Hàng giả, hàng nhái đang tung hoành
Năng lượng Mới số 390
Với sự đa dạng về chủng loại hàng hóa cùng với phương thức làm giả ngày càng tinh vi, hàng giả, hàng nhái thật sự trở thành mối lo ngại đối với những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chân chính và với nền kinh tế. Bên cạnh nhiều trường hợp mua lầm thì vẫn còn không ít người tiêu dùng chọn mua hàng giả, hàng nhái vì giá rẻ, tạo ra sức cầu khá mạnh cho loại hàng này. Đón đầu nhu cầu tiêu dùng cuối năm, buôn bán hàng giả, hàng nhái thường nở rộ và diễn biến phức tạp hơn.
Chị Nguyễn Ngọc T, nhân viên bán hàng tại Trung tâm Thương mại Parkson Hùng Vương TP HCM bày tỏ, các mặt hàng mỹ phẩm, quần áo, giày dép, túi xách giả các thương hiệu nổi tiếng thế giới được bày bán khá phổ biến ở các trung tâm mua sắm, chợ, vỉa hè đã từ rất lâu. Chỉ cần vài chục ngàn người tiêu dùng dễ dàng mua được các sản phẩm thời trang nhái thương hiệu: Chanel, Louis Vuitton, Hermes, Gucci... trong khi giá hàng thật của các nhãn hiệu này rất đắt đỏ.
Tư vấn cho người tiêu dùng phân biệt hàng thật, hàng giả
Theo chị T, một chiếc áo thun hiệu Lacoste thật giá bán khoảng 2 triệu đồng/chiếc nhưng hàng nhái xuất xứ từ Thái Lan thì giá chỉ 150-180 ngàn đồng/chiếc, hàng nhái xuất xứ Việt Nam giá bán khoảng 120 ngàn đồng/chiếc. Hoặc một chiếc quần Jean hiệu Levis giá cũng từ 2 triệu đồng/chiếc trở lên nhưng hàng giả chỉ có giá 300-400 ngàn đồng/chiếc... Mặc dù chính người tiêu dùng biết đó là hàng giả, hàng nhái nhưng họ vẫn mua vì giá rẻ. Thậm chí nhiều khách du lịch nước ngoài cũng tìm mua hàng giả tại các địa điểm mua sắm ở nước ta bởi ở nhiều quốc gia không chỉ người bán mà cả người mua hàng giả, hàng nhái đều bị xử phạt nặng.
Khảo sát tại chợ đầu mối Bình Tây (quận 6, TP HCM), chúng tôi thật sự bất ngờ trước sự phong phú của “hàng hiệu” nhái nơi đây. Rất nhiều mỹ phẩm, túi xách nhái thương hiệu nổi tiếng thế giới bày bán công khai với giá rẻ. Xem một chiếc túi xách in thương hiệu Hermes khá bắt mắt, chúng tôi được người bán ra giá 400 ngàn đồng/chiếc. Họ cũng không ngại ngần khẳng định với chúng tôi đây là hàng nhái bởi hàng thật thì giá cả tỉ đồng/chiếc; nhiều loại mỹ phẩm hiệu: L’Oreal, Lancome, Shiseido... cũng được bán với giá chỉ vài chục ngàn đồng/sản phẩm. Điều đáng nói hầu như các mặt hàng này đều được bày bán một cách công khai mà người bán không lo ngại việc có thể bị cơ quan chức năng kiểm tra, xử phạt!
Không chỉ các nhãn hiệu nước ngoài, rất nhiều nhãn hiệu uy tín trong nước cũng đã bị làm giả. Theo tính toán của Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam thì hiện nay có trên 30 ngành hàng bị làm giả, từ hàng cao cấp cho đến hàng bình dân, từ hàng công nghiệp, nông nghiệp cho đến văn hóa phẩm.
Thống kê của Chi cục Quản lý thị trường TP HCM cho thấy, các mặt hàng làm giả nhiều nhất là hàng thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm, hàng điện tử, điện lạnh... Bằng nhiều cách các mặt hàng này được nhập lậu vào thành phố bằng cả đường bộ, đường thủy, đường hàng không, sau đó chia nhỏ đi các nơi để tiêu thụ. So với hàng thật, hàng giả, hàng nhái hầu như chỉ khác những chi tiết rất nhỏ nên người tiêu dùng khó có thể nhận biết. Ngay cả đến các cơ quan quản lý trong nhiều trường hợp cũng phải dùng đến các máy móc hiện đại hoặc nhờ chính đơn vị sản xuất hàng thật đến để phân biệt thật - giả. Do đó, việc kiểm tra, kiểm soát gặp không ít khó khăn.
