Hàng giả, hàng nhái vẫn lộng hành
Tràn lan hàng giả
Thực hiện chỉ đạo của Cục Quản lý thị trường (QLTT), vừa qua, 5 đội QLTT TP HCM đã tiến hành kiểm tra đột xuất ở hàng loạt cửa hàng kinh doanh thời trang tại chợ Bến Thành, thu giữ nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng nước ngoài được bày bán tràn lan. Lực lượng QLTT đã thu giữ hàng nghìn chiếc đồng hồ, mắt kính, túi xách… giả các nhãn hiệu: Rolex, Omega, Citizen, Franck Muller, Patek Philippe, Piaget, Montblanc, Chanel, Longiness, Dior, Hermes, H&M, Louis Vuitton...
QLTT TP HCM kiểm tra hàng hóa tại chợ Bến Thành |
Theo các tiểu thương, hầu hết sản phẩm nhái thương hiệu được mua từ các đầu mối tại TP HCM với giá rất mềm. Theo đó, giá sỉ chỉ vài chục nghìn đồng/sản phẩm, giá bán lẻ dao động từ 100.000 đồng đến 1,5 triệu đồng/sản phẩm.
Có mặt trong buổi kiểm tra, ông Nguyễn Văn Bách - Phó chi cục trưởng Chi cục QLTT TP HCM - cho biết: Toàn bộ số hàng giả, hàng nhái này sẽ bị tịch thu, tiêu hủy và các chủ cửa hàng vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định. Cửa hàng nào tái phạm nhiều lần sẽ bị xử phạt theo tình tiết tăng nặng, thậm chí rút giấy phép kinh doanh.
Liên quan đến hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tại thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp nước ngoài nhìn nhận, với hơn 90 triệu dân, Việt Nam trở thành thị trường tiêu dùng tiềm năng. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã có kế hoạch xâm nhập thị trường Việt Nam. Thế nhưng, khi vào đây, doanh nghiệp gặp phải không ít khó khăn vì tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng giả thương hiệu nước ngoài tràn ngập thị trường thông qua các kênh phân phối hiện đại lẫn truyền thống. Trong đó, hàng giả chủ yếu là hàng thời trang, bánh kẹo, mỹ phẩm.
Ông Jeong Jong Yeon - đại diện Orion Group cho biết, Orion Group có tuổi đời 62 năm với nhiều sản phẩm bánh ngọt nổi tiếng được người tiêu dùng các nước lựa chọn và tin dùng. Tuy nhiên, tại thị trường Việt Nam, sản phẩm Choco-Pie của công ty bị làm giả rất nhiều bằng cách thiết kế bao bì giống, nhưng tên gọi khác, ví dụ như: bánh Choco-Pie thành Choco Pai, hộp bánh 12 cái nhưng làm còn 8 cái. Thậm chí, có doanh nghiệp làm giả kiểu dáng Choco-Pie Hàn Quốc rồi cho xuất khẩu sang các nước Trung Đông và các nước châu Á khác.
Doanh nghiệp tư vấn người tiêu dùng phân biệt hàng thật, hàng giả |
Theo Luật sư Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM, hàng giả, hàng nhái xuất hiện rất phổ biến từ những mặt hàng tiêu dùng thông thường, hàng điện, điện tử đến những mặt hàng liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người và cả tem chống hàng giả cũng bị làm giả.
Thời gian xuất hiện hàng giả, hàng nhái hiện nay cũng nhanh hơn trước rất nhiều. Nếu trước đây, sau khi doanh nghiệp cho ra đời sản phẩm mới, phải trên nửa năm mới có hàng giả, hàng nhái, thì hiện nay, chỉ khoảng nửa tháng là hàng giả, hàng nhái đã xuất hiện ngoài thị trường. Thủ đoạn cũng tinh vi hơn và mang yếu tố nước ngoài nhiều hơn. Rất nhiều doanh nghiệp là nạn nhân, bị thiệt hại nặng về doanh thu do mất thị phần tiêu thụ, uy tín bị ảnh hưởng lớn bởi hàng giả, hàng nhái.
