Hại cho dân, cần tránh!
Bảo Dân (NLM số 249)
Hiện nay, mỗi công dân có thể sở hữu đến khoảng 20 loại giấy tờ bao gồm: giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn, hộ khẩu, thẻ bảo hiểm y tế, chứng minh nhân dân, hộ chiếu, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, các loại thẻ, chứng chỉ, quyết định của cơ quan hành chính Nhà nước... Mỗi loại giấy tờ đều có số khác nhau, nhưng lại cùng chứa đựng những thông tin cơ bản về hộ tịch của cá nhân (họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch...). Và quan trọng nhất là giấy nào cũng quan trọng, mất giấy nào “chết” giấy ấy.
Để gỡ vướng này, Dự thảo Luật Hộ tịch đưa ra là quy định số định danh cá nhân. Tại tờ trình mới, cơ quan soạn thảo nêu rõ mục tiêu xây dựng dự án Luật Hộ tịch là nhằm tạo cơ sở pháp lý ổn định, thống nhất, lâu dài cho công tác đăng ký, quản lý hộ tịch ở Việt Nam theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, bảo đảm quyền, nghĩa vụ đăng ký hộ tịch của người dân một cách thuận lợi, góp phần tăng cường quản lý dân cư trong tình hình mới.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Luật Hộ tịch chiều 13/8
Gồm 6 chương và 68 điều, dự thảo quy định nội dung, nguyên tắc đăng ký hộ tịch; quyền, nghĩa vụ đăng ký hộ tịch; thẩm quyền, thủ tục đăng ký, cấp xác nhận hộ tịch; cơ sở dữ liệu hộ tịch; hộ tịch viên; trách nhiệm của cơ quan Nhà nước trong quản lý hộ tịch. Nội dung đáng chú ý tại dự thảo luật là quy định về số định danh cá nhân, là dãy số tự nhiên được lập trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm mã hóa những thông tin cơ bản của cá nhân, được cấp cho mỗi cá nhân để đáp ứng yêu cầu tra cứu thông tin, phục vụ lợi ích của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
Theo lập luận của cơ quan soạn thảo, khi xây dựng thành công cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và mỗi công dân có một số định danh sẽ tạo ra sự đột phá quan trọng trong quản lý Nhà nước, quản lý dân cư, phục vụ tích cực cho việc giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến cho người dân, cũng như trong lĩnh vực hộ tịch.
Trong điều kiện phát triển của công nghệ kỹ thuật số, trước yêu cầu của công tác quản lý hộ tịch trong tình hình mới thì việc quy định “số định danh cá nhân” là hết sức cần thiết. Số định danh cá nhân chỉ được cấp một lần duy nhất cho cá nhân, được ghi vào sổ bộ hộ tịch, trích lục hộ tịch và giấy tờ khác theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, khi đưa ra thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, dự thảo luật và tờ trình chưa thuyết phục. Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội thắc mắc: “Số định danh cá nhân có liên quan gì đến 20 loại giấy tờ mà người dân đang mang vác cùng với cuộc đời. Nếu thực hiện từ 2016 đến 2020, liệu sau 2020 mỗi công dân có số định danh sẽ còn lại bao nhiêu giấy tờ?”. Cũng cùng ý kiến băn khoăn này, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận xét: “Dự án luật này phát sinh thêm nhiều giấy tờ và thủ tục hành chính cho nhân dân, tăng thêm biên chế tổ chức, nhân sự quản lý, tăng thêm kinh phí chứ không thấy có giảm. Khi ra số định danh cá nhân, tên tuổi, năm sinh, mã số thuế... mỗi cá nhân chỉ cần một số định danh không?”.
Chưa biết Luật Hộ tịch có giúp Nhà nước quản lý vấn đề hộ khẩu hay không, nhưng nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại Luật Hộ tịch sẽ gây thêm phiền phức cho người dân.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, nếu chưa đủ điều kiện, mọi vấn đề chưa được giải quyết khả thi thì không trình ra Quốc hội. Chúng ta đang học tập đạo đức của Bác Hồ: “Cái gì lợi cho dân nhỏ mấy cũng phải làm. Cái gì hại cho dân thì nhỏ mấy cũng cần tránh”. Ông cũng đặt hàng loạt câu hỏi cho ban soạn thảo như: Một người dân có bao nhiêu giấy tờ liên quan đến phạm vi điều chỉnh, sau khi làm rồi còn bao nhiêu giấy? Trước đi mấy cửa, giờ chạy mấy cửa? Chẳng hạn, khi đăng ký kết hôn ở đâu chưa biết, nhưng phải đến xã để đăng ký hộ tịch. Khi ly hôn phải ra tòa, lại bắt mang giấy đó chạy về xã đăng ký tôi đã bỏ vợ. Bắt dân làm việc đấy, người ta có làm không?...
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị cần làm rõ khi Luật Hộ tịch ra đời sẽ thay thế được bao nhiêu loại giấy tờ; cần làm rõ tính khả thi và sự phù hợp với điều kiện kinh tế Việt Nam. Ông cho rằng, theo dự thảo, sổ hộ tịch làm bằng giấy, ghi từ khai sinh, kết hôn, giám hộ nhận cha mẹ nuôi, thay đổi quốc tịch, đến khai tử... nhưng chưa biết sổ dùng cho một hộ, một người, hay mỗi xã một quyển?
Rút kinh nghiệm từ việc thay đổi chứng minh nhân dân ghi cả tên bố mẹ, gây lãng phí, Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải xem xét thận trọng. Nếu cần thí điểm làm vài thành phố. Thường vụ Quốc hội thống nhất chưa trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, giao lại cho Chính phủ hoàn thiện.
Với dự kiến ban đầu trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ tư vào cuối năm 2012, Dự án Luật Hộ tịch đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận lần đầu từ phiên họp tháng 9/2012. Tuy nhiên, trước quá nhiều băn khoăn chưa có lời giải thỏa đáng, dự án luật này đã được đề nghị lùi lại để chỉnh sửa, hoàn thiện thêm!
B.D
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo
Luật Điện lực (sửa đổi) phải là “trụ đỡ” pháp lý vững chắc để năng lượng mới, năng lượng tái tạo phát triển đúng kỳ vọng
-
Kỷ luật 2 nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng
-
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3
-
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo
-
Luật Điện lực (sửa đổi) phải là “trụ đỡ” pháp lý vững chắc để năng lượng mới, năng lượng tái tạo phát triển đúng kỳ vọng
-
[Chùm ảnh] Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm và làm việc tại huyện đảo tiền tiêu Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị