Hiệu quả chống "quái vật" Delta của vắc xin Moderna
Vắc xin Covid-19 của Moderna (Ảnh: Reuters). |
Theo kết quả nghiên cứu do Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) công bố ngày 12/8, khả năng bảo vệ của vắc xin Moderna trước biến chủng Delta, biến chủng chủ đạo tại nhiều khu vực trên khắp nước Mỹ, hầu như không giảm đi sau 6 tháng kể từ khi tiêm chủng.
NIH sẽ tiếp tục nghiên cứu hiệu quả của vắc xin Moderna sau 6 tháng tiêm chủng.
"Lượng kháng thể nhận diện tất cả biến chủng, bao gồm B.1.351 (Beta) và B.1.617.2 (Delta), ở mức cao và được duy trì ở tất cả đối tượng thí nghiệm trong suốt thời gian này", nhà miễn dịch học Nicole Doria-Rose và các đồng nghiệp tại Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia thuộc NIH cho biết trong báo cáo được đăng trên tạp chí Science.
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành xét nghiệm máu từ 24 tình nguyện viên được tiêm chủng đầy đủ vào một số thời điểm. Mẫu máu được lấy vào lúc 4 tuần sau khi tiêm liều vắc xin Moderna đầu tiên, sau đó tiếp tục lấy máu vào 3 thời điểm khác nhau sau khi tiêm liều vắc xin Moderna thứ 2.
"Vào thời điểm cơ thể phản ứng mạnh nhất với liều vắc xin thứ 2, tất cả người tiêm vắc xin đều có kháng thể phản ứng với tất cả biến chủng", nhóm nghiên cứu cho biết.
Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng 2 tuần sau liều thứ hai của vắc xin Moderna, tất cả các mẫu máu đều có kháng thể để trung hòa các biến chủng.
Sau khi tiêm vắc xin Moderna, kháng thể phản ứng hiệu quả với tất cả biến chủng phổ biến nhất hoặc đáng lo ngại nhất gồm B.1.1.7 (Alpha), B.1.351 (Beta), P.1 (Gamma), B.1.429 (Epsilon), B.1.526 (Iota) và B.1.617.2 (Delta).
Moderna ngày 5/8 tuyên bố vắc xin Covid-19 do hãng sản xuất có 93% hiệu quả bảo vệ trong 4-6 tháng sau liều tiêm thứ 2. Tuy nhiên, dù vắc xin có hiệu quả bảo vệ cao, nhưng Moderna khuyến cáo việc tiêm thêm một mũi vắc xin tăng cường sẽ là cần thiết trước mùa đông vì mức độ kháng thể có thể suy yếu.
Moderna cho biết các nghiên cứu của hãng về 3 ứng viên vắc xin liều tăng cường đã tạo ra kháng thể mạnh mẽ chống lại các biến chủng Gamma, Beta và Delta.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) ngày 13/8 cũng cho phép tiêm liều vắc xin thứ ba của Moderna và Pfizer-BioNTech cho những người bị suy giảm miễn dịch. Hiện có một bộ phận người Mỹ bị suy giảm miễn dịch vì nhiều lý do, như bệnh nền hay sử dụng một số loại thuốc. Cùng với Pfizer, Moderna là vắc xin sử dụng công nghệ mRNA.
Trong năm nay, Moderna đã ký hợp đồng sản xuất vắc xin trị giá 20 tỷ USD và sẽ sản xuất từ 800 triệu tới một tỷ liều. Ngoài ra, hãng cũng có các thỏa thuận vắc xin trị giá 12 tỷ USD vào năm 2022 và dự kiến sản xuất 2-3 tỷ liều vắc xin vào năm tới.
Vắc xin của Moderna đã được phép sử dụng khẩn cấp cho dân số trưởng thành ở Mỹ vào tháng 12/2020. Kể từ đó, Moderna đã được cho phép sử dụng khẩn cấp hoặc có điều kiện ở người trưởng thành tại hơn 50 quốc gia.
Theo Dân trí
-
Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng
-
Dự án Luật Điện lực (sửa đổi): Cần cụ thể hóa các chính sách cải cách giá điện
-
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét thông qua 15 luật và 13 dự án luật
-
Kỷ luật 2 nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng
-
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3