Hậu Covid-19: Xác định "nguy trong cơ"
PV: Dịch Covid-19 đã làm thay đổi nhiều giá trị. Theo ông, sự thay đổi nào là quan trọng nhất?
PGS.TS Trần Đình Thiên |
Ông Trần Đình Thiên: Con người phải thay đổi tư duy phát triển sau dịch Covid-19. Bởi thực tế cho thấy, các chuỗi cung ứng trên toàn cầu đứt gãy toàn bộ theo đúng nghĩa không có liên hệ nào. Trong sự thay đổi đó, đáng quan tâm là tư duy toàn cầu hóa. Covid-19 không đơn giản chỉ là chuyện con virus nhỏ bé, mà đây là vấn đề toàn cầu, vì vậy, nó chính là yếu tố cấu thành khái niệm toàn cầu hóa hoàn toàn mới và hiện đại.
PV: Có thể hiểu Covid là tai họa nhưng cũng là cơ hội buộc chúng ta phải thay đổi, thưa ông?
Ông Trần Đình Thiên: Covid là tai họa nhưng cũng tạo cơ hội để thay đổi thế giới. Hậu Covid-19 là giai đoạn là “bình thường mới”, chứ không phải trở lại “bình thường cũ”.
Nhiều ý kiến cho rằng phải cứu tất cả doanh nghiệp (DN), để DN phục hồi, để nền kinh tế “hồi sinh”. Nhưng hồi phục như thế nào? Cấu trúc của DN nói chung là yếu, nếu cứu để làm sống lại hệ thống cũ và yếu kém như vậy khi thế giới bứt lên đẳng cấp công nghệ mới thì ý nghĩa của việc “cứu” đó là gì? Tại sao không đặt vấn đề trong điều kiện ngân sách Nhà nước hạn hẹp, nên bớt phần cứu trợ các DN ốm yếu, ít có triển vọng vươn lên, dành một phần đáng kể để khởi tạo hệ thống DN mới, hỗ trợ các DN khởi nghiệp sáng tạo đích thực? Theo tôi, hồi sinh nền kinh tế không phải là cứu các DN “đời cũ” ốm yếu, để phục hồi nền kinh tế cũ, đẳng cấp thấp, sức cạnh tranh yếu.
Ngân sách như 1 bình sữa. Nếu 100 người đều trông chờ vào bình sữa này, mỗi người sẽ chỉ có 1 giọt, có thể đủ để cả 100 người cầm cự. Nhưng khi khủng hoảng đi qua, 100 người này này vẫn sống, nhưng đều rất yếu, đều “nằm bẹp”, không ai gượng dậy dược. Như vậy, lấy ai khôi phục nền kinh tế? Nền kinh tế không có gì thay đổi, không có sáng tạo, sẽ tiếp tục bi kịch “tụt hậu xa hơn”.
Nhưng nếu bình sữa đó chỉ rót cho 50 hoặc 30 người, sẽ tạo sức bật cho họ vươn lên, không phải chỉ cầm cự qua ngày đoạn tháng nữa. Chính họ sẽ tạo sức hồi sinh cho những người đang gay go vì chưa được cứu trợ đợt đầu. Đặc biệt, cứu được DN lớn sẽ tạo trụ cột phục hồi, tạo động lực phát triển cho cả nền kinh tế. Đó là cách lựa chọn khôn ngoan khi nguồn cứu trợ có hạn.
Đầu tư phát triển công nghệ để kinh tế phát triển |
PV: Theo ông, trạng thái “bình thường mới” của Việt Nam thời hậu Covid-19 là gì?
Ông Trần Đình Thiên: “Bình thường mới” của Việt Nam đặt ra hai vấn đề: “Tìm cơ trong nguy” và xác định “có nguy trong cơ” hay không. Lâu nay, đa số mọi người hướng tới “tìm cơ trong nguy”. Tôi nhấn mạnh hơn khía cạnh “nguy trong cơ”. Chúng ta đã bỏ lỡ nhiều cơ hội do “cơ biến thành nguy” mà không biết.