Tăng cường kiểm tra, xử phạt
Bà Jaeheon Lee - Trung tâm Nghiên cứu sở hữu trí tuệ Hàn Quốc (KISTA) cho biết, hiện nay ngày càng nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, bị vi phạm về sở hữu trí tuệ. Rất nhiều người mua hàng giả, hàng nhái qua kênh bán lẻ hiện đại, truyền thống và cả kênh thương mại điện tử. Đáng nói là nhiều người biết rõ là hàng nhái, hàng giả nhưng vẫn mua nên đã tiếp tay cho hàng giả phát tán trên diện rộng. Việt Nam cần nâng cao việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ hơn nữa, tăng cường giám sát thực phẩm, dược phẩm là những mặt hàng được làm giả phổ biến trên thị trường và gây nguy hại đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Theo các chuyên gia, hiện nay hệ thống cơ sở pháp lý về sở hữu trí tuệ ở Việt Nam khá nhiều, bao gồm: Luật Sở hữu trí tuệ, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự; Luật Cạnh tranh… Thế nhưng, các chế tài xử lý vi phạm được quy định ở các văn bản dưới luật rất chồng chéo, chính vì vậy, nhiều khi doanh nghiệp phát hiện sản phẩm bị vi phạm sở hữu trí tuệ không biết gửi đến cơ quan nào, điều này gây khó cho cả doanh nghiệp lẫn người thực thi pháp luật. Bên cạnh đó, việc xử phạt vi phạm còn quá nhẹ, không đủ để cá nhân, tổ chức làm hàng giả, hàng nhái từ bỏ bởi lợi nhuận kiếm được cao hơn nhiều so với tiền nộp phạt nếu bị phát hiện.
Hàng giả các nhãn hiệu nổi tiếng nước ngoài phổ biến trên thị trường |
Về phía doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp biết hàng hóa của mình bị làm giả nhưng không dám lên tiếng do sợ nếu công bố thì người tiêu dùng sẽ hoang mang, quay lưng lại với cả sản phẩm thật.
Về phía người tiêu dùng, khi mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, bên cạnh việc ngại khiếu kiện, chủ yếu muốn giải quyết bằng hòa giải. Với phương thức mua bán không cần hóa đơn phổ biến hiện nay, nhiều khiếu nại của người tiêu dùng cũng không thành công vì không có chứng từ thể hiện giao dịch giữa người khiếu nại và người bị khiếu nại.
Ông Trần Hùng, Phó cục trưởng Cục QLTT, nhấn mạnh: “Việc kinh doanh hàng giả, hàng nhái gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng và làm xấu hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Cần tăng cường kiểm tra liên tục và xử lý nghiêm, tránh tình trạng bắt cóc bỏ đĩa. Sắp tới, chúng tôi sẽ kiến nghị phân công trách nhiệm rõ ràng của từng đơn vị để công tác kiểm tra, kiểm soát hàng giả hiệu quả hơn”.
Ông Hùng nhấn mạnh, nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp trong nước làm ăn chân chính có thể yên tâm vì cơ quan quản lý không những đồng hành cùng doanh nghiệp mà còn nâng cao trách nhiệm quản lý, xử lý nghiêm các vi phạm về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trốn thuế…
Quyết định 334/QĐ-BCT ngày 24-1-2018 của Bộ Công Thương về phê duyệt Kế hoạch đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo xuất xứ tại các địa bàn trọng điểm đến hết năm 2020 khẳng định rõ, Chính phủ Việt Nam luôn xác định chống hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ là nhiệm vụ quan trọng bởi những mặt hàng này làm thiệt hại ngân sách, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, giảm sút niềm tin của người tiêu dùng.
Với phương thức mua bán không cần hóa đơn phổ biến hiện nay, nhiều khiếu nại của người tiêu dùng cũng không thành công vì không có chứng từ thể hiện giao dịch giữa người khiếu nại và người bị khiếu nại. |
Thanh Hồ
-
Giá vàng hôm nay (11/11): Thị trường thế giới giảm trong phiên giao dịch đầu tuần
-
Giá dầu hôm nay (11/11): Giảm trong phiên giao dịch đầu tuần
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 11/11: Giá dầu thế giới giảm nhẹ đầu phiên
-
Chính sách thuế quan của ông Trump có thể dẫn đến nhu cầu dầu suy giảm?
-
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long: Giá điện khí LNG cần phải theo cơ chế thị trường