Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Hạ trần lãi suất: Đồng thuận chứ chưa đồng lòng

05:02 | 01/05/2012

415 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những động thái gần đây của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang được kỳ vọng sẽ tạo ra những bước đột phá trong việc thực hiện chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế của Chính phủ. Tuy nhiên, khi mà những hiệu ứng tích cực vẫn còn bỏ ngỏ thì mối lo “đi đêm” vượt trần lãi suất của các ngân hàng lại được nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo và mục tiêu hạ lãi suất cho vay nhằm kích cầu nền kinh tế xem ra rất khó thực hiện.

Nhiều NH vẫn âm thầm huy động vốn vượt trần lãi suất quy định.

“Sóng ngầm” xé rào

Sự đồng thuận của hệ thống NH trong việc thực hiện quyết định hạ trần lãi suất huy động về 12% là không phải bàn cãi khi mà ngay trong ngày 11/4, hàng loạt các NH Thương mại như OceanBank, Tienphong Bank, BIDV, ABBanhk… đều công bố giảm mức lãi suất huy động. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế thì trên thị trường vẫn có một số NH, đặc biệt là các NH nhỏ vẫn huy động với lãi suất 16-17%/năm cho số tiền từ vài trăm triệu đồng trở lên của khách hàng cá nhân.

Theo nguồn tin riêng của PV Báo Năng lượng Mới, ngay sau khi Thông tư 08/2012 về việc quy định lãi suất tối đa đối với tiền gửi đồng Việt Nam áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng trở lên giảm xuống 12%/năm có hiệu lực thì Chi nhánh NH Thương mại T ở quận Hai Bà Trưng vẫn chỉ đạo nhân viên huy động vốn với mức cao hơn trần lãi suất 1-2%. Giám đốc chi nhánh NH này còn trực tiếp chỉ đạo cấp dưới của mình trả vượt thêm 1.8% cho khách hàng gửi tiết kiệm tức là 13.8%/năm thay vì 12%/năm theo quy định.

Một nhân viên của chi nhánh NH này còn cho biết, việc áp dụng lãi suất đen vượt trần trái quy định để câu khách thường xuyên diễn ra ở đây.

Cơn “sóng ngầm” vượt trần lãi suất giờ đã không còn là cảnh báo khi mà trên một số phương tiện thông tin đại chúng có thông tin liên quan tới vấn đề này. Thậm chí, theo một tờ báo điện tử thì, có cán bộ tại một NH được tăng trưởng tín dụng 15% cho hay, lãi suất huy động tiết kiệm cao nhất đang là 16% một năm với số tiền từ nửa tỉ đồng trở lên. Từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng, lãi thấp hơn khoảng 1-2%. Trong sổ tiết kiệm của khách hàng, lãi suất vẫn ghi 12% một năm. Còn lãi ngoài được thanh toán bằng tiền mặt với khách khi ký sổ.

Tuy nhiên, TS Cao Sỹ Kiêm – nguyên Thống đốc NHNN cho rằng: Hiện tượng lách trần lãi suất thường chỉ xảy ra ở các NH yếu kém, mất thanh khoản. Bởi những NH này không vay được vốn trên thị trường 2 do thiếu tín nhiệm, còn thị trường 1 là dân cư thì người gửi cũng không còn niềm tin. Do đó, muốn tồn tại và tiếp tục phát triển tín dụng, NH bắt buộc phải lách trần lãi suất. Nếu không kiểm soát cẩn thận lạm phát mà để lãi suất chỉ giảm trên danh nghĩa thì sớm muộn các NH lại tăng lãi suất huy động trở lại. Theo TS Kiêm, thời điểm này, khi CPI tăng thấp, việc đưa trần lãi suất về 12% là hợp lý. Song khi các NH không huy động được bằng lãi suất 12%, để cạnh tranh sẽ có đơn vị đẩy lãi suất lên cao.

Còn theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, trần lãi suất chỉ là một biện pháp hành chính, áp đặt. Mà đã là áp đặt, sẽ có người muốn lách qua. Do đó, mục tiêu trước mắt là phải có đủ chế tài mạnh để biện pháp hành chính phát huy tác dụng. NHNN sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát và vẫn khuyến khích các NH tự giám sát nhau.