Trong bối cảnh các chuỗi sản xuất đang dịch chuyển mạnh khỏi Trung Quốc, đây là cơ hội lớn, thậm chí mang tính lịch sử. Nhưng chúng ta có tận dụng được cơ hội hay không lại là chuyện khác. Rất dễ nhìn thấy trong cái “cơ” lớn này có cái “nguy” thách thức. Không thể coi thường nguy cơ “bội thực” FDI chất lượng thấp. |
Về “tìm cơ trong nguy”, phải xác định vươn lên bằng những thay đổi từ nội lực, tìm kiếm những lợi ích chiến lược, tìm cơ hội để vượt lên đẳng cấp phát triển mới mà lúc bình thường, cố mãi không làm được. Không nên và không thể “tìm cơ” theo kiểu “nhặt nhạnh” cơ hội, kiểu “tranh thủ”, “kiếm chác”. Ví dụ, với dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI), chúng ta phải chuẩn bị các điều kiện để hút những dòng FDI lớn, chất lượng tốt, chứ không phải cứ ngồi đón sung rụng hay chào đón những dự án nhỏ lẻ, công nghệ thấp, mục tiêu khai thác lợi thế “tầm thấp”. Hay như xuất khẩu, lúc khó khăn, chúng ta phải chủ động tìm kiếm thị trường mới, có thể giúp thay đổi cơ cấu thương mại, từ đó thay đổi cơ cấu sản xuất lên đẳng cấp mới, cao hơn, chứ không nên cứ tranh thủ đẩy mạnh bán hàng ở những thị trường quen thuộc đang thiếu những thứ ta đang có sẵn nhưng chất lượng thấp.
Về vấn đề “nguy trong cơ”, nếu không tận dụng được cơ hội thì sẽ là nguy cơ. Việt Nam đang được coi là tọa độ hấp dẫn FDI. Trong bối cảnh các chuỗi sản xuất đang dịch chuyển mạnh khỏi Trung Quốc, đây là cơ hội lớn, thậm chí mang tính lịch sử. Nhưng chúng ta có tận dụng được cơ hội hay không lại là chuyện khác. Trong khi đó, rất dễ nhìn thấy trong cái “cơ” lớn này có cái “nguy” thách thức. Không thể coi thường nguy cơ “bội thực” FDI chất lượng thấp.
PV: Trước “nguy” và “cơ” như vậy, chúng ta làm gì để đưa nền kinh tế bật lên, tăng trưởng khả quan, thưa ông?
TS Trần Đình Thiên: Vấn đề nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt hiện không thuần túy là kinh tế, mà là vấn đề toàn cầu và tổng thể, nên phải giải quyết tổng thể. “Hồi sức cấp cứu” rất quan trọng, nhưng đừng làm mờ đi những vấn đề chiến lược:
Thứ nhất là làm sao để nền kinh tế Việt Nam có thể đứng dậy được, chứ không phải tất cả DN đều đứng dậy được.
Thứ hai là thoát khỏi sự lệ thuộc vào một số thị trường.
Thứ ba là năng lực để có thể gia nhập nền kinh tế hiện đại, phải có hệ thống thể chế tương thích, nguồn lực mới, thể chế mới công khai minh bạch mới mong tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Nói chung, Covid-19 như một cơ hội lịch sử để chúng ta thoát khỏi tư duy cũ, cải cách thể chế, đầu tư phát triển khoa học công nghệ, kinh tế số...
PV: Xin cảm ơn ông!
Tú Anh
-
Thúc đẩy chuyển đổi xanh trong sản xuất nông sản, thực phẩm sang EU
-
Giải pháp phát triển các giống cây đậu tương trong tương lai
-
Hướng tới đàm phán thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa
-
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam: Đánh giá 5 năm thực hiện quy hoạch báo chí
-
Vai trò của lãnh đạo báo chí và doanh nghiệp với phát triển bền vững