Trong tình hình công tác quản lý nạn buôn bán hàng hàng giả, hàng nhái còn nhiều bất cập thì việc chống vấn nạn này vẫn chưa được doanh nghiệp nêu cao. Nguyên nhân chủ yếu là phần đông doanh nghiệp tại Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, tiềm lực tài chính hạn hẹp nên không đủ sức chống đỡ. Hầu hết các doanh nghiệp có sản phẩm bị làm giả đã chọn giải pháp “im lặng”.
Ông Ngô Đức Hòa, Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Dệt may Thắng Lợi chia sẻ, không riêng gì nhãn hàng Thắng Lợi, rất nhiều sản phẩm của các thương hiệu dệt may uy tín trong nước đã bị làm giả, thậm chí những người kinh doanh hàng giả còn công khai mở cả những cửa hàng để phân phối sản phẩm giả với giá chỉ bằng 1/2-1/3 giá hàng thật, ảnh hưởng rất lớn uy tín và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, kinh nghiệm từ nhiều trường hợp cho thấy việc khiếu kiện rất mất thời gian, công sức và tiền của nhưng không mang lại nhiều kết quả nên đa số doanh nghiệp chỉ chọn giải pháp tìm những điểm khác biệt giữa hàng giả và hàng thật để tuyên truyền giúp người tiêu dùng phân biệt, mặc dù biết giải pháp này không thật sự hiệu quả.
Trong khi các doanh nghiệp còn e ngại thì lực lượng chức năng lại rất cần sự phối hợp của doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả của công tác phòng chống hàng giả. Ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam cho rằng: “Nếu doanh nghiệp quyết tâm cùng lực lượng chức năng chống hàng giả thì tình trạng làm hàng giả, hàng nhái sẽ giảm. Đơn cử, Diageo Việt Nam, trong vòng 4 năm qua đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng phá 18 vụ làm hàng giả tại nhiều địa phương trên cả nước, hạn chế hàng giả thương hiệu này trên thị trường. Thực hiện tốt công tác này ngoài đem lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp cũng thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp trong bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng”.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Phó chủ tịch UBND TP HCM, chống hàng gian, hàng giả là giải pháp trọng điểm, lâu dài tại thành phố. Thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, công tác phòng chống hàng giả thu được kết quả rất khả quan. Năm 2014, tại TP HCM các cơ quan đã tổ chức gần 60.000 đợt kiểm tra, kiểm soát hàng gian, hàng giả, gian lận thương mại, thu tiền xử phạt trên cả ngàn tỉ đồng và chuyển sang các cơ quan chức năng để xử lý vi phạm hơn 342 hồ sơ. Tuy đã có nhiều chuyển biến nhưng công tác chống hàng giả vẫn còn là thách thức lớn bởi quy mô và mức độ tinh vi của hoạt động này, đặc biệt TP HCM là nơi giao thương thuận lợi nên các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả luôn nhắm tới. Ngoài nỗ lực của các cơ quan chức năng, để chống hàng giả hiệu quả rất cần sự chung tay của doanh nghiệp và người tiêu dùng trong cuộc chiến này. Khi bị tẩy chay, không còn thị trường tiêu thụ thì chắc chắn hàng giả cũng không có đất sống.
Tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái tràn lan đã trở thành một thách thức lớn với nền kinh tế, đến độ các chuyên gia lo ngại sẽ hình thành lên cả một ngành công nghiệp sản xuất hàng giả. Mặc dù đã các cơ quan chức năng đã tăng cường những biện pháp quản lý. Các vụ phát hiện, xử lý buôn bán hàng giả ngày càng tăng cao nhưng dường như vẫn chưa đủ sức răn đe vì lợi nhuận của hoạt động này mang lại quá lớn. Tết nguyên đán 2015 đã cận kề và người tiêu dùng vẫn phải canh cánh nỗi lo hàng gian, hàng giả gia tăng khi mua sắm. Song thiết nghĩ, bên cạnh sự siết chặt quản lý của các cơ quan chức năng, cần có sự chung tay của doanh nghiệp, sự cảnh giác người tiêu dùng để đẩy lùi hàng giả, hàng nhái.
Mai Phương
-
[Chùm ảnh] Lớp tập huấn nghiệp vụ cho chủ tịch công đoàn cơ sở tham quan cảng Vietsovpetro
-
[PetroTimesTV] Cảm xúc kỳ bảo dưỡng
-
“Mùa xuân và người lính biển” - cảm xúc đong đầy của người dầu khí
-
[PetroTimesTV] Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khảo sát một số công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh Cà Mau
-
[PetroTimesTV] Hoàn thành vượt tiến độ đại tu tổ máy H2 tại Thuỷ điện Đakđrinh