Tuy nhiên, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng cho rằng, nếu như trước đây một số NH sợ mất thanh khoản nên huy động vốn bằng mọi giá để chống mất thanh khoản, không giảm thị phần. Nhưng với cách điều hành tiền tệ hiện nay của NHNN, NH nào vẫn tiếp tục theo đuổi huy động vượt trần mà lại không cho vay ra được sẽ không trụ được lâu, “không đổ vỡ về thanh khoản, cũng lỗ lớn. Chúng tôi đang tính đến lúc chín muồi sẽ tháo dỡ trần lãi suất huy động nếu tình hình cứ diễn biến tích cực như thời gian qua.

Chờ đợi và kỳ vọng

Quyết định điều chỉnh lãi suất huy động vốn của NHNN xuống 12% mặc dù được xem là khá sốc với thị trường NH nhưng khác với lần điều chỉnh trước đó, gần như ngay lập tức, thay vì cố tình trây ỳ nhằm hút thêm dòng tiền gửi thì hầu hết các NH đều nhanh chóng nhập cuộc. Tâm lý e ngại dòng vốn huy động sẽ giảm khi lãi suất huy động giảm đã được xóa bỏ. Thậm chí, theo thông tin được Thống đốc Nguyễn Văn Bình đưa ra tại một cuộc họp báo mới đây thì, lượng tiền gửi của các tổ chức tín dụng tại NHNN hiện đạt khoảng 60.000 tỉ đồng, cao hơn mức dự trữ bắt buộc là 15.000-20.000 tỉ đồng.

Lý giải cho điều này, bà Nguyễn Thị Mai Hương, Phó tổng giám đốc NH TMCP Đại dương (OceanBank) cho rằng: Nếu như trước đây, khách hàng thường lựa chọn phương án gửi tiền theo kỳ hạn ngắn và gửi vốn đồng thời tại nhiều NH để “lướt sóng lãi suất” thì nay, khi lộ trình hạ trần lãi suất được thực hiện nghiêm túc và quyết liệt, khách hàng sẽ có xu hướng cơ cấu lại dòng vốn hiện có theo hướng tập trung và gửi theo các kỳ hạn dài. Dòng tiền gửi tại OceanBank không hề có dấu hiệu suy giảm mà đang có chiều hướng tăng trong thời gian qua. Điều này có được là do OceanBank luôn tạo cung cấp cho khách hàng những dịch vụ có chất lượng tốt nhất.

“Chính phủ và NHNN đã có những căn cứ thực tiễn và xác đáng khi đưa ra quyết định hạ lãi suất xuống 12% trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô dần ổn định, lạm phát giảm. Điều này thể hiện ý chí, quyết tâm của Chính phủ và NHNN trong việc tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp về vốn, giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn cho sản xuất, kinh doanh và giải quyết được mục tiêu tăng trưởng GDP”, bà Hương nhấn mạnh.

Qua đó để thấy rằng, có thể trong ngắn hạn, lãi suất cho vay có thể chưa giảm được như kỳ vọng, nhưng khi mà dòng tiền đổ vào các NH không hề giảm, thậm chí có xu hướng tăng nếu các NH có chiến lượng kinh doanh tốt, đáp ứng được yêu cầu của khách hàng. Và đây cũng là tiền đề để các doanh nghiệp đang phải vất vả chống đỡ với chi phí vốn cao và hàng tồn kho lớn hoàn toàn có quyền hy vọng tiếp cận với dòng vốn giá rẻ. NH không thể cứ “nhận” mà không “cho”, vì nếu như vậy NH chắc chắn sẽ bị “bội thực”.

Và điều này đã được Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định: Từ đầu năm 2012 đến nay, thanh khoản hệ thống cải thiện nhưng tăng trưởng tín dụng lại rất thấp; các tổ chức tín dụng thừa tiền để đi mua trái phiếu Chính phủ, mua tín phiếu của NHNN, trong khi nếu họ cho vay ra được thì họ đâu có chịu lãi suất thấp của trái phiếu, tín phiếu, mà thu được lãi suất cao hơn.

Thanh Ngọc