nhiên nếu chứng minh được các quy định của Luxembourg hỗ trợ cho việc trốn thuế thì quốc gia này sẽ bị trừng phạt nặng. Đồng thời uy tính của Chủ tịch Ủy ban châu Âu hiện nay là ông Jean Claude Juncker sẽ bị ảnh hưởng nặng nề vì ông từng là Thủ tướng Luxembourg từ năm 1995 đến năm 2013.
Cuối tháng 10/2014, các Bộ trưởng tài chính Liên minh châu Âu đã đạt được một thỏa thuận mang tính khai thông, sẽ khiến những người gian lận thuế khó cất giấu tiền hơn. Luật mới - vốn bị ngăn chặn từ nhiều năm qua bởi những nước nổi tiếng là những nơi lý tưởng để trốn thuế - đã được thông qua sau khi Luxembourg và Áo đồng ý không bỏ phiếu phủ quyết. Tuy nhiên theo các chuyên gia, điều này không có nghĩa là thành phần trốn thuế không còn nơi nào để cất giấu tiền.
Một số chuyên gia kinh tế ước tính có đến 8% của cải tài chính trên thế giới, tức hơn 7.000 tỷ USD, được cất giấu ở các nước được xem thiên đường trốn thuế. Nếu toàn bộ số tiền bất hợp pháp này được báo cáo đúng mức thì số tiền thu thuế trên thế giới sẽ tăng khoản trên 200 tỷ USD/năm.
Nh.Thạch
tổng hợp
-
Hợp tác Việt Nam - EU theo hướng phát triển xanh và bền vững
-
Diễn đàn Hợp tác Việt Nam - EU: Nỗ lực thích ứng vì một tương lai bền vững
-
Diễn đàn hợp tác Việt Nam - EU 2024: “Nỗ lực thích ứng vì tương lai thịnh vượng bền vững”
-
Phát thải khí nhà kính của EU giảm mạnh
-
Nga đòi bồi thường hơn 1 tỷ đô la từ gã khổng lồ dầu mỏ Anh